Tưởng niệm lần thứ 67 nhà cách mạng, nhà văn, nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng Hoàng Đạo-Nguyễn Tường long (bài 2)
Tứ Ly, Hoàng Đạo là bút hiệu của nhà văn Nguyễn Tường Long: Ông là một nhà văn hóa, nhà văn, nhà báo, nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng thập niên 1940. Ông đã từ trần trên con đường bôn ba cứu nước trong chuyến tàu lửa từ Thượng Hải đến Hồng Kông (Trung Hoa) vào ngày 22 tháng 07 năm 1948…từ đấy Việt Nam Quốc Dân Đảng mất đi một người lãnh đạo kiệt xuất, dân tộc Việt Nam mất đi một nhà cách mạng, một nhà văn hóa. Nhân dịp tưởng niệm lần thứ 67 (1948-2015), trang nhà https://www.vietquoc.org ghi lại những sự nghiệp cách mạng và văn hóa để đời sau noi gương mà nối bước…dưới đây là bài viết của nhà văn Dương Nghiễm Mậu “HOÀNG ĐẠO MỘT VẬN ĐỘNG LỊCH SỬ”. Mời độc giả đọc để thấy giá trị của một Hoàng Đạo.
Hoàng Đạo Một Vận Động Lịch Sử
Bây giờ thì tôi không còn nhớ rõ những bài tập đọc, học thuộc lòng Trong Thư Viện, Dàn Đậu Ván, trích văn của Hoàng Đạo tôi đã gặp là những năm học lớp Nhất trường Hàng Than, hay trong những năm đầu trung học ở Chu Văn An. Nhưng có điều tôi còn nhớ rõ nội dung những bài đó, tôi cũng nhớ, dù mơ hồ, những lời giảng về Hoàng Đạo và sơ lược nội dung những bài tập đọc và học thuộc lòng đó: những ý nghĩa của một thanh niên truỵ lạc khi bước vào trong thư viện, bên những sách vở đó chàng nhìn lại đời sống của mình trong qúa khứ và nhìn vào một tương lai. Nội dung đó cũng còn lại trong bài một buổi sáng đứng dưới dàn đậu ván, nhìn những cành đậu, lá đậu ở bên một cô con gái với những ý nghĩ lành mạnh… Khác với nội dung những bài tập đọc trích văn Thanh Tịnh về ngày khai trường, hay cảnh bất hạnh của Vũ Trọng Phụng về một ngôi sao xấu, cảnh chùa Long Giáng trong buổi hoàng hôn trích văn của Khái Hưng, những bài tập đọc trích văn Hoàng Đạo các vị thầy học của tôi đã mang đến cho chúng tôi những nội dung khác hẳn. Cũng từ đó, qua những lời giảng chúng tôi được dạy dỗ về những gì khác hơn, đó là tránh khỏi đời sống vô ích truỵ lạc mà phải sống có ích cho xã hội, phải sống có lý tưởng.
Cũng từ đó trong những ngày tháng đầu đời, làm quen với những tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn chúng tôi mơ tưởng về đời sống của Duy trong Con Đường Ánh Sáng, của Dũng trong Đôi Bạn, và vui thích với những phiêu lưu mạo hiểm của những chú dế mèn mà Tô Hoài vẽ ra bên những nhân vật Đoan Hùng, hay những Lý Quỳ, Võ Tùng, Hàn Tín, Hạng Bá Vương trong những pho truyện Tầu…Có điều những gì đã đến trong những ngày thơ ấu đã ở lại trong tôi những kỷ niệm, ấn tượng khó phai. Từ đó đến nay, rời khỏi ghế nhà trường, bước chân vào đời sống, với mười mấy năm phải sống với những biến cố rời đổi không ngừng của xã hội Việt Nam, với bổn phận phải làm, với hoàn cảnh một xứ sở những kêu gào không ngừng với tiếng súng, tiếng bom, đời sống những thay đen đổi trắng, lật lọng, lừa gạt, những điều trong sách vở và thực tế ngoài đời sống đã làm cho tôi và bao nhiêu người khác phải ngỡ ngàng…Với những điều kiện đó, ở sau hàng ba mươi năm ngăn cách bởi bao nhiêu biến đổi chồng chất, với hoàn cảnh như hiện nay đọc lại những tác phẩm của Hoàng Đạo, nhìn lại cuộc đời của ông, chúng ta có thể rút ra được một bài học nào, một kinh nghiệm nào?
Với năm tác phẩm của Hoàng Đạo được in thành sách: Mười Điều Tâm Niệm, Bùn Lầy Nước Đọng, Trước Vành Móng Ngựa, Tiếng Đàn, Con Đường Sáng. Nghĩa là từ những bài báo ngắn được in thành sách tới tiểu thuyết của Hoàng Đạo, điều trước nhất đưa đến cho tôi là trong đó, một phần nào tôi nhìn thấy khung cảnh xã hội Việt Nam trong thời nô lệ thực dân Pháp, nhất là xã hội Việt Nam miền Bắc. Thực trạng xã hội Việt Nam trong thời nô lệ đã được ghi lại trong hầu hết những tác phẩm thời trước 1945, dưới khía cạnh này hay khía cạnh khác do nhiều tác giả của những khuynh hướng khác nhau để lại. Từ Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Lạp, Tô Hoài, tới Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Đoàn Phú Tứ… Với hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, những phản ánh ấy nếu được liên kết với nhau chúng ta có thể có được một cái nhìn tổng quát nhưng chính xác về một thời đại, sự kiện đó cho thấy văn chương dù thế nào đi nữa cũng không thoát khỏi hoàn cảnh xã hội mà tác giả nó sống và tác phẩm được hình thành.
Ngay từ khởi đầu, qua những tác phẩm đã được đọc, tôi nghĩ Hoàng Đạo trong thực tế là lý thuyết gia của Tự lực văn đoàn, một người lãnh đạo về mặt tư tưởng của nhóm. Trách nhiệm của ông ở trong nhóm như vậy hết sức lớn lao, và chủ quan tôi nghĩ chính cái chết của ông sau này đã khiến cho những người như Thế Lữ, Tú Mỡ, Nhất Linh mỗi người phải đi một đường, và từ đó đánh dấu một giai đoạn mới trong đời sống và sự nghiệp của họ.
Khởi đầu Nhất Linh, Hoàng Đạo và các bạn ông làm báo Phong Hoá, công việc làm báo đó không phải xuất phát từ một yếu tố độc nhất là làm văn chương mà nó xuất phát từ những tư tưởng xã hội, làm báo để nói lên một cái gì, để mang lại một cái gì, họ làm báo để tranh đấu cho lý tưởng của họ. Chủ trương của họ có thể tóm tắt phần nào trong câu của Nhất Linh: “Trước vui thích, sau ích lợi.” Ngày nay đọc lại sáu chữ này nói về chủ trương của một tờ báo chắc có người sẽ cho là họ có một quan niệm không có vẻ văn nghệ gì cả, vui thích và ích lợi không còn, không là mục đích của nhiều người viết văn hiện nay. Chủ trương của một tờ báo hiện nay người ta phải nói tới tranh đấu, tới làm mới, vì cái này cái khác. Tôi nghĩ tất nhiên cái mục đích của Tự Lực Văn Đoàn cũng vậy, nhưng trong hoàn cảnh thời đó không cho phép, họ mượn hình thức bề ngoài không có vẻ gì quan trọng để đạt tới mục đích của họ, và thực tế đã chứng minh điều đó. Từ khởi điểm đó, Hoàng Đạo đã nhìn thấy gì trong xã hội Việt Nam. Hoàn cảnh của một xã hội nô lệ, một đất nước chia làm ba miền với những chế độ cai trị khác nhau.
Trước hết bằng chính kinh nghiệm bản thân trong khi ngồi ghế tham tá lục sự tại các toà án từ năm 1929, nên ngay khi báo Phong Hoá ra đời, Hoàng Đạo đã viết về những gì ông đã thấy trước vành móng ngựa, đó cũng có thể coi như một sân khấu hẹp về xã hội Việt Nam. Không bằng những trình bày dài dòng, bằng những nét chấm phá, nhanh và thật, Hoàng Đạo đã cho ta thấy những nét điển hình của một sinh hoạt, từ đó nói lên tình cảnh thất học, nghèo đói, hủ lậu, những tệ đoan của xã hội ta. Cũng từ đó nói lên sự thật của nền cai trị đầy đàn áp, bất công của thực dân Pháp. Thực dân Pháp thường tuyên bố nhiệm vụ của họ tại các nước thuộc địa là khai hoá cho dân chúng tại các nước chậm tiến lạc hậu. Họ đã cho xây dựng một số trường sở, có ngành học chính với một chương trình giáo dục mới, do đó bãi bỏ thi cử của triều đình. Sự thật nền giáo dục họ thiết lập không khác gì hơn chỉ nhằm đào tạo một số cán bộ cho guồng máy cai trị, đa số nhân dân đều thất học, trong khi đó họ cấm việc mở các lớp học tại nông thôn cho các nhà nho từ trước kia vẫn hoạt động (…).
Phát xuất từ một tinh thần lạc quan, ôn hoà, tin người, ngay thẳng, không những chỉ với đồng bào mình mà còn ngay với cả những kẻ cai trị mình, tất cả những nhà trí thức tiến bộ của ta thời đó đều khởi đầu bằng những việc làm ôn hoà, đòi hỏi những cải cách thích đáng. Không riêng Hoàng Đạo tin ở người Pháp, mà ngay cả những người khác, những người hoạt động chính trị như Phan Tây Hồ, Nguyễn Thái Học…cũng đã hành động như thế, những lá thư thỉnh nguyện, những bài báo hô hào cải cách đều hàm chứa thái độ ôn hoà khởi đầu này.
Bằng phương tiện báo chí, sách vở, Hoàng Đạo và các bạn ông đã mang cả nhiệt tâm của mình ra tranh đấu, không phải chỉ trích nền cai trị, họ còn chỉ trích chính đời sống của dân chúng, vạch ra những tệ trạng, những gì họ cho là hư nát phải cải cách, phải phá bỏ, trong đó bao hàm cả sự giáo dục dân chúng. Như vậy, tất nhiên họ phải dựa trên một cơ sở lý luận, trình bày cho dân chúng thấy con đường phải đi, nhất là đối với thanh niên, hay nói khác đi vai trò của người trí thức mới trong việc hướng dẫn một xã hội.
Rõ ràng, trên phương diện tổng quát, Hoàng Đạo và các bạn ông chống lại ý thức hệ Nho giáo, chống lại nền tảng xã hội cũ và đòi một cuộc Âu hoá triệt để không phải chỉ trên diện tư tưởng, nếp sống mà còn ngay cả phương diện hình thức từ cái ăn cái mặc trở đi. Theo mới, hoàn toàn theo mới không chút do dự. Đó là một trong những khẩu hiện mà Hoàng Đạo đã đưa ra. Theo mới với Hoàng Đạo tức là Âu hoá. Hoàn toàn theo mới, nhưng theo mới như thế nào, đó là ý muốn của tập sách mỏng Mười điều tâm niệm. Ngay ở trang đầu tập sách đã có một lời kêu gọi, có thể coi đó như một bản hiệu triệu gửi cho những người trẻ trên con đường mới: “Hỡi các bạn trẻ!(…)
Khởi đầu từ những lên tiếng với một tinh thần lạc quan mới, tin người khác như tin mình, tin ở cái mới, cái tiến bộ, tự nhận lấy trách nhiệm của người trí thức trong xã hội Âu hoá, ở cương vị một người làm báo, Hoàng Đạo và các bạn ông trước hết nhìn mặt xã hội mình sống, lên tiếng về xã hội đó và đòi hỏi một cuộc cải lương trong xã hội, đỏi hỏi một cuộc cách mạng ôn hoà. Từ những quan điểm đó Hoàng Đạo và các bạn ông tích cực hoạt động trên hai mặt chính: tiếp tục dùng báo chí, văn chương truyền đạt những tư tưởng của mình, đưa ra những mẫu người mới cho một xã hội, cùng đó là tiến tới những tổ chức có hoạt động xã hội một cách cụ thể; phong trào Ánh Sáng. Đi từ công việc làm báo, viết văn tiến tới những hoạt động xã hội cụ thể và tích cực, với con đường ấy tất nhiên họ phải đi tới nữa, họ phải bước tới hành động cách mạng. Bởi vì họ thấy rõ muốn đổi mới, muốn tiến bộ, muốn có một đời sống mới, hành phúc đến với mọi người không thể chỉ kêu gọi không, kêu gọi không không thể đạt được kết quả, những công việc xã hội cũng chẳng thu đoạt được bao nhiêu, muốn có đời sống mới, xã hội mới như họ nghĩ thì phải đoạt lấy quyền chính trị, và chỉ có thể làm đổi mới xã hội khi mình chủ động giành được quyền làm chủ nước mình. Như thế công việc của họ phải là: giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Đó không phải là lựa chọn của riêng Hoàng Đạo hay các bạn ông, mà là lựa chọn của hầu hết những người tâm huyết, tiến bộ, những người không muốn sống trong một xã hội tối tăm, đứng im trong mọi xã hội ở trong mọi thời đại…
Sau cùng Dũng đã từ bỏ đời sống sung sướng trong nhung lụa của mình, từ bỏ cả người mình yêu dấu để lên đường hành động. Khác với Dũng của Nhất Linh, Duy của Hoàng Đạo trong Con Đường Sáng cũng từ bỏ, cũng lên đường. Nhưng không phải từ bỏ và lên đường như Dũng, Duy từ bỏ cuộc đời truỵ lạc, vô ích, bi quan, cuộc đời mà có lúc đã đưa Duy tới gần cái chết trong một sự lựa chọn tuyệt vọng. Duy lên đường, nhưng đó không phải là con đường bôn ba nơi hải ngoai, lên đường tranh đấu cho cách mạng như Dũng, mà Duy lên đường trở về với đồng ruộng, nông dân, trở về với Thơ, người con gái đáng yêu trong lũy tre xanh, với mong ước làm cho đời sống của mình có ý nghĩa, có hạnh phúc cùng với đời sống hạnh phúc của những người khác (…)
Qua những tác phẩm của Hoàng Đạo cũng như của các bạn ông, rõ ràng họ đã dùng văn chương cho một mục đích, tiểu thuyết nhằm trình bày, nói lên một cái gì, tác phẩm của họ gắn liền với xã hội với đời sống. Văn chương trở thành một khí giới và tất nhiên Hoàng Đaọ chống lại cái tinh thần ủ ê sầu muộn trong văn chương. Nhưng ông đã không chỉ bằng những lên tiếng đả kích, điều ấy quá dễ, mà ông và các bạn vừa lên tiếng vừa làm việc. Chống không không bao giờ đủ mà phải đưa ra những tác phẩm mà chính mình cho là lành mạnh, cần thiết với quan niệm mà chính mình cho là tiến bộ.
Từ trước đến nay nhiều nhà phê bình thường chỉ trích, hoặc ít ra không đồng ý với thái độ nhìn xuống của những người trong Tự lực văn đoàn, trong đó có Hoàng Đạo. Theo những tài liệu còn lại chúng ta có thể thấy ngay trong thời hoạt động những chủ trương cùng làm việc của nhóm Tự lực cũng đã từng bị chỉ trích trong đó cũng có phần nào đúng. Như có người cho rằng nhóm Tự lực đã nhìn sai Nho giáo, chỉ nhìn thấy những khuyết điểm của nó, ngày trong việc bài cổ tục họ cũng trở thành quá khích, có người còn cho rằng nhạo báng xã hội bằng những nhân vật Lý Toét và Xã Xệ là miệt thị nông dân, là mắc mưu thực dân… Tất nhiên những phong trào, nhất là với công việc của những người ở một giai đoạn nào đó, nếu có những việc làm quá độ cần thiết để chống lại một quá độ khác, như lối văn quá độ của Hoàng Tích Chu là để chống lại với lối văn cổ rườm rà, dài dòng và đầy chữ Hán. Nhưng thái độ của những người cấp tiến nếu quá độ là nhiệt thành, hăng hái. Ngay những nhầm lẫn có khi cũng đưa đến những cái tốt khác: làm cho người khác phát huy cái tốt, cái chưa xuất hiện của những mục tiêu chỉ trích. Tại sao không công nhận rằng: chính những chỉ trích của Tự lực văn đoàn đã khiến cho những nhà Nho phát huy cái hay của Nho giáo, những cổ tục nào đó cần phải lưu giữ, nếp sống nào đó cần phải duy trì…? Ở đây tôi không nói những công lao lớn mà Hoàng Đạo và các bạn ông đã làm được đối với xã hội cũng như văn học, bởi nó hiển nhiên hết sức, tôi chỉ muốn nhân nói về ông rút ra những kết luận nào đó cho chính mình.
Đọc lại Hoàng Đạo, điều mà tôi nhận được nơi ông, trước nhất là cái tinh thần cấp tiến, mạnh dạn và dứt khoát, nhất nữa là cái tinh thần đó cách đây 30 năm ông đã có được. Tôi nghĩ chính cái tinh thần này đã đóng góp không ít vào việc võ trang tinh thần cho thanh niên để rồi họ bước vào con đường hành động. Bảo ông nhìn xuống, vậy nói ông phải chọn thái độ như thế nào nhất là với đời sống ông có? Ỏ trong vị trí của ông, với cương vị đó ông hành động, ông viết với chỗ đứng của mình bằng lòng nhiệt thành chân thật. Như thế chính đáng hơn hay bắt ông phải ngụy tạo? Bắt ông phải bỏ chính con người ông để sống làm người khác? Sống giữa một xã hội trì trệ buồn nản, cuối đường cuối của một nền văn hoá một nếp sống chỉ còn lại những hình thức lễ nghi, khuôn sáo, không năng lực, không sức mạnh, lớp trí thức lãnh đạo tinh thần cũ đang suy vi tan rã giữa những lớp trí thức mới chỉ được giáo dục để trở thành tay sai, làm bồi, phần lớn thanh niên thành thị lao đầu vào con đường truỵ lạc thì phải nói rằng Tự lực văn đoàn và một số những trí thức cấp tiến khác chính đã tạo thành một cơn bão tốt. Nó làm thay đổi sinh hoạt, làm mới đời sống, thổi một luồng sinh khí mới vào xã hội ta. Và chúng ta không thể không đồng ý với Hoàng Đạo khi nhận định về chính công việc mình đã đóng góp trong ba năm hoạt động: “Ba năm qua, sự thay đổi của phong tục lễ nghi tuy chưa rõ rệt, nhưng sự thay đổi của linh hồn dân ta đã ngấm ngầm từ tốn mà tiến hành, không có sức mạnh nào ngăn cản lại được nữa. Nhưng lý tưởng, những quan niệm cũ dần dần mất vẻ uy nghi lẫm liệt, tất rồi cũng phải theo thời gian mà phá tan, nhường chỗ cho những quan niệm, những lý tưởng mới…”
Chỉ trích, nhạo báng cười cợt, đả phá những cái đã hư, đã nát đã lạc hậu, cổ võ cho những cái mới, cái tiến bộ, kêu gọi người dân Việt, nhất là thanh niên đóng góp sức mạnh của mình vào công việc xây dựng một đời sống mới, dần dần những người cấp tiến yêu nước đó chuyển sang những mục tiêu chính trị: đả đảo quan trường, óc xôi thịt, chống lại chế độ bù nhìn, tố cáo những bất công trong xã hội, đòi hỏi tự do dân chủ, quyền được sống của người dân. Như thế tất nhiên đưa họ tới hành động cách mạng. Từ văn nghệ sang cách mạng chỉ ngăn cách bởi một sợi tóc, như vậy chúng ta không hề ngạc nhiên trước sự lựa chọn hành động của nhiều nhà văn như Nhất Linh, Hoàng Đạo…(…)
Dũng của Nhất Linh đã lên đường làm cách mạng. Duy của Hoàng Đạo cũng đã lên đường trở về với nông thôn trong một hành trình ôn hoà, làm cho người khác sung sướng hơn. Qua thông điệp tinh thần của những Nhất Linh, Hoàng Đạo…hay của những Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái…chúng ta nghe thấy một lời kêu gọi mà họ đã gửi tới những người cùng thời, và cho cả ngày nay, nhưng có điều chúng ta nhận thấy rằng: đối tượng tranh đấu của thời đó khác hẳn với ngày nay, lúc bấy giờ thanh niên có một đối tượng rất đơn giản và minh bạch: giải phóng dân tộc khỏi nền cai trị của thực dân Pháp, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Còn ngày nay đối tượng khác, phức tạp hơn, rộng lớn hơn, nhiều giá trị tinh thần đã tan rã, nhiều niềm tin đã lung lay, chiến tranh tàn phá… Như vậy kinh nghiệm tranh đấu của Hoàng Đạo có giúp được gì cho cuộc vận động lịch sử hiện nay hay không? (dĩ nhiên là có vì văn hóa không có thời gian & biên giới)
Hoàng Đạo đã làm báo, viết văn, hoạt động xã hội, hoạt động cách mạng và ông đã chết trên một chuyến xe lửa tại Quảng Châu bên Trung-Hoa giữa lúc còn hăng say với lý tưởng, ông chết với một mộng tưởng chưa thành cũng như bao nhiêu người khác cùng một thế hệ trên con đường bôn ba. Và cũng có thể nói rằng đến cái chết của ông là kết thúc một giai đoạn lịch sử, kết thúc vai trò của một lớp người…
Dương Nghiễm Mậu