Từ truyền thuyết gươm báu “Thuận Thiên” đến Thần Kim Quy nỗi giận

Thần Kim Quy ở Hồ Hoàng Kiếm ngã bệnh sau gần 5 thế kỷ thăng trầm với dân tộc. Nay Cộng Sản Việt Nam vốn vô thần nhưng lại tin dị đoan cho rằng Thần Rùa ở Hồ Hoàng Kiếm mà ra đi thì kéo theo sự ra đi của chế độ CSVN. Dưới đây là những bài sưu tầm về Cụ Rùa 500 tuổi ở Hồ Hoàng Kiếm đang nỗi giận sinh bệnh…

Gươm báu của Vua Lê, huyền thoại và sự thật

Truyền thuyết về gươm báu “Thuận Thiên” của Vua Lê Lợi cùng việc trả gươm cho Rùa thần tại Hồ Tả Vọng (nay là hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm Hà Nội) sau ngày đánh tan giặc Minh bao đời nay vẫn đọng trong tâm linh, ý thức dân tộc. Đó là sự hàm ẩn những triết lý nhân sinh của người Việt đằng sau sự giao hòa giữa chính sử và dã sử: Thuận Thiên là biểu tượng thiên thời – địa lợi – nhân hòa; việc trả kiếm ngoài biểu tượng của lòng trung tín với nhân dân, trời đất, còn là khát vọng hòa bình khi vận nước Đại Việt đã lên, mở nền thái bình thịnh trị.
Hơn 5 thế kỷ đã trôi qua, song truyền thuyết về Hồ Hoàn Kiếm – Hồ Gươm và thanh thần kiếm Thuận Thiên mà Bình Định vương Lê Lợi hoàn trả cho thần Rùa sau khi quốc gia Đại Việt đã đánh tan 10 vạn quân Minh hung bạo… vẫn lắng đọng, lung linh trong đời sống tâm linh, ý thức dân tộc.

Những câu đối sơn son thếp vàng trong đền Ngọc Sơn không tiếc lời ngợi ca giá trị – vẻ đẹp của thanh kiếm báu.

… Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy
Văn tòng đại khối thọ như sơn

(Gươm có khí thiêng sáng màu nước
Văn theo trời đất vững như non)

… Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

(Gươm quý muôn vàn dưới nước thu
Một tấm lòng son ẩn trong hồ ngọc)

Trong bài “Ngọc Sơn Đế quân từ ký”, tiến sĩ Vũ Tông Phan cũng có câu:

Bảo kiếm tân ma bách điện quang
Tứ phương chiếu diện nhậm hành, tàng

(Gươm báu mới mài ngời ánh sáng
Cất hay dùng vẫn rạng muôn phương)

Về lai lịch của thanh kiếm Thuận Thiên đã có truyền thuyết và một số sử sách ghi chép. Cuốn “Lê thế ngọc phả” (do ông Lê Duy Nhương, 81 tuổi, cháu 6 đời của Vua Cảnh Hưng Lê Hiển Tông cho đọc trong chuyến điền dã xứ Kinh Bắc cổ) ghi chép, miêu tả tỷ mỷ hơn cả. Cuốn “Lê thế ngọc phả” ấy do các gia thần của Vua Cảnh Hưng là Nguyễn Hài, Trọng Viêm, Nguyên Cang và Sương Huyền, phụng chỉ Vua Cảnh Hưng biên soạn bằng Hán Văn. Tiết 7, chương thứ nhất có ghi sự tích “Vua được gươm thần” như sau:

“Đêm mồng 10 tháng 12 năm Ất Mùi (1415), có người ở Cổ Lôi tên là Lê Thận, làm nghề đánh cá, đêm kéo vó ở sông Lương Giang, xứ Ma Viên, thấy dưới nước có ánh sáng như đuốc. Cả đêm không kéo được con cá nào, chỉ được một thanh sắt trông như hình thanh kiếm cũ, dài 3 thước, rộng 2 tấc, dầy 3 phân (Sách Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử chép là dài hơn một thước). Trên thanh sắt có dấu linh phù và có câu thần chú rằng:

Thượng đế sắc mệnh
Bảo kiếm uy cương
Cử chỉ nhất động
Hỏa chiếu vạn phương
Sơn băng địa liệt
Phá tặc thần tàng
Cấp cấp như luật lệnh.

Nghĩa là:

Đức Thượng đế có sắc mệnh
Đây là gươm báu oai cường
Chỉ cần cất lên
Lửa lóe sáng tới muôn phương
Chỉ núi, núi tan; chỉ đất, đất nứt
Chỉ thần, thần nép; chỉ giặc, giặc hàng
Tất cả đều tuân hành mau chóng.

Năm ấy, Vua 31 tuổi, cùng Thận chơi thân, gặp khi nhà Thận có giỗ Vua tới làm lễ, nhìn gầm giường thấy ánh sáng lạ bèn tới gần xem thì ra đó là thanh sắt. Vua xin, Thận cho ngay. Vua đem về nhà mài thì hiện lên 4 chữ “Thuận Thiên Lê Lợi”, bèn giấu kín một nơi. Năm Bính Thân (1416), Vua 32 tuổi, sáng sớm ngày 15 tháng giêng, Vua ra cửa bắt được một chuôi gươm bằng đồng đen dài một tấc năm phân, dày 4 phân. Vua đem chuôi kiếm vào nhà rồi lấy lưỡi kiếm trước ra, đứng giữa sân, ngửa mặt lên trời khấn rằng:

– Nay giặc Bắc xâm chiếm nước Nam, sinh linh khổ sở đã lâu, nếu tôi cứu được dân sống thì xin trời cho lưỡi kiếm và chuôi kiếm gắn liền như một.

Khấn rồi, Vua cắm thanh kiếm vào chuôi, tự nhiên hai thứ gắn nhau như đúc liền, không sao tháo ra được nữa.

Đêm đến, gươm tỏa hào quang sáng như đuốc. Vua biết là thần vật, giấu kín một nơi không cho ai hay.

Một hôm, phu nhân Phạm Thị Ngọc Trần thấy vật gì treo trên cây đa trước nhà bèn bảo Vua. Lê Lợi trèo lên xem, hóa ra bao kiếm. Đem xuống lấy kiếm tra vào thì vừa khít. Vua càng khấp khởi mừng thầm “Hẳn trời cho ta kiếm báu”.

Mười mấy năm trời “nếm mật nằm gai” trải bao phen vào sinh ra tử, một gươm đại định dẹp phăng giặc Minh, mở nền “thái bình muôn thuở”. Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế tại điện Kính Thiên ở thành Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Nhớ lại chuyện xưa mới đặt niên hiệu là Thuận Thiên. Nhân một buổi đẹp trời, Vua ngự giá ra chơi hồ Tả Vọng (còn gọi là hồ Lục Thủy vì nước xanh sẫm), thuyền rồng vừa đến giữa hồ, bỗng dưới nước nổi lên một rùa vàng rất to. Rùa bơi đến trước thuyền rồng cúi đầu như có ý bái lạy và cất tiếng:

– Việc nước đã xong, xin bệ hạ hoàn lại kiếm thần! Vua tung gươm, rùa vàng liền đớp lấy lặn xuống nước mất tăm. Từ đó nhân dân gọi hồ Tả Vọng là Hồ Hoàn Kiếm (hồ trả Gươm).

Sở dĩ nảy sinh thanh kiếm thần Thuận Thiên cũng do bối cảnh lịch sử và tâm lý xã hội của thế kỷ 15. Lúc bấy giờ, nhằm mục đích đồng hóa Đại Việt, giặc Minh đã đàn áp người Việt hết sức dã man: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ (Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi) và tịch thu sách vở, đập vỡ bia đá, đền miếu các nơi… khiến ai cũng căm uất. Tất thảy đều mong ước có bậc hiền tài cứu giúp trăm họ ra khỏi cảnh lầm than khốn cùng.

Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống ngoại xâm đã đáp ứng được nguyện vọng, yêu cầu chính đáng đó, và ông đã được nhân dân “thần thánh hóa” thành nhân vật được Trời – Đất (Vũ trụ) trao cho sứ mệnh trọng đại. Huyền thoại đã khắc họa một cách sinh động, ly kỳ: lưỡi gươm ở dưới nước, đốc gươm trên mặt đất, bao gươm ở trên cây.

Thần kiếm Thuận Thiên là sự kết tinh, hội tụ, thăng hoa của 3 chiều không gian và cũng là biểu tượng Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa.

Chuyện trả kiếm cho thần Rùa là một mô típ độc đáo thường gặp trong truyện kể dân gian và nó thể hiện sâu sắc ý nguyện yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt. Việc trả binh khí cho thần từng được truyền tụng trong lịch sử. An Dương Vương được thần Kim Quy cho mượn bảo kiếm để chém gà tinh trắng. Khi xây thành ốc xong, nhà vua đã trả kiếm cho thần. Thần Kim Quy còn cho An Dương Vương mượn móng của mình làm lẫy nỏ thần, nhưng khi dẹp tan quân xâm lược Triệu Đà, nhà vua lại không trả cho thần nên xảy ra cơ sự: Triệu Đà lập kế tráo lẫy nỏ rồi đem quân vây đánh Loa thành khiến An Dương Vương phải chịu cảnh nước mất nhà tan.

Phải chăng Bình Định Vương Lê Lợi đã nhớ tới bài học đó?! Cái gì đã mượn thì phải trả phải biết ơn người đã giúp mình dựng nên nghiệp lớn phải trung tín, thủy chung.

Còn tại sao, nơi mượn gươm thần lại là sông Lương (một đoạn của sông Chu thuộc địa phận Thanh Hóa ngày nay) mà nơi trả gươm lại là hồ Lục Thủy nằm giữa kinh thành Đông Đô?

Như mọi người đã biết, thời Lê Lợi, Thanh Hóa được coi là Tây Kinh, Tây Đô, còn Thăng Long (Hà Nội ngày nay) gọi là Đông Kinh, Đông Đô. Vậy Nhà Lê có 2 “đô – thành”, một ở “chốn Tổ nơi phát tích”, một ở nơi lên ngôi Vua.

Vua chọn địa điểm Mượn – Trả gươm theo chu trình từ Tây sang Đông hàm ý nghĩa triết học Mỹ học Á Đông. Hướng Đông là hướng mặt trời lên, hướng Tây là hướng mặt trời lặn. Mượn kiếm ở phương Tây (Thanh Hóa) nơi mặt trời lặn ngụ ý, thời cuộc lúc đó đen tối, bi thảm. Trả kiếm ở phương Đông nơi mặt trời mọc (Thăng Long) thể hiện vận hội nước nhà hưng thịnh, một rạng đông, một bình minh mới bắt đầu.

Lê Lợi chọn việc trả kiếm ở nơi hồ biếc giữa kinh thành muốn chứng tỏ cho thần linh và bàn dân thiên hạ thấy tấm lòng quang minh chính đại của mình. Và lễ thức Mượn – Trả gươm theo sự vận hành của mặt trời (ngược chiều kim đồng hồ) từ Tây sang Đông cũng nói lên cơ trời vận nước đã thay đổi “hết khổ là vui vốn lẽ đời” “hết đêm trường là ban mai xán lạn”. Quả thực, sau cuộc chiến thắng giặc Minh của Bình Định Vương Lê Lợi, nước Đại Việt đã ca khúc khải hoàn và mở nền thái bình thịnh trị dài lâu trong lịch sử.

Thế sao đến đời cai trị của Cộng Sản Việt Nam thì:

Thần Kim Quy nổi giận

Trời đã ngả về chiều, gió hiu hiu thổi. Một bóng người – ngựa vụt qua ngay trước mắt. Thần Kim Quy nhác thấy bóng quen bèn đánh tiếng:

– Có phải nhà vua đó không?
Tức thì, người phi ngựa ghìm cương, thúc ngựa quay trở lại. An Dương Vương nhận ra thần Kim Quy, ngài làm lễ:
– Lâu quá không gặp ngài, dạo này chắc ngài vẫn khỏe?
– Cũng từ bận gặp nhau ở núi Dạ Sơn đến nay mỗi người mỗi ngả; tôi vẫn bình thường. Nhà vua long thể có được bình an?
– Cũng thường thường vậy cả. Mỗi một triều đại dù tốt đẹp bao nhiêu cũng sẽ trở về dĩ vãng; kiếp xác thân rồi cũng về với cát bụi. Câu chuyện “Giặc ở đằng sau lưng nhà vua đấy!”: tôi vẫn còn nhớ.
– Chuyện cũ qua rồi. Là thần linh như tôi cũng đâu phải lúc nào cũng đạt được mọi sự như ý. Từ ngày cho mượn kiếm, hoàn kiếm… đến nay tôi cũng gặp quá nhiều chuyện bực mình. Gần đây nhất, lúc giang sơn đất Việt có khả năng lâm nguy là tôi lại phải mượn xác phàm để báo điềm cho triều đình, quan chức biết để mà lo liệu dần. Nhưng chả biết tôi dạy dở hay cái lũ quan quyền chúng nó lậm văn sai mà chúng cứ như là người dân nước khác vậy.
– Chẳng hay, ngài có thể kể ra để ta cùng đàm luận.

Quắc mắt coi khinh phường bán nước
Cúi đầu làm ngựa trẻ con chơi

– Nhà vua xem, trước bao nhiêu sự việc tồn vong của đất nước như bô-xít, cho thuê rừng biên giới, biển đảo bị đe dọa… mà các quan đương chức trong triều không cho là sự lớn mà lại còn tiếp tay. Nay lời nhắc của ta: “Quắc mắt coi khinh phường bán nước, Cúi đầu làm ngựa trẻ con chơi”: lại được hiểu rằng ta đang bị ăn thịt! Ôi, có cái giống gì như thế chăng. Rùa tai đỏ tuy xuất xứ từ Bắc Mỹ thật nhưng vẫn còn hơn xa cái anh rùa bành trướng. Việt Nam và Mỹ trở thành đối tác chiến lược là chuyện đã được bàn xong; chuyện Mỹ qua như vậy là mừng mới phải. Sao lại đi bắt, giết hết rùa tai đỏ đi như vậy.

Lại nữa, hồi xưa nhà vua đặt tên nước là Âu Lạc là mang cái tích của Việt tộc ta; ngày nay chả hiểu cái lý thuyết cộng sản ở đâu ra mà tên nước nghe quá lạ… xã hội chủ nghĩa gì gì đó. Đến cái chợ cũng có đuôi định hướng. Định hướng XHCN như cái dây cao su, lúc co lúc giãn chả ra cái thể thống gì. Hôm nay cấm buôn đô la, ngày mai cấm buôn vàng miếng, ổn định giá thì mặt hàng bao cao su cũng có mặt… Tôi bảo chúng thôi cái đuôi ấy đi; để lâu là hỏng. Giá cả tăng cao như dây cao su sắp hết giới hạn; chuẩn bị đứt tung, văng tanh bành ra khắp nơi, khắp nước.

Định hướng XHCN như cái dây cao su,
lúc co lúc giãn chả ra cái thể thống gì

– Thì cũng tại ngài, lúc xưa ngài hiện lên nói thẳng với tôi là xong việc, đâu có khó khăn như lần này.

– Tôi muốn quá đi chứ, nhưng thời nay nó khác. Chả có ai chịu trách nhiệm với đất nước cả; chúng coi là chịu trách nhiệm tập thể nên làm sao tôi nói thẳng với một người cho được; lại do chúng chỉ tư duy theo nhiệm kỳ nữa nên phải dùng cái cách ở trên thôi.

Lần tôi nhắn nhủ rằng người Việt phải tập hợp lại, có trách nhiệm với non sông, phải chiến thắng chính cái bóng của mình; chính nỗi sợ hãi của mình để đưa đất nước thành con Rồng châu Á… thì bọn quan quyền nó dịch là tôi thèm ăn ống cao su. Tính lấy vợ cho tôi. Thật tệ quá. Tôi chỉ ra rằng từ đại hội VI giá cả tăng 845,3% nên đã phải “mở cửa”, “đổi mới”, nhưng đến nay lại đóng lại rồi.

Hãy tiếp tục đổi mới nữa đi, đổi cả hệ thống chính trị đi mới phải chứ.

Tôi cố đẩy số VI lại cho thành hình chữ V,
biểu tượng của Việt tộc

Xem hình thấy tôi cố đẩy số VI lại cho thành hình chữ V, biểu tượng của Việt tộc, biểu tượng của chiến thắng đó, chứ vợ con gì.

– Đúng là mệt thật. Tính tình hiền lành như ngài thì mới chịu được thế. Phải tôi thì một nhát là xong.

– Nói mãi chúng không nghe. Giang sơn này mà lọt vào tay nước ngoài thì chúng chết chắc; hoặc giả chúng cứ tăng giá mãi, lạm phát mãi, tham nhũng mãi, bô xít mãi, thuê rừng mãi, co kéo mãi mà không mở rộng các quyền cơ bản cho dân chúng như trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền thì rồi chúng cũng chắc chết. Vậy mà chúng cũng cố tình không hiểu. Bực quá tôi phải ăn cá chết. Ý tôi muốn hét to lên rằng: Cá (là) các ngươi chết chắc rồi! Cái xác phàm mượn tạm của tôi rồi sẽ tan ra cát bụi, đâu phải lo lắng gì nhiều đến nỗi kéo cả 10 sở, nghành vào cho rắm rối; để sức mà lo cho dân, cho nước.

Cá (là) các ngươi chết chắc rồi

Cái ý tứ tôi muốn truyền đạt qua hành động thì chả một ai hiểu được. Bố khỉ! Triều đại các người tiêu rồi.
– Nghe rằng việc của ngài cũng khó khăn chất chồng; ngài cũng nên bình tĩnh tránh xúc động làm tăng áp huyết. Tôi có việc phải về.
– Nhà vua cứ tự nhiên. Mà tôi có chút việc muốn nhờ; nhà vua tặng giúp Mỵ Châu một bó Hoa Nhài nhân dịp 8/3 tới này hộ tôi nhé. Tôi vẫn áy náy hậu quả cái câu nói ngày xưa lắm. Còn vì sao lại tặng hoa này thì nhà vua nói hộ rằng đó là loài hoa mà những người dân thì yêu quý và độc tài thì hoảng sợ. Ngày 8/3 tới sẽ là ngày Hoa Nhài; biết đâu hôm đấy tôi cũng sẽ nổi lên với một cành hoa đó.


Hà Nội, 03/03/2011

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt