Sóng ngần (Chương IV)
Chương 4: Truyện ngắn “Sóng Ngầm” là “Tác phẩm được lấy cảm hứng từ hiện thực xã hội và một số nhân vật có thật. Viết tặng những ai đã và đang dũng cảm đứng lên chống lại chế độ độc tài bất công – Vì một xã hội Việt Nam tự do, bác ái trong tương lai”
MỐI TÌNH NẢY NỞ
Nghe bạn nói vậy, Thắng ngạc nhiên:
– Họ tìm chúng tớ có việc gì?
Cậu bạn lùi lại một bước, mở to mắt nhìn Thắng với vẻ dò xét, rồi trả lời:
– Họ hỏi mọi người về cậu và Long. Họ còn tìm hiểu xem trong phòng có ai bị ảnh hưởng bởi tư tưởng xấu của các cậu không…
Thoạt tiên Thắng cũng không hiểu lý do vì sao mà công an đến tìm mình. Những ý nghĩ tình huống lúc này thoáng chạy nhanh trong đầu anh. Vì chuyện hai người đi phổ biến tài liệu dân chủ chăng? Có lẽ là như vậy! Việc làm rất đỗi bình thường đó mà cũng khiến họ phải quan tâm ư? Tại sao họ lại gọi đó là tư tưởng xấu? Chẳng phải nhà nước cũng chủ trương “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” đó sao? Thật là mâu thuẫn, không thể nào hiểu nổi?
Hôm sau lên lớp, Thắng thấy thái độ mọi người đối với mình có vẻ dè dặt và khác hẳn mọi khi. Nhiều ánh mắt đổ dồn về phía anh, như là lần đầu tiên họ bắt gặp vậy. Có những lời thì thầm, bàn tán từ phía sau lưng mà anh không nghe rõ. Chẳng để ý lắm đến những gì diễn ra xung quanh, Thắng lấy sách vở ra rồi ngồi học tự nhiên như bình thường.
Giờ giải lao tiết học thứ hai, lớp trưởng đi đến chỗ Thắng và chìa ra một tờ giấy:
– Bí thư đoàn trường nhờ mình chuyển cho cậu cái này!
Đó là giấy mời họp, nội dung yêu cầu lúc hai giờ chiều nay Thắng có mặt tại văn phòng đoàn trường để bàn một số vấn đề cần thiết.
Thắng xem xong, rồi xòe tờ giấy về phía lớp trưởng như thanh minh:
– Nhưng từ lâu em đã không sinh hoạt đoàn mà?
– Họ mời thì cậu cứ đến xem sao! Mình cũng có mấy khi tham gia đâu – Lớp trưởng mỉm cười vẻ thông cảm.
Lúc này tâm trạng Thắng băn khoăn rất đổi, anh tự hỏi: Xưa nay mình không tham gia các hoạt động đoàn đội, tại sao tự nhiên bây giờ họ lại mời họp? Có liên quan gì đến chuyện hôm qua công an đến tìm mình không? Hết công an đến phòng tra vấn, lại đến Văn phòng Đoàn trường mời họp, rốt cục là họ có mục đích gì đây?
Chiều hôm đó, tại Văn phòng Đoàn trường. Dường như tất cả thành phần dự họp đều đã có mặt đầy đủ. Thắng đưa mắt nhìn khắp lượt, cố dò đoán thái độ của họ về nội dung cuộc họp, điều mà cho đến bây giờ anh vẫn hoàn toàn chưa được biết. Mặc dù vậy, linh tính báo cho anh sẽ có điều không hay xảy ra. Bàn chủ tọa lúc này có bốn người đang ngồi, gồm bí thư đoàn trường, lớp phó học tập lớp Thắng, cùng hai người khác nữa mặc đồng phục áo xanh. Phía trên đầu họ là dòng chữ in hoa “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!” được kẻ đậm trên tường. Dưới một chút là bức vẽ huy hiệu đoàn có hình cánh tay đang cầm lá cờ chĩa thẳng về phía trước. Cạnh đó là những bằng khen và cờ thi đua có tua màu vàng rủ xuống được treo thẳng hàng. Bức tường bên hông, phía trên cao cũng được người ta kẻ câu khẩu hiệu: “Đoàn Thanh Niên là lực lượng xung kích của Đảng trên mọi mặt trận”. Người dự họp ngồi cả ở những dãy bàn phía dưới, đa phần họ đều mặc đồng phục đoàn. Về phần Thắng, anh được người ta chỉ định ngồi ngay chỗ chiếc bàn đầu tiên, nơi mà mọi ánh mắt đều có thể nhìn rõ. Điều này cho thấy, anh chính là nhân vật trung tâm của buổi họp này.
Không khí ồn ào trong phòng bắt đầu lắng xuống, bí thư Đoàn trường với mái tóc chải ngôi óng mượt, đằng hắng một tiếng rồi đứng lên. Sau khi đưa ngón tay gõ gõ vào micro để thử âm thanh, với nét mặt đầy vẻ nghiêm trọng, anh ta cất tiếng hùng hồn:
– Thưa các đồng chí đoàn viên! Hôm nay chúng tôi triệu tập cuộc họp là để xem xét hình thức kỷ luật đối với một đoàn viên đang sinh hoạt ở đơn vị ta. Văn phòng đoàn trường đã nhận được thông tin từ phía công an về trường hợp đồng chí Thắng. Theo đó, đồng chí ấy đã đánh mất đi lý tưởng của người đoàn viên Cộng Sản, có những hoạt động chống phá đảng và nhà nước. Đó là việc phát tán các tài liệu phản động và biểu tình chống nhà nước…
Tay bí thư vừa nói đến đây, tiếng ồn ào phía dưới lập tức nổi lên, người ta bàn tán, người ta tranh luận sôi nổi như ong vỡ tổ. Chờ một chút cho âm thanh lắng bớt, anh ta nói tiếp:
– Chúng ta cần nghiêm túc uốn nắn những tư tưởng lệch lạc đó của đồng chí Thắng. Đồng thời đề nghị đồng chí ấy phải thành tâm hối cải, tự nhận thấy được sai lầm của bản thân để mà sửa đổi! Rất mong các đồng chí khác cho ý kiến đóng góp thêm!
Người mặc áo xanh ngồi cạnh bí thư bắt đầu lấy giấy bút ra ghi biên bản cuộc họp, vẻ mặt cô ta vô cảm, lạnh lùng.
Bên dưới, một người nữ đứng lên, cất giọng rổn rảng:
– Thưa các đồng chí đang có mặt trong buổi họp hôm nay! Tôi xin có ý kiến như thế này: Đoàn thanh niên là lực lượng xung kích của đảng. Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Một khi đã đứng dưới lá cờ đoàn, chúng ta nguyện sẽ sống hết mình cho lý tưởng Cộng Sản. Đó là tâm niệm và cũng là mục tiêu của người đoàn viên. Vì vậy mà những đối tượng có tư tưởng lạc loài như đồng chí Thắng cần phải bị chúng ta lên án. Tôi đề nghị Văn phòng Đoàn trường có hình thức kỷ luật đích đáng để răn đe!
Nghe những lời đó, Thắng cảm thấy vừa tức giận vừa buồn cười. Ngôn ngữ của cô ta đầy tính khuôn sáo, lại nói với một ngữ điệu như là đang đọc thuộc lòng vậy. Anh chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy một anh chàng nhỏ thó đứng bật ngay dậy, vung nắm tay nói như lên đồng:
– Là một đoàn viên thanh niên Cộng Sản, tôi thực sự bất bình với những hành động sai trái của đồng chí Thắng. Vì nó ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đoàn chúng ta. Thay mặt cho những đoàn viên chân chính khác, tôi yêu cầu kỷ luật thật nghiêm khắc đối với đồng chí Thắng, để tránh những trường hợp dao động tư tưởng khác sau này! – Nói xong, anh ta đỏ mặt tía tai mà ngồi xuống, cái đầu lúc la lúc lắc ra vẻ giận dữ lắm.
Lúc này Thắng nhấp nhổm như đang ngồi trên ổ kiến lửa. Anh cố gắng chịu đựng tất cả những lời lên án đó như một cái cây oằn mình chống chọi với giông bão. “Rõ là những con vẹt biết nói. Dù thế nào mình cũng phải giữ vững ý chí, không thể để cho những kẻ bị nhồi sọ này áp đảo được. Họ không mời Hùng dự họp, mục đích là tách ra để đấu tố và cô lập mình. Thì ra đã có sự sắp xếp cả!” – Thắng cay đắng nghĩ thầm. Không thể kìm nén những bức xúc trong lòng đang bốc lên ngùn ngụt, anh giơ tay xin được nói, nhưng lần nào cũng bị họ lờ đi. Có mấy người nữa đứng lên phát biểu, ai cũng nói với một giọng điệu gay gắt và quy chụp như vậy, dường như tất cả họ đều muốn túm lấy anh để mà đẩy xuống hố sâu.
Phải đến lần giơ tay thứ ba thì Thắng mới được người ta cho phép phát biểu. Anh đứng lên, nói bằng một giọng rắn rỏi:
– Theo tôi, lý tưởng của người thanh niên là khám phá ra những giá trị mới để phục vụ cho xã hội, chứ không phải trở thành những con Vẹt lặp lại suy nghĩ của người khác. Bắt thanh niên đi theo lối mòn, đồng nghĩa với việc giết chết lý tưởng và tính sáng tạo của tuổi trẻ. Đó mới là điều sai trái nhất cần phải lên án!…
– Đề nghị đồng chí Thắng phát biểu đúng quan điểm! – Tay bí thư nóng nảy ngắt lời anh.
Tiếng xì xầm lại nổi lên, nhưng lần này có vẻ không ồn ào như trước. Dường như những lời nói của Thắng cũng có tác động phần nào tới họ.
Vẫn giữ được thái độ tự tin vốn có, Thắng nhìn quanh thách thức:
– Tôi là một con người tự do, vì vậy mà có đủ khả năng tư duy độc lập theo cách của mình. Tôi không muốn chui vào rọ để tự nhốt mình trong cái chủ nghĩa ngớ ngẩn kia. Tôi muốn được tự do, như những gì mà tạo hóa đã ban cho con người ngay từ khi sinh ra!…
Tay Bí thư đỏ mặt, hắn nóng nảy vỗ tay xuống bàn ngắt lời Thắng một lần nữa, rồi đứng lên kết luận:
– Rất tiếc! Đồng chí Thắng đã không biết hối cải. Chiếu theo điều lệ, tôi đề nghị khai trừ đồng chí ra khỏi tổ chức Đoàn!
Hắn ngừng một giây, liếc cặp mắt ti hí như hai sợi chỉ sang phía Thắng để thăm dò thái độ, đoạn nói tiếp:
– Bây giờ mời các đồng chí biểu quyết. Ai đồng ý với hình thức kỷ luật thì giơ tay!
Nói xong hắn giơ tay lên trước, tất cả những người có mặt đều nhất loạt giơ theo. Chỉ riêng lớp phó lớp Thắng là hơi ngập ngừng, nhưng khi thấy tất cả đều đã giơ tay, anh ta cũng miễn cưỡng làm theo.
Tay bí thư nhìn khắp một lượt, hả hê kết luận:
– Vậy là một trăm phần trăm đồng ý mức kỷ luật khai trừ. Từ nay đồng chí Thắng sẽ không còn là đoàn viên thanh niên Cộng Sản nữa!
Từ đầu cuộc họp đến giờ, Thắng bị người ta dồn ép và cô lập, khiến anh cảm thấy uất ức vì dồn nén cảm xúc. Khai trừ ư? Mình có cần gì cái tổ chức tay sai này đâu! Lúc còn học cấp ba, cũng là do người ta tự tiện kết nạp mình để lấy thành tích, chứ mình nào có ý định vào đoàn? Cho nên, chuyện khai trừ hôm nay cũng chỉ là một trò hề, mục đích là để đấu tố mình và răn đe những người khác mà thôi.
Nghĩ đến đây, Thắng phẫn nộ đứng bật dậy, ánh mắt như tóe lửa:
– Xin lỗi! Tôi không phải là “đồng chí” của các người!
o0o
Dọc theo hành lang trường đại học Vinh, ông trưởng phòng đào tạo đang hối hả đi đến phòng hiệu trưởng, theo sau là hai người đàn ông mặc sắc phục công an, một người là trung tá, người trẻ hơn thì đeo hàm thiếu úy. Sau khi lấy tay vặn nắm đấm cánh cửa, ông ta quay lại nói với hai người đi theo:
– Mời các anh vào!
Vào đến trong phòng, ông trưởng phòng đào tạo lom khom tiến đến chỗ ngài hiệu trưởng đang ngồi làm việc, ngập ngừng:
– Báo cáo anh!… Bên công an thành phố có người đến gặp…
Ông hiệu trưởng là một người trạc sáu mươi tuổi, trán hói nhẵn thín. Nghe giới thiệu xong, ông từ từ bỏ cặp kính trắng xuống bàn, đứng dậy bắt tay:
– Chào các anh!
– Chào đồng chí hiệu trưởng! Chúng tôi ở bên công an thành phố, có sự vụ muốn trao đổi với đồng chí! – Viên trung tá công an đáp lời.
Ông hiệu trưởng đứng dậy, cái bụng phệ dấu sau làn áo sơ mi mỏng như sắp bung ra, càng khiến cho dáng người ông trở nên tròn lẳn. Rồi trong khi vừa đi về phía chiếc bàn khách kê giữa phòng, ông vừa chìa tay ra:
– Mời các anh lại đằng này!
Sau khi ngồi yên vị xuống ghế, viên trung tá mở chiếc cặp da mang theo rồi lấy ra mấy thứ tài liệu đặt lên bàn:
– Chúng tôi đến đây vì việc liên quan đến hai sinh viên là Nguyễn Tất Thắng và Đỗ Văn Long. Hai đối tượng này đã có các hoạt động chống phá đảng và nhà nước trong thời gian vừa qua…
Thấy ngài hiệu trưởng vẫn đang chăm chú lắng nghe, anh ta chỉ vào mớ tài liệu trên bàn, giải thích thêm:
– Đây là những hình ảnh do bên an ninh chụp được khi sinh viên thắng đi biểu tình chống đảng. Thắng và đồng sự còn phát tán các tài liệu phản động khác để gieo rắc tư tưởng xấu, gây hoang mang trong dư luận!
Tiên liệu được sự nghiêm trọng của vấn đề, ông hiệu trưởng liền cầm mấy bức ảnh lên xem một cách chăm chú, trán ông nhíu lại, lấm tấm những giọt mồ hôi. Rồi ông quay sang hỏi người đồng sự:
– Anh biết trường hợp hai sinh viên này chứ?
– Dạ! Theo như kết quả học tập thì không có vấn đề gì. Đặc biệt em Thắng là một sinh viên có năng lực –Trưởng phòng đào tạo đáp.
Viên thiếu tá vội nói xen vào với một giọng gay gắt:
– Việc để cho hai sinh viên này tiếp tục theo học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và tư tưởng của các sinh viên khác. Vì vậy bên công an chúng tôi yêu cầu nhà trường ra quyết định cho thôi học đối với Thắng và Long!
Ngài hiệu trưởng cúi đầu suy nghĩ, lát sau ông ngẩng lên nói một cách mệt nhọc:
– Các anh biết đấy! Nhà trường có rất đông sinh viên. Chúng tôi chỉ có thể đảm bảo vấn đề đào tạo chuyên môn. Còn như việc các em tham gia hoạt động bên ngoài xã hội thì…
Ông lấy ngón tay gõ gõ vào trán, cố tìm ý thích hợp:
– Ý tôi là… quyết định này sẽ có ảnh hưởng không tốt đến các em và gia đình!
Những lời đó không mảy may tác động đến thái độ của viên thiếu tá, ông ta vẫn giữ một vẻ mặt rắn đanh như thép, quả quyết:
– Rất tiếc! Cấp trên đã chỉ đạo, thưa đồng chí! Đây là vấn đề an ninh quốc gia.
o0o
Những tia nước li ti từ chiếc vòi hoa sen bắn ra thành hình cầu vồng trắng xóa, rồi lả lướt rơi xuống như một cơn mưa xuân nặng hạt. Nước đọng trên cành lá, long lanh trên những bông hoa màu trắng tinh khôi. Từ chỗ cuống lá, những quả Cam tròn tròn bằng đầu ngón tay cái lấp ló, đung đưa mỗi khi có tia nước chạm vào. Hơi mát của nước khiến Hùng có cảm giác dễ chịu, anh xách bình xuống cầu ao múc nước để tưới thêm vài lượt nữa cho đượm gốc cây.
Mải làm việc, Hùng không để ý thấy Thắng đột nhiên xuất hiện trước mắt mình như từ trên trời rơi xuống. Khi nhận ra bạn, anh bật la lên vì ngạc nhiên:
– Ái chà! Về thăm nhà đó hả?
Lẳng lặng đi vào trong sân như một người hành khất tội nghiệp, rồi Thắng ngồi phịch xuống bậc thềm, nói như thở hắt ra:
– Lần này thì về hẳn luôn!
– Về luôn thì tốt! Ở nhà làm nông như mình rồi cưới vợ – Hùng cười sảng khoái, bỏ cái bình tưới xuống đất để đi vào với bạn.
Thắng cau mày, buồn bã vỗ tay lên đầu gối người bạn thân:
– Tớ bị đuổi học rồi!
– Cậu nói cái gì vậy? – Hùng giật nảy lên, không tin vào tai mình.
– Thật đấy! Mình không nói đùa đâu – Thắng nói rồi châm thuốc hút, vẻ mặt bất cần.
– Chuyện là sao vậy? – Hùng hốt hoảng, hai mí mắt cứ giật giật liên hồi.
– Là…vậy…thôi! – Thắng gằn từng tiếng, mắt nhìn ra chỗ khác. Hai tay anh nắm chặt như cố kìm nén nổi tức giận lúc này đang trào lên – Tóm lại là mình không học nữa. Thế thôi! Xã hội này cần phải thay đổi. Không thể cứ tiếp tục cái vòng xoay ngớ ngẩn và giả dối ấy được!…
Nghe bạn nói mà mắt Hùng cứ trố ra, miệng thì há hốc như trạng thái bị thôi miên ám thị. Rõ ràng là cậu vẫn chưa thể tin vào điều vừa xẩy ra.
Không muốn nhắc đến chuyện cũ nữa, Thắng bèn nhìn ra ngoài vườn, đánh trống lảng:
– Đang tưới cây đó hả?
Hùng như sực tỉnh, trở về với thực tại:
– Ừ! Nhà trồng thêm khoảng chục gốc Cam cho tiện thể công chăm bón. Năm nay cho trái vụ đầu đấy!
Vẫn không rời mắt khỏi những gốc Cam trĩu quả, Thắng vỗ tay vào vai Hùng, thở dài:
– Tớ ở đây vài ngày. Được không?…
– Được thôi. Cứ ở đây với tớ! – Hùng gật đầu
Nhìn những chú cún con mới mở mắt được ba tuần, lũn cũn như những cục bông mềm mại mới đáng yêu làm sao. Chúng vừa tranh nhau ăn vừa kêu ăng ẳng như một dàn đồng ca tự phát. Chó mẹ lúc này cứ đi quanh quẩn, nhìn đàn con bằng cặp mắt bao dung, ra chiều hiểu chuyện lắm. Con chó vàng nhà bà Hải năm nay đẻ được một lứa bốn con thật đẹp và mập ú. Vốn là người yêu động vật, bà Hải chăm sóc lũ chó con với một tình cảm sốt sắng thường thấy. Mấy bữa nay bà đang tập cho chúng biết ăn để sớm cứng cáp hơn.
Một lúc thì công việc cho mẹ con lũ cún ăn cũng xong, bà đi ra chỗ vòi nước rửa tay để còn làm công việc buổi sáng.
– Chị Hải ơi! Lại đây tôi bảo chuyện này! – Bà Năm đứng bên hàng rào vẫy tay gọi sang.
Thái độ gấp gáp của người hàng xóm cho thấy tầm quan trọng của sự việc. Vì vậy mà bà Hải rửa vội tay rồi lập tức đi đến để xem có chuyện gì.
– Chị đã nghe tin gì chưa? – Bà Năm vừa nói vừa thở, vẻ mặt hốt hoảng.
– Tin gì vậy bác?
– Thế chị chưa biết thật à?
– Thì bác cứ nói đi. Thực tình em có biết chuyện gì đâu!
Bà Năm nghiêng mình qua hàng rào, ghé sát vào tai bà Hải thì thầm:
– Tôi nghe mấy người trong làng họ nói…cháu Thắng nhà ta bị đuổi học rồi đấy!…
Choáng váng như bị tiếng sét đánh bên tai, lúc này bà Hải phải nắm tay vào cái cọc hàng rào để mà đứng cho vững.
Bà Năm thở dài đánh thượt, rồi dậm chân thình thịch xuống đất:
– Nghe nói nhà trường đã gửi giấy báo đuổi học về địa phương rồi! Khổ thân đứa cháu tôi! Nó giỏi giang và ngoan hiền như thế kia mà!
– Thế bà …có biết cháu nó… bị đuổi học vì…vì lý do gì không? – Bà Hải thì thào, âm thanh nghe như gió thoảng.
– Hình như là tham gia biểu tình chống nhà nước…gì gì đó thì phải!…
Quên cả chào người hàng xóm, bà Hải lảo đảo đi vào nhà như người bị trúng gió. Lúc này chân tay bà run lẩy bẩy, cũng may mà ông Chiến không có nhà, nếu không thì ông đã nhận ra thái độ khác thường đó của bà. Lúc này bà muốn khóc mà không thành tiếng, chỉ muốn gặp con ngay bây giờ để biết rõ thực hư. Bước đến chỗ chiếc bàn điện thoại một cách vô thức, bà lục tìm số máy dịch vụ ở trường để gọi cho con. Đặt tay vào bàn phím mà những ngón tay bà vẫn còn run. Có tiếng đổ chuông ở đầu dây bên kia, nhưng chờ một lúc mà vẫn không thấy người nghe máy. Thất vọng, bà đang định bỏ ống nghe xuống thì nghe có tiếng phụ nữ cất lên: “Alo!”.
Bà Hải mừng rỡ, nói giọng như van nài:
– Alo! Chị cho tôi gặp Thắng phòng 209 được không?
Im lặng một lúc, rồi vẫn tiếng người đó:
– Thắng đã về quê rồi, không còn học ở đây nữa đâu!
Nói xong chị ta cúp máy liền, khiến bà Hải không thể hỏi được gì thêm. “Như vậy là nó bị đuổi học thật rồi!” – Bà Hải bỏ ống nghe xuống, nghẹn ngào nghĩ thầm. Không biết nó đang ở đâu? Có về nhà hay lại bỏ đi đâu đó không biết chừng. Sự lo lắng khiến lòng bà như có lửa đốt. Bây giờ bà lại chỉ ở nhà có một mình, biết phải làm sao bây giờ?
Vừa lúc đó thì cô bé Nga đi đâu về, nó rón rén vào nhà, thì thầm với mẹ:
– Lúc nãy con ra chợ, tình cờ gặp mẹ anh Hùng. Cô ấy kéo con ra một góc rồi nói là anh Thắng đang ở bên nhà từ hôm kia. Anh ấy bị đuổi học, vì vậy mà chưa dám về nhà vì sợ bố mắng. Cô ấy còn dặn là về nói với mẹ, chứ đừng cho bố biết.
Nghe vậy bà Hải đã thấy đỡ lo hơn, dù sao thì con bà cũng về đến đây rồi. Thường thì những lúc nguy biến, chính người phụ nữ lại có trí tuệ sáng suốt lạ thường. Với một vẻ quyết đoán dường như thiên bẩm, bà quay sang nói với Nga:
– Bây giờ con sang ngay bên chỗ anh Hùng. Nói với anh Thắng là cứ yên tâm về nhà, đằng nào chuyện cũng đã xẩy ra rồi, bố mẹ không còn giận nữa đâu.
Cô bé Nga “Dạ” một tiếng, rồi nhanh nhảu chạy vụt đi.
Sực nhớ có điều quên chưa nói, bà Hải vội gọi giật lại:
– Khoan đã!
– Gì nữa mẹ? – Nga quay lại, ngơ ngác.
Mặc dù xung quanh chẳng có ai, nhưng bà vẫn ghé vào tai con, dặn nhỏ:
– Này! Nói với anh là đến tối hãy về nhé! Để mẹ còn khuyên giải bố mày đã!
Nga đi đến ngã ba giữa làng, lúc ngang qua chỗ hàng bán đậu phụ của ông Tiến hói thì thấy ông ta ló cái đầu nhẵn thín như quả bưởi ra khỏi ô cửa, hỏi với theo:
– Cô bé đi đâu đấy? Anh Thắng nhà cô có hay gọi điện về không? Chắc cũng sắp học xong rồi đó nhẩy?…
“Lão ta đang chế diễu mình đây. Kiểu gì mà lão chẳng biết anh Thắng đã bị đuổi học rồi. Loại người như lão, chuyện gì của nhà ai mà chẳng tọc mạch kia chứ!” – Nga bực mình nghỉ bụng. Cố nén cục tức lúc này đã dâng lên tận cổ, cô trả lời bằng giọng nhẹ nhàng:
– Dạ! Anh cháu vẫn gọi điện về nhà luôn!
Nói rồi cô cắm cúi bước đi như bị ma đuổi. Chỉ còn vài chục bước chân nữa là tới nhà anh Hùng, vậy mà cô tưởng như quãng đường đó kéo dài như vô tận.
Khi Thắng về đến nhà thì trời đã tối. Cả nhà vừa mới ăn cơm xong, ông Chiến thì đang ngồi uống nước và xem ti vi một mình ở nhà trên. Thắng đi thẳng vào bếp, nơi có mẹ và hai em đang sốt ruột chờ đợi. Tự nhiên anh thấy thật cay đắng cho tình cảnh của mình lúc này, khi đi học thì gia đình liên hoan rầm rộ, nay lại đêm hôm lén lút trở về nhà như một tên trộm vậy.
Từ khi Thắng bị đuổi học, ông Chiến trở nên lầm lỳ và sống thầm lặng như một cái bóng. Bản tính kiêu hãnh nơi con người ông đã bị số phận giáng cho một đòn nặng nề. Trước đây ông tự hào về con bao nhiêu, bây giờ lại thất vọng bấy nhiêu. Cái trạng thái đó chẳng khác nào là bị rơi từ trên cao xuống vực thẳm sâu hun hút vậy. Tháng đầu tiên, hai bố con cứ như mặt trăng mặt trời, không bao giờ giáp mặt chuyện trò với nhau cả. Bà Hải phải tỉ tê khuyên nhủ mãi, ông mới nguôi ngoai phần nào cái thực tế phũ phàng này. Lắm khi ông ngồi lì một chỗ mà suy nghĩ suốt buổi, rồi thi thoảng lại chắt lưỡi như con Thạch Sùng đang kêu. Buồn vì chuyện xẩy ra với con đã đành, nhưng cái sự đàm tiếu của đám người rỗi hơi cũng khiến ông bực mình không kém. Ông bác trung tá quân đội của Thắng thì công khai ghét cháu mình ra mặt. Lão còn nói với mọi người rằng, cháu mình là thành phần “phản động”, cần phải bị chính quyền nghiêm trị. Nghe người anh trai của mình nói vậy, ông Chiến giận lắm. Điều gì đã khiến ông ấy vứt bỏ tình thân một cách không thương tiếc như thế kia chứ? Là khoản lương hưu hàng tháng được lĩnh chăng? Hay vì những tư tưởng mà ông ấy được nhồi nhét từ khi còn ở trong quân đội? Ngẫm lại mà ông Chiến thấy thấm thía, đúng là chỉ khi nào xẩy ra những biến cố cuộc đời, người ta mới biết được cái nhân tình thế thái nóng lạnh thất thường ra sao.
Nhớ lại lời của ông Hoạch “tiên tri” hôm liên hoan tiễn thắng đi học cách đây ba năm trước. Lúc ấy ông ta nói rằng: “Cháu Thắng sẽ nhanh chóng học xong ba năm và trở về với xóm làng”. Sự việc quả là đã diễn ra như vậy. Bấy giờ ai nấy đều chịu lời tiên tri của ông là đúng.
o0o
Dự định là ngày mai sẽ chở mẹ sang ngoại, vì vậy mà sáng nay Thắng muốn đi mua chiếc áo sơ mi mới để mặc cho thêm phần lịch sự. Cũng chẳng phải đi đâu xa, chỉ cần ra chỗ đường lớn đầu thôn là có nhiều hàng bán quần áo rồi. Lâu nay Thắng ít ra ngoài, phần vì ngại điều tiếng, phần vì anh đang tập trung nghiên cứu một số vấn đề về lý luận dân chủ.
Mặc quần áo xong, Thắng đến đứng trước gương để sửa sang cho tề chỉnh. Mới mấy tháng về nhà mà trông anh già hẳn đi, nhưng lại có vẻ rắn rỏi hơn. Bây giờ người cũng gầy hơn hồi còn là sinh viên, chiếc quần âu trở nên hơi rộng, khiến anh phải thắt dây lưng thêm một chút mới vừa.
Vừa bước chân ra cổng, Thắng gặp ngay bố đang đứng cắt tỉa cho cây Lộc Vừng ở đó.
Vẫn chăm chú vào công việc, ông Chiến hỏi con, giọng như kéo dài ra:
– Anh định đi đâu…đấy?…
– Con ra chỗ đầu xóm mua cái áo. Còn toàn là đồ cũ, lâu rồi không có cái thay – Thắng đáp.
– Lâu lâu cũng nên ra ngoài chơi một chút cho thoải mái – ông Chiến tỏ ý tán thành.
Ra đến đường lớn, Thắng tìm vào mấy hàng bán đồ may mặc chỗ gần chợ. Hàng hóa ở đây bày bán la liệt, người ta treo quần áo thành những dãy dài kề nhau, nhìn đến hoa cả mắt. Thắng đang mãi ngắm nhìn, chợt nghe có tiếng con gái mời chào:
– Anh vào mua hàng cho em đi!…
Anh quay lại thì thấy cô bán hàng xinh đẹp đang tươi cười nhìn mình. Cô gái có dáng người cao và thon thả, khuôn mặt trái xoan với cái mũ dọc dừa quyến rũ, đặc biệt khóe miệng cô xinh tươi như hoa.
Thắng theo chân cô gái bước vào phía trong gian hàng. Họ đi dọc theo những dãy quần áo đủ màu sắc, vừa đi cô gái vừa giới thiệu với một thái độ nhẹ nhàng, ân cần. “Thật là một cô bán hàng xinh đẹp và tâm lý” – Thắng hài lòng nghĩ bụng.
Đang đi, chợt cô bán hàng dừng lại ngước nhìn anh vẻ ngờ ngợ, đôi mắt đen láy cứ chớp chớp:
– Có phải anh là…anh trai của Nga không?
Thắng ngạc nhiên:
– Đúng rồi! Còn em là?…
Cô gái e lệ:
– Dạ! Em học trên Nga một lớp. Tên em là Châu Giang. Hồi trước hai chị em vẫn thường đi học với nhau. Có nghe Nga kể nhiều về anh…
– Vậy à? Thế là người quen rồi! – Thắng mỉm cười.
Mấy năm đi học, giờ về nhà thấy có nhiều cô gái lớn lên khác quá, khiến anh không thể nhận ra. Nhưng chưa bao giờ anh lại nghĩ trong xóm mình có một nàng tiên xinh đẹp và dễ thương như thế này.
Thắng nhìn Châu Giang, giọng hơi pha chút bông đùa:
– Có lẽ các chàng trai đều đến đây để mua đồ? Cô chủ quán xinh đẹp như thế kia mà!
Đáp lại lời anh, Châu Giang chỉ cười thẹn thùng, để lộ đôi má lúm đồng tiền xinh xắn đến mê hoặc.
Có những cuộc gặp gỡ, tuy mới lần đầu nhưng người ta đã để lại trong nhau những tình cảm vấn vương. Có lẽ số phận đã sắp đặt như vậy để se kết nhân duyên chăng? Cuộc gặp gỡ giữa Thắng và Châu Giang cũng như thế, mới gặp mà họ đã cảm mến nhau, tình ý rộn ràng qua ánh mắt. Và cả hai người đều hiểu rằng, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh của đời mình.
“Lần này thì thiên thần tình yêu đã xuất hiện thật rồi!” – Thắng hồi hộp nghĩ thầm. Anh cảm thấy nhớ nhung hình dáng ấy, muốn được nghe tiếng nàng nói cười. Có những đêm trằn trọc không ngủ được, anh muốn ngay bây giờ nàng hiện ra trước mắt để mà trò chuyện với mình. Rồi lại mong cho trời mau sáng, để đi ngang qua chỗ mấy hàng bán quần áo, chỉ cốt là nhìn thấy nàng cho đỡ nhớ mà thôi. Cho dù lúc ấy nàng đang bán hàng cho khách, hay là đứng tán chuyện gẫu với ai đó. Quả là anh đã yêu thật rồi. Nói theo ngôn ngữ mà các đôi trai gái thường hay quan niệm, thì họ dường như đã có “Duyên nợ từ kiếp trước” rồi vậy.
Mấy hôm sau thì Châu Giang đến nhà chơi với Nga. Cô bắt gặp Thắng khi anh đang ngồi xem sách chỗ bậc thềm trước nhà. Thấy nàng tiên trong mộng của mình đột nhiên xuất hiện như trong truyện cổ tích, Thắng gấp cuốn sách lại rồi bối rối đứng lên. Niềm hạnh phúc xen lẫn tình cảm ngượng ngùng, khiến anh cứ đứng như vậy mà không biết nói gì lúc này.
Nga từ trong nhà chạy ra, thấy hai người im lặng như đang diễn kịch câm. Nghĩ là họ chưa biết nhau, cô liền nắm lấy tay Châu Giang, nhanh nhảu:
– Giới thiệu với chị, đây là anh trai em. Còn đây là chị Châu Giang!…
Có cơ hội thoát ra khỏi tình huống khó xử, Thắng nhìn cô em gái với vẻ biết ơn, rồi mỉm cười:
– Cảm ơn em! Anh đã gặp chị ấy rồi!…
Bị mắc lỡm, Nga đỏ mặt ngúng nguẩy:
– Thì ra hai người đã biết nhau. Định trêu người ta hả? – Vừa nói cô vừa xấu hổ đấm vào lưng anh thùm thụp.
Con gái bao giờ họ cũng rất tinh ý trong chuyện tình cảm. Khi biết hai người đã quen nhau từ trước, Nga đoán ngay là bữa nay Châu Giang đến chơi bởi vì anh trai mình. “Thì ra hai người đã có tình ý với nhau từ lúc nào rồi”. Nghĩ vậy, cô nói chuyện thêm một lúc rồi kiếm cớ đi xuống nhà dưới, để cho hai người được tự do nói chuyện với nhau. Thắng và Châu Giang tỏ ra rất tâm đầu ý hợp, vì vậy mà câu chuyện kéo dài và có vẻ quyến luyến lắm. Tình yêu là vậy, khi xa nhau thì thương nhớ, lúc gặp chỉ cần nhìn thấy nhau cũng đã đủ hạnh phúc lắm rồi. Mặc dù muốn ngồi bên anh thật lâu, nhưng Châu Giang vẫn còn giữ ý, một lúc sau thì cô đứng dậy xin phép ra về.
Nga bỏ dở công việc đang làm ở dưới bếp để ra tiễn Châu Giang. Trông hai người lúc này cứ như là chị em gái vậy.
Châu Giang thân mật nắm lấy tay cô:
– Khi nào rảnh thì em sang bán hàng với chị cho vui nhé!
Châu Giang về rồi, Thắng liền quay trở vào nhà, lòng những sướng vui khi giấc mơ biến thành hiện thực. Anh mường tượng ra cảnh nàng vẫn đang ngồi đó, dịu dàng nhìn nhau say đắm. Có vật gì màu sắc lấp lánh chỗ nàng vừa ngồi thế kia? Tò mò, anh tiến lại gần rồi cầm lên xem. Thì ra là một chiếc kẹp tóc màu tím pha sắc hồng, có hình cánh hoa ở giữa nom rất đẹp mắt. Tim anh đập rộn ràng, hồi hộp với ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu: “Nàng bỏ lại kỷ vật này để làm tin”.
Trong khi nhiều người trong xóm quay lưng với Thắng vì ngại điều tiếng và liên lụy, thì Châu Giang lại tìm đến, cảm thông và yêu anh. Tình yêu của cô như dòng nước mát chảy qua ốc đảo sa mạc, khiến cho mảnh đất khô cằn trở nên hồi sinh và ngập tràn màu xanh cây trái. Về phần mình, Thắng cảm thấy có một nguồn sinh lực mới mẻ đang dâng lên tràn trề trong anh, đó niềm khát vọng và tin yêu vào cuộc sống này.
Con đường lớn trước nhà Châu Giang là trục giao thông chính của xã, đoạn đường này hai bên có nhiều quán hàng, trông giống như một con phố buôn sầm uất. Chỗ cây đa cổ thụ gần đó, còn có một cái chợ xép, tuy không lớn lắm nhưng cũng đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho những thôn lân cận trong vùng. Nhà Châu Giang ở ngay mặt đường và gần chợ. Tuy mở quán bán hàng, nhưng đằng sau có sân vườn rộng, là một thế giới yên tĩnh khác hẳn với cảnh mua bán ồn ả phía ngoài đường. Bố mẹ cô chỉ sinh được hai người con, Châu Giang là chị đầu. Sau khi tốt nghiệp cấp ba cách đây hai năm, vì muốn giúp đỡ bố mẹ, cho nên cô ở nhà bán hàng mà không thi tiếp lên cao nữa. Trong xóm này, ai cũng biết Châu Giang là một cô gái nết na, xinh xắn và tháo vát. Chả thế mà ngay từ hồi còn đi học, cô đã được khối chàng trai ngấp nghé theo đuổi.
Trong chuyện tình giữa Thắng và Châu Giang, Nga nghiễm nhiên trở thành bồ câu đưa thư của hai người. Dĩ nhiên là không ai có thể thích hợp với vai trò này hơn cô, vì Nga vừa là bạn thân của Châu Giang, lại là em gái Thắng. Năm nay Nga cũng đã học xong cấp ba, vì vậy mà có nhiều thời gian rảnh hơn. Cô thường hay sang nhà Châu Giang chơi, có lẽ vì muốn học theo nghề buôn bán của chị thì phải.
Sáng nay cô bé Nga lại vừa ở bên nhà Châu Giang về. Lúc gặp Thắng, cô ghé vào tai anh nói nhỏ:
– Chị Châu Giang hẹn anh chiều nay ra chỗ hồ sen, dưới chân đền Ứng Thiên ấy!
o0o
Những cơn gió từ phía bờ đê thổi lên mát rượi, khiến cho mặt hồ lăn tăn như gợn sóng. Dọc theo lối đi lên đền Ứng Thiên, hàng cây cổ thụ với những tán lá rộng sum suê đung đưa tỏa bóng mát. Ngoại trừ những lúc có khách thăm viếng, thời gian còn lại ở đây luôn yên tĩnh với cái vẻ trầm mặc vốn có. Tiếng rì rào của gió và rào rạt của mặt hồ xao động là những âm thanh duy nhất mà Thắng cảm nhận được lúc này. Giờ này mà vẫn chưa thấy Châu Giang đến, hay là nàng đã quên cuộc hẹn? Không lẽ nào, vì nàng đã dặn Nga nhắn lại với mình kỹ như thế kia mà! Tâm trạng Thắng lúc này thấp thỏm, bứt rứt không yên. Đi lại chán, cuối cùng anh ngồi xuống chỗ bậc lên xuống được lát bằng những viên gạch cổ để chờ đợi. Đây là nơi mà Thắng ưa thích nhất, vì hồi nhỏ vẫn thường ngồi học bài ở đây. Từ chỗ này, có thể nhìn ra hồ sen lộng gió, thưởng thức cái vị dìu dịu của hương sen thoảng đưa.
Chợt có tiếng bước chân nhè nhẹ từ phía sau. Thắng ngoảnh lại thì thấy Châu Giang đang chậm rãi đi đến.
Nhìn thấy vẻ bồn chồn lo lắng vì chờ đợi của anh, nàng cười tinh nghịch:
– Anh chờ em có lâu không?
Giọng Thắng trách cứ, xen lẫn chút bông đùa:
– Ôi! Thời gian trôi qua dài như thế kỷ. Anh đã nghĩ là em không đến kia đấy?
Nàng nắm lấy tay anh, nũng nịu:
– Đã hẹn thì phải đến chứ! Kẻo anh chờ không được, lại buồn thì sao?
Hôm nay nàng mặc chiếc áo thun màu trắng bó sát người, làm tôn thêm dáng điệu trẻ trung, thon thả ưa nhìn. Thắng nhìn người yêu không chớp mắt, như chỉ sợ nàng tiên của mình chực vô tình vụt bay đi mất. Rồi anh kéo nàng ngồi xuống cạnh mình. Châu Giang tựa đầu vào vai anh, yêu thương và tin cậy. Một mùi hương dễ chịu từ mái tóc óng mượt của cô tỏa ra ngây ngất.
Thắng hôn nhẹ lên mái tóc người yêu:
– Tóc em thơm như là hương sen ấy!
Châu giang vẫn im lặng tựa đầu vào vai Thắng, lúc này nàng chỉ muốn không gian thật tĩnh lặng, để cảm nhận sự rung động của con tim đang yêu.
Sau một thoáng ngần ngừ, Thắng quyết định nói với người yêu cái suy nghĩ đã khiến anh day dứt lâu nay:
– Em này!
– Gì vậy anh? – Nàng ngước nhìn anh thảng thốt.
– Con đường anh đi khó khăn, nguy hiểm. Liệu em có chấp nhận được không?
Nàng ngồi thẳng dậy, mở to mắt nhìn anh:
– Anh hỏi gì lạ vậy? Em yêu và tin anh. Thì dù trong hoàn cảnh nào, em cũng chỉ yêu và chờ đợi mình anh mà thôi!
Rồi dường như muốn kéo người yêu ra khỏi suy nghĩ lo lắng kia, nàng đưa tay chỉ về phía những đóa sen hồng đang lấp ló sau đám lá màu xanh thẫm dưới mặt hồ:
– Hoa sen đẹp quá anh kìa!
Anh nhìn thẳng vào đôi mắt nàng:
– Em mới là bông hoa đẹp nhất của lòng anh!
Châu Giang nhìn anh, ánh mắt nàng long lanh. Hơi thở gấp gáp khiến cho khuôn ngực căng tròn của nàng nhấp nhô sau làn áo mỏng, như muốn dứt ra khỏi những chiếc cúc nhựa màu hồng đính khuy hờ hững. Đôi mắt nàng khép lại, làn môi mấp máy, đợi chờ. Thắng từ từ đặt lên cặp môi xinh mọng của nàng một nụ hôn thật nồng nàn, da diết. Thời gian như ngừng tôi, thế gian giờ đây dường như chỉ có hai người. Chỉ còn họ với những bông hoa sen đang tỏa hương thơm ngát dưới mặt hồ, với đám cỏ xanh rì dưới chân và hàng cây đung đưa rì rào trong gió.
Minh Văn