Tân Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken: Tương lai chính sách của Mỹ đối với Trung Cộng
Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm Tiến Sĩ Antony Blinken vào chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao là điều không lấy gì ngạc nhiên đối với chính quyền của đảng Dân Chủ. Vì ông Blinken phục vụ trong các chính quyền của đảng Dân Chủ lâu năm, từng là Phó Cố Vấn An Ninh Quốc Gia (2013-2015), Thứ Trưởng Ngoại Giao (2015-2017) dưới thời Obama. Trước đó, ông Blinken còn là thành viên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (1994-2001) dưới thời Clinton. Ngoài ra ông Blinken đã phục vụ trong cơ quan thiết lập chính sách đối ngoại nhiều năm.
Với kinh nghiệm dày dặn về an ninh quốc gia và đối ngoại có giúp cho ông vạch ra một chính sách hữu hiệu đối với Trung Cộng trước một giai đoạn bang giao Mỹ-Trung rất căng thẳng và phức tạp như hiện nay không?
Khi đối chiếu những quan điểm đối ngoại của Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan với chủ trương đối ngoại của ông Blinken thì thấy có những điểm tương đồng, như dựa trên các yếu tố xây dựng liên minh, dùng sức mạnh liên minh để đối đầu với Trung Cộng, cũng như những chính sách về thương mại và thuế quan đối với Trung Cộng.
1) Antony Blinken: Bảo vệ liên minh của Hoa Kỳ
Khi nói đến quan điểm các nước liên minh với Hoa Kỳ theo báo New York Times mô tả thì ông Blinken là “người bảo vệ các liên minh toàn cầu”, như vậy ông Blinken không chấp nhận chính sách ngoại giao dựa trên “American First” của TT Trump. Ông cho rằng chính sách “American First” là rút lui đối với các liên minh Hoa Kỳ.
Khi TT Trump mới lên nhậm chức vào năm 2017, ông Blinken lưu ý rằng “thế giới không thể tự tổ chức”, lời phát biểu đó gián tiếp chỉ trích chính sách của TT Trump chuyển hướng ngoại giao rời khỏi hợp tác đa phương, rút lui các định chế toàn cầu… Ông lập luận rằng “trong trường hợp không có mặt nước Mỹ can dự để sử dụng sức mạnh ngoại giao của mình, thì các nước khác sẽ thiết lập chương trình nghị sự, định hình các quy tắc và chi phối các thể chế quốc tế. Như thế sẽ không theo lợi ích hoặc giá trị của Mỹ”.
Do đó, ông Blinken muốn quay trở lại chủ nghĩa đa phương, tái gia nhập Hiệp Định Khí Hậu Paris, quay lại Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) là việc làm đầu tiên. Và đúng như vậy, TT Biden đã ký sắc lệnh hành pháp trở lại hai định chế Liên Hiệp Quốc này.
Với ông Blinken, ngoại giao không thể để một khoảng trống nào trên thế giới mà không có mặt của Mỹ. Ông cũng lo lắng nếu vắng bóng Mỹ thì Trung Cộng sẽ lên ngôi và thiết lập chương trình nghị sự quốc tế theo định hướng của Bắc Kinh.
Antony Blinken rất lo ngại rằng Trung Cộng đang xây dựng một mô hình thay thế cho hệ thống quốc tế hiện nay dựa trên quyền lực mềm và chuỗi cung ứng “lợi hại” của nó. Muốn chiến thắng Trung Cộng, Mỹ không tự đóng cửa, bỏ ngỏ sân chơi cho những nước tham vọng bá quyền tự vạch hướng đi của họ.
2) Antony Blinken: Chính sách thương mại và thuế quan:
Trái ngược với chính sách của TT Trump dùng thương mại và thuế quan để đối đầu với Trung Cộng, đường lối đối ngoại của Blinken là phục hồi và tận dụng các liên minh của Mỹ tạo thế thượng phong để gây áp lực với Trung Cộng. Do đó cần thiết tăng cường quan hệ với các liên minh châu Âu (EU), siết chặt quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và các nước đối tác của Mỹ để cạnh tranh với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh.
Dường như ông Blinken ít phản ảnh mô thức sử dụng vũ lực để giải quyết mà đặt trọng tâm vào việc thu hút các liên minh rời khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng, để cùng nhau tạo thành thế bao vây quốc tế làm cho cho Trung Cộng suy yếu và mất dần ảnh hưởng về chính trị và kinh tế trên thế giới.
Có thể dưới thời ông Blinken nắm quyền lãnh đạo, về phương diện thuế quan, nền ngoại giao Blinken vẫn giữ một số điểm trùng hợp với chính quyền Trump về mặt đánh thuế. Dù rằng trước đó ông Blinken đã chỉ trích chính sách thuế quan của Tổng thống Trump là “cứng rắn giả tạo”, “tác hại cho người dân Mỹ”. Thế nhưng ông cũng sẵn sàng sử dụng thuế quan phối hợp với các liên minh của Mỹ. Đối với ông Blinken, thuế quan dùng để trừng phạt Trung Cộng vì những vi phạm thương mại, chứ không phải đánh lên hàng loạt các mặt hàng. Về luật thương mại ông Blinken nói rằng bộ Ngoại Giao và Thương Mại sẽ “mạnh tay thực thi luật thương mại của Mỹ với nước ngoài, đặc biệt là Trung Cộng”.
Chính sách thương mại đặt trên nguyên tắc đa phương bằng cách xây dựng liên minh cùng nhau đối phó với Trung cộng, trái ngược với chủ trương đơn phương trước đây.
Trên tầm nhìn này, ông Blinken cho rằng với các nước liên minh của Mỹ có thể áp đặt thuế của riêng mình đối với Trung Cộng. Làm như vậy Mỹ sẽ ngăn Trung Cộng tìm kiếm các đối tác thương mại để thay thế thị trường Hoa Kỳ khi bị trừng phạt.
Về Tổ chức Thương Mại Thế Giới (WTO) là một diễn đàn bổ sung cho chính sách thuế quan của Mỹ. Đồng thời WTO cũng là nơi tạo điều kiện cho việc thực hành thương mại cân bằng.
3) Antony Blinken: Đặt lại mối quan hệ với Trung Cộng
Cho dù với lập trường cứng rắn chống lại các vi phạm thương mại của Trung Cộng, ông Blinken cũng không từ bỏ “thiết lập lại” quan hệ ngoại giao với Trung Cộng. Về điểm này, ông Blinken không thiết lập lại giống như trong quá khứ, mà thiết lập lại muốn có hiệu quả. Muốn vậy, đòi hỏi một lực lượng liên minh với Mỹ có tổng số GDP từ 50-60% trên thế giới, thì Mỹ và các liên minh có thể dùng sức mạnh kinh tế đó làm đòn bẩy thiết lập lại quan hệ với Trung Cộng theo điều kiện của Mỹ.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ không chủ trương hoàn toàn “tách rời”các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Cộng, vì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phụ thuộc và đan xen lẫn nhau. Ông cho rằng bước đầu tiên sẽ làm việc với các liên minh để bảo đảm có chung lập trường thống nhất với nhau về việc chuyển giao kỹ thuật công nghệ và áp dụng đúng mức luật công bằng thương mại với Tung Cộng.
Về liên minh, ông cho rằng chính sách ngoại giao của TT Trump bốn năm qua đã làm cho các nước đồng minh có kế hoạch đề phòng và chuẩn bị của họ một kế hoạch ngoại giao trong tình hình một thế giới không có ảnh hưởng của Mỹ. Cho nên các nước liên minh đã đi tìm đối tượng riêng và họ nhìn Trung Cộng như một đối tượng để hợp tác (ví dụ như các nước EU).
Ông Blinken cho rằng với tư cách là bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, ông sẽ coi Trung Cộng như một kẻ thách thức chiến lược đồng thời tìm mối quan hệ hợp tác với nước có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới.
4) Kết:
Cố vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan và Bộ Trưởng Ngoại Giao Antony Blinken là hai kiến trúc sư của ngành ngoại giao của Tòa Bạch Ốc trong 4 năm tới. Hai nhận vật trụ cột này có một quan niệm giống nhau về đối sách với Trung Cộng: xây dựng liên minh chống Trung Cộng và “chăn gối” với kẻ thù.
Thứ nhất: cả hai tin rằng dựng một liên minh tin cậy có lập trường chung để tạo sức ép lên Trung Cộng, buộc Trung Cộng phải tuân theo luật chơi thế giới. Liên minh gồm các nước có sức mạnh kinh tế với tổng sản lượng quốc gia GDP chừng 50-60% của thế giới. Theo tài liệu ở phần chú thích (1), thì GDP thế giới chừng 80 ngàn tỉ USD. Trong đó, 10 nước có GDP lớn nhất là Mỹ (19,485 tỉ), Trung Cộng (12,2375 tỉ) , Nhật (4,872 tỉ), Đức (3,963 tỉ), Ấn Độ (2,650 tỉ), Anh (2,637 tỉ), Pháp (2,582 tỉ), Brazil (2053 tỉ), Ý (1,943 tỉ) và Canada (1,647 tỉ). Trừ Trung Cộng ra, 9 nước còn lại tạm gọi là liên minh với Mỹ đã có tổng số GDP là 40,300 tỉ USD tức trên 50% yêu cầu của ông Blinken.
Như vậy liên minh này không khó tìm, nó nằm trong tầm với của Mỹ, vấn đề đặt ra là ông Blinken có khả năng vận động liên minh này “đồng hội, đồng thuyền”, theo “tiền hô hậu ủng với Mỹ” để cùng nhau quyết tâm đối đầu với Trung Cộng hay không? Hay như nước Ý đã từng xé rào khối G7 để gia nhập sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Bắc Kinh trước đây đã làm cho Mỹ hụt hẫng.
Thứ hai: Chủ trương “chăn gối với kẻ thù”: ông Sullivan cho rằng “một sự cam kết mang lại những thay đổi hệ thống chính trị của Trung Cộng là lạc quan quá mức”. Như vậy là ông không nghĩ đến giải pháp giải thể chế độ cộng sản tại Trung Cộng hoặc tìm cách chuyển hóa Bắc Kinh theo chế độ Dân Chủ. Thay vào đó ông Sullivan đề nghị “một sự cam kết hướng tới việc tạo điều kiện cho sự sống chung với Trung Cộng”. Ông Blinken cũng có suy nghĩ gần như Sullivan “không chủ trương hoàn toàn tách rời các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Cộng, vì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phụ thuộc và đan xen lẫn nhau”. Nói nôn na Mỹ không thể tách rời Trung Cộng.
Đến đây chúng ta có thể suy ra rằng chính quyền Biden trong tương lai sẽ “chăn gối với kẻ thù” – vừa hợp tác vừa đấu tranh.
Dù cả Sullivan và Blinken đều cho rằng “sự chăng gối” này cần phải nhìn trước ngó sau để kiềm chế đối tượng. Hai ông đừng quên rằng Trung Cộng là bậc thầy “tam thập lục kế” do Tôn Tử vạch ra. Họ xảo trá khôn lường, lường gạc tinh xảo, tham lam vô độ, độc ác thậm tệ… Liệu rằng ông Sullivan và Blinken có khả năng ứng phó hay không? Hay bị cho đi cửa hậu máy bay như thời TT Barack Obama?
Chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Trung Cộng hết sức quan trọng cho nền an ninh của Mỹ và thế giới, trong đó có Việt Nam. Đối đầu với chế độ độc tài cộng sản cần phải thấu rõ bản chất của cộng sản, cần có thái độ dứt khoát và quyết đoán dựa trên sức mạnh và chính nghĩa. Có một điều chắc chắn từ Lê Nin đến nay, nếu thế giới tự do dân chủ lơ là thì cộng sản tìm cơ hội trỗi dậy và vươn lên như Trung Cộng là cụ thể. Chăn gối với Trung Cộng là con dao hai lưỡi “lợi bất cập hại”!
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Chú thích:
(1) https://www.worldometers.info/gdp/#top20,
Tài liệu tham khảo:
https://www.aljazeera.com/news/2020/11/23/biden-to-nominate-antony-blinken-as-us-secretary-of-state
https://www.nytimes.com/2020/11/23/business/dealbook/biden-blinken-state-html
https://www.bloomberg.com/news/articles/2020-07-31/containing-china-starts-with-fixing-alliances-biden-aide-says
https://www.politico.com/news/2020/09/22/biden-tariffs-adviser-420096
https://www.reuters.com/article/us-usa-trade-china-biden/biden-adviser-says-unrealistic-to-fully-decouple-from-china-idUSKCN26D1SM