Sách: Nguyễn Thái Học-Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống

Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương  XVII, XVIII và XIX

[Bấm vào đây đọc các chương trước]

CHƯƠNG XVII

Việc Ba-gianh

Ba-gianh là tên một nhà buôn Pháp.

Hắn buôn… Hắn buôn người mình sang làm phu bên Tân Thế Giới! Sở mộ phu của hắn mở ở đường Chợ Hôm, Hà Nội. Chiều tối hôm ba mươi Tết Kỷ Tỵ (tháng Hai, 1929) khi hắn đi ô tô về đến trước cửa sở, thì có một thanh niên vận âu phục màu xám, đưa cho hắn một bức thư.

Kỳ thực thì đó là một bản cáo trạng mà tòa án cách mệnh kể tội hắn, và khép hắn vào tử hình. Trong khi hắn cầm lấy thư xem thì người ấy cầm súng sáu bắn hắn chết lăn xuống bên đường. Tiếng súng nổ lẫn với tiếng pháo nên chung quanh chẳng ai biết gì! Nhà hiệp sĩ làm việc xong, ung dung lên xe đạp phóng đi. Người tài xế của hắn thấy có sự không đẹp, phải nằm nép xuống bên xe! Đợi bóng kiếm đã bay xa mới dám mở mồm hô hoán.

Việc ấy làm dân các thành phố ăn Tết mất ngon, vì bắt bớ lung tung cả! Các cơ quan, các đồng chí của Đảng cũng bắt đầu bị khám xét, bị truy nã. Vậy ai là người hiệp khách đã ra tay xử tử Ba-gianh? Cái án ấy tới nay vẫn là một cái án ngờ, mà chính tôi cũng không biết rõ.

Cố nhiên anh Học bảo với tôi là người ở Ám Sát Đoàn. Chẳng những thế, hơn tháng trước, trong một buổi họp Ban Trị Sự ở đệ nhất chi bộ, anh Nguyễn Văn Viên có nói với các bạn, xin thông cáo hộ với Ám Sát Đoàn của Đảng, yêu cầu giúp cho Công Nhân Đoàn của anh coi, một khẩu súng lục. – Nguyên Đảng có tổ chức những đoàn phụ nữ, học sinh, công nhân, nông dân và binh sĩ, để làm hậu thuẫn cho Đảng. Việc trông coi các đoàn ấy do một đảng viên phụ trách. Số đoàn viên hội ấy nhiều gấp mấy đảng viên. Tôi hỏi về mục đích dùng khẩu súng ấy, thì anh nói để giết Ba-gianh. Anh Học có mặt ở buổi họp ấy, tôi liền bảo anh Viên nói riêng với anh Học. Vì anh Học là chủ tịch Trung Ương mới có quyền biết, mới có quyền chỉ huy. Chúng tôi chẳng những không được phép tò mò, mà cũng không được phép bàn luận nữa. Vậy tôi chỉ biết là anh Học, anh Viên có rõ việc ấy, nhưng thực không rõ người hạ thủ là ai? Anh Viên sau bị bắt, Thắt cổ chết trong Hỏa Lò. Có người trông thấy tụi ngục tốt vác xác anh mà quật mãi ở ngoài sân ngục! Sao mà chúng thâm thù anh như vậy? Họ bảo: Tại anh đã nhận chính mình hạ thủ, bắn Ba-gianh.

Dù vậy nữa, lời anh nhận cũng chả đủ làm bằng! Thì Lê-ông Sanh hồi trước cũng đã nhận liều là chính mình giết Ba-gianh! Anh Viên cũng có thể nhận liều như thế, hoặc vì sự tra tấn tàn khốc, hoặc vì anh định chết thay người khác. Lại có người bảo tôi là anh Lung, lại nói thêm rằng: “Ngay đêm ấy anh Lung đã về Việt Nam khách sạn, mà đốt bộ quần áo dấy máu”. Anh Lung sau bị đày ra Côn Lôn, và tha về được ít lâu thì mất. Còn chính anh Học thì cho tôi hay là: chính anh là người cho tiền người anh em ấy, để đi một nơi thật xa vắng! Vậy người anh em ấy là ai?

CHƯƠNG XVIII

Sau Ngày Bại Lộ

Vì việc Ba-gianh, các đồng chí của Đảng ở khắp nơi bị bắt. Việc bắt bớ ấy khởi đầu từ 17 tháng 2 năm 1929. Kỳ thực thì mật thám biết có Đảng từ lâu. Nhưng theo một câu chân ngôn của tụi chúng: “để cho lan rộng, đăng đàn áp cho hay (laisser développer pour mieux réprimer)”, nên chúng cứ để ý dò xét, chứ không bắt vội. Có như thế, chúng mới được công trạng lớn! Chứ bắt một số ít người, làm vài cái án nhẹ, tụi chúng còn xơ múi gì! Nhưng đến khi ấy thì chúng không dám để nữa, vì để nữa thì có khi chúng đàn áp không nổi nữa. Tuy rằng đối với các yếu nhân trong Đảng tôi, chúng cho người canh cả đêm, dò từng bước, nhưng thực thì có thể nói rằng chúng chả biết gì cả! Có giở đến hồ sơ mình mà coi, mới biết những tờ trình của tụi thám tử tâng công phần nhiều là bịa đặt suốt từ đầu đến cuối! Không có các tay nội công, không bao giờ phá nổi một đảng cách mệnh. Mà Đảng tôi, cho mãi đến năm 1929, quả tình không có một tay nội công nào. Bảo các đảng viên chúng tôi hồi ấy có lẫn nhiều mật thám, hoàn toàn là một chuyện của kẻ xấu bụng đặt điều nói láo. Thế nhưng sau khi bị bắt rồi, thì có nhiều kẻ hoặc mong gỡ tội, hoặc sợ đau đòn, cam tâm làm những việc phản Đảng, nghĩa là tiết lộ bí mật của Đảng. Trong số đó phải chia ra ba hạng. Một là hạng nhận cho xong chuyện. Họ tuy nhận song vẫn cố sức giữ gìn cho đồng chí. Ví dụ: chi bộ mười người thì nói có ba. Trong ba người thì khai rõ có một, còn hai thì không rõ tên that và không biết rõ chỗ ở. Hai là hạng nhận đúng sự that. Ấy là hạng mắc mưu mật thám, tưởng chúng đã biết hết cả, nên hỏi đâu nói đấy. Tuy vậy, họ còn có lương tâm là sẵn lòng chối những cái có thể chối được. Ví dụ, như anh Phạm Tiềm, khi chúng hỏi “Nhượng Tống có chân trong Đảng không?” Thì anh đáp: “Tôi không biết”. Kỳ thực thì có phải Tiềm không biết thật đâu! Khốn nạn nhất là hạng thứ ba, ấy là hạng nhận cho kỳ hết, chẳng những mong cho khỏi tội, mà còn muốn tâng công! Hạng ấy, trong anh em bị bắt khi ấy chỉ có một đứa là Bùi Tiến Mai tức Thừa Mai. Ấy vậy mà chỉ một mình nó đã đủ làm hại cả Tổng Bộ và toàn hạt Thái Bình, vì hắn lại là đại biểu của Thái Bình cử lên Tổng Bộ. Xét ra hễ nơi nào có huấn luyện kém là nơi ấy thất bại dữ. Số bị bắt khi ấy hơn nghìn, cơ hồ toàn là đảng viên mấy tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Ninh cả. Các nơi khác: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Hà Đông, Quảng Yên, Kiến An, Thanh Hóa, vân vân, vì các đại biểu đã cố sức chịu đòn, không chịu nhận, khai gì cả, nên chúng không lần ra mối, anh em giữ được trọn vẹn. Mỗi tỉnh ấy chỉ bị bắt ít người do Thừa Mai khai ra, hay ngày thường mật thám đã chú ý đến lắm mà thôi.

Trong khi anh em bị bắt lung tung đó, thì anh Học cải trang mà trốn thoát, lúc thì Anh ăn vận lối thợ thuyền, lúc thì Anh ăn vận lối nhà quê. Có lúc đeo râu giả, dùng thẻ giả. Có lúc Anh lại đội khăn, mặc yếm, đóng bộ tịch đàn bà. Nhưng đi trốn như vậy, không phải mong yên thân khỏi tội đâu! Nếu Anh đảo qua về Hà Nội, là để nghe ngóng tin tức, sắp đặt công việc, và săn sóc anh em trong Hỏa Lò. Nếu Anh đi các tỉnh, là để lập thêm chi bộ, thu thêm đồng chí. Hay triệu tập Hội Đồng Tổng Bộ để bàn định phương châm, tiến hành công việc Đảng. Kỳ Hội Đồng Tổng Bộ thứ nhất sau khi bại lộ là do Anh và anh Song Khê triệu tập ở Lạc Đạo. Trừ mấy tỉnh đảng viên bị bắt hết ra, còn các nơi đều phái đại biểu về họp cả. Trong kỳ họp ấy, đại ý Anh nói:

– Hiện nay ở vài ba tỉnh số đồng chí đã bị bắt hết. Thế nhưng ở các tỉnh to, nhờ sự nhẫn nhục của anh em trong tù, anh em ở ngoài đều an toàn cả. Tinh thần của Đảng thế là vững vàng. Gan dạ như anh em thế là tỏ rõ. Lúc này là lúc ta cần phải bước vào thời kỳ phá hoại. Ngay trong năm nay, ta phải đạp đổ quyền hành của thực dân. Ở khắp mọi nơi, các binh đoàn, các chi bộ nhà binh mỗi ngày một thêm nhiều người mới. Ta có đủ sức đánh! Và ta phải đánh gấp! “Binh quý thần tốc”. Để lâu ra, bọn tướng lĩnh chúng nó để ý đến các võ trang đồng chí của ta thì việc càng thêm khó. Vậy, ngay từ giờ, trong nhà binh, anh em phải chú ý đến các phương pháp tấn công, các địa điểm lợi hại, để đợi ngày khởi sự. Anh em nghĩ thế nào?

Anh em nghĩ thế nào? Đa số đều nghĩ lời Anh là phải, và giơ tay tán thành. Còn thiểu số thì cho là chưa đủ lực lượng và phải đợi thời cơ. Phái thiểu số thì cho là chưa đủ lực lượng và phải đợi thời cơ. Phái thiểu số ấy sau này tách riêng ra gọi là phái trung lập, hay là phái cải tổ. Mãi cho đến sau cuộc thất bại Yên Báy, sự chia rẽ ấy mới không còn nữa.

Ngoài việc dự bị nói trên, Đảng lại bàn lại việc cử người ra ngoài để cầu cứu với Tưởng Giới Thạch hiện đang cầm quyền ở Tàu, và Khuyển Dưỡng Nghị, một nhà có thế lực trong chính giới Nhật. Việc ấy không hề thực hiện vì không tìm được nhân tài ngoại giao.

Nói tóm lại, thì tuy bị đàn áp, nhưng sự sợ sệt không hề tràn tới tâm não của anh em. Sau ngày 17 tháng 2, một đảng viên ở Hà Nội còn nói câu này với một giọng rất tự nhiên:

– Hoài của! Hôm cất đám thằng Ba-gianh, trong tay mình không có một quả bom! Giá sẵn có, ít nhất mình cũng ném chết được Toàn Quyền với Thống Sứ cho chúng nó cất đám nhau nhân thể!

CHƯƠNG XIX

Dân Khí Năm 1929

Chẳng những tinh thần của Đảng không nao núng mà thôi, dân khí trong nước hồi ấy cũng nổi lên bồng bột lắm. Đối với những anh em trong tù, quốc dân đều đem lòng thương mến. Một đoàn nữ học sinh đã rủ nhau bỏ tiền, may quần áo, sắm quà, bánh rồi nhận chằng là em gái, là vị hôn thê, để hàng tuần vào thăm những người bị bắt không có gia đình ở Hà Nội! Trong trường Cao Đẳng Y Học, các sinh viên góp nhau mỗi người hai đồng để giúp cho các anh em trong vòng xiềng, xích. Tiếc thay, giống mặt người dạ thú ở chỗ nào cũng có! Cũng tiếng sinh viên, cũng nay mai bác sĩ, mà tên Ph. Ng.T. lại nỡ đem việc ấy làm mồi tâng công! Hắn tâu nộp việc đó với mật thám, rồi còn xin “nhà nước” trừng trị rất nghiêm những kẻ góp tiền, để phong trào cách mệnh khỏi lan rộng trong các trường Cao Đẳng! Ôi! Trí thức!

Ở tỉnh thành đã vậy, ở thôn ổ càng thêm nao nức! Xưa kia các thanh niên đồng ruộng chưa hề biết có Đảng. Nay nhân việc bắt bớ đăng trên báo chương, họ vui mừng phấn khởi, rồi cố lần mò tìm cho thấy Đảng mà xin vào. Trong số đó, các tay hào trưởng cũng nhiều. Suốt một tổng Kha Lâm ở Kiến An, các hương chức toàn là đảng viên. Làng Cổ Am ở Hải Dương, làng Võng La ở Phú Thọ, hội đồng chi bộ họp ở giữa đình làng. Trương tuần, phó lý thì ra ngoài đường cái để canh gác nhà chức trách! Các cụ già, đàn bà, con trẻ thì xúm quanh dự thích. Cho nên nhóm thực dân đã in ra hàng vạn tấm ảnh Anh Thái Học, anh Song Khê phát đi các làng, lại treo giải thưởng hàng năm nghìn đồng, mà không bắt được! Họ bảo nhau: “Bắt làm gì các ông ấy! Các ông ấy cho một phát súng thì mất mạng, còn đâu mà ăn cái thưởng năm nghìn.” Nhiều làng thấy các anh đến, các huynh thứ lại góp tiền tiễn chân! Kẻ nào nhút nhát quá, sợ liên lụy, thì đến mời các anh đi ở làng khác, chứ cũng không hề có ai đi báo mật thám. Nói tóm lại, thì đại đa số dân chúng hồi ấy đều ủng hộ cách mệnh. Cho nên các anh dù trốn mà vẫn tiến hành được mọi việc dự bị về việc quân. Sau nữa, ở đời nhiều khi cũng có những cái may mắn lạ lùng. Một hôm, không rõ ở làng nào, bọn mật thám đương khám nhà một người đồng chí, thì Anh ở đâu xách cái cặp về. May người thư ký làng ấy đi vắng. Khi Anh về chúng tưởng Anh là người thư ký đi vắng về, nghe tin khám xét nên cắp cặp đến. Chúng bảo Anh làm cái biên bản. Chữ Anh vốn xấu, lại càng ra vẻ một ông thư ký nhà quê lắm! Thành thử ra Anh ngồi trước mặt mà chúng không biết. Sau khi bọn mật thám đi rồi, cả làng phải lấy việc đó làm quái lạ. Cũng vì thế mà dân gian đã đồn Anh có phép “tàng hình”.

[bấm vào đọc tiếp chương kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt