Tân tổng thống Mỹ buộc phải đối diện với thực tế gai góc…

Cam kết táo tợn, kích động để kiếm tối đa phiếu bầu, trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, của ông Donald Trump khiến nhiều người lo ngại thế giới sắp bước vào một thời kỳ bất trắc, hết sức nguy hiểm. Giờ phút chấn động qua đi, các chuyên gia đặt câu hỏi: Tân tổng thống không hề có kinh nghiệm chính trị này sẽ làm gì trong các hồ sơ quốc tế gai góc ? Theo nhà chính trị học Thomas Gomart, Trump “không thể ngay lập tức thay đổi chiến lược đối ngoại của Hoa Kỳ”, ông sẽ phải đối diện với thực tế khắc nghiệt, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc và Nga.

Mục thảo luận của Le Figaro giới thiệu bài phân tích “Chính sách quốc tế: Gương mặt mới của tổng thống Trump” của giám đốc IFRI-Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp Thomas Gomart. Bài viết mở đầu với nhận định: “Có một sự tương phản kỳ lạ giữa những phát biểu bốc trời của ứng cử viên Trump và phát biểu đầu tiên của người vừa đắc cử tổng thống. Ông Trump đã tỏ ra thận trọng đến ngạc nhiên, khi ăn mừng chiến thắng, cứ như thể đã bắt đầu gánh vác những trách nhiệm nặng nề trong tương lai. Phải chăng chúng ta đang chứng kiến việc một kẻ theo chủ trương nước Mỹ biệt lập ngay lập tức biến mình thành một người thực dụng trong hành động ?”.

Câu trả lời của nhà nghiên cứu Pháp là “không chắc” ! Chính sách đối ngoại của tân tổng thống Mỹ sẽ phụ thuộc nhiều vào “thành phần của ê kíp lãnh đạo mới, cũng như các phản ứng quốc tế sau các quyết định đầu tiên của ông”. Thomas Gomart báo trước là “các tiếp xúc trực tiếp đầu tiên” với hai lãnh đạo Trung Quốc và Nga “sẽ mang tính chất quyết định”, “mọi bước đi sẽ sai phải trả giá”. Ông Trump, một người được bầu lên một cách dân chủ cho một nhiệm kỳ 4 năm, sẽ phải đối mặt với “hai lãnh đạo độc tài, rất tự tin và rất có kinh nghiệm trong các quan hệ quốc tế”.

Trong quá trình tranh cử, Donald Trump chủ trương “một cuộc chiến thương mại” với Trung Quốc và hòa giải với Nga. Theo tác giả, nếu hai hứa hẹn này được thực hiện, thì điều này sẽ “đảo lộn thế cân bằng chiến lược và thậm chí cấu trúc của hệ thống chính trị thế giới hiện nay”.

Chủ trương bành trướng quân sự của TQ và sách lược “chiến tranh hạn chế” của Nga

Tuy nhiên, về chính sách với Trung Quốc, nếu quá cứng rắn về kinh tế với Bắc Kinh, chính quyền Trump ngay lập tức sẽ bị trả đũa, tăng trưởng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chủ trương biệt lập của ông Trump sẽ để cho Trung Quốc rảnh tay gia tăng ảnh hưởng tại châu Á, mà đây không phải là quan điểm của các thế lực công nghiệp quân sự Hoa Kỳ. Bản thân, ông Trump, trong quá trình tranh cử cũng nhấn mạnh sẽ gia tăng chi phí quân sự để duy trì ưu thế với Trung Quốc.

Tóm lại, chiến lược của tân tổng thống Mỹ sẽ bị quy định bởi “mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung và mức độ bành trướng quân sự của Trung Quốc”.

Về quan hệ với Nga, Donald Trump được coi là có “nhiều không gian hành động”. Cho đến nay, để tỏ ra hoàn toàn khác biệt với đối thủ Hillary Clinton – được coi là có quan điểm hết cứng rắn với Nga, ông Trump nhấn mạnh đến chủ trương hòa giải.

Tuy nhiên, theo giám đốc IFRI, sau những tiếp xúc ngoại giao ban đầu, tân tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ nhận ra là nền tảng của chế độ chính trị hiện hành của nước Nga là “quan điểm chống Mỹ sâu sắc”, và chủ trương của Moskva là sử dụng chiến thuật “chiến tranh hạn chế” như một biện pháp chính để khẳng định vị thế của Nga, trong bối cảnh Moskva “đang trong chu kỳ mở rộng can thiệp ra bên ngoài, đúng vào thời điểm phương Tây, mà đứng đầu là Hoa Kỳ, đang trong giai đoạn tự chế”.

Tác giả kết luận: Trong hiện tại, “các quan hệ giữa Mỹ và Nga có thể cải thiện nhanh chóng, nhưng cũng hoàn toàn có thể xấu đi một cách nhanh chóng. Và châu Âu phải hiểu rõ điều này để gia tăng khả năng tự chủ về chiến lược”.

Châu Âu phải khẳng định vị trí số 1

Về chủ đề này, xã luận Le Monde có bài: “Đối mặt với thách thức mang tên Trump, cần khẳng định quan điểm ‘‘châu Âu số một’” (để đối lại quan điểm America first của Trump). Với tình trạng đảo lộn về chính trị hiện nay tại Mỹ, “câu trả lời duy nhất có thể trong giai đoạn này, đó là châu Âu phải đoàn kết”. Theo Le Monde, với gần 500 triệu dân và 22% GDP toàn cầu, châu Âu chỉ đứng sau Hoa Kỳ về kinh tế. Một châu Âu thống nhất, trong thời gian gần đây, từng mang lại nhiều chiến thắng trong các tranh chấp với Mỹ, ví dụ như trong lĩnh vực thuế quan hay trong các vụ kiện tụng nhắm vào các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.

Châu Âu phải tiếp tục khẳng định là quê hương của các giá trị dân chủ – nhân quyền, đây là những điều mà thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đều nhấn mạnh sau khi ông Trump đắc cử, trong tình trạng tân tổng thống Mỹ có xu hướng không còn coi đây là một lĩnh vực ưu tiên. Một điểm cuối cùng nữa là, châu Âu cũng cần phải tính đến việc tự bảo đảm về an ninh, quốc phòng.

Mỹ: Cuộc chuyển giao căng thẳng

Trở lại với tình hình nước Mỹ, bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực, Le Figaro có bài xã luận, “Nếu Tocqueville sống lại…”, phác họa không khí chung. Hai ngày sau không khí sôi sục của “thuốc súng và thùng phiếu”, là một cảnh tượng không thể tin nổi, khi tổng thống mãn nhiệm Obama tiếp người đắc cử tại Nhà Trắng, người mà mới đây còn bị gọi là “mối đe dọa đối với nền dân chủ”.

Cảnh tượng hai phu nhân bình yên uống trà dường như tiêu biểu cho một đất nước đã tìm thấy lại sự bình yên, một nền dân chủ thể hiện rõ sự dẻo dai. Dường như “hiện tượng Trump gây hỗn loạn (trong tranh cử) nay đã trở thành chuyện bình thường”.

Sự thay đổi ngoạn mục này có thể nói gắn liền với “định chế chính trị“, và “chủ nghĩa thực dụng Mỹ“. Tuy nhiên, Le Figaro nhận xét: đằng sau cảnh tượng bình yên bề mặt này là, một viễn cảnh thay đổi lớn, bởi tân tổng thống Mỹ là người muốn “chấm dứt nền chính trị truyền thống”.

Le Figaro dự báo cuộc chuyển giao quyền lực “sẽ căng thẳng hiếm thấy”. Tại nhiều thành phố lớn trên khắp nước Mỹ, giới trẻ tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối chủ nhân mới của Nhà Trắng, cho thấy họ không chấp nhận việc quyền lực được giao phó một cách bình yên cho tân tổng thống.

Hy vọng ông Trump sẽ “thực tế

Một ẩn số lớn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực là thái độ của phe Cộng Hòa, hiện đã nắm trọn cả lưỡng viện Quốc Hội. Theo Le Figaro, điều này phụ thuộc nhiều vào thái độ của ông Trump trong những ngày tới. Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ phải tìm cách “thu hút các nhân vật tài năng trong đảng Cộng Hòa để có thể lãnh đạo đất nước”. Cựu lãnh đạo Hạ Viện Mỹ Newt Gingrich – người được hứa hẹn sẽ có một chức vụ quan trọng trong chính phủ mới – bày tỏ hy vọng ông Trump “cần hiểu rằng ông đang gánh vác vận mạng của nước Mỹ – và ở một mức độ nhất định – của toàn thế giới, trên vai mình”.

Báo kinh tế Les Echos, trong bài “Bộ mặt thật của nước Mỹ”, nhận xét: hiện tại các lãnh đạo trên toàn thế giới chỉ còn biết bám vào hy vọng duy nhất: Tân tổng thống Mỹ sẽ tỏ ra là “một con người thực tế”, khác hẳn với ấn tượng từ đầu đến giờ của một con người nổi tiếng “phân biệt chủng tộc, dân túy, gia trưởng, hung hãn và hết sức bất thường”.

Truyền thông Mỹ sám hối

Chiến thắng của Donald Trump để lại một dư vị hết sức cay đắng đối với các tập đoàn truyền thông hàng đầu nước Mỹ. Theo Le Figaro, ngay sau cuộc bầu cử “Giới truyền thông Mỹ đã sám hối vì đã dự đoán sai”. Truyền thông Mỹ nhận ra rằng họ đã đánh giá thấp sự phẫn nộ của người dân Mỹ.

Le Figaro điểm lại, trong số hàng trăm nhật báo được coi là lớn của nước Mỹ, có đến 57 báo kêu gọi bầu cho ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton, ngược lại, chỉ có hai tờ “dám” ủng hộ Donald Trump (đó là hai báo ít có ảnh hưởng, Review Journal của Las Vegas và Florida Times Union của thành phố Jackson).

Chuyên gia về truyền thông Mỹ Jim Rutenberg khẳng định, sự mù quáng đã từng khiến truyền thông Mỹ không dự đoán được chiến thắng của phe Cộng Hòa trong hai cuộc bầu cử nghị viện, năm 2010 và 2014. Chuyên gia này cũng dẫn lại quan điểm của nhà báo Rod Dreher: “Đa số các nhà báo không ý thức được mức độ kỳ thị trong các lời lẽ của họ nhắm vào đức tin của những người thuộc phe bảo thủ, những người dân nông thôn, các nhóm xã hội yếu thế hay người da trắng nghèo”. 

Uy tín của truyền thông Mỹ vốn đã hết sức thấp trong dân chúng. 72% người Mỹ cho rằng “báo chí quan tâm đến việc kiếm tiền hơn là nói lên sự thật”, theo thăm dò dư luận của Reuters với IPSOS (cơ quan điều tra  Pháp) vào đúng hôm bầu cử. Bị bỏ rơi, dân Mỹ đổ xô vào các mạng xã hội để tìm kiếm thông tin, và để bày tỏ thái độ chống lại giới tinh hoa. Hàng triệu người Mỹ thường bầu cho “một nhân vật ngoài hệ thống nào đó” để chống lại hệ thống hiện hành.

Le Monde tìm cách rút ra kinh nghiệm cho nước Pháp với bài “Các nhà thăm dò dư luận Pháp trước cú sốc Mỹ”. Theo Le Monde, Pháp cũng đã từng trải qua một kinh nghiệm tương tự, với cuộc bầu cử tổng thống 2002, khi không dự đoán được việc ứng cử viên cực hữu lọt vào vòng hai.

Trump có thể biến thỏa thuận Khí hậu thành “chiếc vỏ rỗng

Một trong những điểm gây lo ngại nhất trong chính sách quốc tế của tân tổng thống Mỹ là vấn đề khí hậu. Báo thiên tả Libération, trong bài “Ông Trump, người điều hành cả một chương trình hành động lớn”, nhấn mạnh đến môi trường như là trọng điểm số một trong chính sách tương lai của tổng thống Mỹ.

Ứng cử viên Trump phủ nhận việc Trái đất bị hâm nóng do hoạt động của con người, và cam kết sẽ ưu tiên các năng lượng hóa thạch. Libération dự đoán những gì ông Trump có thể làm với tư cách tổng thống, với vẻ không chút nào lạc quan. Nếu tân tổng thống Mỹ quyết định không tuân thủ các cam kết COP 21, thì cho dù thỏa thuận này không bị phá bỏ ngay lập tức, nhưng cũng có thể tạo một hiệu ứng dây chuyền, khiến nhiều nước khác theo gót. Và như vậy, thỏa thuận COP 21 rất có thể sẽ chỉ còn là một “chiếc vỏ rỗng ruột”.

Về phản ứng của cộng đồng quốc tế, theo lãnh đạo WWF Quỹ Bảo Vệ Thiên Nhiên Pháp, phản ứng của Trung Quốc sẽ là rất quan trọng, “nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi các cam kết về khí hậu, và không chấp nhận theo đuôi Mỹ, thì đây sẽ là một tín hiệu rất mạnh”. Bên cạnh đó, tại Hoa Kỳ, cũng có nhiều tiểu bang đã rất dứt khoát đi theo con đường chuyển đổi sang năng lượng Xanh, đi đầu là California, với cam kết 50% năng lượng Xanh vào năm 2030 (theo Le Figaro). Nhiều hiệp hội tại Mỹ, như 350.org, tuyên bố sẽ “cương quyết hành động để bảo vệ các thành tựu trong lĩnh vực này, và sẽ tiếp tục có các biện pháp táo bạo khác”.

Về thái độ của Trung Quốc, Le Figaro dẫn lời trưởng đoàn đàm phán về khí hậu Trung Quốc, cảnh báo nếu chính quyền Mỹ đi ngược lại các cam kết, họ “sẽ không được dân chúng ủng hộ, và nền kinh tế và tiến bộ xã hội của đất nước cũng bị ảnh hưởng”.

Vẫn về vấn đề khí hậu, Le Monde dẫn một nghiên cứu vừa được Tổ chức Khí Tượng Thế Giới (OMM) công bố hôm 8/11, nhân dịp khai mạc COP 22. Báo cáo khẳng định “các hiện tượng thời tiết cực đoan” có liên hệ chặt chẽ với việc Trái đất bị hâm nóng. 

Trọng Thành (Điểm báo Pháp)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt