Tường trình lễ tưởng niệm 30/04 lần thứ 37 tại thủ đô người Việt tị nạn, Hoa Kỳ
Như mọi năm, vào dịp cuối tháng Tư, Ủy Ban Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tại Westminster, Miền Nam Cailifornia, tổ chức Lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư và Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Đặc biệt năm nay, Ủy Ban Tượng Đài đã mời anh Ngãi Vinh, Đoàn Trưởng Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính với sự yểm trợ mạnh của Cộng Đồng Miền Nam California, cùng với Ủy Ban Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ phối hợp tổ chức Lễ Tưởng Niệm 37 Năm Quốc Hận (Tháng Tư 1975 – 2012) và 9 Năm Kỷ Niệm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ (Tháng Tư 2003 – 2012), vào lúc 11 giờ trưa Chủ Nhật ngày 29 tháng 12 năm 2012 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ.
Buổi Lễ khai mạc đúng 11 giờ 30. Theo anh Ngãi Vinh cho biết là các anh em trẻ đã đến đây từ 8 giờ 30 sáng, Thanh Niên Cờ Vàng giúp treo cờ Việt Mỹ chung quanh khuôn viên lễ đài và dựng các tấm bảng đen với hình ảnh trưng bày tội ác cộng sản Việt Nam. Các anh em Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính và các thiện nguyện viên treo các biểu ngữ, chuẩn bị hệ thống âm thanh, phụ dựng lều và sắp đặt vòng hoa. Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali phụ trách xếp đặt bàn thờ cho buổi lễ.
Vào lúc khai mạc thì tất cả các ghế trong 3 căn lều đã không còn chỗ trống với sự hiện diện của đại diện các tôn giáo, các chính đảng và nhiều đoàn thể trong cộng đồng. Đặc biệt năm nay, phái đoàn tăng, ni và phật tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo từ khắp nơi tề tựu về thủ đô người Việt tỵ nạn trong dịp tổ chức Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch năm 2556 và Lễ Đặt Viên Đá Xây Dựng Chùa Điều Ngự vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày, với sự hướng dẫn của Đại Lão Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Phó Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và Hòa Thượng Thích Viên Lý, Phó Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo đã cùng với phái đoàn tăng, ni phật tử đến tham dự buổi Lễ.
Trong phần giới thiệu quan khách tham dự, ngoài sự hiện diện của phái đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, còn có sự hiện diện của Linh mục Nguyên Thanh, ông Huỳnh Kim, Phật Giáo Hòa Hảo, Mục sư Leo Lynch Trung Úy Hải Quân Hoa Kỳ, Mục sư Frank Orzio, Mục sư David và Mục sư Huỳnh Alexander,… Đại diện Cộng đồng thì có Đại tá Lê Khắc Lý (Chủ Tịch Lâm Thời Cộng Đồng Việt Nam Nam California), Cụ Vũ Hoàn (Nguyên Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California), Kỹ sư Bùi Bình Bân (Nguyên Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Nam California). Đại diện các chính đảng gồm có ông Phan Thanh Châu (Bí Thư Đảng Vụ Trung Ương Việt Nam Quốc Dân Đảng), ông Trần Trọng Đạt (Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương Đại Việt Quốc Dân Đảng), ông Lê Ngọc Diệp (Chủ Tịch Ủy Ban Giám Sát Trung Ương Liên Minh Dân Chủ),… Về phía các dân cử thì có ông Gary DeLong (Nghị viên Thành phố Long Beach và là ứng cử viên Dân biểu Liên bang Khu vực 47), ông Troy Edgar (Thị trưởng thành phố Los Alamitos), ông Chad Morgan (đại diện Dân biểu Allan Mansoor), ông Ronnie Gyer (đại diện Dân biểu Jim Silva), Nghị viên thành phố Westminster Tạ Đức Trí, Andy Quách và ông Frank Fry, Nghị viên thành phố Fountain Valley ông Michael Võ, Tiến sĩ Phạm Kim Long (Ủy viên Giáo Dục Quận Cam), bà Deborah Pauly (Phó Chủ Tịch Đảng Cộng Hòa Quận Cam và phái đoàn), và rất đông đại diện các quân binh chủng quân lực VNCH và các hội đoàn ái hữu.
Khai mạc buổi lễ, Thiếu tá Lê Xuân Trạch nghiêm trang điều khiển nghi lễ chào cờ. Toán hầu kỳ rước Quốc Quân Kỳ Việt-Mỹ uy nghi diễn hành qua hai hàng quân dàn chào tiến lên khán đài. Sau tiếng hô dõng dạc của người điều khiển, tiếng nhạc quốc ca Việt Nam trầm hùng được cất lên và mọi người cùng đồng ca. Tiếp theo là quốc ca Hoa Kỳ được hát bởi cô ca sĩ Erin Boll. Nghi lễ chào cờ được chấm dứt sau một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến chiến sĩ Việt Mỹ và đồng bào đã hy sinh vì lý tưởng tự do. Sau đó, Mục sư Leo Lynch và Đại Lão Hòa Thượng Thích Chánh Lạc tuần tự lên khán đài để dâng lời cầu nguyện mở đầu cho buổi lễ.
Thay mặt Ban Tổ Chức và đại diện cho Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính cô Quảng Nguyện và anh Phan Thanh Tuấn, lên khán đài phát biểu cảm tưởng và nói lên ý nghĩa của buổi lễ hôm nay.
Cô Quảng Nguyện phát biểu bằng tiếng Việt:
“… Kỷ niệm 9 năm thành lập Tượng Đài, chúng ta đến đây để nhớ ơn Hội Đồng thành phố Westminster, Thị trưởng và các Nghị viên, nhớ ơn ông Frank Fry, Ủy Ban Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và các mạnh thường quân đã tạo kiện và bỏ công lớn trong việc xây dựng Tượng Đài. Đặc biệt là nhớ đến sự đóng góp to lớn về tài chánh và công sức không ngừng nghĩ của đồng bào hải ngoại khắp năm châu bốn biển để chúng ta có được một tượng đài uy nghi như ngày hôm nay. Thật không có lời hay tốt nào có thể tả hết được…. Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ đã là nơi vinh danh các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa và các chiến sĩ Hoa Kỳ đã bỏ mình trong cuộc chiến chống Cộng Sản để bảo vệ tự do. Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, là biểu tượng của tình chiến hữu và sự cảm thông giữa những cựu quân nhân Hoa Kỳ và Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Tượng đài Việt Mỹ là nơi gắn bó của đồng hương với những buổi lễ quan trọng trong Cộng Đồng như: Lễ Tưởng Niệm 30/4, lễ chào cờ đầu tháng, và còn nhiều nữa,… Chúng tôi, tuổi trẻ hải ngoại của hôm nay và ngày mai, đến đây để vinh danh, tạ ơn, và tưởng nhớ người lính quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chết cho chúng ta được sống; để vỗ ngực tự hào cho giòng giống chí hùng Việt Nam; và để ngậm ngùi rơi nước mắt, khóc, khóc và khóc cho nỗi oan ức của nước-mất-nhà-tan, bởi tính khí ngông cuồng của những người mang chủ thuyết hoang tưởng Cộng Sản ngoại lai, và bởi sự an bài vị lợi của đồng minh… Tưởng niệm ngày 30 tháng Tư năm 75, chúng tôi, tuổi trẻ tại quốc nội và hải ngoại nhớ lại cảnh gia đình ly tán, sự miệt thị, khủng bố và áp đảo tinh thần của cộng sản đối với những ai trong gia đình người Việt Quốc Gia. Ngày hôm nay, những sự việc này vẫn tiếp tục xảy ra với chính người dân trong nước…
Ngày 30 tháng Tư là một trang sử đen của dân tộc Việt Nam, để nhắc nhở tuổi trẻ chúng tôi biết phân biệt giữa chính nghĩa và gian tà, giữa tự do dân chủ và cộng sản độc tài, giữa tình yêu dân tộc và hận thù cuồng tín, giữa chí khí yêu nước vá sự nhu nhược bán nước, giữa truyền thống đạo đức của dân tộc Việt và tính khí vô nhân vì quyền lực và tham vọng; để là động lực thúc đẩy tuổi trẻ chúng tôi bước mạnh, bước vững vàng trên con đường đấu tranh đầy gian khổ cho một Việt Nam tương lai tươi sáng.”
Anh Phan Thanh Tuấn phát biểu bằng tiếng Anh được lược dịch như sau:
“… Được sinh ra sau năm 1975, tôi không sống trong cuộc chiến trước năm 1975. Là một cựu sinh viên của trường Đại Học UCI, tôi hiểu rằng cuộc chiến trước năm 1975 tại Việt Nam là cuộc chiến chống lại Cộng sản Bắc Việt dưới sự yểm trợ của Cộng sản Quốc tế xâm lăng miền Nam đang sống trong tự do và dân chủ. Hoa Kỳ lúc đó đứng đầu khối tự do đã giúp miền Nam Việt Nam chống lại sự xâm lăng của miền Bắc Cộng sản…. Sau khi Hoa Kỳ và đồng minh rút quân ra khỏi Việt Nam qua Hiệp định Paris năm 1973, quân đội miền Nam chiến đấu trong cô đơn và thiếu thốn, trong khi quân Bắc Việt vẫn nhận được viện trợ và tiếp tế dồi dào từ cộng sản Nga Tàu. Và đó là lý do ngày 30 tháng Tư năm 1975 miền Nam rơi vào tay cộng sản…. Thời gian đã trôi quá nhanh, mới đó mà đã 37 năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Chúng ta hiện diện hôm nay để nói lên rằng những người chiến sĩ tự do của chúng ta không bị lãng quên. Chúng ta hiện diện hôm nay để tưởng nhớ đến họ, và để nhắc nhở cho chúng ta rằng họ đã chết cho chúng ta được sống, và tự nói với chính mình rằng chúng ta phải làm gì để đền ơn cho họ…. Trong số quý vị ở đây, có những người sinh sau năm 1975, chúng ta không có liên quan gì đến cuộc chiến Việt Nam, nhưng qua những năm dài sống dưới chế độ cộng sản chúng ta đã nếm mùi thế nào là “Chính quyền Cộng sản”. Chúng ta sẽ không bao giờ quên cảnh bị đuổi ra khỏi căn nhà của mình, cảnh không được tiếp xúc bố mẹ đang bị kết tội tù nhân chiến tranh, bị kỳ thị ở học đường, không được nói lên điều mình nghĩ và nhiều nhiều nữa. Sự kỳ thị mà cộng sản đã đối xử với gia đình của tôi còn tệ hại hơn cả Hitler đối xử với người Do Thái như tôi đã biết…. Hiện nay nhiều người trẻ trong nước đã đứng dậy đòi hỏi nhân quyền và tự do cho Việt Nam, xuống đường biểu tình chống Trung cộng xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa. Và nổi bật hơn cả là thành viên của Tuổi Trẻ Yêu Nước, nhạc sĩ Việt Khang đã sáng tác hai bài “Việt Nam Tôi Đâu?” và “Anh Là Ai?” đã diễn tả được bộ mặt thật của xã hội Việt Nam hiện nay…. Tôi là Phan Thanh Tuấn, thành viên của Đoàn Thanh Sinh Phó Đức Chính, một tổ chức thuộc Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong dịp Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận Lần Thứ 37, tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy tiếp bước cha anh, hãy lên tiếng thay cho những người không được nói, hãy đem công lý đến cho các tù nhân lương tâm và hãy tranh đấu cho một Việt Nam tự do, dân chủ và nhân quyền.”
Tiếp theo là nghi lễ cầu nguyện và đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng vị quốc vong thân, những người đã tuẫn tiết trong Tháng Tư Đen, những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì hai chữ tự do. Các vòng hoa được đại diện các tổ chức mang lên Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ được xướng danh tuần tự như sau: Ủy Ban Tượng Đài Chiến Sỹ Việt Mỹ, Cộng Đồng VN Nam California, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng, Thanh Niên Cờ Vàng, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Gia Long Nam California, Liên khu hội cựu Tù nhân Chính tri Los Angeles và Quận Cam, Hội Đồng Hương Quảng Ngãi, Bill Mimanga Chủ Tịch Khu Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ Đơn Vị 785. Đại diện các tôn giáo và các chức sắc trong cộng đồng được mời lên trước bàn thờ để thắp hương và dâng lời cầu nguyện.
Tiếp theo chương trình ông Frank Fry, Nghị viên thành phố Westminster và là Chủ tịch Ủy ban Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, đã phát biểu rằng: Tượng Đài sẽ tồn tại mãi mãi cho dù ông không còn trên cõi đời này nữa. Tượng Đài còn là một biểu tượng cho vết thương của người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hoa Kỳ. Cộng đồng người Việt đã chọn hình tượng hai người lính Việt Mỹ đứng bên cạnh nhau để làm tượng đài là biểu tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ Việt Mỹ đã nằm xuống. Ông rất lấy làm hãnh diện và cảm kích được có những người bạn Việt Nam và ông cũng ngỏ lời cảm ơn đặc biệt đến với những người đã bỏ công sức và tài chánh hỗ trợ cho Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ trong bao nhiêu năm qua.
Trong lúc ông Frank Fry còn ở lại trên khán đài thì bà Deborah Pauly, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Đảng Cộng Hòa Quận Cam, Nghị viên thành phố Villa Park, Cựu Trung tá Không quân Hoa Kỳ dẫn đầu phái đoàn gồm có Luật sư Craig Alexander (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Cộng Hòa Tiểu Bang California), Emily Stanford (Ủy Viên Trung Ương Đảng Cộng Hòa Quận Cam), Cựu Đại úy Hải quân Hoa Kỳ, ông Cao Sinh Cường (Ủy viên Ủy ban Điều hành Đảng Cộng Hòa Tiểu bang California), Chủ tịch Hội Đồng Cộng Hòa thành phố Westminster lên khán đài đại diện Đảng Cộng Hòa Quận Cam trao tặng bằng tưởng lục cho Ủy Ban Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ. Bà Deborah cho biết rằng bà có mặt ngày hôm nay ở đây để bày tỏ tình thương, sự cảm thông và lòng ngưỡng mộ đến những gì mà người Việt đã trải qua, bà cảm nhận được nỗi đau trong ánh mắt của những người Việt trong ngày hôm nay. Bà cũng mong rằng trong thời gian này, vết thương lòng của những người Việt tỵ nạn cũng được hàn gắn khi đã đặt chân đến đất nước tự do và tràn đầy cơ hội cho chính mình và con cháu của mình. Sau đó bà Pauly đã tuyên đọc nội dung bằng tưởng lục: “Văn Phòng Đảng Cộng Hòa Quận Cam xin vinh danh Ủy Ban Xây Dựng Đài Tưởng Niệm nhân dịp ngày truy niệm 30 tháng 4 và chu niên thứ 9 của Tượng Đài Chiến Sĩ. Để ghi nhận sự thất thủ tang thương đi vào lịch sử của Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 và tiếp theo đó là sự ra đi của hàng triệu người Việt Nam đã phải bỏ trốn chế độ cộng sản, trong số đó có nhiều người tỵ nạn đã đến định cư tại Hoa Kỳ. Khu Little Saigon thuộc Quận Cam là nơi quy tụ cộng đồng người Việt hải ngoại lớn nhất, và ngày 30 tháng 4 sẽ mãi mãi là ngày truy niệm dành cho tất cả những ai yêu chuộng tự do”. Bằng tưởng lục đã được ký tặng bởi Scott Baugh, Chủ tịch Văn phòng Đảng Cộng Hòa Quận Cam. Cảm kích trước sự trang trọng của Văn Phòng Đảng Cộng Hòa Quận Cam, ông Frank Fry đã mời các thành viên của Ủy Ban Tượng Đài và Đại tá Lê Khắc Lý, Chủ Tịch Lâm Thời Cộng Đồng Việt Nam Nam California cùng lên khán đài để nhận lãnh bằng tưởng lục.
Tiếp theo phần trao bằng tưởng lục, Nghị viên thành phố Long Beach Gary DeLong (ứng cử viên Dân biểu Liên bang Địa hạt 47), thay mặt cho Dân biểu Allan Manssor trao bằng tưởng lục cho Ủy Ban Tượng Đài và ông cũng có lời vinh danh những người lính hiện diện ngày hôm nay, đồng thời cũng không quên những người đang còn sống tại Việt Nam, những nhà truyền giáo, những bloggers, những nghệ sĩ bị tước đoạt tự do, bị chà đạp nhân quyền và ông hứa sẽ hỗ trợ cộng đồng trong việc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Tiếp theo là phần phát biểu của Nghị viên Thành phố Los Alamitos Troy Edgar, ứng cử viên Dân biểu Tiểu bang Địa hạt 72, và sau đó là Nghị viên thành phố Fountain Valley Michael Võ.
Sau phần phát biểu cảm tưởng của các vị dân cử là phần phát biểu của ông Cựu Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ Bill Mimaga, Chủ Tịch Đơn Vị 785-Khu Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam. Ông Bill Mimaga đã ngỏ lời cám ơn Ban Tổ chức đã cho ông cơ hội lên đây để bày tỏ cảm nghĩ của mình. Ông cho biết là sau khi Hoa Kỳ chính thức chấm dứt cuộc chiến tại Việt Nam thì Hoa Kỳ đã có gần 60 ngàn binh sĩ tử trận, hàng 100 ngàn bị thương và hàng ngàn người mất tích. Và cuộc chiến cũng lấy mất đi hàng nửa triệu sinh mạng binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa và để lại hàng trăm ngàn thương binh. Điều làm ông đau buồn là sau khi cuộc chiến chấm dứt, hàng triệu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa lại bị Việt Cộng đày ải trong các trại lao động khổ sai và hàng triệu người phải vượt thoát đi tìm tự do tại xứ sở này. Và ông đã niềm nở tiếp đón những người Việt tỵ nạn đến Hoa Kỳ như những người miền Nam đã từng tiếp đón ông khi ông đến Việt Nam để tham gia cuộc chiến trước đây. Trước khi dứt lời, ông cầu chúc một ngày không xa, những người Việt tỵ nạn và con cháu của họ sẽ trở về Việt Nam trong một bầu không khí tự do như tại Hoa kỳ này.
Tiếp theo sau đó, Thiếu Tá Hải Quân Hoa Kỳ Christopher Phan Vĩnh Chinh lên khán đài giới thiệu đến quan khách Trung Tá Quân Đội Hoa Kỳ Thomas Nguyễn thuộc thế hệ trẻ người Mỹ gốc Việt phát biểu cảm tưởng. Anh Thomas cho biết là anh cũng đã từng lớn lên dưới chế độ cộng sản sau năm 1975. Anh bày tỏ lòng tri ân đến các anh hùng tử sĩ Việt Mỹ và đồng minh đã hy sinh mạng sống để bảo vệ tự do. Trung tá Thomas Nguyễn cũng vinh danh những người Việt Nam can đảm đã thà chết trên rừng sâu hay trong lòng biển cả để đi tìm tự do chứ không chấp nhận sống với cộng sản. Và việc làm này của họ đã chứng tỏ cho thế giới thấy và hiểu được chế độ phi nhân của Cộng sản Việt Nam. Ngày nào còn Cộng sản thì ngày đó người dân Việt sẽ không thể có tự do và nhân quyền.
Kết thúc chương trình Lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư Lần Thứ 37 và Kỷ Niệm 9 Năm Ngày Thành Lập Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, cô MC Hoài Hương thay mặt Ban Tổ Chức có lời cảm ơn quý vị quan khách đã bỏ thì giờ quý báu của một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời để đến tham dự buổi lễ và các thiện nguyện viên đã giúp công sức cho ban Tổ Chức. Cô Hoài Hương cũng đã có lời cảm ơn đặc biệt đến MC Carol Ngô, là người tuy vừa mới trải qua một cuộc phẫu thuật bất ngờ trước đây mấy ngày, đi lại rất khó khăn nhưng cũng đã cố gắng làm tròn vai trò mà cô đã hứa đảm nhận với Ban Tổ Chức.
Mặc dù buổi lễ đã kết thúc nhưng một số đông đồng bào vẫn còn ở lại xem những hình ảnh trưng bày tội ác cộng sản Việt Nam, chụp hình lưu niệm, và thưởng thức những món ăn nhẹ do cô Hoa và Hội Phụ Nữ Nam Cali khoản đãi.
Đức Châu Long Vinh