Tại Việt Nam: Những hậu quả do tham nhũng giáo dục gây nên

Tham những giáo dục: Hậu quả của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo vì họ không có cơ hội được hưởng sự giáo dục hoặc nếu có thì sẽ là giáo dục kém giá trị, do vậy họ có rất ít cơ hội thoát khỏi đói nghèo…Đó là xã hội Việt Nam dưới thời cai trị của đảng Cộng Sản. Bài dưới đây phỏng vấn Tiến Sĩ Mark Ashwill hiện Giám đốc Điều hành của Capstone Việt Nam

Tham nhũng làm trì trệ nền giáo dục

TS. Mark Ashwill hiện là Giám đốc Điều hành của Capstone Việt Nam

Mark Ashwill hiện là Giám đốc Điều hành của Capstone Việt Nam, một công ty về phát triển nguồn nhân lực có trụ sở ở Hà Nội và TP.HCM. Từ 2005-2009, ông là Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) ở Việt Nam. Trong chuyên đề bàn về “Thất vọng và kỳ vọng vào giáo dục Việt Nam”, TS. Mark Ashwill đã chỉ ra rất nhiều kinh nghiệm quý báu để giáo dục Việt Nam có thể hòa nhập với các nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới.

– Thưa TS Mark Ashwill, là người có thời gian sống ở Việt Nam đã lâu, hiểu biết nhiều về giáo dục Việt Nam, hiện đang làm việc về phát triển nguồn nhân lực cũng như là cầu nối du học Mỹ cho nhiều bạn trẻ, ông có nhận xét tổng quan gì về những điểm thuận lợi và bất lợi của giáo dục Việt Nam?

TS Mark Ashwill: Thuận lợi của giáo dục Việt Nam là văn hóa coi trọng việc học hành, là sự đầu tư về thời gian và tiền bạc của cha mẹ cho con cái họ, là sự ham học hỏi và mong muốn của những bạn trẻ muốn phát triển tiềm năng của họ thông qua giáo dục và những hoạt động liên quan đến giáo dục.

Một vài bất lợi của giáo dục Việt Nam là lương giáo viên còn thấp và làm việc quá tải, cơ sở vật chất kém, bao gồm thư viện, các kỳ thi vào đại học đã lỗi thời, cũng như tốc độ tư nhân hóa nhanh của giáo dục đại học dẫn đến nhiều trường hợp thu lợi nhuận nhiều nhưng chất lượng.

– Theo ông, Việt Nam cần làm gì để thoát ra khỏi tình trạng hiện nay?

TS Mark Ashwill: Việt Nam cần phải ưu tiên cải cách một số vấn đề cấp bách, chẳng hạn như trả lương hợp lý cho giáo viên phổ thông và giáo sư đại học.

Trong một điều tra gần đây của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – VIES, 526 giáo viên các bậc tiểu học, THCS, THPT từ 27 trường của 5 tỉnh được hỏi một câu đơn giản: “Nếu được quyết định lại một lần nữa, bạn có chọn nghề giáo không?”. Thật buồn nhưng cũng không ngạc nhiên khi 40,9% GV bậc tiểu học, 59% GV bậc THCS và 52,4% GV bậc THPT đã trả lời “không”.

Để tuyển được những giáo viên xuất sắc, có thể giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ tiến kịp với sự thay đổi của xã hội và nghề nghiệp thì mức lương bổng, chế độ và điều kiện làm việc cần phải hấp dẫn và mang tính cạnh tranh.

Một vấn đề nữa mà báo chí Việt Nam tốn khá nhiều giấy mực là tham nhũng trong giáo dục, với rất nhiều ví dụ về tham nhũng. Một bản báo cáo quốc tế về tính minh bạch đã xuất bản vài năm trước có tên là: “Tham nhũng trong giáo dục: Thủ phạm đánh cắp tương lai”, đã liệt kê ra 6 ảnh hưởng xấu của tham nhũng trong giáo dục. Theo tôi, trong đó có ba vấn đề nguy hiểm nhất:

1. Nếu những đứa trẻ tin rằng những nỗ lực và giá trị cá nhân không có giá trị gì và thành công đến từ mánh khóe, hối lộ thì cả nền tảng xã hội sẽ bị lung lay.

2. Tham nhũng trong giáo dục ảnh hưởng đến nhiều người hơn tham nhũng trong các lĩnh vực khác, ở cả nông thôn và thành thị.

3. Hậu quả của nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo vì họ không có cơ hội được hưởng sự giáo dục hoặc nếu có thì sẽ là giáo dục chất lượng thấp, do vậy họ có rất ít cơ hội thoát khỏi đói nghèo.

Nếu không có một hệ thống minh bạch thì điều đó sẽ còn tiếp diễn. Việt Nam sẽ khó phát triển nếu tham nhũng trong giáo dục vẫn hoành hành.

– Theo ông, điều kiện để cải cách giáo dục thành công ở Việt Nam là gì?

TS Mark Ashwill: Một số vấn đề có thể giải quyết bằng cách tăng tiền đầu tư cho giáo dục (như nâng lương giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất…), trong khi đó, một vài vấn đề khác có thể giải quyết bằng thay đổi chính sách và thực thi có hiệu quả. Với văn hóa hiếu học của người Việt và sự đổi mới này do chính phủ triển khai thì vấn đề còn lại là quyết tâm chính trị, sự cam kết và triển khai vào thực tế.

– Ông có biết cuộc cải cách giáo dục nào của Mỹ gần đây không, và người ta cải cách vấn đề gì?

TS Mark Ashwill: Theo tôi, hầu hết những xu hướng cải cách gần đây tại Mỹ đều không tích cực. Tôi có thể liệt kê một số ví dụ sau:

Thứ nhất là việc quá nhấn mạnh vào các kỳ thi chuẩn hóa và đáp ứng những tiêu chuẩn tối thiểu. Với nhiều học sinh và giáo viên, điều này khiến cho họ ít có thời gian để khám phá những lĩnh vực mới và cho những cách học khác thú vị hơn, hấp dẫn hơn và sáng tạo hơn. Hệ thống giáo dục không nên quá chú trọng vào thi cử, kết quả và điểm số.

Một trong những nghịch lý cơ bản của hệ thống giáo dục Mỹ là cách mà các trường phổ thông được chi tài chính. Vì tài chính các trường lấy từ tiền thuế của địa phương nên nếu bạn khá giả và sống ở địa phương nào giàu có thì con cái bạn sẽ được học trường tốt hơn, còn nếu bạn sinh ra trong một gia đình thu nhập thấp hơn, bạn có thể phải sống trong khu vực có nguồn thuế thấp hơn và học ở trường kém chất lượng hơn.

Rõ ràng, có một sự không công bằng trong cách mà hệ thống được thiết lập. Ai giàu có thì sẽ có lợi về giáo dục còn ai nghèo khó thì phải thiệt thòi. Quy định về việc địa phương được quản lý giáo dục trong Hiến pháp Mỹ có thể có ý nghĩa ở thế kỷ 18 nhưng bây giờ thì không.

– Trong năm học 2010-2011, Việt Nam có 14.888 học sinh, sinh viên học tập tại Mỹ, tăng 14% so với năm trước đó. Việt Nam xếp hàng thứ 8 về lượng du học sinh đến học tại Mỹ. Theo ông, vì sao giáo dục Mỹ hấp dẫn với người Việt như vậy?

TS Mark Ashwill: Nếu nhìn vào tốp 10 nước có nhiều học sinh đến Mỹ du học nhiều nhất thì Việt Nam quả là nổi bật. Việt Nam xếp hạng thứ 8 về lượng học sinh du học đông nhất tại Mỹ nhưng chỉ đứng thứ 43 về GDP (nước gần nhất là Ả rập Xê út – xếp thứ 24). Điều này có nghĩa là Việt Nam đang đầu tư một lượng tiền khổng lồ vào du học so với chỉ số GDP. Năm ngoái, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Việt Nam có trên 100.000 du học sinh, trong đó, 90% là tự túc về tài chính.

Vì sao nhiều du học sinh chọn học tập tại Mỹ? Bởi giáo dục Mỹ đã có tiếng về chất lượng, sự linh hoạt và đa dạng trong giáo dục đại học. Điều đặc biệt nữa là Mỹ số lượng trường lớn mà sinh viên có thể cân nhắc để lựa chọn (ví dụ: 60% du học sinh Việt Nam ở Mỹ bắt đầu việc học của mình tại một trường cao đẳng cộng đồng trước khi chuyển tiếp sang một trường đại học khác để hoàn thành bằng cử nhân.)

Học sinh Việt Nam và học sinh quốc tế có thể tham gia vào chương trình hoàn thành bằng trung học phổ thông để đồng thời lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng hệ hai năm tại các trường cao đẳng cộng đồng, hầu hết ở bang Washington.

Giáo dục đại học ở Mỹ rất đắt đỏ, vì vậy bạn có thể tiết kiệm chi phí bằng cách học tại các trường công và tư thục có cấp học bổng và hỗ trợ tài chính hoặc học tại một trường cao đẳng cộng đồng trong hai năm đầu tiên.

– Để giáo dục Việt Nam hòa nhập với giáo dục thế giới, Việt Nam cần phải làm gì, thưa ông?

TS Mark Ashwill: Tôi nghĩ Việt Nam tiến hành các thay đổi cần thiết như:

Thứ nhất, tích cực học hỏi các hệ thống giáo dục khác và xem những gì có thể áp dụng được tại Việt Nam, những gì không thể áp dụng được. Một điểm tôi thường hay tranh luận với nhiều người Việt và Mỹ là giáo dục nước ngoài có cả điểm mạnh và điểm yếu.

Thứ hai, tập trung vào việc bảo vệ người học bằng cách chỉ cho phép những cở sở giáo dục uy tín của nước ngoài liên kết với các trường đại học Việt Nam hay được hoạt động ở Việt Nam. (Thật không may là nhiều cơ sở giáo dục không được kiểm định đã vào thị trường Việt Nam và những cơ sở này có trụ sở tại Mỹ).

Thứ ba, bắt tay với các cơ sở giáo dục nước ngoài được kiểm định chính thức để phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi có liên quan đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, hợp tác giữa đại học và các ngành công nghiệp, dịch vụ.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt