Tự Hào Là Người Việt Nam!

Một bài viết của một thanh niên lầm lẫn, trăn trở…khổ đau!!!

Tự Hào Là Người Việt Nam

Nguyễn Sáng

Cuối thập niên 70 đầu thập niên 80 của thế kỷ trước cha mẹ tôi phải chạy gần hết của cải trong nhà để cho tôi được “Đảng” (đảng CSVN) và “Nhà nước” (nhà nước CSVN) cử sang nước CHDC Đức anh em để lao động và học tập, trau dồi kiến thức để sau này về Tổ quốc góp phần xây dựng và bảo vệ nước VN XHCN (Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa). Hồi đó tôi cũng như những thanh niên Việt Nam (VN) khác vẫn còn bừng bừng khí thế, say sưa trong hào quang chiến thắng, tự hào là người VN vì đã đánh bại ba đế quốc lớn, sừng sỏ nhất thế giới là thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ. Cứ theo đà này, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng sẽ đưa nước ta từ thắng lợi này sang thắng lợi khác thì theo như Đảng ta nhận định (thời điểm 75-76) chúng ta trong 10 năm sẽ phát triển vượt Liên xô và sau 20 năm sẽ vượt Nhật.

Khi sang đến nước bạn, những tưởng bạn bè Đức tiếp đón long trọng những người bạn VN anh hùng với tấm lòng bốn phương vô sản đều là anh em đồng chí vì chúng ta đã hoàn thành sứ mạng lịch sử bảo vệ oanh liệt nước VN và cả phe XHCN. Nào ngờ mọi cuộc đón tiếp đều ở mức độ xã giao bình thường, không ca tụng không tung hứng.

Từ đấy tôi bắt đầu cụt hứng và khi có chút tiếng Đức cơ bản, tôi bắt đầu quan tâm đến những vấn đề xã hội của Thiên đường XHCN này. Qua các tài liệu và bạn bè Đức tôi được biết trong lòng xã hội Đức còn vô số những vấn đề mâu thuẩn, bê bối, người dân có cả kho truyện tiếu lâm nói về chế độ XHCN, nói về chính phủ, về lãnh đạo, ông Erich Honnecker, về bầu cử… Dần dần tôi được biết chả thấy ba dòng thác cách mạng đâu mà chỉ thấy những cuộc nổi dậy của nhân dân Hungary, của mùa Xuân Praha, của nhân dân Đông Đức, của công đoàn Đoàn Kết Ba Lan. Những cuộc nổi dậy này đã bị đàn áp ít nhiều đẫm máu. Bản thân người dân Đông Đức thấy đồng D-mark thì thèm nhỏ rãi, mua được bánh xà phòng thơm trong Intershop là chỉ có trong giấc mơ. Đến đây tôi bắt đầu ngờ vực tính ưu việt của CNXH mà nếu tôi vẫn ở VN thì chắc chắn là vẫn còn mơ hồ.

Trong thập niên 80, VN đưa ồ ạt người sang CHDC Đức làm lao động thuê, nhiều đến nỗi có người nói vui là bất cứ một làng nào có dân số từ 100 người và 10 con bò trở lên là sẽ có mặt người lao động VN tại đó, đông đến nỗi tôi không muốn ra đường để làm đông thêm nữa. Theo chân với những người lao động này là các tệ nạn xã hội, các thói hư tật xấu đi cùng như: buôn lậu, trộm cắp, sát phạt, trấn lột nhau, mua hết những hàng hóa khan hiếm ở các cửa hàng, từ đó người Đức bắt đầu khinh ghét người VN.

Thời gian này tôi được về thăm gia đình ở VN, sau mấy năm xa nhà, xa quê hương, cả chặng đường bay hồi hộp, nao nức sắp được gặp bố mẹ gia đình làng xóm quê hương. Xuống đến sân bay, mấy đồng chí công an, hải quan gầy gò đen đủi mặt khó đăm đăm hành cả tiếng đồng hồ, khi mời các anh hút tạm cây thuốc lá thì mới được cho ra. Gặp bố mẹ rơi nước mắt vì chỉ mới mấy năm mà bố mẹ già đi nhiều quá, khắc khổ quá, dọc đường về làng quê tiêu điều, trâu bò vêu vao trên đường quốc lộ, nước mắt tôi lưng tròng thương bố mẹ quá, thương quê hương quá.

Về đến nhà gia đình mừng mừng tủi tủi, con chó chắc đói quá, đứng không vững phải tựa hông vào chân cột nhà mới sủa to được mấy tiếng mừng người đi xa về. Thắm thoát đã hết thời gian thăm nhà tôi lại sang Đức làm nốt nhiệm vụ.

Cuối khóa học cũng là lúc Đại Hội Đoàn toàn Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Sau mấy ngày tham luận, báo cáo, kiểm điểm, khen thưởng, học tập nghị quyết và thể thao, buổi cuối người bí thư chi bộ mang về cho mỗi đoàn viên một bản kiểm điểm cá nhân, trong đó mỗi người tự nêu ưu khuyết điểm của mình trong thời gian qua và phương hướng rèn luyện trong thời gian tới. Lần này ngoại lệ có thêm một câu hỏi cuối cùng là: Đồng chí có tự hào là người VN không? Đồng chí bí thư chi bộ giải thích thêm là cứ nói thẳng nói thật những ý nghĩ của mình, lãnh đạo sẽ không truy cứu trách nhiệm, đây chỉ là câu hỏi phụ thôi. Tôi thật thà làm đúng những điều trăn trở bấy lâu của tôi và đã gạch vào ô không rồi đem nộp lại. Tưởng như vậy là xong nào ngờ buổi chiều họp tổ đồng chí bí thư chi bộ răn đe rằng trong mấy trăm đoàn viên thì chỉ có một đoàn viên trong tổ ta trả lời là không tự hào là người VN, tổ chức sẽ xem xét sau. Tôi lạnh cột sống nghĩ rằng chắc là mình sẽ bị kỷ luật đây. Sợ quá từ đó tôi im thin thít, không dám nói gì nữa. Cũng may là mọi việc dừng lại ở đó và tôi không bị kỷ luật. Chắc cũng có nhiều người chửi tôi là ngu, ăn cháo đá bát, là không hiểu lịch sử hào hùng của dân tộc ta nhưng tôi cũng chấp nhận vì đó là ý nghĩ của tôi (và chắc còn của một số người nữa) trong thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó.

Không tự hào tức là xấu hổ là người VN. Đúng tôi đã xấu hổ. Không xấu hổ làm sao được khi trên các phương tiện giao thông công cộng có đến 2/3 hành khách là những người đồng hương tôi, nói năng oang oang, cử chỉ mất lịch sự, trên tầu nằm ngủ dài trên ghế, gác cả giầy dép lên chổ ngồi, mồm há to ra ngáy khò khò.. không ý tứ, để ý gì đến hành khách đi cùng.
Không xấu hổ làm sao được khi các đồng hương tôi mang chăn len ra ngủ xếp hàng trước cửa hàng xe máy, xe đạp từ hồi tối hôm trước để hy vọng ngày mai cửa hàng có thể có một vài chiếc xe bán ra thì mình là một trong những người may mắn được mua còn những người ngủ sau mình thì phải về tay không.
Không xấu hổ thì tại sao khi những người nước ngoài hỏi: anh là người nước nào? thì không riêng gì tôi mà nhiều người đều trả lời là người Nhật, người Hàn quốc hoặc người Trung quốc.
Không xấu hổ làm sao được khi sau này người VN ta ở Đức lập ra các băng đảng mafia để trấn lột nhau, để chia thị trường buôn thuốc lá lậu? Năm 1996, cảnh sát đã phát hiện ra xác của 5 thanh niên VN bị xử bắn trong một căn hộ ở Berlin. Đây là vụ thanh toán nhau giữa các băng nhóm mafia và chỉ là phần nổi của núi băng. Đài truyên hình Đức đưa tin đây là tội ác dã man nhất xảy ra ở Đức từ sau thế chiến thứ 2. Chưa thấy một cộng đồng nước ngoài nào lại xử nhau như cộng đồng người VN ở đây.
Không xấu hổ làm sao được khi nước nhà còn biết bao nhức nhối, đau lòng, khi đạo đức xã hội suy đồi, xuống cấp trầm trọng, tham nhũng lộng hành, ăn chơi trác táng trụy lạc, lãng phí trong khi đại bộ phận dân chúng vẫ đói khổ. Có xã hội nào mà chức to ăn to, chức nhỏ ăn nhỏ, chia bè kéo phái công khai mua bán chức quyền bằng cấp. Tổ trưởng tổ chống buôn lậu lại là trùm buôn lậu (Phùng Long Thất). Đội trưởng đội chống buôn ma túy thì là trùm buôn ma túy (Vũ Xuân Trường). Ngành công an để trấn áp tội phạm thì cấu kết với xã hội đen để ăn chia (Vụ Năm Cam). Trong ngành tòa án thì nếu có đủ tiền thì sẽ chạy được tội. Ngành y tế và giáo dục là hai ngành mà VN trước đây tự hào nhất là không mất tiền, được nhà nước bảo trợ hết thì bây giờ bê bối nhất, nhiều gia đình không đủ tiền cho con đi học hoặc không đủ tiền trả viện phí.
Không xấu hổ làm sao được khi tôi là người Việt Nam 100% mang hộ chiếu của Bộ ngoại giao VN cấp vẫn còn hạn mà về nước lại phải lên sứ quán xin (mua) thị thực để được về nước, có khác gì trước khi về nhà ta phải qua ông trưởng thôn để xin phép : Bác cho tôi về nhà tôi.
Không xấu hổ làm sao được khi xã hội thì tối tăm tương lai thì mù mịt mà người VN ta hoặc là cố tình hoặc là ngu dốt không biết vẫn làm ngơ, nhất là thanh niên VN, trí thức trẻ; ở đâu, làm gì mà không lên tiếng, không trăn trở với vận mệnh của đất nước. Ta có đáng xấu hổ với tổ tiên của ta không? Người thanh niên trẻ Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt giữa đường vì trăn trở cách đánh giặc bảo vệ nước mà lính dọn đường cho vua đi lấy giáo đâm thủng đùi vẫn mãi mê suy nghĩ vẫn không biết, cảm kích vì ý chí của người thanh niên, vua đã trọng dụng và ông sau này đã trở thành tướng tài của nhà Trần. Bây giờ thì chỉ việc công an dẹp đường cho đày tớ của dân đi mà không chạy nhanh cũng đủ để ra tòa với tội danh “chống lại người thi hành công vụ” chưa kể dám trăn trở với việc ta mất đất mất biển cho Tàu.
Không xấu hổ làm sao được khi thanh niên VN ta vẫn còn mãi đua xe máy, mãi ăn chơi sành điệu, du lịch giao lưu, mãi làm giàu theo lời Đảng gọi, nhiều người thì chạy trốn thực tế bằng cách hút hít. Thật xấu hổ khi thanh niên, trí thức trẻ không dám gánh vác trách nhiệm đấu tranh đòi dân chủ, cải tổ xã hội hiện nay mà để cho các bậc thuộc tuổi “thất thập cổ lai hi” như các ông Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Dũng Tiến, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu … đi đòi dân chủ cho chúng ta và phải chịu đọa đày, cầm tù. Tuổi của các ông đáng lẽ phải được ngã lưng ở salon đọc báo, vui với cháu chắt nội ngoại, xem con cháu điều hành quản lý đất nước.
Giới trẻ hiện nay cần học lại các bài “Tuyên ngôn độc lập” của Lý Thường Kiệt, “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Quốc Tuấn và “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi.

Trên đây là một số lý do làm tôi mất lòng tự hào là người Việt Nam trong mấy thập niên qua. Nhưng trong vài năm gần đây, từ ngày các nhà lão thành cách mạng, những nhà trí thức có tâm huyết với đất nước đã bất chấp những thiệt thòi cho bản thân, gia đình, không chùn bước trước đàn áp giam tù, anh dũng lên tiếng đòi tự do dân chủ cho xã hội.
Nhất là từ ngày những trí thức trẻ tuổi như các anh Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình … dám lên tiếng đấu tranh cho tự do dân chủ, cho sự vẹn toàn của đất nước, thẳng thắn trình bày những trăn trở của mình với những người lãnh đạo đất nước, không hề suy tính thiệt hơn về kinh tế, không sợ bị bôi nhọ danh dự, không sợ bị trù dập và không nghĩ đến cả sinh mạng của mình. Từ đó tôi cảm giác trong tôi có cái gì đó đang được ấp ủ, âm ỉ, đang chuẩn bị được hình thành và đang sắp cháy thành một ngọn lửa.

Ngọn lửa này tôi tin rằng sẽ là ngọn lửa của niềm tự hào dân tộc mà trước đây nó bị tắt rụi trong tôi. Hiện tại trong tôi vẫn còn nhen nhóm chưa bùng lên thành ngọn lửa, nên nếu không được che chắn, nâng đỡ, thổi lên thì rất dễ bị tắt nên tôi hy vọng càng ngày càng nhiều thanh niên, trí thức VN tham gia vào việc gánh vác vận mệnh đất nước, trách nhiệm đấu tranh cho tự do dân chủ để thanh niên ta không phải xấu hổ với tổ tiên, với những người đã khuất, để lịch sử không phỉ nhổ chúng ta là một thế hệ thanh niên bạc nhược, coi việc ăn chơi phè phỡn, trác táng và kiếm tiền hơn cả việc cứu xã hội thoát khỏi lầm than áp bức, và sau cùng là để điều ấp ủ trong tôi cháy bùng thành ngọn lửa, ngọn lửa của lòng tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống oai hùng của dân tộc ta, tự hào về thế hệ trẻ hiện nay biết noi gương cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nguyễn Sáng

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt