Tại sao truyền thông Trung Cộng bất ngờ tấn công Trump trực diện?
Hôm thứ Hai 6/8, truyền thống nhà nước Trung Cộng bất ngờ chỉ đích danh Trump trong một bài công kích hiếm thấy sau một thời gian né tránh, được cho là do có chỉ đạo từ tầng cao nhất tại Bắc Kinh.
Báo chí của Bắc Kinh lên án Tổng thống Mỹ “vào vai chính trong chính vở kịch lừa đảo phong cách đánh đấm đường phố được mưu đồ tỉ mỉ”.
“Việc Trump mong muốn người khác cũng đóng kịch với ông ta là viển vông”, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Cộng viết.
Bài xã luận cũng chỉ trích Mỹ đã leo thang mâu thuẫn thương mại với Trung Cộng và biến thương mại toàn cầu thành “một trò chơi có tổng bằng 0”.
“Quản lý một quốc gia không giống như làm kinh doanh”, tờ báo viết, đồng thời chỉ trích hành động của Trump làm tổn hại uy tín của Hoa Kỳ.
Mật lệnh “né Trump”
Hồi giữa tháng 7/2018, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Cộng đã bị cảnh báo không “đưa tin quá đà” về cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, phải hết sức thận trọng trong việc đề cập đến mối liên hệ giữa cuộc chiến tranh thương mại với sụt giá cổ phiếu và sự mất giá của đồng nhân dân tệ cũng như nền kinh tế suy thoái, mục đích để tránh gây hoảng loạn trong công chúng.
Một trong những nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Cộng cho biết: “Khi đưa tin chỉ số chứng khoán sụt giảm, hoặc tỷ giá hối đoái nhân dân tệ đi xuống, không thể sử dụng từ ‘cuộc chiến thương mại’ trong tiêu đề.”
Ngoài ra, xuất bản các bản dịch phát ngôn của Tổng thống Mỹ Trump trên Twitter bị xem là vi phạm quy định.
Sau khi gặp mặt ông Trump vào tháng 4/2017, nhất là cuộc gặp thân mật với Trump khi Tổng thống Mỹ cùng vợ thăm chính thức Bắc Kinh hồi tháng 11/2017 khiến cho quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo được cho là rất tốt đẹp. Thậm chí trong cuộc chiến thương mại, ông Trump luôn khẳng định ông rất quý mến ông Tập và không muốn làm hại Bắc Kinh, chỉ là ông cần phải giành công bằng cho nước Mỹ. Có thể thấy rằng ông Tập rất không muốn phá hỏng mối quan hệ này, đồng thời bẻ đi cơ hội giải quyết mâu thuẫn thương mại trong êm đẹp. Tuy nhiên sự thay đổi đột ngột của truyền thông nhà nước tại Trung Cộng lần này có thể cho thấy chia rẽ trong chính nội bộ giới quan chức Trung Cộng.
Chính biến ngầm tại Trung Nam Hải
Ông Tập Cận Bình sau khi được phong “lãnh đạo hạt nhân” – người thứ 4 được nhận danh xưng này tại Trung Cộng thể hiện sự tập trung quyền lực vào tay ông ta sau cuộc chiến chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” miệt mài suốt mấy năm qua. Tuy nhiên gần đây, ngày càng có nhiều tin đồn về nguy cơ chính biến tại Bắc Kinh khi mà phần tử còn sót lại của phe Giang Trạch Dân nắm thời cơ nổi lên khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đẩy ông Tập vào thế bí.
Các tin đồn về sóng ngầm ở Trung Nam Hải liên tục xuất hiện trên các trang tin nước ngoài có “nguồn tin mật” từ Trung Cộng cũng như trên mạng xã hội Trung Cộng.
Tân Tử Lăng, tác giả cuốn “Mao Trạch Đông ngàn năm công tội”, một học giả am hiểu chuyện đấu đá nội bộ trong quan trường Trung Cộng đã nói về bức tranh toàn cảnh cuộc “nội chiến” tại Trung Nam Hải. Ông Tân cho rằng các phe phái bất mãn với Tập đã nhân cuộc chiến thương mại gây cú sốc đối với nền kinh tế Trung Cộng đã phát động làn sóng chống Tập, thậm chí có thể xảy ra tình trạng “lật đổ thế lực Tập Cận Bình”.
Ông cho rằng nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc chiến thương mại có liên quan đến thế lực tuyên truyền của cựu lãnh đạo phái Giang (Giang Trạch Dân) trước đây là Lưu Vân Sơn. Ông cho rằng các “đại lão hổ” cầm đầu thế lực hủ bại “tư bản đỏ” này chính là Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng, Lưu Vân Sơn, họ muốn thông qua cuộc chiến thương mại này để hạ bệ ông Tập Cận Bình nhằm giành lại quyền lực cho phe cánh.
Có thể thấy, ông Tập vốn muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ bằng đàm phán và giải quyết êm đẹp sau cánh gà, nhưng cuộc chiến này càng gay gắt, càng gây hậu quả nặng nề cho Trung Cộng thì phe cánh đối nghịch với ông ta trong nội bộ ĐCSTQ càng có lợi.
Trọng Đạt