Siêu tư bản dân chủ
Siêu Tư Bản và Dân Chủ bài của GS Nguyễn Quốc Khải
Siêu Tư Bản và Dân Chủ
Sự khác biệt giữa dân chủ và tư bản
Dân chủ có nghĩa là con người tự do. Tư bản có nghĩa là thị trường tự do. Dân chủ và tư bản cùng có một triết lý chính trị chung, nhưng cũng chỉ là hai phương pháp thử nghiệm nhằm giải quyết những vấn đề của con người trong những điều kiện không chắc chắn. Trong khi đó thì cộng sản hoàn toàn thất bại khi áp dụng chế độ kinh tế chỉ huy, tước đoạt sự tự do của con người, để giải quyết nhu cầu vật chất của con người, trong những điều kiện chắc chắn giả tạo.
Tư bản là về lãnh vực kinh tế. Dân chủ là về lãnh vực chính trị. Hai thể chế này có mục tiêu khác nhau. Kinh tế nhắm sản xuất nhiều sản phẩm và dịch vụ, tức là phúc lợi của con người. Chính trị ấn định luật lệ và quyền hạn của con người trong xã hội.
Trong khi dân chủ chủ trương phân chia quyền hành một cách quân bình hơn cho mọi người, chủ nghĩa tư bản không thể phân phối sự phong phú một cách công bình cho mọi giới. Trong khi thể chế dân chủ chú trọng về quyền lực của con người bình thường (demos = common people; cracy = power), chủ nghĩa tư bản thuấn tuý nhắm vào lợi nhuận. Dân chủ kết hợp dân chúng lại để quyết định những vấn đề quan trọng còn tư bản phân chia con người theo nhiều lãnh vực và mỗi người chạy theo tư lợi của mình mà không để ý đến những người khác. Dân chủ đại diện nhóm, công cộng và hợp tác trong khi tư bản ửng hộ cá nhân, riêng tư và cạnh tranh.
Chế độ siêu tư bản, xuất hiện trong thị trường toàn cầu hóa sẽ được bàn trong phần sau, làm những khác biệt giữa dân chủ và tư bản càng rõ rằng hơn. Tư bản và dân chủ ảnh hưởng lẫn nhau. Chủ nghĩa tư bản bị chi phối bởi những giới hạn chính trị thí dụ như chính sách về thuế, kiểm soát mức lương, bảo hiểm sức khoẻ và môi trường. Đã lâu người ta tin tưởng rằng tự do của cá nhân và tự do của thị trường liên hệ chặt chẽ với nhau và thể chế dân chủ và chủ nghĩa tư bản thường đi đôi với nhau. Dân chủ không thể có nếu không có tư bản và ngược lại. Nhưng trên thực tế trong một thế giới tiến bộ như hiện nay tư bản và dân chủ là hai lực riêng biệt và thường đối nghịch nhau. Đây là chủ đề của bài phân tách này.
Thế giới nhất cực về chính trị và kinh tế
Sau khi chủ nghĩa cộng sản xụp đổ trên toàn thế giới vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, chủ nghĩa tư bản đã toàn thắng. Trong khoảng một thập niên vừa qua, chủ nghĩa tư bản đã bành trướng khắp nơi trên thế giới. Vài nước độc tài cộng sản còn sót lại ở Á châu như Việt-Nam và Trung Quốc, ngoại trừ Bắc Hàn, đã trở thành những nước tư bản. Hầu hết các quốc gia đều là hội viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (World Trade Organization – WTO) và hội nhập vào kinh tế toàn cầu. Từ một tình trạng lưỡng cực về cả hai mặt chính trị và kinh tế, thế giới trở thành một hệ thống nhất cực.
Về mặt chính trị, Âu châu, Nga và Trung Quốc đã cố gắng xóa bỏ tình trạng nhất cực. Liên Hiệp Âu châu (European Union – EU) được chính thức thành lập vào năm 1993. Tiền thân của tổ chức này là Thị Trường Chung Âu Châu (European Economic Community – EEC) được thành lập từ năm 1957. Từ ngày thành lập đến nay, EU đạt được thoả hiệp về việc bãi bỏ kiểm soát biên giới (1985), thiết lập đồng Euro (1999), và chấp thuận Hiến Pháp Âu châu (2004).
Khối Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation – SCO) được thành lập từ năm 2001, gồm Liên Bang Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, và Uzbekistan. Tiền thân của tổ chức này là Thượng Hải 5 (Shanghai Five) gồm tất cả những nước trên ngoại trừ Uzbekistan, được thành lập vào năm 1996. Năm nước tham dự với tính cách quan sát viên là Ấn Độ, Iran, Pakistan, và Mông Cổ. Iran tỏ ra chú ý đến việc gia nhập vào tổ chức này. Khối Thượng Hải MớI đây tổ chức thao diễn quân sự chung ở Nga.
Về mặt kinh tế, thế giới vẫn là nhất cực. Những đại công ty đa quốc gia được thành lập. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa và đang trở thành một thứ chủ nghĩa siêu tư bản (supercapitalism) với những cực đoan của tất cả những lý thuyết và phong trào cực đoan. Những quá trớn của chủ nghĩa siêu tư bản bắt đầu lộ ra. Tư bản toàn cầu tạo ra nhiều kẻ thắng và nhưng số người bại còn nhiều hơn. Sự giầu có vượt bực của một số ít làm gia tăng sự bất mãn của nhiều ngườI và có thể gây bạo loạn, khủng bố, và nội chiến.
Tư bản toàn cầu quá trớn cũng có thể tạo ra thảm họa cho thế giới. Giữa các quốc gia cũng có kẻ thắng bao gồm các cường quốc kỹ nghệ và người thua bao gồm các nước nông nghiệp chậm tiến với tất cả sự yếu kém về những phương diện như kỹ năng quản trị, bảo vệ môi trường, hạ tầng cơ sở và dịch vụ. Tại những quốc gia Phi Châu không có tài nguyên thiên nhiên, tình trạng kinh tế suy xụp trước làn sóng tư bản toàn cầu. GS Lord Dahrendorf của Trung Tâm Khoa Học Xã Hội tại Berlin và là cựu Giám Đốc của London School of Economics nhận định rằng những người bị đẩy vào ngõ cụt sẽ trở nên hung bạo và chủ tâm gây thiệt hại cho kẻ thắng mà không cần có mục đích gì cả. Đó là nguồn gốc của chủ nghĩa vô chính phủ trong quá khứ và cũng là nguyên nhân của nạn khủng bố ngày nay.
Xung khắc giữa dân chủ và tư bản
Tư bản và dân chủ không hoạt động nhịp nhàng với nhau về mọi phương diện như người ta tưởng.
Chúng ta còn nhớ buổi họp báo tại Quốc Hội Hoa-Kỳ do Phong Trào Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, và Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng tổ chức vào tháng 6-2007, một ngày trước khi ông Nguyễn Minh Triết đến thăm xã giao Tổng Thống George W. Bush. DB Ed Royce (CH, California), trong số những nhà lập pháp Hoa-Kỳ tham dự cuộc họp báo này, lên án mạnh mẽ chế độ độc tài tại Việt-Nam và ủng hộ phong trào dân chủ nhưng ông cũng không quên bào chữa cho việc đón tiếp lãnh tụ độc tài Nguyễn Minh Triết tại Tòa Nhà Trắng. Ông nói rằng Tổng Thống George W. Bush phải chiều lòng giới tư bản Hoa-Kỳ muốn giao dịch thương mại với Việt-Nam.
GS Michael Mandelbaum của trường Cao Học Quốc Tế Vụ thuộc Đại Học Học Johns Hopkins mới đây trong bài với tựa đề “Democracy Without America,” (Foreign Affairs, September / October 2007), nhận định rằng “Chìa khóa để thiết lập một thể chế dân chủ đắc dụng và đặc biệt đối với những định chế tự do, là nền kinh tế thị trường. Những định chế, kỹ năng, và giá trị để điều hành một nền kinh tế thị trường tự do là những vật liệu để cấu tạo thể chế dân chủ…Mặc dù Hoa-Kỳ thất bại trong những cố gắng bành trướng dân chủ, thể chế này đã bành trướng trên toàn thế giới vì thị trường tự do. Mặc dầu thế giới Ả Rập, Nga, và Trung Quốc là những thách thức, nhưng áp lực dân chủ chỉ có thể gia tăng khi mà các nền kinh tế được cải tổ trong thời gian tới.”
Quyền tư hữu là trọng tâm của chế độ tư bản. Quyền này tạo cho chủ nhân một môi trường tự trị và ban cho chủ nhân một số tự do cá nhân. Tư sản phân tán quyền lực, làm giảm sự lệ thuộc vào chính quyền, và khuyến khích sự thành hình của xã hội dân sự. Chúng ta chắc hẳn đồng ý rằng những ý niệm trên rất đúng trong khoảng gần nửa thế kỷ trước đây và ngày nay tại những quốc gia đang còn chuyển tiếp từ phi thị trường sang thị trường tự do. Nhưng tại những cường quốc kinh tế nơi đây chế độ tư bản đã phát triển cao độ, lấn sâu vào lãnh vực chính trị, làm ra luật để bảo vệ quyền lợi của giới kinh doanh, và trở thành một chế độ siêu tư bản, một lực tiêu cực với dân chủ.
GS Robert B. Reich thuộc Đại Học California tại Berkeley nhận xét rằng: “Tại Nhật Bản, nhiều công ty đã bỏ chính sách bảo đảm việc làm suốt đời, giảm số nhân viên, và đóng những bộ phận không sanh lời. Chắc chắn rằng một số người tiêu thụ và đầu tư Nhật Bản được hưởng lợi từ việc thu nhỏ công ty, nhưng nhiều công nhân Nhật bị bỏ rơi lại đằng sau. Một quốc gia từng hãnh diện về một xã hội nơi mà tất cả mọi người đều thuộc giai cấp trung lưu nay đã thể hiện sự cách biệt về lợi tức và phồn thịnh. Trong khoảng thời gian 1999-2005, tỉ lệ gia đình không có tiết kiệm tăng gấp đôi, từ 12% lên đến 24%. Công dân Nhật thường xuyên biểu lộ cảm giác mất quyền lực. Giống như nhiều nước tự do trên thế giới, Nhật Bản ủng hộ hệ thống tư bản toàn cầu nhưng có một thể chế dân chủ quá yếu ớt để đối đầu với nhiều bất lợi của thị trường tự do.”
Trong thế giới siêu tư bản, thị trường càng tự do bao nhiêu, thì thể chế dân chủ càng yếu, càng thiếu hiệu quả, và con người dưới chế độ này càng ít được “tự do”. Tư bản có khuynh hướng làm suy yếu thay vì hỗ trợ dân chủ. Nếu trong một quốc gia không có luật lệ, tất cả những công ty và những cơ quan được tư nhân hóa, nền dân chủ tại quốc gia này sẽ lụn bại. Chế độ siêu tư bản lý luận rằng các công ty tư nhân được tự do làm ăn, được điều hành các hệ thống an sinh xã hội, bưu điện, y tế, và cả hệ thống giáo dục công lập vì những người chủ trương chế độ siêu tư bản tin rằng lợi nhuận là động cơ làm cho tư nhân hoàn tất nhiệm vụ hiệu quả hơn là chính phủ.
Khi chính phủ ít can thiệp một cách không cần thiết vào đời sống và việc làm ăn của công dân, sự điều hành của chính phủ trong nước này có lẽ hiệu quả nhất. Nhưng nếu một quốc gia thiếu sự điều hành, người dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi, không thua gì dưới một chế độ độc tài mọi thứ đều do chính phủ định đoạt.
Trường hợp dân chủ thất bại
Nhiều người ủng hộ sự bành trướng của dân chủ vì tin tưởng thể chế dân chủ làm gia tăng sự thịnh vượng cho nhân loại. Đây có thể là sự kỳ vọng quá mức vì lịch sử chứng minh rằng có những lúc dân chủ đem lại sự thất vọng.
Khi cộng sản xụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, dân Ba Lan, Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc và nhiều quốc gia khác xuống đường để đòi hỏi độc lập và tự do. Tuy nhiên những công dân của các quốc gia này, ngoài quyền bỏ phiếu và tự do ngôn luận, còn muốn được tư do kinh doanh và mong đợi một đời sống sung túc hơn dưới chế độ tư bản. Nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp, những công dân Đông Âu đã chứng kiến nhiều công xưởng đóng cửa, dịch vụ nhà nước biến mất, nạn thất nghiệp và tỉ lệ nghèo đói tăng. Phép lạ của tư bản không thể hiện tại Đông Âu trong giai đoạn này. Người dân có khuynh hướng quay về dĩ vãng, thời kỳ bao cấp, làm theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu, mọi người đều có việc làm dù phải làm những việc không thích với đồng lương chết đói. Người dân trong giai đoạn này nghi ngờ giá trị của dân chủ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào thập niên 30 khởi sự từ nước Đức, lan tràn qua các nước tư bản Âu châu, Hoa-Kỳ, và khắp các lục địa. Nạn khủng hoảng này là nguyên nhân của sự xụp đổ của nền dân chủ Đức. Các nền dân chủ lâu đời hơn như Anh và Hoa-Kỳ cũng bị thiệt hại không kém gì Đức. Tuy nhiên, tình trạng này không làm cho đám đông chán ghét chế độ dân chủ. Công dân ở các nước Hoa-Kỳ, Anh, Thủy Điển, Thụy Sĩ, cũng như một số nước khác dường như công nhận rằng khủng hoảng của chế độ kinh tế tư bản không nhất thiết trở thành một cuộc khủng hoảng của thể chế dân chủ. Ngược lại, cuộc khủng hoảng dân chủ không nhất thiết đưa đến cuộc khủng hoảng tư bản. Nhưng phần đông người ta không hiểu được như vậy. Vì thế một số người có những hành động làm thiệt hại cả hai thể chế dân chủ và tư bản và quên rằng thể chế dân chủ luôn luôn cần thiết để bảo vệ tự do và công bình trong xã hội.
Độc tài và tư bản
Trong một nước độc tài, chế độ tư bản lại mau chóng biến thành chế độ siêu tư bản. Độc tài cộng với siêu tư bản có thể biến thành phát xít như trường hợp của Việt-Nam, Trung Quốc và Nga hiện nay. Tại những quốc gia này, tự do thị trường liên kết với độc tài chính trị sanh ra đủ mọi thứ tội ác mà không ai kiểm soát được trong khi người dân hoàn toàn bất lực và do đó phải chịu mọi bất công xã hội. Giai cấp lãnh đạo trở thành giai cấp siêu tư bản với chủ trương xây dựng và phát triển một giai cấp trung lưu mới trung thành với đảng Cộng Sản. Những người bị khả nghi hay bất đồng chính kiến với đảng sẽ bị gạt ra ngoài xã hội, không có cơ hội thăng tiến hay phương tiện sinh sống dễ dàng. Gia đình của bị đối sử tương tự.
Trung Quốc cũng như một học trò trung thành là Việt-Nam tiến tới chế độ tư bản mà không chấp nhận thể chế dân chủ. Đây là điều kiện thuận lợi cho những người đầu tư ở Trung Quốc cũng như Việt-Nam vì họ cần sự ổn định chính trị. Điều này cho thấy có sự a tòng giữa tư bản và độc tài. Chủ tịch của các đại công ty thường giao hảo tốt đẹp với những lãnh tụ độc tài. Hoạt động của tổ chức Hội Đồng Thương Mại Mỹ Việt (US-Vietnam Trade Council – USVTC) nhằm liên kết tư bản Hoa-Kỳ và chế độ độc tài tại Việt-Nam và phát triển thương mại giữa hai quốc gia.
Trong khi đó những người dân Trung Quốc và Việt-Nam ngày càng chịu nhiều hậu quả xã hội. Khoảng cách chênh lệch giầu nghèo ngày càng rộng lớn hơn. Giới thương gia tinh hoa của Trung Quốc và Việt-Nam sống trong những dinh thự tại những khu vực ngoại ô có người canh gác và gửi con cái ra ngoại quốc học. Trong lúc đó, những dân quê tràn về vùng đô thị và làm gia tăng nạn thất nghiệp và sự nghèo đói tại đây. Tuy nhiên những người bị ảnh hưởng nhiều nhất lại chỉ có chút ít thế lực chính trị để có thể thay đổi tình trạng này. Họ không thể làm gì được hơn ngoài việc biểu tình nhưng lại thường xuyên bị dẹp tan bởi vũ lực như đã xẩy ra cho dân oan khiếu kiện tại Saigon vào tháng 7-2007.
Nhà cầm quyền Hà Nội toa dập với tư bản ngoại quốc để dìm mức lương và quyền lợi của công nhân. Mới đây, Việt-Nam còn ra luật cấm đình công nếu không được phép của Tổng Liên Đoàn Lao Động, một cơ quan thuộc Đảng CSVN. Khi các công ty ngoại quốc than phiền về các cuộc đình công bất hợp pháp và phản đối việc tăng lương tối thiểu của nhà nước, ông Chủ Tịch Trần Đức Lương vội lên tiếng xin lỗi.
Nhiều nhà phân tách nhận định rằng chế độ tư bản tại Trung Quốc cũng như Việt-Nam có những sai lầm. Một chế độ độc tài muốn tồn tại lâu dài cần phải can thiệp ít nhiều vào hoạt động kinh tế, trong đó quyền tư hữu tiếp tục bị giới hạn, sáng kiến kinh doanh bị hạn chế vì phải theo chỉ thị của nhà nước trong những “kế hoạch kinh tế ngũ niên” hoặc những phương cách kiểm soát khác. Do đó, trước sau Trung Quốc cũng như Việt-Nam sẽ phải hoặc giới hạn tư bản hoặc nới rộng dân chủ.
Điều kiện kinh tế cuối cùng sẽ định đoạt cấu trúc chính trị. Trong một tương lai gần, sự thành công của chế độ tư bản sẽ áp đặt thể chế dân chủ tại Trung Quốc cũng như Việt-Nam. Biến cố Thiên An Môn là dấu hiệu đầu tiên của lòng khao khát dân chủ tại Trung Quốc. Người dân Việt-Nam cũng như Trung Hoa ưa thích sự chọn lựa sản phẩm trong chế độ kinh tế thị trường tự do tất nhiên cũng sẽ muốn lựa người lãnh đạo quốc gia có quyền định đoạt sự an sinh của người dân.
Các chế độ độc tài hiện nay nghiên cứu rất kỹ lưỡng những lý do khiến các chế độ độc tài trong lịch sử có thể tồn tại lâu dài. Một trong những điều họ khám phá ra là sự sợ hãi, thụ động, và tránh né chính trị của người dân. Các chế độ độc tài cộng sản còn lại hiện nay như Trung Quốc và Việt-Nam dựa vào những điều kiện này để cai trị người dân. Trong khi nạn tham nhũng có thể làm soi mòn quyền lực của các chế độ độc tài, và sinh viên tốt nghiệp từ các nước Tây phương trở về sẽ đòi hỏi tự do ngôn luận, nhưng nếu số đông hài lòng với những thành công về mặt kính tế sẽ có thể chấp nhận sống dưới chế độ độc tài. Trong trường hợp này các chế độ độc tài có thể tồn tại lâu dài.
Giải pháp
“Mặc dầu những thị trường tự do đã mang lại thịnh vượng chưa từng thấy cho nhiều người, nhưng chúng cũng gia tăng cách biệt giầu nghèo, sự bất ổn về việc làm và những rủi ro về môi trường như sự hâm nóng quả địa cầu. Thể chế dân chủ được thiết lập để cho phép công dân nêu lên chính những vấn đề này một cách xây dựng. Tuy nhiên, công dân ở Âu Châu, Nhật Bản và Hoa-Kỳ cảm thấy mất dần quyền hành, trong khi đó giới tiêu thụ và đầu tư lại cảm thấy có nhiều thế lực hơn. Nói tóm lại không một quốc gia dân chủ nào có thể đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của chế độ tư bản.”
Chủ Nghĩa tư bản toàn thắng nhưng không lâu đã dành thêm được một số quyền lực mới: toàn cầu hóa quá trớn trong đó một người thắng thì sẽ có mười người thua. Một lần nửa thể chế dân chủ lại bị đổ cho trách nhiệm về sự ảnh hưởng kinh tế tiêu cực này. Thể chế dân chủ phải mạnh hơn để kiềm chế chế độ siêu tư bản chứ không thể để tình trạng ngược lại xẩy ra. Tự do dân chủ là cách tốt nhất bảo đảm nền hòa bình thế giới, chống lại khủng bố và các phong trào cực đoan. Nhưng trước hết chúng ta cần phải chặn đứng sự lấn áp của chế độ siêu tư bản và phải phân chia ranh giới rõ ràng giữa tư bản và dân chủ. “Vai trò của lực tư bản không có gì khác là làm cho chiếc bánh kinh tế lớn hơn và đáp ứng một cách thỏa đáng đối với đòi hỏi của người tiêu thụ, nhưng lực dân chủ phải tranh đấu để thực hiện những nhiệm vụ căn bản là chia chiếc bánh sao cho công bằng, nói và hành động theo lý tưởng tốt đẹp chung, và giúp đỡ xã hội thực hiện cả hai mục tiêu là tăng trưởng và quân bình.”
“Thể chế dân chủ cho phép công dân có thể tranh luận tập thể về những vấn đề như nên chia lợi tức quốc gia làm sao và ấn định luật lệ nào để áp dụng cho sản phẩm tư và công. Ngày nay, người ta ngày càng để mặc những việc này cho thị trường quyết định. Điều tối cần thiết là phân chia ranh giới rõ ràng giữa hai lãnh vực tư bản và dân chủ – giữa trò chơi kinh tế về một mặt và làm sao ấn định luật chơi về mặt khác. Nếu mục tiêu của chế độ tư bản là cho phép những công ty được tham dự vào thị trường càng năng nổ bao nhiêu càng tốt, thì thử thách đối với công dân là không để cho những thực thể kinh tế này làm ra luật lệ cho chúng ta phải sống theo.“
Lịch sử cho thấy mỗi khi có những biến đổi kinh tế lớn lao, luôn luôn xẩy ra hiện tượng người thắng kẻ thua, và cách biệt giầu nghèo gia tăng không tránh được. Những ảnh hưởng tiêu cực của chế độ tư bản toàn cầu tạo nhiều áp lực trên thể chế chính trị, có thể được triệt tiêu bằng cách tạo cơ hội cho những người bị bỏ rơi ra ngoài lề được hưởng những ảnh hưởng tích cực của sự toàn cầu hóa. Nền dân chủ phải bảo đảm rằng mọi công dân phải được hưởng quyền lợi một cách quân bình, nếu không nền tư bản toàn cầu sẽ phá huỷ nền dân chủ tại mỗi quốc gia.
Kết luận
Không thực sự có sự liên đới bắt buộc giữa dân chủ và tư bản. Kinh nghiệm cho thấy tư bản có thể tự bành trướng và phát triển trong các nước dân chủ hay độc tài. Nếu muốn phát triển dân chủ, rõ ràng là bành trướng chế độ kinh tế tư bản không đủ. Một thế giới tư bản không chắc chắn là một thế giới dân chủ.
Thị trường tự do giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dân chủ phát triển, nhưng không đương nhiên đưa đến dân chủ. Thể chế dân chủ không thể tự xuất cảng mà phải được thực hiện bằng một chiến lược được tính toán kỹ lưỡng và hiệu quả trước sự chống đối của những kẻ chủ trương độc tài. Hiện nay một chiến lược thích hợp để dân chủ hoá toàn cầu cần được tìm thấy, nhưng chắc chắn không phải bằng vũ lực hay trông cầu hoàn toàn vào sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản.
Tài liệu tham khảo:
(1) Lord Dahrendorf, “Globalisation Capitalism and Democracy,” in Democracy and Capitalism, Hansard Society, 2006.
(2) John Feffer, “Capitalism and Democracy: Iron Fist Economics,” January 15, 2007.
(3) Nguyễn Quốc Khải, “Liệu Cải Tổ Kinh Tế Và Mở Cửa Buôn Bán Với Thế Giới Có Mang Lại Tự Do Và Dân Chủ Cho Việt-Nam Hay Không ?” Bài thuyết trình tại buổi hội thảo ở Đại Học Quebec, Montreal ngày 1.11.2003.
(4) Nguyễn Quốc Khải, “Việt-Nam Có Cần Một Chế Độ Độc Tài Hay Không Để Trở Thành Một Con Rồng Mới Của Á Châu ?” Vietnam Review, 20-02-2005.
(5) Michael Mandelbaum, “Democracy Without America,” Foreign Affairs, September/October 2007.
(6) Robert B. Reich, “How Capitalism Is Killing Democracy,” Foreign Policy magazine, September/October 2007
(7) Robert J. Samuelson, “Capitalism vs Democracy,” Newsweek, October 3, 2005.
(8) Michael Sky, “Capitalism vs. Democracy,” April 9, 2007.
(9) The Ethical Spectacle, “Democracy and Capitalism,” April 1996.