Sách: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống

Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương XI, XII và XIII

[Bấm vào đây đọc các chương trước]

CHƯƠNG XXIII

Việc Xử Tử Thừa Mai

Trên kia tôi đã kể đến chuyện Thừa Mai. Vì tội phản Đảng, tòa án của Đảng đã khép mai vào tội tử hình. Cho được thực hành bản án ấy, Đảng đã sai anh Trịnh Tam Tỉnh, một người trong đoàn ám sát. Bấy giờ là trung tuần tháng Bảy. Anh trưởng đoàn đến nhà anh Tỉnh ở Cống Vọng, truyền cho biết lệnh của Đảng và giao cho một khẩu súng lục đầy đạn. Lại đưa cho một bản đồ tỉnh Thái Bình, đánh dấu nhà Thừa Mai bằng một chữ thập và dặn:

– Phố nó ở đã đông, mà nhà nó người cũng lại đông nữa! Anh phải đợi khoảng năm giờ chiều, là đi làm ở dinh Tổng Đốc về thì mới dễ hạ thủ! Giết xong, anh sẽ đi xe đạp qua bến Tân Đệ mà về!

Mới hai mươi tuổi đầu, anh Tỉnh tự coi mệnh lệnh của Đảng đối với mình là một vinh dự. Còn gì vinh dự cho một người cách mệnh bằng được chính tay mình xử tử một tên phản Đảng, phản Nước? Thu xếp việc nhà xong, anh liền xuống tàu thủy đi Thái Bình. Dưới tàu, anh gặp anh Phạm Đức Huân, một người bạn bên học sinh đoàn. Anh Huân đòi anh Tỉnh cho đi theo. Chừng 2 giờ chiều hôm mồng 3 tháng 8, hai anh xuống bến Tân Đệ. Anh Tỉnh có người quen ở Bùng, nhân về chơi qua làng Bùng để thăm người ấy. Các anh định hôm sau mới qua Thái Bình. Chiều hôm vô sự, hai anh đi rong trên đê Bùng. Khi đến quãng có lối rẽ gần làng Thanh Ban, thì vì lẽ cần tự nhiên, anh Tỉnh đưa súng cho anh Huân để đi xuống ruộng. Chưa xuống đến nơi thì nghe tiếng súng nổ: anh Huân táy máy nghịch súng, vô ý đã để cho đạn bắn vào cạnh sườn. Anh Tỉnh vội vàng chạy lên ôm lấy anh Huân, máu vấy đầy cả quần áo. Anh Tỉnh kêu:

– Khổ quá! Thế này người ta sẽ bảo là tôi giết anh!

Anh Huân kêu đau và nói:

– Anh đem tôi lên Huyện, tôi sẽ khai!

Bấy giờ độ bốn giờ chiều. Hai người lúng túng nhìn nhau không biết làm ra thế nào! Quãng đường thì vắng. Một lúc sau mới thấy một bóng người đi lại. Anh Tỉnh cho hắn hai hào để hắn gọi xe hộ… Nhưng đường nhà quê nào có sẵn xe! Trong khi chờ đợi thì bọn tuần ở trong làng đổ ra. Họ xúm lại mà đánh trói anh Tỉnh. Nhưng người Phó lý đến nơi, ngăn bọn tuần đừng đánh, và hỏi anh Huân. Anh Huân nói:

– Tôi vì bực mình với vợ, nên đến đây tự tử! Còn anh này thấy tôi tự tử nên chạy lại giằng lấy súng của tôi. Vì thế máu dây ta áo quần. Tôi chết là tự tôi, không quan hệ đến anh này cả!

Họ liền khiêng anh Huân và trói anh Tỉnh giải lên Huyện. Vài giờ sau thì anh Huân tắt nghỉ. Lời anh khai, không đủ làm tin cho bọn chức trách: tự tử gì lại bắn súng vào cạnh sườn?

Họ cho giữa anh và anh Tỉnh tất có tình tiết gì khả nghi! Họ liền khám mình anh Tỉnh thì bắt được bản địa đồ. Giải về Hà Nội, tra tấn hơn hai chục ngày, anh Tỉnh vẫn khăng khăng một mực không khai, vì cho đó là một điều bí mật cần phải giữ cho Đảng. Trong khi ấy thì có thư nặc danh, nói là anh đã vâng lệnh Đảng đi giết Toàn Quyền Pasquier, khi hắn qua Tân Đệ. Vì hồi ấy hắn có về kinh lý Thái Bình, lời kẻ ném đất giấu tay kia cũng có lý đáng tin, nên bọn mật thám càng đánh anh dữ.

Người bà con anh ở Bùng, vì anh có nói chuyện cho biết, sợ anh bị chúng đánh đến chết, liền đem việc khai thực với mật thám. Mãi khi ấy anh mới chịu nhận. Thế nhưng khi họ hỏi anh đoàn ám sát của Đảng có những ai, thì anh khai là: Anh và anh Huân, chỉ là hai người trong học sinh đoàn, chứ không phải trong đoàn ám sát. Chỉ vì Đảng hết cả người nên bất đắc dĩ anh Học phải dùng anh!

Cố nhiên lời khai của anh là một lối khai man có dụng ý không muốn cho chúng nhìn rõ thế lực của Đảng.

Rồi, tòa án đệ nhị cấp Thái Bình họp ngày 22 tháng 10 năm ấy, đã khép anh Tỉnh 10 năm, anh Học và anh Xuyến (trưởng ban Ám Sát) chung thân. Kỳ thực thì Anh Học với anh Xuyến chỉ là một người… (1)

————-
(1) Xuyến là tên một người con gái ở phố Hàng Bút. Cái nhan sắc của cô đã làm cho nhiều cậu học trò Cao Đẳng hỏng thi! Anh Học vẫn đùa nhận là vợ Anh! Nên các bạn cũng thường gọi đùa Anh là anh Xuyến.

CHƯƠNG XXIV

Cơ Quan Thanh Giám

Sau khi báo bắt mấy chỗ ổ Bắc Ninh, tên Kinh sợ anh em biết chuyện và nghi mình, nên về nhà nằm một dạo. Nhưng mà Anh Học còn ở ngoài thì ty mật thám chính trị ở đây còn lo ngại. Mà muốn dò Anh Học, họ thật chưa tìm được tay nào có thể đủ tư cách làm kẻ nội công. Vì vậy, họ lại cho bắt Kinh, rồi sai đi dò Anh Học. Khi ấy các yếu nhân trong Đảng chia ra ở hai nơi. Bọn Anh Học thì về miền Phú Thọ. Nhóm các anh Nguyễn Văn Viên, Đoàn Trần Nghiệp, thì theo anh Song Khê (Xứ Nhu) ở miền Bắc Ninh, trong làng Cổ Pháp. Việc dự bị khởi nghĩa đương tiến hành gấp. Anh Học đã thảo xong tờ hịch động binh, và anh em các nơi đâu đấy đều chú toàn lực đúc bom, rèn giáo, mác. Kinh ở trong ngục ra, hỏi thăm các đồng chí, mới rõ Anh Học mới rõ Anh Học ở Phú Thọ về nhà anh Khóa Nguyên ở Lạc Đạo, Kinh tìm tới nơi, cũng nói rõ chuyện mình vừa bị bắt. Khi ấy đương hồi lôi thôi. việc bắt vào, tha ra rất thường. Chính anh Phó Đức Chính cũng bị bắt hai lần rồi lại được tha ra. Cho nên đối với Kinh, Anh Học chẳng những không nghi, mà còn khen là người sốt sắng! Hôm ấy là 20 tháng Sáu. Từ đó Kinh lại cùng đi làm việc với anh em…

Làm việc với anh em thì ít, nhưng làm việc cho mật thám thì nhiều! Chẳng những Kinh dám nhặt những tin lặt vặt để bán lấy tiền tiêu, ngày 24 tháng Tám, Kinh đã dám cả gan báo bắt một cơ quan trọng yếu của anh em, đặt ở số 9 đường Thanh Giám, Hà Nội. Đó là một nơi để dò biết những tin tức về chính trị, về binh bị của quân địch. Các yếu trong Đảng khi về Hà Nội, thường lấy đó làm nơi bàn việc và trú chân. Việc phá vỡ cơ quan ấy đã tai hại vô ngần. Chúng bắt được anh Viên, anh Viển, anh giáo Lai và anh Phó Đức Chính. Ngoài ít giấy tờ lặt vặt ra, chúng lấy mất 500 đồng ở trong túi anh Lai, và trăm rưởi đồng trong bao tượng của chị Nguyễn Thị Thuyết. Chị này không biết cơ quan đã bại lộ, nên buổi chiều hôm ấy còn lò rò tìm đến. Đương ngơ ngác trong vào căn nhà vô chủ thì bị tên thám tử đứng gác ra bắt giải đi. May mà anh Học, anh Song Khê, cô Giang cùng một nữ đồng chí nửa hôm trước vừa mới đi Na Sầm xong. Chậm một ngày có thể mắc lưới cả! Mà chỉ vì một bàn tay phản trắc! Cũng do bàn tay ấy mà chiều ngày 16 tháng 9, có việc khám nhà anh Nguyễn Tấn Lộc ở Cổ Pháp. Nhưng anh Lộc đã cùng Anh Học xuôi từ buổi sớm. Ngày 18, hai anh đã ở Phát Diệm rồi!

CHƯƠNG XXV

Việc Giết Kinh

Lần này Kinh không còn trốn được con mắt của anh em trong ban điều tra nữa. Và, cho được tỏ rõ kỷ luật của Đảng, anh Song Khê liền hạ lệnh cho xử tử Kinh. Lệnh ấy giao cho anh Doãn, tức Ký Con, tức Đoàn Trần Nghiệp thi hành. Muốn tập cho một đồng chí mới có tinh thần mạo hiểm, hy sinh, Doãn liền bảo Kinh về Bắc Giang tìm Trần Đức Chính. Chính năm ấy mười chín tuổi, vẫn giúp việc và thường ở nhà anh Sáu, một đồng chí rất hoạt động.

Được tin Doãn gọi, Chính lật đật theo Kinh về Hà Nội. Chờ Kinh đi khỏi, Doãn cho Chính biết Kinh là đứa phản Đảng. Trong khi Chính dương cặp mắt ngạc nhiên hoảng hốt, thì Doãn đưa cho Chính một con dao nhọn mà bảo:

– Chiều nay, anh bảo Kinh rằng tôi mời nó đi coi hát! Rồi anh dắt nó ra chờ tôi ở vườn Bách Thảo. Hễ tôi bắn nó lăn ra rồi, thì anh cầm lưỡi dao này, anh đâm vào cổ nó. Nhớ lót giấy vào chuôi dao. Đâm xong, cầm giấy đi mà để dao lại. Làm thế, bọn chuyên môn cũng không khám ra vết tay mình in ở chuôi dao!

Chính vâng lời và nhận lấy dao. Hôm ấy là mồng 5 tháng Mười. Kinh nghe bạn rủ đi xem hát thì sướng mê! Chập tối đến, theo Chính đi lên chỗ hẹn. Trong ánh sáng lờ mờ, dưới tàn cây rợp mát, giữa bầu không khí âm thầm mà trong sạch, đôi bạn ngồi vào một chiếc ghế dài, đặt cho du khách ở vườn Bách Thảo, rồi cùng nhau tán chuyện trăng hoa! Doãn sịch đến, từ phía sau, chĩa súng bắn Kinh. Vai bị đạn, Kinh nằm vật trên tấm ghế dài! Chính cầm dao luống cuống, định đâm vào cổ, thành ra lại cắm vào sườn! Lưỡi dao cắm suốt gan và thủng suốt dạ dày, máu vọt lên như tia nước mạch! Hoảng hốt, Chính ù té chạy, cũng chẳng kịp lấy lại tờ giấy lót chuôi dao nữa! Còn Doãn, ung dung rút ví Kinh ra mà đặt vào đó một mảnh giấy. Bản án xử tử ấy chỉ biên có bốn chữ “không giữ lời thề!” Xong trả lại ví vào trong túi, và thản nhiên lên xe đạp mà đi! Kính chết, sở mật thám lùng Doãn và Lung rất gấp. Vì Kính trước đã tâu nộp hai người ấy là hai tay đắc lực trong Ám Sát Đoàn. Họ bắt được anh Lung. Hỏi đến anh ở đâu và làm gì trong đêm trước, anh lúng túng cắt nghĩa không rõ ràng. Chị vợ lại khai thực là anh Doãn thường khi vẫn đến chơi nhà. Thế là trăm miệng anh Lung cũng không thể giữ sạch cái trách nhiệm về việc giết Kinh nữa! Họ còn nghi luôn cho anh giết Thị Nhu, Thị Uyển ở Hải Phòng! Vì, trong bản án xử tử hai con hoạt đầu đó, dưới tuy có ký “Bắc Kỳ Ám Sát Đoàn”, nhưng cái tên ấy là một tên chung, không hẳn là của Thanh Niên, hay của Quốc Dân Đảng! Vậy mà từ đó về sau, bao nhiêu cuộc ám sát, người ta chỉ thấy toàn là bàn tay của Quốc Dân Đảng mà thôi…

Cái oan ngục ấy, mãi khi anh Doãn, anh Chính bị bắt, các anh mới biện bạch và chết thay cho anh Lung.

Và… sau khi Kinh bị giết hai ngày, anh Ngô Đức Thụ, công nhân ở Hải Phòng, cũng bị bắt về tội đem giấy bạc giả ở Tàu về, giúp cho Anh Học!

[Bấm vào đây đọc chương kế tiếp]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt