Tập Cận Bình muốn quân đội Trung Cộng khống chế châu Á…

Trung Cộng diễn binh phô trương trong dịp lễ 70 kết thúc Đệ nhị Thế chiến tại Bắc Kinh, 03/09/2015. (Ảnh: REUTERS)

Trong bài viết “Dưới thời Tập Cận Bình, quân đội Trung Cộng được chắp cánh”, nhật báo Libération nhận xét: chống tham nhũng, tăng cường năng lực hải quân và không quân, Tập Cận Bình đặt quân đội trong tư thế sẵn sàng để khống chế khu vực và củng cố quyền lực của bản thân ông ta.
Thông tín viên của tờ báo tại châu Á, Arnaud Vaulerin mô tả, tất cả cái nhìn đều tập trung vào Tập Cận Bình trong bộ quân phục rằn ri, xung quanh là các sĩ quan cao cấp, tại trung tâm chỉ huy liên quân mới hôm thứ Năm tuần trước. Bộ máy tuyên truyền Trung Cộng rầm rộ đưa tin về sự kiện độc đáo này, nhấn mạnh rằng từ nay đất nước được “tổng tư lệnh” Tập Cận Bình lãnh đạo – một chức vụ chưa từng có từ trước đến nay.

Chưa bao giờ người đứng đầu Trung Cộng tập trung trong tay bằng ấy quyền lực: chủ tịch nước, tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, chủ tịch Quân ủy Trung ương. Còn nay thêm chức tổng tư lệnh liên quân, Tập Cận Bình có thể điểu khiển với bàn tay sắt những hoạt động của Giải phóng quân, tức quân đội Trung Cộng.

Đó là vì từ đầu năm nay đã có một loạt những thay đổi: chỉnh đốn các quân khu, xem xét lại chủ thuyết, hiện đại hóa trang thiết bị, truy quét tham nhũng…Ban lãnh đạo Trung Cộng phô bày tham vọng bá quyền tại một châu Á đang sôi sục. Tập Cận Bình, người chủ trương “đại nhảy vọt về quân sự” đã nêu ra “một quyết định chiến lược chủ chốt để thực hiện giấc mộng Trung Hoa của một quân đội hùng mạnh” từ nay đến năm 2020. Quân đội phải “chuẩn bị chiến đấu”“chiến thắng”.

Báo chí chính thức kể ra “những thử thách mới của Trung Cộng”: “chống khủng bố” ở miền Tây – có nghĩa là Tân Cương, nơi người Duy Ngô Nhĩ đang bị đàn áp, và “mối đe dọa” tại Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang vội vã quân sự hóa các rạn san hô. Hồi tháng Ba, thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường cũng cao giọng phụ họa, nhấn mạnh sự quan trọng “phải chuẩn bị một cách có kế hoạch cho đối đầu quân sự trên mọi lãnh vực”. Cho dù vừa loan báo chỉ tăng ngân sách quốc phòng có 7,6% so với năm ngoái là 10%, nhưng quân đội tiếp tục gia tăng sức mạnh.

Cải cách quân đội trên mọi phương diện

Trước hết là cải tổ sâu sắc cơ cấu. Tập Cận Bình đã giải thể bốn tổng cục của quân đội phụ trách hậu cần, vũ khí, tuyển mộ và chính trị. Quá độc lập và không kiểm soát được, những nơi hùng cứ này – mà cấp bậc được mua bán – nay đã bị nhập vào Quân ủy Trung ương do Tập Cận Bình làm chủ tịch. Trước đây có 15 ban, Quân ủy Trung ương giám sát các vấn đề chiến lược, quản lý nhân sự, thiết bị và chống tham nhũng. Là cánh tay vũ trang của đảng Cộng sản, Quân ủy sẽ tổ chức lại bảy quân khu thành năm “vùng chiến thuật”.

Tiếp đến, quân đội được chia làm nhiều nhánh. Bên cạnh lục quân, hải quân và không quân, còn lập thêm bộ tham mưu bộ binh và một đơn vị chiến tranh mạng. Đặc biệt là “lực lượng hoả tiễn”, phụ trách hỏa tiễn đạn đạo, được Tập Cận Bình giao nhiệm vụ phải là “trung tâm của răn đe chiến lược”.

Tập Cận Bình muốn tiến thật nhanh. Tháng 9/2015, ông ta loan báo từ nay đến 2017 sẽ giảm 300.000 người chủ yếu là dân sự, để quân đội hướng về đối đầu trên không và trên biển. Không quân đầu tư vào phi cơ tiêm kích, nhất là loại J-10 sản xuất trong nước, và các phi cơ ném bom tầm xa.

Hải quân cũng trên đường đua, với ba hạm đội liên tục tập dượt và hoạt động trong năm 2015. Sau khi mua của Ukraina hàng không mẫu hạm đầu tiên đặt tên Liêu Ninh, Bắc Kinh vào cuối năm ngoái loan báo đóng thêm chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai hoàn toàn “made in China”, và dự kiến thêm một hàng không mẫu hạm thứ ba. Nhà nghiên cứu Shinji Yamaguchi của Viện nghiên cứu Quốc phòng Tokyo nhận xét: “Trung Cộng đã mua thêm các khu trục hạm, chiến hạm kiểu mới, và từ 2005 đến 2014 đã tăng số lượng tàu ngầm từ 10 chiếc lên 45 chiếc. Một điều chưa từng thấy !”

Tham vọng khống chế Biển Đông và khu vực

Tìm kiếm tính chính danh, Tập Cận Bình trước hết muốn nắm chặt quân đội, phải “tuyệt đối trung thành” như ông ta tuyên bố hôm 21/4/2016. Ông Shinji Yamaguchi phân tích: “Một trong các mục đích hàng đầu là nắm trọn quyền lực. Tập đã làm tất cả để giải thể hệ thống cũ mà ông ta cho là không hiệu quả và tham nhũng, trao quyền hành lớn hơn cho đảng để kiểm soát quân đội”.

Nhưng không chỉ về chính trị, mà Tập Cận Bình còn muốn chứng tỏ ông ta biết cách “trang bị cho Trung Cộng một quân đội hiện đại và phản ứng nhanh” – theo một nhà ngoại giao quân sự châu Á. Quân đội phải cơ động hơn, sẵn sàng chiến đấu trên không và trên biển. Nhà ngoại giao này nói: “Lâu nay các đội quân được bố trí hướng về phía Nga và Mông Cổ để bảo vệ biên giới trên bộ. Thời kỳ đó đã qua rồi. “Người cầm lái vĩ đại”[Tập] nay cần một quân đội có thể phối hợp hải, lục, không quân”.

Hải cảng, phi đạo, giàn radar…Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhỏ, mặc cho Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan phản đối. Mới đây đô đốc Harry Harris, tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương nhận định: “Trung Cộng rốt cuộc sẽ kiểm soát được các tuyến đường biển và đường không” tại khu vực quan trọng này của thương mại quốc tế, với “5,300 tỉ đô la hàng hóa trong đó có 1,000 tỉ cung ứng cho Hoa Kỳ”.

Chuyên gia Shinji Yamaguchi nhận xét: “Bắc Kinh muốn Washington hiểu rằng từ nay Trung Cộng có khả năng tấn công mạnh, gây thiệt hại cho Mỹ. Họ đã sản xuất loại hỏa tiễn như DF-21D có thể bắn chìm hàng không mẫu hạm. Bắc Kinh khai triển lực lượng hỏa tiễn, rất thiết yếu để kiểm soát khu vực”.

Hiện 1.200 hỏa tiễn tầm ngắn đang hướng về Đài Loan, và Trung Cộng còn vươn ra ngoài biên giới, xây dựng một “căn cứ hậu cần hải quân” tại Djibouti. Nhà Trung Hoa học Jean-Pierre Cabestan ở Hồng Kông giải thích, không chỉ để bảo vệ các công dân và công ty Trung Cộng ở châu Phi, mà còn dự trù trường hợp phải di tản khỏi các khu vực chiến sự. Đây sẽ là phép thử cho quân đội viễn chinh Trung Quốc, đặc biệt là hải quân.

Mục tiêu: Đại hội Đảng năm 2017

Tập Cận Bình cần đến một quân đội thuần phục dưới chân mình để nhắm đến Đại hội Đảng lần thứ 19 vào năm tới, bởi vì quân đội Trung Cộng trước hết là cánh tay nối dài của Đảng Cộng Sản Trung Hoa, chứ không phải quân đội quốc gia. Đó là vai trò đã được Mao Trạch Đông ấn định từ năm 1927. Jean-Pierre Cabestan nhắc nhở: “Quân đội là chìa khóa cho sự sống sót của chế độ”.

Tập Cận Bình nhấn mạnh sự trung thành và truyền thống cách mạng, còn các quan chức dưới quyền ông tố cáo “các thế lực thù địch” với “những ý tưởng chính trị sai lạc”, kêu gọi quân đội “tái lập tinh thần quân sự”.

Từ ba năm qua, quân đội là một trong những đích nhắm của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”. Tướng Quách Bá Hùng (Guo Boxiong), nguyên phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, bị cánh chức và đang chờ ra tòa vì tham nhũng 10 triệu euro; tướng Từ Tài Hậu (Xu Caihou), người thân cận với Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, bị khai trừ khỏi Quân ủy. Hai tướng lãnh này bị nghi ngờ là muốn lật đổ Tập Cận Bình.

“Tổng tư lệnh liên quân” giờ đây hoàn toàn rảnh tay, để điều khiển một quân đội đã phô trương uy lực diễn binh trong dịp kỷ niệm chiến thắng trước Nhật Bản năm 1945.

Thụy My (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt