Tấn công Bắc Triều Tiên: Chiến thắng quân sự có thể thành ”cạm bẫy”
Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày mai, 19/09/2017, với các diễn văn được trông đợi của tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp; mô hình Đức với những điểm mạnh yếu, trong tình hình cử tri bầu Quốc Hội mới cuối tuần này là các chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay. Nhưng trước hết, xin giới thiệu bài phân tích tích “Những kịch bản của một cuộc chiến ‘‘mới’’ trên bán đảo Triều Tiên” của nhà báo Philippe Pons trên tờ Le Monde, vào lúc dường như không có dấu hiệu gì cho thấy trừng phạt quốc tế làm thay đổi mục tiêu hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Phản ứng của Bắc Hàn ngay sau loạt trừng phạt mới của Hội Đồng Bảo An, với vụ bắn thử tên lửa xuyên qua không phận Nhật Bản, ngày 15/08, cho thấy Hoa Kỳ phải tính đến các biện pháp mạnh hơn. Washington tuyên bố: “Mọi biện pháp đều đang được bàn tính”. “Đụng độ quân sự” Mỹ – Bắc Hàn có thể xảy ra, theo nhận định của cựu thứ trưởng Ngoại Giao Nhật Bản, ông Hitoshi Tanaka, người từng đàm phán cho thủ tướng Nhật công du Bắc Hàn năm 2002.
Trước viễn cảnh này, nhà báo Philippe Pons lưu ý đến một điều trớ trêu là một cuộc chiến như vậy, nếu có xảy ra, thì thật ra không phải là “mới”, bởi cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 trên thực tế chỉ được ngưng lại, với một thỏa thuận hòa bình tạm thời. Để có một cuộc chiến mới, thì cần phải “kết thúc cuộc chiến cũ”.
Thêm vào đó, để mở ra một cuộc can thiệp quân sự chống chế độ Bình Nhưỡng, Hoa Kỳ đang đứng trước nhiều trở ngại. Theo tờ Global Times (Hoàn cầu thời báo) – một tờ báo chính thống của đảng Cộng Sản Trung Quốc – khẳng định Bắc Kinh sẽ không can thiệp, nếu Bình Nhưỡng tấn công trước, ngược lại sẽ không khoanh tay trong trường hợp ngược lại. Nước Nga láng giềng, trước nguy cơ hỗn loạn tại Bắc Hàn, cũng sẽ không ngồi im. Về phần mình, chính quyền Nam Hàn tuyên bố Seoul phải có tiếng nói quyết định trong bất cứ một dự án can thiệp quân sự nào.
Bên cạnh đó, nhà báo Le Monde cũng lưu ý một điều là, nếu như kết cục của một cuộc chiến Mỹ-Bắc Hàn có thể dễ dàng đoán trước, theo “tương quan sức mạnh”, thế nhưng kinh nghiệm cho thấy “chiến thắng về quân sự có thể trở thành một chiếc bẫy đối với bên chiến thắng”, như trường hợp Iraq và Afghanistan. Bắc Hàn rất có nguy cơ trở thành như vậy, do người dân Bắc Hàn vốn “thống nhất về mặt văn hóa và sắc tộc”, lại liên tục sống trong một bầu không khí tuyên truyền về một đất nước bị vây hãm, cự tuyệt mọi can thiệp bên ngoài.
Can thiệp quân sự để ủng hộ cho các thay đổi bên trong là điều khó xảy ra. Hy vọng về “một Mùa Xuân Ả Rập” tại Bắc Hàn là viễn cảnh gần như không thể có, do mọi phản kháng đều bị bóp nghẹt ngay từ đầu; giới tinh hoa trong xã hội, do tin tưởng hoặc do sợ hãi, trong hiện tại tỏ ra hết sức trung thành với chế độ.
Hai bí ẩn lớn
Khép lại bài viết, Philippe Pons lưu ý đến hai hệ quả khác, mà ông gọi là “hai bí ẩn lớn”, cần phải tính kỹ, nếu Hoa Kỳ muốn can thiệp quân sự. Thứ nhất là, trong trường hợp Kim Jong Un bị lật đổ, ai sẽ có thể cầm đầu một xã hội như Bắc Hàn ? Rất nhiều khả năng đó sẽ là một nhân vật dân tộc chủ nghĩa thậm chí còn cuồng nhiệt hơn.
Bí ẩn thứ hai, nếu như chế độ Bắc Hàn sụp đổ, thì vũ khí hạt nhân sẽ rơi vào tay ai? Viễn cảnh bí mật hạt nhân lọt ra bên ngoài là điều nhãn tiền… Tác giả nhấn mạnh là, với “trường hợp phức tạp Bắc Hàn”, cần phải suy tính rất kỹ lưỡng trước khi dấn bước vào một cuộc phiêu lưu, có thể dẫn đến một tình hình rắc rối hơn nhiều so với hiện nay.
Cải cách LHQ dưới áp lực của Donald Trump
Bắc Hàn chắn chắn sẽ lại một chủ đề chính tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ). Nhưng cộng đồng quốc tế hiện tại đang phải đối mặt với áp lực “cải tổ sâu sắc” Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ thúc đẩy. Le Figaro giới thiệu với độc giả về cuộc “tiểu thượng đỉnh” về cải cách, được tổ chức hôm nay, tại New York, do Mỹ chủ trì. 120 quốc gia tham gia sáng kiến của Mỹ dự kiến sẽ ký kết một tuyên bố chung 10 điểm, ủng hộ cải cách.
Hoa Kỳ đóng góp 10 tỉ Đô la/năm, tương đương 25% ngân sách Liên Hiệp Quốc, 28% chi phí cho lực lượng gìn giữ hòa bình, 40% của các tổ chức Cao Ủy Tị Nạn, Chương Trình Lương Thực Thế Giới (PAM) và Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (OIM). Để không bị mất nguồn tài chính quan trọng này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres sốt sắng ủng hộ dự án cải cách của tổng thống Mỹ. Bản thân ông Guterres cũng là người từ lâu đã ủng hộ một cuộc cải cách sâu rộng nhiều định chế của Liên Hiệp Quốc, mà ông cho rằng cồng kềnh, thiếu hiệu quả, tốn kém.
Khó hy vọng tổng thống Mỹ có một tầm nhìn toàn cầu
Tuy nhiên, xã luận Le Figaro tỏ ra hết sức nghi ngờ về khả năng tổng thống Mỹ Donald Trump đưa được một tầm nhìn toàn cầu, bởi phong cách của ông Trump vốn là phản ứng theo từng vụ việc. Donald Trump từng hứa “một xáo trộn lớn, nhưng điều đó đã không xảy ra…Về hàng loạt chủ đề như NATO, Nga, Syria hay Trung Quốc, ông Trump thường đưa những tuyên bố vừa mạnh mẽ, vừa trái ngược. Và trên thực tế, rất ít hiệu quả. Chưa kể đến vấn đề Bắc Hàn, sự bất lực của nước Mỹ là hiển hiện. Nhìn chung, tổng thống Mỹ đưa rất nhiều bất ổn vào hệ thống”.
Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý là thực tế này cũng có mặt tích cực, đó là để ngỏ những không gian mới cho các đối tác khác thử nghiệm những hướng đi mới, ví như tổng thống Pháp.
Về Liên Hiệp Quốc, Les Echos dành sự chú ý cho ba nhân vật mới “Trump, Macron và Guterres”. Theo tờ báo kinh tế Pháp, nếu như tổng thống Pháp Emmanuel Macron có được một hình ảnh tốt trong con mắt của cộng đồng quốc tế, thì tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một cuộc chơi khó khăn tại Liên Hiệp Quốc.
Liên Hiệp Quốc vẫn là “câu lạc bộ” không thể thay thế
Với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, chống lại quan điểm hợp tác đa phương, ông Trump đang có nguy cơ bị cô lập trong một loạt hồ sơ, trước hết trong vấn đề khí hậu, mà Hoa Kỳ đe dọa rút khỏi. Chính bản thân Liên Hiệp Quốc cũng bị ông Trump đe dọa tẩy chay, khi gọi đây là một “câu lạc bộ để những kẻ rỗi hơi tập hợp, ba hoa”.
Tuy nhiên, theo xã luận của báo Công Giáo La Croix, “Liên Hiệp Quốc (là) ‘‘một câu lạc bộ’’ không thể thay thế được”. Hiển nhiên, “có nhiều lý do để nghi ngờ về tính có ích” của định chế quốc tế này, “nhưng cùng lúc đó, cũng cần đặt câu hỏi, làm thế nào có thể không có nó”. Chắc chắn là phải đấu tranh chống lại tệ quan liêu ở đây, nhưng cùng lúc đó, cần phải tiếp tục sứ mệnh cơ bản của Liên Hiệp Quốc, nơi cộng đồng quốc tế phối hợp vì “lợi ích chung của nhân loại” (như một thông điệp của giáo hoàng Phanxicô).
La Croix, trong bài “tại LHQ, tương lai của quan điểm hợp tác đa phương là tâm điểm thảo luận”, đặt câu hỏi liệu tổng thống Pháp Emmanuel Macron có sử dụng được dịp này để khẳng định viễn kiến riêng của ông về những vấn đề hệ trọng của nhân loại: “Khí hậu, hòa bình, các quyền tự do căn bản, văn hóa và giáo dục”.
Điểm báo Pháp
(bài dùng tham luận, không phải quan điểm của trang nhà vietquoc.org)