Tập Cận Bình “làm cho Trung Cộng thống trị thế giới trở lại”….giống như Trump “Make American Great Again”
Le Figaro hôm nay có bài viết mang tựa đề “Tập Cận Bình – Make China Greastest Again’’ (làm cho Trung Cộng vĩ đại nhất trở lại). Tác giả Nicolas Baverez nhận xét, Đại hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Cộng (ĐCSTQ) chắc chắn dành vòng nguyệt quế cho ông Tập Cận Bình. Khi biến mọi lực lượng đối lập thành con số không, tập trung mọi quyền bính vào tay mình, từ quân sự đến dân sự, ông Tập đã trở thành lãnh đạo Trung Cộng chuyên quyền nhất, kể từ thời Mao Trạch Đông đến nay.
Bỏ tù 10% ủy viên trung ương đảng, bành trướng trên Biển Đông
Việc không chỉ định ra người kế thừa sẽ mở ra cho Tập Cận Bình cánh cửa tại vị thêm nhiệm kỳ đến sau năm 2022. Tập đã kết thúc di sản của Đặng Tiểu Bình, kích hoạt hai cuộc cách mạng. Về đối nội, đó là việc quay lại với tôn sùng cá nhân, và sự toàn trị ngày càng ít mềm hơn. Về đối ngoại, đó là sự khẳng định một đại cường bành trướng trên toàn cầu, vào lúc sự lãnh đạo của Mỹ giảm sút dưới áp lực của chủ nghĩa dân túy và thái độ của ông Donald Trump.
Tuy vậy, sự cất cánh ngoạn mục của Trung Cộng trong thập niên 2010 chủ yếu là nhờ Hoa Kỳ xuống dốc, chứ không phải nhờ Trung Cộng hiện đại hóa. Và mục tiêu đưa Trung Cộng lên vị trí đại cường số một vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khó có thể đạt nổi. Cuộc cách mạng mà ông Tập Cận Bình tiến hành trong nhiệm kỳ đầu đã để lại những di chứng nặng nề.
Việc nắm lấy mọi định chế quyền lực đã phải trả bằng một cái giá đắt. Tập Cận Bình lợi dụng chiêu bài chống tham nhũng để thanh trừng những người trung thành với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã làm rúng động toàn bộ ĐCSTQ: 750.000 quan chức cán bộ cộng sản Tàu bị trừng phạt, 35.600 bị truy tố, và gần 10% trong số 205 ủy viên trung ương bị bỏ tù.
Ưu tiên cho tăng trưởng đã khiến việc tái cơ cấu 155.000 công ty quốc doanh phải ngưng lại, tín dụng đen nổi lên chiếm 80% GDP, và tỉ lệ nợ nần từ 150% năm 2007 đã tăng vọt lên đến 260% GDP. Chủ nghĩa mác-xít lại được đề cao, đàn áp những người đấu tranh nhân quyền và giới luật sư, công an giám sát các mạng xã hội (700 triệu dân Trung Cộng trao đổi với nhau qua WeChat) tạo ra tâm trạng bất mãn ngày càng tăng.
Sự bành trướng trên Biển Đông, thông qua việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhỏ ở vị trí chiến lược; và “Con đường tơ lụa mới” – một dạng chủ nghĩa thực dân mới – đã gây lo ngại cũng như phản ứng tại châu Á và châu Phi. Trong khi đó các nước phát triển phải vận dụng các biện pháp tự vệ trước cạnh tranh thương mại bất chính như việc phá giá thép, và việc Bắc Kinh tung tiền ra mua các công ty quan trọng về cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.
Thâu tóm mọi quyền lực, “hoàng đế đỏ” có thể làm hại cải cách
Ngược với người cha là Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun), bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông, phó thủ tướng rồi sau đó thành nạn nhân bị thanh trừng, Tập Cận Bình đã thâu tóm quyền lực trước khi tiến hành cải cách Trung Cộng. Nhưng ông Tập phải đối mặt với những thách thức lớn lao vào đầu nhiệm kỳ thứ hai. Theo Le Figaro, việc tập trung toàn bộ quyền hành trong tay hoàng đế đỏ và quay lại với chế độ toàn trị, có thể làm phương hại đến tiến trình cải cách đất nước.
Mô hình phát triển lâu nay của Trung Cộng không thể kéo dài, cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Trong khi đó việc chuyển đổi sang tăng trưởng từ dựa vào kỹ nghệ sang tiêu thụ và dịch vụ tỏ ra quá chậm chạp : tiêu thụ từ 35% GDP vào năm 2010, nay chỉ là 40%. Các hoạt động được thúc đẩy trở lại sau cơn khủng hoảng mùa hè 2015 và đầu 2016 là dựa vào sản xuất. Tình trạng sản xuất thừa trong ngành thép và nhôm không giảm bớt, còn sản xuất và tiêu thụ than đá lại tăng.
Tín dụng tăng lên, và nợ nần có thể đến 300% vào năm 2022, nuôi dưỡng quả bóng địa ốc. Tuy nhiên Tập Cận Bình vẫn dè dặt trong cải cách kinh tế: không tái cấu trúc lại những doanh nghiệp quốc doanh trong các lãnh vực chủ chốt, không mở cửa cho thương mại và tài chính ; nhưng lại siết chặt về chính trị.
Tờ báo kết luận, Trung Cộng có công luận của riêng mình. Việc phá vỡ thỏa thuận ngầm thời Đặng Tiểu Bình – lãnh đạo tập thể, chấm dứt các vụ thanh trừng lớn – đã gây ra nghi ngại trong nội bộ đảng Cộng Sản. Kinh tế và xã hội bị bóp nghẹt gây bất mãn. Trung Cộng đã phải trả giá cho chủ nghĩa bành trướng, gây ra một cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á, trong khi những khiêu khích của Bắc Triều Tiên đã thách thức Bắc Kinh đồng thời đưa Hoa Kỳ trở lại châu Á-Thái Bình Dương.
Trung Cộng của Tập Cận Bình hiện nay đang dấn tới mà không cần đeo mặt nạ. Giấc mơ Trung Hoa tuy vậy, tràn ngập những nghịch lý và căng thẳng.
Bình luận báo Pháp