Sao Lại Cúi Đầu Trước Trung Quốc?

Thế giới đang báo động với một Trung Quốc lớn mạnh, có đáng quan tâm như vậy không? Bài Why Bow to China? Newsweek No 21, May 25, 2009 của đồng tác giả  Christian Caryl và Mary Hennock do BS Phạm Hồng Sơn dịch.

Sao lại cúi đầu trước Trung Quốc ?

Christian Caryl và Mary Hennock

Phạm Hồng Sơn dịch

“Nhiều lãnh đạo trên thế giới tỏ ra sẵn sàng nhường vị thế thống trị châu Á cho Bắc Kinh. Nhưng Trung Quốc chưa thể đủ khả năng cho vai trò này.”

Ngày càng có nhiều học giả châu Á và phương Tây tuyên bố rằng thời điểm của Trung Quốc cuối cùng cũng đã tới. Ai có thể phản bác được họ? Khi Hoa Kỳ đang phải gắng vật lộn với sự suy giảm nghiêm trọng về kinh tế và phải khôi phục lại hình ảnh đã bị hoen ố do hai cuộc chiến vẫn còn đang tiếp tục như vô tận, Trung Quốc đang lớn lên và khuếch trương ảnh hưởng ra thế giới. Sự tự tin có thể sờ được ở mọi chỗ trên khắp “Vương quốc Trung nguyên” (Middle Kingdom). Tháng trước, tại Diễn đàn Bác-Ngao (câu trả lời của Bắc Kinh đối với Diễn đàn Davos), một loạt các diễn giả Trung Quốc đã không còn lên tiếng với vẻ khiêm nhường thường có nữa và còn chế nhạo Washington về chuyện yếu kém trong quản lý tài chính. Những diễn giả này kêu gọi thiết lập một loại tiền dự trữ mới thay cho Đô-La và đòi hỏi có nhiều ảnh hưởng hơn trong hệ thống kinh tế thế giới. Vài ngày sau đó, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh, lần đầu tiên, đã phô cho thế giới thấy hai tầu ngầm hạt nhân và tuyên bố lực lượng hải quân của họ sẽ sớm phóng sức mạnh ra Thái Bình Dương và xa hơn nữa.

Nhưng điều gây ngạc nhiên đặc biệt về sự trỗi dậy của Trung Quốc là việc mọi người rất ít xem lại thực lực của nó có phù hợp với vị thế quốc gia đứng đầu châu Á không. Thực trạng này cũng diễn ra ngay cả ở Nhật Bản, quốc gia có nền kinh tế gấp 10 lần Trung Quốc. Hoạt cảnh Bắc Kinh đang giữ một vai trò đứng đầu tại các cuộc gặp thượng đỉnh, nơi mà Tokyo nhìn chung không nổi bật, cũng dường như đang được chào đón ở khắp nơi như một sự tưởng thưởng gấp gáp. Ngày càng có thêm các lãnh đạo ở khắp thế giới âm thầm cúi đầu trước Trung Quốc như một siêu cường với hết thảy động lực cho kinh tế. Đó cũng là thông điệp không nói ra khi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngay tháng trước, đã xin lỗi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào về việc đã tiếp kiến Đức Dalai Lama, hoặc khi Hoa Kỳ lặng lẽ dừng việc lên án Trung Quốc thao túng đồng tiền nội địa. Các báo phát hành từ London cho tới Seoul đều đang chạy các tin về sự nổi lên của Trung Quốc như một quốc gia điều khiển thế giới, và nhà báo Martin Jacques gần đây còn dự báo trong tờ The Guardian là Thượng Hải sẽ sớm thay New York làm «trung tâm tài chính thế giới ». Ông ta còn không nhắc đến những đối thủ khác trong vùng như Tokyo, Singapore hay Seoul.

Các học giả như David Kang của UCLA (Đại học California, Los Angeles)  thậm chí còn cho rằng sự nổi dậy của một trật tự thế giới xoay quanh Trung Quốc có thể là một tiến triển tích cực và mang lại sự ổn định. Trong phần lớn của hai nghìn năm qua, ông ta ghi nhận, rằng người châu Á đã coi sự thống trị của Trung Quốc như một phần của cuộc sống. Và sự thống trị đó thường là hiền lành: trong khi đế chế Trung Quốc muốn các nước láng giềng thừa nhận sự thống lĩnh của nó và phục dịch nó thì ngược lại nó cũng thường để cho các nước đó được yên thân. Tham vọng bá quyền của Trung Quốc đã chứng tỏ rõ ràng tính ổn định và mềm dẻo. Kang còn nói « Nếu nhìn vào lịch sử, bạn sẽ không thể kết luận ngay được là Trung Quốc càng lớn thì càng nguy hiểm. »

Có thể thực tế đã đúng như những nhận định vừa nêu. Nhưng sẽ đích đáng để xem xem Trung Quốc đã thực sự sẵn sàng làm thủ lĩnh, ngay ở mức độ trong khu vực, hay chưa. Trong khi châu Á hiện tại vẫn còn hỗn độn, đa cực về sức mạnh, nó chưa thể tự gò mình vào một thứ tôn ti nào. Trung Quốc đúng là lớn hơn rất nhiều các nước láng giềng về qui mô kinh tế, nhưng  với các thước đo khác như công nghệ, GDP/đầu người hoặc sức mạnh của các định chế trong xã hội, Trung Quốc còn xa mới tới được vị trí số 1. Nhà quan sát châu Á Bill Emmott đã viết trong cuốn « Rivals » (các đối thủ) mới ra gần đây, rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc đang bị mắc kẹt vào các loại đầu tư hoang phí, các xuất khẩu vốn qui mô lớn (massive capital export), dự trữ ngoại hối kiểu phô trương và nạn ô nhiễm trầm trọng. Chính thủ tướng Trung Quốc, Ôn Gia Bảo, gần đây đã nói rằng các sai lầm về cấu trúc đang gây ra tình trạng « phát triển bất ổn định, bất cân bằng, bất đồng điệu và bất bền vững. »

Mô hình Trung Quốc hiện tại khó có thể giúp Trung Quốc vượt qua được các đối thủ để lãnh đạo châu Á. Nhật Bản hiện tại kém xa Trung Quốc về tham nhũng và được quản lý tốt hơn, và vẫn đang giữ một vị trí vững chắc đứng đầu về công nghệ. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản hướng về xuất khẩu đang phải chịu một suy giảm lớn từ suy sụp tài chính toàn cầu, các công ty giàu vốn của Nhật vẫn đang tiếp tục dồn tiền vào Nghiên cứu-Phát triển (R&D) cho đủ loại sản phẩm, từ điện tử cho tới sắt thép. Chính vì thế mà Nhật Bản đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xe hơi «xanh », và Trung Quốc không thể theo kịp. Charles Gassenheimer, Tổng giám đốc của hãng xe hơi-« xanh » Ener1 của Hoa Kỳ, cho rằng tổng đầu tư của Nhật Bản vào việc phát triển loại ắc-qui tối tân nhất đã luôn gấp 10 lần Hoa Kỳ suốt một thập niên qua (từ năm 1998). Trong khi Trung Quốc chỉ mới bước vào cuộc chơi (dù với một tốc độ cao).

Ngay cả Nam Hàn – một nước khó chịu với thân phận bị gọi là «hạng tôm tép giữa đám cá voi » – cũng đã và đang nổi lên như một sức mạnh, đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất, có tính sáng tạo nhất và có công nghệ cao nhất thế giới. Theo Chỉ số Đổi mới Quốc tế (International Innovation Index) gần nhất, Nam Hàn đứng thứ nhì thế giới, còn Trung Quốc thứ 27.  Nam Hàn là một ví dụ cho thấy châu Á ngày nay có rất nhiều thủ lĩnh tùy theo lĩnh vực : Trung Quốc xuất chúng trong việc tạo ra các sản phẩm giá thấp, nhưng Nhật Bản và Nam Hàn lại đứng đầu về đổi mới và sản phẩm công nghệ cao.

Do vậy, dưới nhiều phương diện, ý nghĩa trọn vẹn của Số 1 đã trở nên lỗi thời. Một số chuyên gia cho rằng người châu Á vẫn bị đóng chặt vào ý nghĩa đó của Số 1 là do ảnh hưởng của học thuyết Khổng Tử-nhấn mạnh phải tôn trọng hệ thống thứ bậc có tôn ti, trật tự. Nhưng, hãy nhìn cách Singapore đang khai thác giá trị gia tăng của công nghệ thông tin để chiếm một vị thế trên thế giới khác với mức nhỏ bé về lãnh thổ. Hoặc hãy xem cách tác động của hoạt động thương mại thế giới và mạng Internet làm cho Bắc Kinh ngày càng thấy gay go trong việc duy trì trật tự ở trong nước. Rõ ràng thời đại toàn cầu hóa không chấp nhận quan điểm thứ bậc tôn ty của Khổng Tử.

Những chiến lược gia về ngoại giao theo quan điểm duy thực vẫn thích chỉ ra thực tế của khu vực chưa bao giờ thấy cả hai (Trung Quốc và Nhật Bản) cùng mạnh một lúc. Những chuyên gia này lo ngại sự tiến triển đó có thể dẫn đến xung đột và sợ rằng sức mạnh hải quân Trung Quốc, có thể bị các đảo của Nhật Bản vây hãm khi có xung đột, đã được điều đi thăm dò hệ thống phòng vệ của Nhật Bản rồi. Trong khi đó Tokyo đang tăng cường Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quanh các đảo có tranh chấp và đưa máy bay tới kiểm soát các dàn khoan dầu của Trung Quốc. Aaron Friedberg, nhà nghiên cứu chính trị tại Princeton, đã so sánh châu Á hiện đại với châu Âu trong thế kỷ 19 khi các nước lớn vẫn còn dùng mánh «diễu võ giương oai» để giành quyền kiểm soát.

Điều này nhấn mạnh vào việc phải xem còn bao xa Trung Quốc mới đạt được vị thế thống trị trong khu vực. Vào thế kỷ 19, không có một dân tộc đơn lẻ nào tại châu Âu có khả năng khống chế cả châu Âu. Tương tự, không có gì chắc chắn cho thấy Trung Quốc có thể thắng Nhật ngay cả trong một cuộc xung đột nhỏ, và khả năng càng ít hơn đối với một xung đột lớn-sẽ làm người đồng minh lớn nhất của Nhật phải tham dự. Hơn nữa: dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng liên tục trên 10% hàng năm thì cũng cần phải ít nhất một thập niên nữa Trung Quốc mới có thể hạ thủy được tàu sân bay đầu tiên – dấu chỉ của hải quân đủ khả năng áp đặt được sức mạnh (trong khi Hoa Kỳ hiện đã có 11 chiếc).

Dĩ nhiên Trung Quốc không tuyên bố bất kỳ khát vọng nào về thống trị quân sự hay bá chủ kinh tế, và cũng có thể Trung Quốc đang cần giữ gìn về lời ăn tiếng nói. Vấn đề quan trọng hiện nay là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang có một ràng buộc lớn theo kiểu chủ nợ-con nợ và kẻ mua-người bán. Điều tương tự cũng đang xảy ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ để trở thành bạn hàng số 1 của Nhật Bản vào năm 2007. Một nước Nhật già cỗi đang tận dụng nhân công giá rẻ của Trung Quốc, trong khi các nhà máy tại Đồng bằng Sông Ngọc (đông nam Trung Quốc-ND) thường dùng các máy móc và công nghệ made in Japan. Hợp tác cấp thế giới và vùng đang có ý nghĩa rất lớn cho lợi ích của cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không có lý do để các nước láng giềng phải chuẩn bị cho một Trung Quốc hung hãn hơn. Vẫn có các nỗ lực nhằm xây dựng một tổ chức tự vệ khu vực chung, nhưng đang gặp trở ngại do những khác biệt về nguồn lực và ý thức hệ và do cả nỗi e ngại có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng vẫn có nhiều cách khác để thúc đẩy một châu Á tiến theo chiều đa cực. Chính quyền Obama dường như đang đi theo hướng này : khi tới thăm châu Á tháng Hai vừa qua, Hillary Clinton đã tới Nhật Bản trước tiên, sau đó là Seoul, nhằm thúc giục hai bên hợp tác với nhau. Sau đó Hillary Clinton tới Indonesia, một chế độ dân chủ lớn và mới hình thành. Chỉ sau đó, Hillary Clinton mới dừng ở Bắc Kinh và kêu gọi Trung Quốc, Nhật Bản hợp tác với nhau trong vấn đề biến đổi khí hậu. Đó chính là một dạng vấn đề liên quốc gia cần đến sự hợp tác, chứ không cần kiểu “giễu võ, dương oai ” – một mánh lới đang trở nên phổ biến, nhưng chỉ là kiểu “múa rìu qua mắt thợ”.

Phạm Hồng Sơn dịch

27/05/2009

(Nguồn: Why Bow to China? Newsweek No 21, May 25, 2009

http://www.newsweek.com/id/197899)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt