Tập Cận Bình đổi mới chiến lược khống chế Á châu
Ngày 18/10/2017, đảng Cộng Sản Trung Hoa khai mạc Đại Hội thứ 19. Đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất của Hoa Lục. Đại hội này hợp thức hóa vai trò lãnh đạo tột đỉnh của Tập Cận Bình, tóm thâu tất cả quyền lực và mở đường cho nhiệm kỳ hai và có thể xa hơn nữa với một chiến lược rất lợi hại. Theo giới phân tích, châu Á phải dè chừng.
Trước thềm Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Hoa, hàng loạt quan chức cao cấp bị thanh trừng trong chiến dịch bài trừ tham nhũng. Danh sách những người sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí chiến lược – không được thông báo trước – sẽ được gần 2,300 đại biểu thuộc các cơ cấu địa phương và quân đội biểu quyết chấp thuận.
Theo nhận định của Carly Ramsay, một chuyên gia quốc tế ở Thượng Hải, Đại Hội lần này sẽ cho thấy quyền lực của Tập Cận Bình, một người rất sợ đối trọng, đã “to lớn đến mức độ nào”.
Ngay khi lên thay Hồ Cẩm Đào vào năm 2012, Tập Cận Bình nhanh chóng trực tiếp kiểm sóat quân đội. Với tư cách là chủ tịch quân ủy trung ương, Tập Cận Bình thường duyệt binh trên xe chỉ huy mui trần để khẳng định ở Trung Cộng ta là tổng tư lệnh tối cao.
Để trực tiếp kiểm sóat quân đội, Tập Cận Bình dẹp bỏ cấu trúc theo lối Liên Xô phân chia ban ngành phức tạp, để thống nhất thành một bộ tham mưu liên quân theo kiểu quân đội Tây phương.
Bước thứ hai là Tập Cận Bình tung chiến dịch bài trừ tham nhũng, cách chức tổng cộng 39 tướng tá, kể cả phó chủ tịch Quân ủy trung ương như Từ Tài Hậu, bị bắt quả tang buôn quan bán tước.
Theo nhà phân tích chính trị quốc tế Renaud Giraud của Le Figaro, những vị trí chỉ huy then chốt ngay lập tức được chủ tịch Trung Cộng bổ nhiệm người thân tín vào thay thế. Một trong những hệ quả của chính sách chống tham nhũng là dàn chỉ huy quân đội được “trẻ hóa” một cách ngoạn mục: trong số 300 đại biểu của quân đội tham dự Đại Hội Đảng lần thứ 19, thì tỷ lệ người mới lên đến 90%.
Chính sách cải tổ quân đội Trung Cộng được tiến hành song song với một chiến lược quân sự mới, ưu tiên phát triển hải quân. Trong số 3 triệu quân, Tập Cận Bình cho giải ngũ 600.000 nhưng không đụng đến Hải Quân mà còn bật đèn xanh đóng hàng không mẫu hạm thứ ba, để khống chế Biển Đông và Hoa Đông.
Để thực hiện mục tiêu này, Tập Cận Bình chứng tỏ là một chiến lược gia lợi hại. thay thế một loạt tướng lãnh có tiếng là “hữu dõng vô mưu”. Từ ba tháng nay, trên biển không xảy ra một “sự cố” nào với hải quân Mỹ, Nhật, Philippinnes hay Việt Nam. Bắc Kinh còn cỗ vũ cho một “quy tắc ứng xử” ở Biển Đông, với dụng ý làm quên đi phán quyết bất lợi của Toà Trọng Tài La Haye ngày 12/07/2016.
“Đục nước béo cò”
Hành động hung hăng của “đàn em” Bắc Hàn càng làm cho Trung Cộng giữ thái độ khiêm tốn tránh chọc giận TT Donald Trump. Thêm vào đó, Bắc kinh biết rõ, sự kiện Bình Nhưỡng đạt được tiến bộ nhanh chóng trong kỹ thuật công nghệ động cơ hoả tiễn và bom nguyên tử khiến Trung Cộng bị nghi ngờ có một phần đóng góp.
Trong bài “Trung Cộng canh tân chiến lược quân sự”, nhà phân tích Renaud Giraud lý giải thêm: Tuy lên án Bắc Triều Tiên chế bom hạt nhân nhưng trên thực tế Bắc Kinh ngầm đồng ý như đã từng ủng hộ Pakistan chế bom nguyên tử trước đây. Trong hồ sơ bán đảo Triều Tiên, Trung Cộng biết rằng về lâu về dài họ sẽ được lợi lớn. Bởi vì, cho dù Donald Trump có đe dọa trên Twitter nhưng sẽ không tấn công Bình Nhưỡng bằng quân sự.
“Bất chiến tự nhiên thành”
Chiến lược của Trung Cộng là “từng bước triển khai sức mạnh quân đội hiện đại hóa ra khắp địa bàn châu Á và chứng minh với các nước trong vùng là nước Mỹ chỉ là một con cọp giấy, sẵn sàng bỏ rơi đồng minh bất cứ lúc nào như đã đối xử với Nam Việt Nam vào năm 1975″.
Tôn Tử, chiến lược gia đầu tiên của Trung Hoa đã ghi trong chương “bất chiến tự nhiên thành“: hãy để cho các nước đối nghịch, vì sợ hãi, mà tự nạp mình xin đầu hàng.
Tú Anh (RFI)