Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc ở VN?

Ngày 10 tháng 11 năm 2007, trong nước cư sĩ Lê Mạnh Thát tức tu xuất Thích Trí Siêu, đã được báo chí Cộng Sản Việt Nam đăng hàng tít lớn: Thượng Tọa Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Quốc Tế Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc ………. sẽ tổ chức Đại lễ Phật đản và Đại hội Phật giáo quốc tế lần thứ 5 từ ngày 13 đến 17 tháng 5 năm 2008 tại Hà Nội….


Ngày 10 tháng 11 năm 2007 vừa qua tại Sài Gòn, một tước vị khá dài của thầy Lê Mạnh Thát, tức Thượng Tọa Thích Trí Siêu đã được báo chí Cộng sản Việt Nam giới thiệu như sau: Thượng tọa Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (IOC) họp báo cho biết là Việt Nam sẽ tổ chức Đại lễ Phật đản và Đại hội Phật giáo quốc tế lần thứ 5 từ ngày 13 đến 17 tháng 5 năm 2008 tại Hà Nội. Cùng ngày nói trên, từ Sài Gòn, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đã trình bày qua điện thoại viễn liên, trong Đại Hội Bất Thường của Giáo hội Phật giáo Thống nhất tại Hoa Kỳ, về lý do và nhu cầu cần có của Giáo Chỉ số 9, do Đức Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Huyền Quang ban hành vào ngày 8 tháng 9, về tình hình khẩn trương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay. Có thể nói là hai sự kiện đã diễn ra hoàn toàn trái ngược trong cùng một ngày, ngay trên đất nước Việt Nam. Một đàng thì “hân hoan về việc sắp tổ chức Đại Lễ Phật Đản do Liên Hiệp Quốc bỏ tiền để mời hơn 4 ngàn người, đại diện của 70 quốc gia đến Việt Nam tham dự lần đầu. Đàng khác thì nói về pháp nạn đang diễn ra đối với Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, vì “bị trong đánh ra ngoài đánh vào”.
Đối với một dân tộc có truyền thống Phật Giáo lâu đời như Việt Nam, việc Liên Hiệp Quốc chọn để tổ chức Ngày Đản Sinh của Đức Phật là một vinh dự to lớn. Nó không chỉ là ngày vui riêng của một dân tộc mà còn là ngày vui chung của những dân tộc có cùng một nền văn hóa “từ bi hỷ xả”. Việt Nam đáng được nhận vinh dự này. Nhưng vinh dự này lại xảy ra trong một bối cảnh bất thường như hiện nay làm cho người ta phải suy nghĩ: Tổ chức đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc để làm gì?


Trước hết, việc báo chí Hà Nội giới thiệu danh hiệu của Thầy Lê Mạnh Thát vừa là Thượng Tọa, vừa là Tiến sĩ, vừa là Giáo sư mà trong nhà Phật khó chấp nhận. Đây là lối xưng tụng của “xã hội chủ nghĩa”, biểu hiện sự coi thường của một chế độ đối với văn hóa Phật giáo. Người ta không thể phủ nhận kiến thức uyên bác của Thầy Lê Mạnh Thát, nhưng đặt ông ở vị trí đại diện để lo việc tổ chức Đại lễ Phật Đản trong khi ông không còn ở vị trí đúng nghĩa của một tu sĩ Phật Giáo như trước đây, cho thấy là Hà Nội đã xem thường các nguyên tắc sinh hoạt chính thống của Phật Giáo. Đây là điều bất thường thứ nhất.

Kế đến, nếu Hà Nội muốn tránh né việc đề cử một cao tăng nào đó bên Giáo hội Phật giáo quốc doanh hay bên Giáo hội Phật giáo thống nhất, bằng cách chọn Thượng Tọa, Tiến sĩ, Giáo sư Lê Mạnh Thát làm đại diện ban tổ chức là một đòn thâm độc đánh thẳng vào Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Bởi vì chính sự chọn lựa này đã làm phân hóa ngay trong hàng ngũ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khi có người ủng hộ và không ủng hộ việc tổ chức này. Đó cũng là một yếu tố tạo ra tình trạng nguy cấp của Giáo hội mà Hoà Thượng Thích Huyền Quang gọi là pháp nạn. Ai cũng biết Thầy Lê Mạnh Thát từng là một cao tăng bên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và là người sát cánh với Thượng Tọa Thích Tuệ Sĩ, một thời là Đệ Nhất phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Thầy Lê Mạnh Thác hiện đang bôn ba vận động xây dựng Viện đại học Khuôn Việt tại Sài Gòn trị giá 40 triệu Mỹ kim dưới sự “cho phép” của Hà Nội. Những yếu tố này lồng trong khung cảnh Giáo hội Phật giáo thống nhất, đặc biệt là đối với Hoà Thượng Thích Quảng Độ đang bị Hà Nội cho báo chí tấn công liên tục trong thời gian qua, người ta bắt buộc phải đặt nghi vấn về thiện chí này của Thầy Lê Mạnh Thác. Đây là điều bất thường thứ hai.

Sau cùng, ngày đại lễ mừng Đức Phật đản sinh không thể là một biến cố chính trị mà phải là một sinh hoạt tôn giáo thuần tuý. Đây phải là ngày mà mọi tín đồ Phật Giáo được tự do bày tỏ niềm hân hoan của mình đối với các bậc cao tăng đã lãnh đạo Giáo hội. Tiếc thay, Việt Nam chưa có khung cảnh hân hoan này. Mọi thứ còn diễn ra trong tình trạng “xin và cho” từ những công an tôn giáo và nhất là những cao tăng được tín đồ kính trọng lại bị quản thúc, bị tù tội. Cộng sản Việt Nam muốn tổ chức thật linh đình ngày Phật đản năm 2008 không chỉ nhằm phô bày với thế giới rằng Việt Nam có tự do tôn giáo mà còn gian manh hơn, mượn tay chính những người từng một thời ở bên phía hàng ngũ “phản động” đối với nhà nước, nay hợp tác và làm việc hài hòa với chế độ. Do đó mà trong kỳ Phật Đản năm 2008, Cộng sản Việt Nam sẽ trải thảm đỏ mời gọi nhiều “tăng ni” hải ngoại về nước tham dự. Chỉ cần suy nghiệm điều này, ta càng thấy thấm thía và hiểu được lý do vì sao Hòa Thượng Thích Huyền Quang đã phải công bố khẩn cấp Giáo chỉ số 9. Đây là điều bất thường thứ ba.

Ngoài những điều bất thường nói trên, Cộng sản Việt Nam đang bị dư luận thế giới lên án là vi phạm tự do tôn giáo, đặc biệt là Quốc Hội Hoa Kỳ đang xúc tiến thông qua Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam mang số HR 3096. Mới đây, sau hơn 10 ngày điều tra về tình hình đàn áp tôn giáo tại bốn nơi ở Việt Nam, Ủy Hội Tự Do Tôn Giáo Hoa Kỳ đã cho biết là sẽ đề nghị Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa Cộng sản Việt Nam vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC). Rõ ràng là trong khi dư luận thế giới kết án Cộng sản Viêt Nam đàn áp tôn giáo, lại có một số vị từng ở cương vi lãnh đạo Giáo hội, đứng ra giúp chế độ tổ chức sinh hoạt Đại Lễ Phật Đản năm 2008 và có một số vị hăm hở chuẩn bị về Việt Nam tham dự, đúng là thời Pháp Nạn.

Trung Điền
November 15 2007

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt