Sóng gió Biển Đông trong tuần từ 19 đến 25-09-16
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Tình hình Biển Đông biến chuyển hàng ngày rất phúc tạp, trực tiếp liên hệ đến sinh mệnh Việt Nam. Biển Đông cũng là tâm điểm của tình hình an ninh quốc tế hiện nay. Trong tuần lễ từ ngày 19 đến 25 tháng 9, 2016, sóng gió nổi lên đối với Biển Đông như: Trung Cộng hù dọa Nhật, Trung Cộng tuần tra và xây đài tưởng niệm trên quần đảo Hoàng Sa, Đài Loan xây công sự trên Đảo Ba Bình, CSVN cầu xin hòa bình khắp thế giới, Chính quyền Indonesia sang Mỹ xin viện trợ quân sự để tăng cường sức mạnh Hải Quân, Tổng Thống Phillipines Duterte trở cờ với Mỹ ngã theo Tàu Cộng, Mỹ chỉ trích “Quân sự hóa Biển Đông” tại Liên Hiệp Quốc. Mời quý vị đọc phần bình tin:
Trung Cộng hù Nhật:
Bắt đầu ngày thứ Hai đầu tuần (19/09) sóng đã dấy lên từ Trung Cộng chống lại hành động của bà Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật, Tomomi Inada đã tuyên bố khi ghé thăm tại Washington DC “tăng cường sự can dự của mình vào Biển Đông thông qua… các chuyến hải hành tập trận cùng với Hải quân Hoa Kỳ” bất chấp Trung Cộng nói gì, muốn gì, làm gì !
Lục Khản, phát ngôn viên Trung Cộng phản pháo: “Chúng ta hãy nhìn xem những việc Nhật Bản làm đang gây bất ổn khu vực. Nhật Bản đã tiến hành một chiến dịch công khai khuấy động vấn đề Biển Đông dưới danh nghĩa cộng đồng quốc tế. Nhật Bản cần hiểu rõ hai điều sau. Thứ nhất, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển. Thứ hai, Trung Quốc và ASEAN cam kết giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua cách tiếp cận song phương.”
Còn báo chí TC thì đe dọa Nhật một cách sắc máu “nhắm ngay, bắn trúng đích không để một tàu Nhật nào sống sót”
Đánh bằng võ mồn thì Trung Cộng la to đánh hăng, nhưng thực tế không biết có làm gì được Hải Quân của Nhật không? nhất là kỹ thuật về vũ khí chiến tranh thì Nhật tối tân hơn TC rất nhiều, lại được Mỹ viện trơ tối đa về vũ khí. Các bình luận gia thế giới mới tặng cho Trung Cộng một biệt danh nữa là “chiến tranh bản đồ – Mapwar”, có nghĩa là TC tự vẽ bản đồ rồi cho đó là thuộc lãnh thổ hay lãnh hải của mình như bản đồ “hình lưỡi bò” trên Biển Đông là một thí dụ cụ thể.
Trung Cộng tuần tra và xây đài tưởng niệm tại Hoàng Sa:
Cũng trong ngày 19/09 Trung Cộng
thông báo sẽ tuần tra tại Hoàng Sa: Tờ Chinanews đưa tin “TC điều động tàu Hải Tuần 21 cùng hơn 20 nhân viên chấp pháp Cục Hải sự TC từ Hải Khẩu, đảo Hải Nam, đến khu vực đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa để tuần tra môi trường biển và các tuyến hàng hải” – Quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm do Trung Cộng đánh chiếm của Việt Nam từ năm 1974 trong một trận hải chiến ác liệt với Hải Quân VNCH, nay chúng đã xây thành “thị trấn Tam Á.” Cách đây hai tháng TC đã xây đài tưởng niệm trên đảo Quang Hòa cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa… Sau tấm bia tưởng niệm là hai bia đá giới thiệu “trận chiếm đóng” Hoàng Sa và tiến trình “chiếm đóng”. Bên trong nghĩa trang còn có 6 bia khắc tên 6 tàu chiến và 18 bia khắc tên lính TC tử trận khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/1/1974.
Đài Loan xây công sự trên đảo Ba Bình thuộc Trường Sa:
Tờ South China Morning Post (http://www.scmp.com/news/china/policies-politics/article/2020938/taiwan-tight-lipped-four-new-structures-being-built) đăng tin Đài Loan đang xây dựng những công trình bằng bê tông cốt sắt trên đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa đã bị Tưởng Giới Thạch cưỡng chiếm năm 1949 sau khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. Theo hình từ Google Map thì những công trình đang xây dựng là những dãy nhà bê tông cao ba bốn tầng. Ông Feng Shih-kuan, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan tuyên bố hôm 20/9: “Chúng tôi không thể tiết lộ về cơ sở quân sự đang được xây trên đảo Ba Bình cũng như mục đích sử dụng vì đây đều là công trình bí mật”. Những người am tường quân sự cho rằng những công trình này là giàn phóng hỏa tiễn địa đối không, hoặc mục đích phát tín hiệu và giám sát mục tiêu. Việt Nam lên tiếng phản đối việc Đài Loan đang xây dựng trái phép vì Ba Bình thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Hiện nay bà tân Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến, có khuynh hướng tách Đài Loan là một đảo quốc độc lập, việc xây đảo Ba Bình là một chiến lược Đài Loan muốn có ảnh hưởng trên Biển Đông để hỗ trợ cho sự tách đảo Đài Loan ra khỏi Trung Cộng để thành một nước độc lập.
Cộng Sản Việt Nam đi cầu xin hòa bình khắp thề giới:
CSVN lại xách loa cầu xin hòa bình trên khắp thế giới, Phạm Bình Minh, phó thủ tướng CSVN qua dự hội nghị các nước “Không Liên Kết 17” tại Venezuela, Nam Mỹ đã cầu xin hòa bình… “kêu gọi các bên thực hiện kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”. Thật là nực cười:
Thứ nhất: Việt Cộng và Trung Cộng là hai nước Xã Hội Chủ Nghĩa anh em, môi hở răng lạnh, tung hô khẩu hiệu 16 chữ vàng và 4 tốt, tôn vinh TC là bậc thầy vĩ đại để lãnh đạo khối XHCN (Hội Nghị Thành Đô 1990). Mối “liên hệ khắng khít” thầy trò nay đã thành chủ tớ, thì làm sao Việt Nam lại cho mình là thành viên của khối “Không Liên Kết” được ?! Đây là dối trá trơ trẻn của CSVN.
Thứ hai: hòa bình không phải là đi cầu xin mà có. Còn nhớ, trước năm 1975 trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức có phương châm “Cư An Tư Nguy”, nghĩa là muốn sống yên ổn thì phải nghĩ đến lúc hiểm nguy, suy rộng ra: “Muốn Hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh”. Đảng CSVN có chuẩn bị chiến tranh chống ngoại xâm hay không? hay chỉ chuẩn bị đội ngũ công an, côn đồ, bộ đội nhằm đàn áp quần chúng đòi tự do, dân chủ, nhân quyền và xuống đường biểu tình chống Trung Cộng xâm lược để làm tay sai cho Tàu hầu duy trì chế độ độc tài đảng trị nhóm lợi ích.
Thứ ba: Ngày 23 tháng 9, tại Liên Hiệp Quốc Phạm Bình Minh lại mở cái “tape recorder” cầu xin hòa bình, và xin Trung Cộng tuân thủ luật Biển 1982. Điểm này CSVN đang nằm mơ, đối với phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế PCA mà Tập Cận Bình còn cho là mớ giấy lộn thì những COC, DOC gì đó ký với các nước ASIAN chỉ là trò hề mà thôi. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, thử hỏi có bao giờ một nước Cộng Sản ký một hiệp ước mà họ thi hành nghiêm chỉnh hay chưa? Những hiệp ước của họ chỉ là chiến thuật câu giờ “lùi một bước tiến ba bước”. Hiện nay tại Biển Đông, hàng không mẫu hạm, tàu bay, tàu chiến của Mỹ đi tuần tra mà chưa chận đứng được tham vọng xâm lăng của Đại Hán trên Biển Đông thì những lời cầu xin hòa bình với Trung Cộng chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu !
Indonesia xin viện trợ Mỹ để làm mạnh lực lượng Hải Quân:
Ngày 21/09 – Trang HIS Jane’s 360 có đăng bài Indonesia khám phá khả năng có được sự viện trợ của Mỹ để tài trợ cho cơ sở ở Biển Đông (Indonesia explores possibility of obtaining US aid to finance base in South China)
http://www.janes.com/article/63976/indonesia-explores-possibility-of-obtaining-us-aid-to-finance-base-in-south-china-sea
Bài báo đưa tin Indonesia đang yêu cầu sự viện trợ tài chánh từ Washington DC để tân trang các căn cứ hải quân. Với sự tân trang này, Hải Quân Indonesia tăng sức mạnh ở Biển Đông và eo biển Sunda (từ biển Java qua Ấn Độ Dương). Bài báo còn cho biết Indonesia đang trong tiến trình tân trang các căn cứ hải quân tại thành phố Ranai, thuộc đảo Pulau Natuna Besar để tiếp cận cho việc điều động các tàu trên Biển Đông. Một trong những việc làm quan trọng đáng để ý là Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia, ông Susi Pudjiastuti ngày 21/9 cho biết Indonesia và Mỹ đã có kế hoạch tuần tra chung ở khu vực ngoài lãnh hải của Indonesia nhằm chống lại nạn đánh cá trái phép và buôn người. Đây là hành động tiến tới hợp tác quân sự trên Biển Đông giữa hải quân Mỹ-Indonesia.
Từ trước đến nay, Indonesia hình như lơ là trong vần đề Biển Đông luôn luôn giữ thái độ trung lập. Khi tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền vào tháng 01/2014 cũng thế, chưa chú ý nhiều đến vấn đề Biển Đông. Nhưng trong năm nay, Trung Cộng bắt đầu có thái độ xâm lấn đảo Natuna, một hòn đảo của Indonesia nằm vùng cực Nam của đường “Bản đồ 9 đoạn” hình lưỡi bò mà Trung Cộng tự vẽ, gần đây Trung Cộng xua tàu đánh cá có Cảnh Sát Biển hộ tống cho rằng vùng biển đó thuộc về lãnh thổ và vùng đánh cá truyền thống của Hán tộc. Indonesia liền thay đổi lập trường xoay qua cầu viện Mỹ để tân trang Hải Quân tuần tra trên Biển Đông để đối phó với mưu đồ xâm lược của Đại Hán.
TT Phillipines Duterte trở cờ chống Mỹ theo Tàu:
Tờ PhilStar Global Headline (Báo Phillipine) hôm 21 tháng 9 đưa tin về Duterte phát biểu “Chúng ta không có đủ khí tài. Chúng ta cũng không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Tôi phản đối điều đó. Bởi nó sẽ là một cuộc tàn sát” (ý là không dám chống Trung Cộng xâm lược). Từ khi Duterte lên nắm chính quyền, nền ngoại giao Phillipines bắt đầu có thái độ và hành động chống Mỹ. Ông tuyên bố khi nắng khi mưa với luận điệu muốn xích lại gần Trung Cộng và Nga. Phillipine là nước “thuộc địa” của Mỹ trước đây và nay là đồng minh chiến lược có ký hiệp ước bất tương xâm với Hoa Kỳ, quân Mỹ hiện đang có mặt ở 8 địa điểm trên Phillipines. Là một trong những vị trí an ninh vòng ngoài của Mỹ tối quan trọng bảo vệ Biển Đông tiếp cận với căn cứ quân sự chiến lược tiền tiêu của Mỹ trên Thái Bình Dương đó là đảo Guam.
Từ khi lên nắm chính quyền tháng 6/2016, Duterte đã làm cho Mỹ nhức đầu, hành động chống Mỹ thân Trung Cộng của Duterte quá rõ, bằng những lời tuyên bố trắng trợn không còn úp mở. Trước đây Duterte từng tuyên bố: “lính Mỹ ở Mindanao nên rời đi bởi họ có thể bị nhóm Hồi giáo nổi dậy bắt cóc”, nhưng sau đó ông ta lại giải thích “Tôi từng nói rằng một lúc nào đó trong tương lai tôi sẽ đề nghị đặc nhiệm Mỹ rời khỏi Mindanao, khoảng 117 người, tốt hơn nên rút đi để tôi có thể đàm phán hòa bình…Tôi chưa bao giờ nói hãy rời khỏi Philippines. Sau cùng thì chúng ta vẫn cần Mỹ ở Biển Đông.” Duterte cũng đã từng tuyên bố, không tập trận với Mỹ, nhưng sau đó lại tuyên bố sẽ có tập trận chung. Khi viếng thăm Hà Nội ngày 28/09, lại tuyên bố sẽ tập trận chung với Mỹ lần cuối cùng.
Tình hình Biển Đông bạn thù thay đổi, Indonesia trước đây có thái độ hờ hững đối với tình hình Biển Đông thì nay không còn đứng trung lập nữa mà xích lại gần Mỹ, còn Phillipines đồng minh chiến lược của Mỹ từ hơn nửa thế kỷ nay thì muốn bắt tay với Trung Cộng, Duterte đang hô hào “ngoại giao đa phương”, có lẽ ông đang bay sang học nghề đu giây của CSVN ?!
Mỹ lên án hoạt động quân sự hóa Biển Đông:
Phiên họp cao cấp khóa họp 71 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, hôm 20/09 Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đọc bài diễn văn nói đến nhiều vấn đề liên quan đến tình hình quốc tế, trong đó có phần chỉ trích quân sự hóa ở Biển Đông, ông nói: “Giải quyết tranh chấp bằng cách biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là điều quan trọng, góp phần làm ổn định an ninh khu vực. Điều này bền vững hơn nhiều so với hoạt động quân sự hóa vài đá hay rạn san hô”.
Cùng lúc, ngày 21/09 tại Hạ Viện Hoa Kỳ có buổi điều trần của Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện kết luận rằng TT Barack Obama “rụt rè” mà chúng ta thường gọi là “yếu bóng vía” nên để cho Trung Cộng “lấn tới” xây “Vạn Lý Trường Thành” trên Biển Đông. Các học giả trong buổi điều trần của Ủy Ban Quân Lực Hạ Viện đề nghị những giải pháp mới đối đầu TC tại Biển Đông:
– Hoa Kỳ phải cho phi cơ bay qua các đảo nhân tạo trong tay Trung Cộng ở Trường Sa, chẳng hạn như qua Đá Vành Khăn (Mischief Reef), và tiến hành nhiều cuộc tuần tra hơn vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, thực hiện một mình hay với nước đồng minh khác.
– Đối với lực lượng “dân quân biển” của Trung Cộng, Washington phải cấp tốc đề ra một chiến lược toàn diện hơn để đối phó với Bắc Kinh.
– Hoa Kỳ thực hiện các cuộc tuần tra một cách thường xuyên hơn để phá vỡ chiến thuật ngăn chặn tàu Mỹ của Bắc Kinh.
Những đề nghị đối với TT Barack Obama trong lúc này chẳng có tác dụng vì ông đang bận “dọn nhà” đang chờ bà Hillary Clinton hay ông Trump đến để bàn giao Biển Đông.
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)