SUY TƯ TRƯỚC NGÀY ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2008
“…….mưu toan biến Đại lễ Vesak LHQ 2008 thành một màn kịch chính trị nhằm đạt tới những mục tiêu chính trị của họ, những mục tiêu hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa văn hoá và tôn giáo của Đại lễ đó…..” Bài của Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần
SUY TƯ TRƯỚC NGÀY ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2008
Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần
Đối với người Phật tử, Đại lễ Phật đản bao giờ cũng là ngày vui mừng, phấn khởi, vì đó là ngày đản sinh của một đấng vĩ nhân đã khai sáng ra triết thuyết cứu khổ cho chúng sinh, vạch rõ con đường giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ để đạt tới hạnh phúc ngay cả khi đang sống trên cõi trần đầy khổ đau này. Cái triết thuyết đó gọi là đạo Phật đã có trên 2500 năm tuổi. Đó là con đường của mọi người tự nhận mình là con của Phật, cần và phải noi theo, con đường đưa đến hoà bình trong nội tâm và trên hoàn vũ, đưa đến an lạc cho mỗi cá nhân, mỗi chúng sinh, cũng như cho cả cộng đồng loài người. Cho nên sự vui mừng và phấn khởi của người Phật tử là hoàn toàn tự nhiên. Tình cảm đó bắt nguồn từ nhận thức và lòng biết ơn sâu sắc đối với bậc vĩ nhân đã cho chúng sinh bó đuốc sáng soi con đường cứu khổ và giải thoát.
Chính vì công nhận vai trò to lớn của đạo Phật đối với nhân loại – vai trò quảng bá lòng từ bi hỷ xả đối với mọi chúng sinh, kể cả mọi loài sinh vật cũng như thảo mộc, vai trò cổ vũ lòng yêu chuộng và gìn giữ hoà bình trên Trái đất cũng như trong tâm thức mỗi con người – nên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã quyết định kể từ năm 2000 hằng năm sẽ tổ chức ngày Đại lễ Phật đản LHQ, gọi là Đại lễ Vesak LHQ.
Đại lễ Vesak còn gọi là lễ Tam hợp, nghĩa là hợp ba ngày lễ lớn của đạo Phật làm một, tức là ngày đản sinh của Thái tử Siddharta (Tất-đạt-đa), ngày vị tu sĩ Siddharta được chứng ngộ trở thành bậc đại giác, tức là đức Phật Cakyamouni (Thích-ca-mâu-ni) thành đạo, và ngày đức Phật Cakyamouni viên tịch, còn gọi là nhập Niết Bàn.
Đại lễ Vesak LHQ đầu tiên được tổ chức tại New York năm 2001 ngay tại trụ sở LHQ. Sau đó, Ấn Độ và Thái-lan lần lượt đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ trên đất nước mình. Đó là một lễ hội văn hoá và tôn giáo có tính quốc tế để tưởng niệm và vinh danh vị khai sáng một Đạo Pháp lấy lòng từ bi hỷ xả, lấy thiện tâm là cốt lõi. Cái tinh thần căn bản về Đại lễ Vesak của LHQ là như vậy.
Hồi tháng 5 năm ngoái, các nhà cầm quyền nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đứng ra xin đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ tại Việt Nam vào trung tuần tháng 5 năm 2008. Những tưởng đây là một tin vui mừng đối với toàn thể Phật tử Việt Nam, nhưng không… Thay vì lòng hân hoan, phấn khởi, tin đó đem lại biết bao băn khoăn, ưu tư và gây ra tâm trạng buồn phiền cho nhiều người Phật tử Việt Nam có tâm và có trí. Tại sao vậy?
Cứ nhìn thẳng vào toàn bộ công việc chuẩn bị cho Đại lễ Vesak LHQ 2008 tại Việt Nam đã diễn ra cho đến nay, những ai có tâm và có trí – cả Phật tử cũng như không phải là Phật tử – đều thấy rõ là giới cầm quyền toàn trị, nói trắng ra là Bộ chính trị Đảng cộng sản (ĐCS), mưu toan biến Đại lễ Vesak LHQ 2008 thành một màn kịch chính trị nhằm đạt tới những mục tiêu chính trị của họ, những mục tiêu hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa văn hoá và tôn giáo của Đại lễ đó.
Từ trái sang phải: Người thứ 4 là Trưởng Ban Tôn Giáo CSVN Nguyễn Thế Doanh, chính thức lãnh đạo, người thứ 6 là Giáo Sư Lê Mạnh Thát (trưcớ đây là thầy Trí Siêu), người tổ chức Lể Vesack LHQ 2008
Nhận định này không phải là vũ đoán mà nó dựa trên những chứng cứ rất hiển nhiên. Xin độc giả cứ đọc kỹ lời tuyên bố của trưởng Ban tôn giáo chính phủ – một cơ quan thừa hành các quyết định của Bộ chính trị ĐCS – đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN, số ra ngày 29.11.2007, thì thấy rõ ngay thâm ý của tập đoàn cầm quyền toàn trị ở nước ta: “… Việc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2008 tại Việt Nam thể hiện đường lối ngoại giao rộng mở, chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam, đề cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước Viêt Nam”.
Không cần phải có trình độ chính trị cao siêu gì, mọi người có đầu óc suy nghĩ và có thái độ khách quan đều thấy rõ giới cầm quyền toàn trị ở nước ta xin đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2008 tại Hà Nội không phải là để biểu dương cái tinh thần từ bi hỷ xả, cái ý chí cứu khổ cho chúng sinh của đức Phật, mà chủ yếu là nhằm những mục tiêu chính trị của họ sau đây:
Một là: vì bị dư luận thế giới kết tội bóp nghẹt tự do tôn giáo, đàn áp tổ chức Phật giáo truyền thống đã có từ lâu, tức là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nên giới cầm quyền Hà Nội lợi dụng Đại lễ này để lừa bịp thế giới, cố tình xoá nhoà đi cái tội bóp nghẹt và đàn áp các tôn giáo, nhất là đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, nhằm làm cho dư luận thế giới tưởng lầm là “chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước Việt Nam” là khoan dung, rộng rãi, và ở Việt Nam có tự do tôn giáo thật. Đây là sự cố gắng để xoá bớt phần nào cái tiếng tăm xấu xa của của giới cầm quyền toàn trị ở nước ta trước thế giới văn minh và dân chủ là họ đã bóp nghẹt và đàn áp các tôn giáo, và để vớt vát cái “uy tín” hão của một nước thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ mà vi phạm nhân quyền.
Hai là: vì uy tín của cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do giới cầm quyền Hà Nội – tức là Bộ chính trị ĐCS – nặn ra hầu như chỉ là con số không, bị số đông Phật tử coi là Giáo hội “quốc doanh”, không khác gì “mậu dịch quốc doanh” của nhà nước cộng sản, một tổ chức “tay chân’ của ĐCS, cho nên họ cố lợi dụng việc tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2008 để bơm thêm cái “vị thế” giả tạo của Giáo hội “quốc doanh” này trên thế giới, và phần nào trong nước nữa. Chúng tôi viết “phần nào trong nước”, vì ở trong nước có nhiều Phật tử đã điểm mặt chỉ tên lắm “vị” cầm đầu Giáo hội này là “sư-công an”, nên Giáo hội này không có chút uy tín và ảnh hưởng gì trong đại chúng. Chính vì thế “đảng và chính phủ” phải cố bơm phồng cái “vị thế” giả tạo của Giáo hội này lên để hòng làm cho Giáo hội “quốc doanh” này thay thế cho Giáo hội Phật giáo truyền thống của dân tộc đã có từ trước và đang bị “đảng và chính phủ” đánh phá tàn tệ trên ba chục năm ròng.
Còn những mục tiêu chính trị khác thì chúng ta sẽ thấy rõ hơn khi xem xét cách thức tổ chức Đại lễ tại Hà Nội. Để tiến hành Đại lễ, như ở mọi nước, người ta tổ chức một Uỷ ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak LHQ 2008 (IOC). Ở Việt Nam cũng có một IOC như vậy do học giả Phật học Lê Mạnh Thát (trước đây gọi là Thầy Trí Siêu) đứng đầu. Đó là Uỷ ban Tổ chức quốc tế trên danh nghĩa, còn trong thực tế thì Bộ chính trị ĐCS lại bày ra một “Ban Điều phối quốc gia Đại lễ Vesak LHQ năm 2008” mà Ban này thực sự nắm quyền điều hành mọi việc – như đã ghi rõ – “nhằm làm cho Đại lễ được thành công tốt đẹp”, nói một cách khác là nhằm đạt tới những mục tiêu chính trị mà ĐCS đã đề ra. Vì thế, người đứng đầu “Ban Điều phối” không ai khác mà là trưởng Ban tôn giáo Nguyễn Thế Doanh. Chính Ban này mới thực sự quyết định nội dung, chương trình Đại lễ cũng như khách mời đến dự. Người ta đã công bố rõ người đọc diễn văn khai mạc Đại lễ Vesak 2008 sẽ là Chủ tịch CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết và người đọc diễn văn bế mạc là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Thật là lố bịch! Đại lễ Vesak mà lại không do hàng giáo phẩm Phật giáo đứng ra chủ trì, khai mạc và bế mạc mà lại do hai uỷ viên Bộ chính trị ĐCS chủ trì từ đầu đến cuối! Thế thì chúng ta có thể biết trước nội dung và thực chất của Đại lễ Vesak 2008 sẽ bị ĐCS lũng đoạn để xuyên tạc và bóp méo đến mức nào!
Mọi người đều biết, đã từ lâu, ĐCS cố sức mua chuộc, lôi kéo một số tăng sĩ và cư sĩ nổi tiếng của Phật giáo để hòng cô lập Giáo hội truyền thống của dân tộc là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Tăng thống Hoà thượng Thích Huyền Quang và Viện trưởng Viện Hoá đạo Hoà thượng Thích Quảng Độ đã trên ba thập niên kiên cường đứng mũi chịu sào, bất chấp biết bao bão táp đàn áp, khủng bố, tù đày, quản chế do ĐCS gây ra.
Chính vì thế mục tiêu chính trị thứ ba mà ĐCS nhắm đến là lợi dụng Đại lễ Vesak 2008 để lôi kéo những tăng sĩ và cư sĩ ít nhiều có xu hướng thoả hiệp ngả về phía nhà nước độc tài toàn trị của ĐCS hoặc chí ít cũng đứng trung lập để ĐCS dễ bề thi hành chính sách dùng Phật giáo đánh Phật giáo. Những người Phật tử Việt Nam có tâm và có trí rất đau lòng trước tình trạng một số tăng sĩ và cư sĩ kém kiên định đang rơi vào cạm bẫy của ĐCS và xót xa vô hạn trước cảnh chia rẽ hiện nay trong hàng ngũ Phật giáo đồ. Chúng ta có thể đoán trước hậu quả mà Đại lễ Vesak LHQ 2008 do ĐCS lũng đoạn sẽ đem lại sau khi họ tổ chức “thành công tốt đẹp” (từ ngữ của ĐCS trên báo Nhân Dân ngày 29.11.2007), có thể hình dung những đòn đánh cực kỳ độc ác sẽ giáng xuống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như các vị hoà thượng, các tăng sĩ, cư sĩ kiên cường của Giáo hội truyền thống. Cái vế cuối cùng trong lời tuyên bố của trưởng Ban tôn giáo về việc đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2008 đáng làm cho mọi người suy nghĩ: “…góp phần đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước Viêt Nam”. À ra thế, mục tiêu chính trị của ĐCS trong việc tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2008 là như thế!
Còn một mục tiêu chính trị thứ tư của ĐCS nữa. Điều ngẫu nhiên là ngày Đại lễ Phật đản năm nay lại trùng vào ngày sinh của Hồ Chí Minh, người đã dựng lên chế độ độc tài toàn trị trên đất nước Việt Nam. Dù đó là một ngày sinh giả tạo – như nhiều người đã biết – nhưng ĐCS sẽ cố tình lợi dụng cơ hội này để tô vẽ, đề cao trước dư luận quốc tế hình ảnh huyền thoại của con người đã gây ra biết bao đau khổ cho nhân dân, từ việc phát động cải cách ruộng đất vô cùng man rợ đến việc tiến hành cuộc chiến tranh tương tàn cực kỳ đẵm máu giữa nhân dân hai miền Bắc Nam… Thế mà vài chùa ở trong nước thuộc quyền cai quản của các sư “quốc doanh” người ta đã trắng trợn đặt tượng Hồ Chí Minh lên bàn thờ Phật! Vì vậy, Đại lễ Vesak 2008 tại Việt Nam quả là một cơ hội bằng vàng để ĐCS đề cao nhân vật này trước dư luận thế giới và trong nước.
Chính vì thế, ngày Đại lễ Phật đản năm nay đem lại biết bao nỗi ưu tư cho những người con của Phật có tâm, có trí, thiết tha bảo vệ Đạo Pháp của đức Phật, thiết tha bảo vệ Giáo hội truyền thống của dân tộc Việt Nam – một Giáo hội đã cùng sát cánh với nhân dân, đã từng chịu bao đoạ đày, bao đau khổ và đang kiên cường tranh đấu để hộ pháp, hộ dân, hộ quốc, chống lại giặc nội xâm đang dày xéo, cướp bóc dân lành, cũng như giặc ngoại xâm đang xâm phạm bờ cõi và chủ quyền quốc gia của Tổ quốc. Chính lúc này, mọi người con của Phật, bất kể tăng sĩ hay là cư sĩ, hãy nhận rõ âm mưu của kẻ thù Tự do, Dân chủ và Nhân quyền mà dẹp bớt những toan tính hẹp hòi, biệt phái, những xích mích nhỏ nhen, vặt vãnh để cùng nhau đoàn kết lại nhằm bảo vệ Đạo Pháp, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Giáo hội truyền thống của Dân tộc.
07.03.2008
Thiện Mẫn Nguyễn Minh Cần