Sách:Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An

Xin giới thiệu cùng qúy độc giả trong và ngoài nước tài liệu sử cận đại chưa bao giờ biết, nơi lưu đày khổ sai biệt xứ 525 nhà yêu nước tại Guyane – Nam Mỹ, bỏ mình lại nơi đây…. Dưới đây là lời giới thiệu tái bản sách: Từ Yên Bái đến các ngục thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An

Lời Giới Thiệu
Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất
Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An

Khi quý vị cầm cuốn sách “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An” của cụ Hoàng Văn Đào thì thấy trên bìa trước có hàng chữ “Nhà Xuất Bản SỐNG MỚI, 90/2 Cao Thắng, Sài Gòn”, đó chính là bìa sách nguyên thủy của cuốn sách mà lần tái bản này chúng tôi cố giữ sự nguyên trạng hình bìa. Cho đến nay, cuốn sách này chỉ có một vài người biết vì khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1957 thì bị kiểm duyệt và tịch thu vì một lý do chính trị nào đó!

Nội dung cuốn sách ghi lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc với gương hy sinh anh dũng của những thanh niên yêu nước thời đó gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập cho dân tộc, vùng lên làm cuộc Tổng Khởi Nghĩa ngày 10 tháng 2 năm 1930 nhưng thất bại, các nhà yêu nước bị đày đi Côn Đảo và phần đông bị lưu đày biệt xứ đến thuộc địa của Pháp ở Guyane, Nam Mỹ cách quê hương Việt Nam nửa vòng trái đất rồi bỏ mình nơi chốn lưu đày chẳng bao giờ trở lại quê nhà.

Lần này gọi là tái bản, nhưng thật ra xem đây là lần xuất bản đầu tiên vì sau gần 53 năm cuốn sách ra đời từ năm 1957 thì bị cấm đoán, nay thực sự ra mắt cùng độc giả ở Hải Ngoại thì là một điều khá nghịch lý mà thú vị.

Nghịch lý vì một cuốn sách lịch sử chứa đựng những tâm hồn yêu nước trong suốt như hạt minh châu đã làm nên một biến cố lịch sử trọng đại trong dòng sử Việt cách đây 80 năm, vậy mà bây giờ người Việt mới có cơ hội được đọc! Thú vị vì sách nói về những người yêu nước chân chính đã đem mạng sống của mình cống hiến cho nền độc lập của dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân để rồi bị lưu đày biệt xứ mà không ai biết! Có lẽ lòng yêu nước chân chính ấy không thuộc loại “yêu nước là phải yêu Xã Hội Chủ Nghĩa” của Cộng Sản đề xướng nên đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) không cho xuất đầu lộ diện, vì họ muốn độc quyền yêu nước.

Sở dĩ có lần tái bản này, chân thành cám ơn một vị “ân nhân” cách đây 53 năm đã nhận ra rằng đây là cuốn sử liệu hiếm quý của dân tộc nên đã cất dấu nâng niu, nay xét thấy đã đến lúc dân tộc Việt Nam cần những tấm lòng yêu nước chân chính để quét đi những loài ký sinh bám vào hai chữ “yêu nước” làm bình phong du nhập chủ nghĩa ngoại lai Cộng Sản, phá nát luân thường đạo lý, làm băng hoại xã hội, và dâng biển hiến đất cho ngoại bang để cầu lợi, cầu ơn và cầu quyền!

Đọc toàn bộ 14 chương cuốn sách, chúng ta hình dung ra cả một sức sống mãnh liệt của dân tộc đang vùng dậy chống ngoại xâm của thế hệ thanh niên 1930, họ sẵn sàng hy sinh thân thế, hy sinh sự nghiệp, và hy sinh cả mạng sống của mình để đền ơn tri ngộ với dân với nước như lời học giả Nhượng Tống khi viết về Nguyễn Thái Học có đoạn: “… Chết đi để thế giới biết đến cái tinh thần dân tộc này còn sống! Chết đi để lại cái gương hy sinh, phấn đấu cho người nối bước! Không thành công, thôi thì thành nhân!”… Trong khi các cấp lãnh đạo VNQDĐ sẵn sàng chết để thế giới thấy cái tinh thần dân tộc Việt Nam còn sống, họ đã hiên ngang bước lên đoạn đầu đài đền nợ nước với tiếng hô dõng dạc “Việt Nam Vạn Tuế” trước khi đầu rơi khỏi cổ.

Còn những anh hùng trong sách “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa Lò, Côn Nôn, Guy-An” là ai? Chính là tầng lớp cán bộ trọng yếu của VNQDĐ đã từng tung hoành lẫm liệt trong cuộc phất cờ Tổng Khởi Nghĩa đánh đuổi giặc Pháp cướp nước. Nào là Nguyễn Đắc Bằng chỉ huy phó mặt trận Lâm Thao, nào là Sư Trạch một nhà sư đã xuống tóc vào chốn Thiền Định, nhức nhối trước cảnh dân cùng quốc biến, người không thể trút bỏ nợ trần đành phải xuống núi cứu nhân độ thế, tình nguyện làm cận vệ cho cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học, v.v… còn nhiều và nhiều nữa những anh hùng dân tộc đã xả thân trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái ngày 10-02-1930 và đã bị lưu đày khổ sai biệt xứ đến nhà lao An Nam trong vùng rừng sâu nước độc Inini thuộc rừng Amazone, một thuộc địa của thực dân Pháp ở Nam Mỹ. Đã vĩnh viễn bỏ mình nơi đây không bao giờ gặp lại cha mẹ, vợ con, người thân lần cuối, và nhất là chẳng được nhìn lại quê hương thân yêu nơi mà họ đã hiên ngang đứng lên đánh đuổi ngoại xâm. Các vị anh hùng này xem như đã bị xử chém từng nhát, từng nhát, chết dần chết mòn nơi trại tù khổ sai của chế độ thực dân. Nếu nói rằng cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ Yên Bái lên đoạn đầu đài đến nợ nước tại pháp trường Yên Bái đã để lại tinh thần yêu nước cho đời sau nối bước, thì 325 liệt sĩ VNQDĐ bị lưu đày biệt xứ và bỏ mình nơi vùng rừng sâu nước độc tại Nhà Lao An Nam ở Guyane, Nam Mỹ chẳng khác nào là một Yên Bái thứ hai đã để lại một gương tranh đấu hào hùng bất khuất rất đáng kính phục và tấm gương cho đời sau.

Vào tháng 1 năm 2010, đọc hồ sơ của những anh hùng VNQDĐ bị lưu đày biệt xứ tại thư khố Cayene ở Guyane, Nam Mỹ trong dịp đi dựng bia tưởng niệm các anh hùng dân tộc trong đó có 325 liệt sĩ VNQDĐ bị lưu đày đến nơi này vào tháng 5 năm 1931 bằng con tàu Martinière, chúng ta có thể liên tưởng những cuộc đấu tranh lẫy lừng trong ngục tù khổ sai thực dân Pháp, các chiến sĩ Yên Bái làm cho thực dân phải nể phục. Vừa mới đặt chân đến đảo Guyane đã bắt đầu tuyệt thực đấu tranh cho quyền lợi sinh tồn của người tù khổ sai, trong suốt thời gian lưu đày lúc nào cũng giương cao tinh thần yêu nước sẵn sàng chết để bảo vệ danh dự của tổ quốc và nêu cao tinh thần bất khuất của dòng máu Lạc Hồng… những cuộc đấu tranh, nổi loạn trong nhà lao An Nam đều được bí mật tổ chức chặt chẻ đặt niềm tin nơi anh em cùng chí hướng, cho nên đã bao phen thực dân Pháp cố khai thác tìm ra người lãnh đạo đấu tranh để tiêu diệt nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại, cuối cùng bọn cai ngục phải nhượng bộ.

Cũng trong cuộc đi dựng bia tưởng niệm vừa qua, lòng tự nhủ phải gom góp tài liệu để ghi lại những gương yêu nước đấu tranh lẫm liệt của các nhà cách mạng tiền bối vì thiết nghĩ rằng cố đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 nhà lãnh đạo VNQDĐ đã hy sinh tại Yên Bái ngày 17 tháng 6, 1930 để lại tinh thần Yên Bái bất diệt cho bao nhiêu đời sau, thì 325 nhà yêu nước của VNQDĐ tại Guyane cũng thể hiện sự can đảm, gương hy sinh tuyệt vời đáng để cho bao nhiêu thanh niên thế hệ mai sau ngưỡng mộ. May mắn thay, tìm ra cuốn sách độc nhất vô nhị còn sót lại từ trong nước “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa Lò, Côn Lôn, Guy-An” mà chưa bao giờ thực sự được xuất bản thì đây cũng là cơ duyên để tái bản cuốn lịch sử hiếm có này để đền đáp gương hy sinh của tiền nhân và cũng để cho các bạn trẻ thấy gương hy sinh cao cả ấy mà nối gót.

Trong lần tái bản này, muốn làm sáng tỏ thêm những tấm gương dũng liệt của các chiến sĩ VNQDĐ bị lưu đày khổ sai biệt xứ đến Guyane, chúng tôi có thêm phần phụ bản gồm năm (5) bài phóng sự trong cuộc dựng bia tưởng niệm các liệt sĩ Yên Bái vào tháng 1 năm 2010 vừa qua.

Mong rằng cuốn sách này đến với đảng viên VNQDĐ cũng như các bạn thanh niên trẻ như một gương hy sinh sáng ngời của các bậc tiền nhân mà ở nơi họ cả một tấm lòng yêu nước trong sáng, nguyện hy sinh cho tổ quốc dân tộc không một chút vị lợi và toan tính nào.

Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 6 năm 2010
Lê Thành Nhân

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt