Sách Nguyễn Thái Học-Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống
Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Dưới đây là lời mở đầu chương I và chương II.
Nguyễn Thái Học
VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
Các Bạn,
Dù sao thì ba chữ Nguyễn Thái Học tới nay cũng đã là một cái tên trên lịch sử.
Không phải trên lịch sử của dân tộc Việt Nam bị xiềng xích! Mà là trên lịch sử của cả nhân loại, hiện nay còn quằn quại đau thương! Đó không phải là ý riêng tôi, một bạn cùng thề với Anh.
Nhưng là ý chung hết thảy những kẻ hữu tâm ở thế gian này, chẳng hạn như những nhà văn Nhật Bản, khi họ viết cuốn “An Nam Lê Minh Ký” hay “Nam Phương Dân Tộc Vận Động Sử”. Trong các cuốn sách ấy, người ta đã vì công lý, vì nhân đạo mà nói nhiều về Nguyễn Thái Học.
Vậy mà Quốc Dân ta, các đồng bào Anh, đối với thân thế Anh, nhiều người mong được biết qua loa mà không thể được!
– Bao nhiêu là đợi trông!
– Bao nhiêu là tủi nhục!
Cho nên trong lúc này, là lúc có thể được, tôi cần phải viết ngay cho Anh một cuốn tiểu sử. Tôi tự nhận đó là một nghĩa vụ.
Nghĩa vụ đối với Quốc Gia, vì thân thế Anh chính là tấm gương phấn đấu, hy sinh, cần phải được nêu ra để khích lệ tất cả mọi người trong nước. Nghĩa vụ đối với văn hóa, vì thân thế Anh chính là một kết tinh phẩm của hai giáo lý Phật và Khổng, nó đã cho phương Đông ta nảy ra một ánh sáng riêng.
Sau hết, nghĩa vụ đối với khoa lịch sử học, vì tôi với Anh chẳng những là người đồng thời, còn là bạn đồng chí. Có lẽ trong các cây bút ở đây khó có ai hiểu biết về Anh hơn tôi nữa. Bởi vậy, tôi đã cố lục lọi sách, báo, cùng trí nhớ, để viết nên cuốn sách nhỏ này.
Tôi rất mừng rỡ đã cho xuất bản kịp trước ngày 17 tháng 6.
Ngày mà tỉnh Đảng bộ Yên Báy đã xây xong mộ Anh và lập cho Anh cùng các đồng chí hy sinh vì Đảng một đài kỷ niệm. Ngày mà các đồng bào đã công khai làm lễ truy điệu Anh ở khắp mọi nơi.
Anh Học!
Hãy đem tinh thần bất tử mà lãnh đạo cho Quốc Dân trên con đường tranh đấu lấy một địa vị ở dưới ánh sáng mặt trời!
Các anh em!
Hãy giúp thêm tôi về tài liệu để những lần xuất bản sau, cuốn tiểu sử này có thể thêm đầy đủ.
Ngày 28 tháng 5 năm đầu Độc Lập.
Nhượng Tống
CHƯƠNG I
Đời Học Sinh
Dưới chế độ thực dân, người Pháp chẳng bao giờ muốn mở mang việc học ở xứ này. Họ tìm hết cách giam hãm dân ta trong vòng ngu tối. Trong các cách ấy thì có một cách tàn tệ nhất là hạn tuổi học. Quá hạn ấy thì không được vào các trường công nữa! Muốn trốn thoát cái lưới đê tiện ấy, các người làm cha, mẹ thường rút tuổi con trong giấy chứng nhận ngày sinh.
Cũng vì lẽ đó mà theo giấy tờ của nhà trường thì anh Nguyễn Thái Học sinh ngày mồng 1 tháng 12 năm 1904. Kỳ thực thì anh tuổi Quí Mão (1902). Ngày sinh tháng đẻ hiện còn chưa hỏi được rõ.
Quê anh là làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Ông thân sinh là Nguyễn Văn Hách, một nhà tiểu nông. Bà là Nguyễn Thị Quỳnh, thường làm nghề buôn vải. Tư cơ ông, bà có mấy nếp nhà tranh và ngót ba mẫu ruộng. Hiện nay ông đã mất, nhưng bà còn mạnh. Hôm mới đây, chúng tôi lên thăm thì bà còn đi chợ bán vải chưa về. Nói tóm lại, thì đó là một nhà thanh bần, lúc nào cũng sống trong sự siêng năng và kiệm phát.
Ông, bà sinh hạ được nhiều con. Trong số đó thì có bốn trai và anh Học là trưởng. Trong bốn trai ấy thì Quốc Dân Đảng và Tổ Quốc rẽ mất một nữa; anh Nho, em Anh cũng là một liệt sĩ thực hành sự hy sinh bằng tính mệnh! Hai em nữa là Lâm và Nỷ, hiện nay làm ruộng ở quê nhà.
Anh người tầm thước, cao độ một công xích sáu mươi phân. Trán hói; tóc thưa; đôi mắt thông minh, một nhìn đủ khiến ta đem lòng tin mến. Da ngăm đen, thuộc dòng huyết tính. Môi dày; hàm răng vồ; miệng lúc nào cũng tươi. Cằm nở, tỏ ra người quả quyết thực hành. Đặt lưng nằm là ngủ được ngay, đủ rõ trong tâm lúc nào cũng bình tĩnh. Ngủ bao giờ cũng nằm sấp, và hai bàn chân quặp lai trên mông. Cách ăn vận không hề chú ý đến bao giờ. Một áo ngoài, một đôi giầy, hỏng mới thay bộ khác. Có tiền, chúng bạn tiêu không tiếc. Hết tiền, xin các người thân với vẻ mặt rất tự nhiên. Ăn trầu, hút thuốc lào, nhưng không nghiện món nào cả. Nói thường ngọng vần L. Cái lá, cây lim, không bao giờ nói đúng. Tư đức tốt; học hành chăm chỉ; nhưng ở nhà trường chỉ là một học sinh hạng trung bình.
Ban đầu anh học chữ Hán. Sau ra học chữ Pháp ở trường tỉnh Vĩnh Yên. Tốt nghiệp rồi, ra học trường sư phạm ở Hà thành. Sau lại học trường Cao Đẳng Thương Mại. Trong đời học sinh, người bạn thân nhất của anh là đồng chí Hồ Văn Mịch. (Anh này cũng là một trong những người sáng lập ra Việt Nam Quốc Dân Đảng. Năm 1929, bị bắt và bị đày, mất ở Côn Lôn. Ở đấy, anh em có dựng trên mộ một cái bia bằng xi măng, khắc mấy chữ “Hồ Văn Mịch, 1930” để làm kỷ niệm).
Cứ lời anh Mịch nói với tôi thì anh Học là người ngoài tuy nóng nảy nhưng trong lòng thường điềm tĩnh; đãi người rất chân thành nhưng liệu việc rất nhiều trí mưu.
CHƯƠNG II
Tư Tưởng Cách Mạng:
Có lần tôi hỏi anh Học:
– Tư tưởng cách mệnh của mày nẩy ra từ hồi nào?
Anh đáp:
– Từ năm tao lên mười tuổi! Hồi ấy tao còn học chữ Nho ở nhà quê. Xong buổi học lại đi chăn trâu, và nhiều hôm chăn sang đến đồng làng bên cạnh. Làng ấy (?) là quê ông Đội Cấn. Ông Cấn chết đi, còn để lại mẹ già. Bà cụ thương con quá, hóa như kẻ dở người. Hễ gặp chúng tao là bà cụ lại ôm choàng lấy, vừa khóc vừa nói: “Các cậu! Các cậu! Làm thế nào báo được thù cho con tôi!” Tao còn bé, mỗi khi gặp bà cụ là lòng lại bồi hồi! Rồi nghĩ, chỉ có đạp đổ chế độ thực dân mới trả hộ được thù cho con bà cụ! Ấy, tư tưởng cách mạng nẩy ra trong óc tao từ đấy!
Thì ra một bà cụ dở người mà đã đúc được hai đứa con anh hùng sắt máu! Một đứa con ruột thịt là nhà chỉ huy việc đánh Thái Nguyên! Một đứa con tinh thần là người tạo nhân cuộc khởi nghĩa Yên Báy. Trước sau hơn mười năm, hai đứa con bà đã làm vẻ vang cho cả một dân tộc! Nghĩ đến bà, lòng ta cảm khái bao nhiêu?
Tuy vậy, năm mười tuổi, anh mới được bà gieo vào óc cái hạt giống tự do đó mà thôi. Hạt giống ấy, còn phải vun tưới ròng rã trên mười năm nữa, bằng những máu nóng, lệ nóng của đồng bào, bằng những gió dập, mưa dồn chung quanh Tổ Quốc, nó mới đến lúc khai hoa kết quả.
Ấy là năm 1926 …