Dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam: Giới trí thức bị nhốt trong lồng

Think Tanks

“Trí thức có giá trị như cục phân” (Mao Trạch Đông người thầy vĩ đại của Trung Cộng).
Một Trải Nghiệm Hơn 30 Năm Trước:
Đảng CSVN nói: “Người lao động trí óc mà không liên hệ với lao động chân tay thì chỉ mới là trí thức một nửa. Còn người lao động chân tay mà văn hoá kém, không biết lao động trí óc thì cũng là người không hoàn toàn, cũng chỉ được một nửa. Vì vậy, chẳng những người lao động trí óc và người lao động chân tay phải đoàn kết với nhau, mà mỗi người lao động trí óc muốn là người hoàn toàn phải có lao động chân tay và người lao động chân tay muốn là người lao động hoàn toàn phải vừa biết lao động trí óc, vừa phải biết lao động chân tay. Người trí thức phải biết làm lao động chân tay. Người công nhân, nông dân phải có trình độ văn hoá” (1).
Thưa các nhà trí thức, các anh chị nghĩ sao nếu chúng ta ngồi trong hội trường và nghe những lời rao giảng, chỉ dạy như trên?
Tôi đã trải nghiệm cảnh đó rồi, lúc đó tôi còn làm việc cho một cơ quan nhà nước trong nước. Vào một dịp lễ kỷ niệm nào đó hơn 30 năm trước, Hội Trí Thức Yêu Nước Tp HCM tổ chức “sinh hoạt chính trị” với chủ đề “Vai Trò Của Giới Trí Thức Trong Liên Minh Công Nông”. Buổi họp có mặt các giáo sư nổi tiếng Nguyễn Chung Tú (Vật Lý), Nguyễn Vĩnh Niên (Dược), Lý Chánh Trung (Triết)… Báo cáo viên từ Ban Tuyên Huấn Thành Ủy. Ông đọc đoạn văn trên của chủ tịch Hồ Chí Minh và phát triển các ý chính, ý phụ dài lê thê. Sau đó ông đi vào phần nhà trí thức cần được lãnh đạo bởi đảng của giai cấp công nhân, đảng Cộng Sản Việt Nam, thì mới phát huy được vai trò tích cực của mình, mới có ích cho đất nước. Ông lại trích Hồ Chí Minh: “Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục, để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ” (2)

Thực tình, tôi có cảm giác đang nghe một người nói lạc đề. Hội Trí thức yêu nước Tp HCM gom một số người mà Ban Tuyên huấn nghĩ là các nhà trí thức, rồi cử một cán bộ tuyên huấn cao cấp lên lớp, giảng giải như giảng cho những công dân sắp tới tuổi bước vào đời!

Nhìn cái cách mà chính quyền Việt Nam đối xử với giới trí thức, người ta cảm nhận rằng cách mà họ hiểu giới trí thức là gì, bao gồm ai khác với nhiều người hiểu. Tôi thấy hình như họ nghĩ bất kì ai có một chuyên môn nào đó, một bằng cấp nào đó đều là người trí thức. Cách nghĩ đó khiến tôi có cảm giác họ có khuynh hướng đánh đồng người công chức làm việc trí óc với người trí thức. Thực ra hai khái niệm đó khác nhau. Chính sự lẫn lộn giới công chức làm việc trí óc với giới trí thức, đồng thời cộng vào đó là chính thể độc đảng và toàn trị đã khiến giới trí thức bị lãnh đạo và quản lí thật chặt chẽ, tới mức bị chỉ việc, bị sai khiến!

Người Trí Thức Trong Xã Hội

Nhà trí thức là người có những kiến thức rộng và sâu trên nhiều mặt, từ các sự kiện, qui luật trong thế giới tự nhiên tới các sự kiện và qui luật trong xã hội con người. Những kiến thức đó đồng qui làm cho nhà trí thức có tầm nhìn xa, đưa ra những dự báo chính xác cho tương lai, gợi mở những hướng đi mới, cũng như góp ý, phản biện sâu sắc những kế hoạch, chính sách của nhà cầm quyền hay của một chính đảng… Kiến thức rộng và chắc của người trí thức khiến các hoạt động, tư tưởng của họ thường có tính đột phá, xuyên ra “bên ngoài cái hộp” của các suy nghĩ, các quan niệm thông thường, các định kiến sai lầm…

Một tính chất nổi bật khác của nhà trí thức là sự tham gia tích cực và chủ động để đóng góp vào sự phát triển xã hội. Sự đóng góp này có mục tiêu là phát triển xã hội, phát triển đất nước chứ không nhằm biện minh hay minh họa cho một chính quyền, một đảng phái, một khuynh hướng chính trị-xã hội riêng nào. Bởi vì người trí thức chân chính tìm được nguồn vui và sự thoả mãn vô tận trong các công việc có tính tri thức cao và mang lợi ích cho công đồng.

Do đó, đóng góp của giới trí thức có tính khách quan, tính khoa học, tính cống hiến, và từ đó, là tấm bảng chỉ đường quí báu cho dân tộc.

Ngoài ra, hoạt động của giới trí thức, thông qua kiến thức được chia sẻ, thảo luận… sẽ nâng tầm tri thức của toàn thể xã hội. Dân chúng được trang bị tri thức là nắm trong tay phương tiện mạnh nhất để xây dựng và bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bảo vệ nền tự chủ của dân tộc, nền độc lập của tổ quốc trong thanh bình.

Do tính khách quan và không xu phụ quyền thế, giới trí thức thường ít được nhà cầm quyền yêu mến. Tuy nhiên, nhà cầm quyền nào biết giá trị các đóng góp của giới trí thức sẽ biết cách dùng tấm bảng chỉ đường giới trí thức đề ra, và sẽ cùng dân tộc đi lên con đường phát triển.

Hiện Nay, Nhà Cầm Quyền Việt Nam Đối Xử Với Giới Trí Thức Ra Sao?

Ba mươi mấy năm sau trải nghiệm cá nhân kể trên, 40 năm sau ngày “Giải Phóng Miền Nam”, tôi nhận thấy rằng trên thực tế, càng cách xa năm 1975, nhà cầm quyền càng siết chặt hơn cách quản lý giới trí thức.

Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) là tổ chức tư nhân đầu tiên và duy nhất của Việt Nam xây dựng theo mô hình think-tank của Việt Nam, được thành lập bởi các nhà trí thức lớn của Việt Nam nhằm quan sát, nghiên cứu và đưa ra các nhận định, đề xuất về tình hình, đường lối, chính sách chính trị-kinh tế-xã hội một cách tương đối “độc lập” với chính quyền. Bất chấp lòng nhiệt thành hoạt động của các thành viên, IDS đã phải tự đóng cửa năm 2009 do chính sách cấm đoán các phản biện xã hội của chính quyền. Các nhà báo ngày càng bị cấm đưa tin, dù là các tin tức đầy tính “sự thật”. Các nhà báo đưa tin tham nhũng, tài sản “khủng” của quan chức cao cấp, bị truy tố, bị bỏ tù. Các phân tích, kiến nghị… về quyền căn bản của con người, về chủ quyền quốc gia… bị cấm đoán và người có liên quan bị chính quyền đàn áp nghiệt ngã bởi các biện pháp gian dối mang tính xã hội đen… Những thí dụ về điều này đầy rẫy: Từ Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Hà Sĩ Phu… 20-30 năm trước, cho tới Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức, Anh Ba Sàm, Bọ Lập…gần đây và hiện nay.

Trên đất nước Việt Nam, người trí thức không có quyền tự do lập hội, lập đảng. Chỉ có Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên Hiệp), tổ chức chính trị-xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo và nuôi dưỡng, là nơi được nhà cầm quyền chỉ định là “ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức” Việt Nam. Hãy nhớ, đảng CSVN là đảng độc tài và duy nhất của Việt Nam, nắm quyền lãnh đạo toàn diện Việt Nam.

Ngày 03/6/2015 mới đây, tại Hà Nội, Liên Hiệp tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, với sự tham dự của 3 ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, phát biểu chỉ đạo, yêu cầu Liên Hiệp quán triệt và thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của đảng CSVN, tăng cường sự lãnh đạo của đảng CSVN đối với Liên Hiệp. Báo cáo hoạt động 5 năm qua của của Liên Hiệp và nhiệm vụ 5 năm tới cho thấy các hoạt động chủ yếu của Liên Hiệp là thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và của Bộ Chính trị đảng CSVN (3).

Những quan sát trên cho thấy rõ ràng, từ ý đồ của chính quyền cho tới thực tế ngoài xã hội, chính quyền ngày càng siết chặt quản lý giới trí thức. Chính quyền Việt Nam do đảng Cộng sản Việt Nam đặt để. Như vậy, hơn cả chính quyền, chính thể độc đảng và toàn trị của Việt Nam đã đối lập và đối đầu với giới trí thức thật sự.

Như đã nói ở trên, người trí thức có 2 đặc tính chính: a) kiến thức rộng về tự nhiên, xã hội, có tầm nhìn xa, đúng đắn, và b) tinh thần và thái độ dấn thân một cách khách quan, trung thực vì sự phát triển xã hội.

Hai đặc tính đó chỉ được phát triển mạnh mẽ trong các điều kiện của một xã hội tự do khai phóng. Xã hội tự do dân chủ phát triển giới trí thức, và hoạt động của giới trí thức hoàn thiện xã hội tự do. Ngoài ra, cũng cần một chính quyền có đủ tầm tri thức để biết giá trị của giới trí thức, và đủ tấm lòng trong sáng với vận mệnh dân tộc để khuyến khích các hoạt động của giới trí thức. Chỉ một xã hội tự do dân chủ mới có điều kiện tuyển chọn một chính quyền như vậy.

Xã hội nhất nguyên, độc nguyên ràng buộc tri thức con người trong một cái lồng tư tưởng chắc chắn sẽ kìm hãm các hoạt động của giới trí thức. Giới trí thức bị nhốt trong lồng thì không còn là giới trí thức nữa. Càng tệ hại hơn khi cái lồng đó được tạo thành bởi “chủ nghĩa Cộng sản, tư tưởng Mác-Lê”, những thứ mà đại đa số các quốc gia, dân tộc, sau khi thử nghiệm đã vứt bỏ. Xã hội độc đảng toàn trị chắc chắn không cho phép giới trí thức thể hiện đặc tính “tinh thần và thái độ dấn thân một cách khách quan, trung thực vì sự phát triển xã hội”, bởi vì điều đó, từ bản chất, đối lập hoàn toàn với chính thể độc đảng.

Kết Luận

Chính thể Việt Nam, chỉ tính từ năm 1975 cho tới nay, ngày càng đối lập và đối đầu căng thẳng hơn với giới trí thức. Con đường đảng CSVN muốn ép dân tộc đi theo là con đường ngược chiều với tri thức nhân loại tiến bộ, văn minh. Xin điểm một số hướng đi chính của đảng CSVN:

1) Tiến lên và xây dựng chủ nghĩa xã hội;

2) Củng cố chính thể độc tài, độc đảng, toàn trị: đảng lãnh đạo toàn diện, dân chúng không có các quyền tự do căn bản quyền như quyền tự do ứng và bầu cử, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…;

3) Liên kết với các nước Cộng sản (thực ra là độc tài kiểu Cộng sản) ít ỏi còn sót lại và đối nghịch hay giữ khoảng cách với Mỹ và phương Tây, những nước giàu mạnh văn minh nhất thế giới.

Hậu quả là:

1) Đất nước ngày càng thua kém lân bang, thua cả những nước mà vài mươi năm trước cùng trình độ phát triển với Việt Nam;

2) Xã hội không ổn định trong bất công và hận thù, phong hóa suy đồi, giá trị sống thấp kém và đảo lộn;

3) Việt Nam ngày càng yếu ớt, ươn hèn và lệ thuộc vào Trung Quốc đang từng ngày xâm lấn thêm lãnh thổ cha ông, giết hại dân chúng Việt Nam…

Chừng nào giới trí thức mới giành được quyền tự do hoạt động trên nước Việt Nam?

Chừng nào các nghiên cứu, đề xuất, giải pháp… của giới trí thức về các đề tài lớn liên quan tới vận mệnh dân tộc mới được tự do công bố để dân chúng công khai thảo luận và chọn lựa?

Chừng nào nước Việt Nam mới bước lên con đường phát triển văn minh và bền vững trên nền tảng tri thức?

Tác giả tin rằng chỉ cần một bước nữa thôi! Một bước mạnh dạn và quyết tâm về phía dân chủ hóa đất nước để tri thức hóa dân tộc.

Chỉ cần một bước đó thôi là cứu vãn được 40 năm phát triển đã bị mất!

Thời cuộc thế giới và khu vực đang bày ra thời cơ thuận lợi. Việt Nam ơi, có cố gắng được hay không?

Trần Phan

TÀI LIỆU THAM KHẢO
:

1) Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2002, tập 8, tr.395.
2) Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia, 2002, tập 8, tr.216.
3) VOV. VN – Phát Biểu Của Tổng Bí Thư Tại Đại Hội Liên Hiệp các Hội KH&KT Việt Nam.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt