Tương quan giáo quyền với chính quyền với chính trị…

Mời qúy độc giả đọc bài bình luận chính trị của bình luận gia Lý Đại Nguyên

TƯƠNG QUAN TÔN GIÁO VỚI CHÍNH TRỊ

TƯƠNG TÁC GIÁO QUYỀN VỚI CHÍNH QUYỀN

 

Nhân Lễ Tạ Ơn của Hoakỳ, viết về sự tương quan  giữa Tôn Giáo với Chính Trị, và mối tương tác giữa Giáo Quyền và Chính Quyền, hay còn gọi là Thần Quyền và Thế Quyền. Có quan niệm cho rằng: Chỉ làm Văn Hóa chứ không làm Chính Trị, hay chỉ làm Tôn Giáo chứ không làm Chính Trị, hoặc chỉ làm Xã Hội chứ không làm Chính Trị…Nhất là cơ quan tuyên truyền của chế độ cộng sản độc tài toàn trị thì lại càng ráng sức đề cao quan niệm trên đây, để tất cả những người sinh hoạt trong các lãnh vực Văn Hóa, như  Nghệ Thuật, Văn Học, Khoa Học, hoặc Tôn Giáo, Xã Hội…tự chối bỏ vai trò Chính Trị chân chính và chính đáng của mình, rồi trao vận mệnh của mình và ngành mình phục vụ cho bọn thống trị độc tài tha hồ thao túng. Khi Con Người có Ý Thức sống giữa Xã Hội Loài Người Thăng Hóa, sống trong Thế Giới Vô Thường của Vũ Trụ Hằng Hóa, với những tương quan nhân quả chằng chịt, tương tác đối đãi, tốt xấu đảo điên, buộc mỗi người vào thế phải Lựa Chọn Ứng Xử. Đã có lựa chọn ứng xử là buộc mỗi người phải vào thế “Làm Chính Trị” rồi. Bạn không tự lựa chọn để ứng xử thì kẻ khác sẽ lựa chọn thay bạn. Bạn lập tức mất quyền tự do, tự chủ. Chế độ độc tài nào cũng muốn đoạt quyền lựa chọn của người dân. Chính những bọn độc tài, độc đoán, độc ác, tai quái, gian manh đã Quái Hóa Chính Trị thành lãnh vực sinh hoạt hiểm ác, gian dối, phản phúc, buộc mọi người dân lành phải kinh sợ, xa lánh.

Đích ra, Văn Hóa là thực thể, là nội dung của những hoạt động Chính Trị. Nên Chính Trị là dụng của Văn Hóa. Văn Hóa chỉ đạo cho Chính Trị. Khi một xã hội đuợc tổ chức, điều hành và sinh hoạt dựa trên nền tảng Văn Hóa nào đó, thì Chính Trị đương nhiên sẽ thể hiện ra sắc thái ấy. Nên mới gọi đó là Đạo của Chính Trị. Chính Trị theo Đế Đạo, là sự thể hiện của Chân Lý tuyệt đối. Đây là đường hướng của các Tôn Giáo chân chính hằng theo đuổi, nhằm hướng dẫn Tâm Linh của Tín Đồ vươn tới. Như vậy là các Tôn Giáo làm chính trị đế đạo. Nhưng đó là hướng vươn lên trường cửu vĩnh hằng tuyệt đối. Còn người theo đạo vẫn phải sống và làm bổn phận của kiếp người trong cuộc đời tương đối này. Bởi vậy, các tín đồ mới cần phải gia nhập Tôn Giáo, có Giáo Chủ, có Giáo Lý, có Đền Thờ, có Thần Linh, có Tu Sĩ, có Giáo Dân, có Tổ Chức, có Sinh Hoạt, thành một tập thể Giáo Hội Sống Động, làm nơi nương tựa tinh thần, giúp nhau bồi dưỡng, tu tỉnh và thăng hóa tâm linh, trang bị đầy đủ năng lực tinh thần, khả năng lựa chọn ứng xử và niềm tin kiên định cho các tín đồ, để “đem Đạo vào Đời” phục vụ tha nhân và  xã hội. Từng ấy sự việc, công việc của Người Tín Đồ và của mỗi Giáo Hội không phải là sinh hoạt chính trị đó sao?

Ngoài Đế Đạo thể hiện Chân Lý Tuyệt Đối, trong thực tế đời sống xã hội và tổ chức quốc gia còn có đường lối Vương Đạo, áp dụng trong cuộc sống tương đối này. Vương Đạo là đạo rộng lớn, thoáng đạt, phổ cập tới toàn dân, toàn xã hội. Mà thời nay gọi là Đạo Tự Do Dân Chủ. Mỗi nước tự xây dựng quyền lực quốc gia dựa trên ý chí tự do, tự chủ và lựa chọn của toàn dân mình. Không để cho Giáo Quyền trùm lấn lên Chính Quyền, và ngược lại không cho phép Chính Quyền khống chế Giáo Quyền, biến tôn giáo làm công cụ cho bọn Thống Trị. Kinh nghiệm lịch sử dậy rằng: Văn minh Ấn Độ xưa, để cho Tôn Giáo ở vào vị thế toàn thống, khống chế  Chính Quyền, khiến cho xứ Ấn mấy ngàn năm lạc hậu. Một số nước Hồi Giáo hiện nay còn theo đuổi chủ trương Tôn Giáo Toàn Thống cũng đang dìm nước họ vào vòng lạc hậu và đe dọa hòa bình nhân loại. Văn Minh Trung Hoa xưa, để Chính Quyền thành toàn thống, Vua nhân danh “Con Trời” sắc phong cho Thần Linh, khống chế Tôn Giáo, cũng đã làm cho xã hội Trung Hoa mấy ngàn năm không trở mình nổi. Nay các chế độ độc tài Cộng Sản cũng chủ trương toàn trị, diệt tôn giáo. Nhưng chúng đã thảm bại, Liên Xô cộng sản tan tành, mà Tôn Giáo thì phục hoạt. Những nước cộng sản còn thoi thóp hiện nay, vì muốn duy trì quyền lực, nên vẫn tìm mọi cách để đàn áp, thuần hóa, cố biến các tôn giáo thành công cụ toàn trị của chúng. Nhưng rồi chúng cũng như Liên Xô mà thôi.

Văn Minh Tây Phương, thì lúc Thế Quyền mạnh lấn áp Tôn Giáo; khi Giáo Quyền mạnh lấn vượt Chính Quyền. Khiến cho người dân vừa khổ đau, vừa phải thực hiện những cuộc vận động tự cứu. Các cuộc cách mạng tôn giáo, chính trị có điều kiện bùng nổ, rổi bị trả giá. Vì, tuy nhu cầu đòi tự do được dịp bừng nở, nhưng chưa tìm ra thế cách hợp pháp hóa sự tương tác giữa Giáo Quyền với Chính Quyền. Khiến cho nạn kỳ thị tôn giáo, chiến tranh tôn giáo, khủng bố tôn giáo từ trong ra, ngoài vào kéo dài hàng mấy thế kỷ. Nhưng, những người từ Âu Lục ôm niềm tin tôn giáo của mình ra đi tìm đất sống tại Tân Thế Giới, lại chính là những người đầu tiên của nhân loại đã tìm được đáp án giải quyết sự xung đột ngàn đời đẫm máu và nước mắt giữa Giáo Quyền và Thế Quyền. Sau khi tranh đấu giành độc lập thành công, những người tự do này đã thành lập ra nước Hoakỳ với nền Văn Hiến Liên Bang: Dân Chủ Tự Do, Đa Nguyên, Phân Nhiệm, Pháp Trị và có sự kiểm soát lẫn nhau. Tuy người dân Hoakỳ đều có niềm tin tôn giáo mãnh liệt, nhưng với kinh nghiệm đau thương về nạn kỳ thị và đàn áp tôn giáo, họ đã không để cho một tôn giáo nào thống ngự quốc gia của họ. Họ cũng không để cho Chính Quyền được phép khống chế tôn giáo. Cả tôn giáo lẫn chính quyền đểu phải có trách nhiệm bảo vệ và phát triển sự tự do, tự chủ và sáng tạo của mỗi cá nhân trong một xã hội Đa Chủng Tộc, Đa Văn Hóa. Chính sự Tự Do Cá Nhân ấy, đương nhiên giới hạn Chính Quyền, Giáo Quyền và Quyền Ngôn Luận, mà Tu Chính Án số 1 đã không cho phép Quốc Hội làm luật để giới hạn Tôn Giáo và Ngôn Luận. Có thể nói các nhà lập quốc Hoakỳ đã xây dựng cho nước Mỹ một nền tảng  Chính Trị Vương Đạo vậy.

Ngoài Vương Đạo, thế giới còn xuất hiện phương pháp Chính Trị Bá Đạo, đó là các chế độ độc tài bạo ngược, áp chế, khủng bố người dân. Mà cao điểm là chế độ Cộng Sản Độc Đảng, Độc Tài, Toàn Trị, Sắt Máu. Chúng đã tàn sát tới trên Một Trăm Triệu sinh mạng để thực hiện chế độ tàn bạo độc ác không tưởng đó. Cũng may cho nhân loại là thứ chế độ hỏa ngục đó đã bị chết tiệt. Chỉ còn một số nước như: Tầu, Việt, Lào, Bắc Hàn, Cuba vẫn cố bám lấy thứ chế độ Bá Đạo đó. Nhưng chúng lại đã và đang biến thái thành Tặc Đạo. Tức là đạo ăn cướp. Một Chính Quyền đã trở thành một bầy kẻ cướp thì bọn họ sắp sa vào thế Mạt Đạo chẳng sai! Đến đây có thể khẳng định rằng: Tương Quan Tôn Giáo với Chính Trị là mối tương quan máu thịt không thể tách rời. Nhưng về mặt Tương Tác giữa Giáo Quyền và Thế Quyền là hai lãnh vực phải tách rời khỏi nhau, mà lại cùng mục đích phụng sự Con Người thì mới là Chính Giáo và Chính Quyền để cùng thể hiện đường lối Chính Trị Tự Do, Tự Chủ, Sáng Tạo góp phần thăng hóa phận người, quốc gia, thế giới và lịch sử. Xin cảm ơn tất cả.

Little Saigon ngày 25-11-2008.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt