Sách: Nguyễn Thái Học – Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nhượng Tống

Sách Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng của học giả Nhượng Tống gồm 43 chương, kể lại một cách trung thực và trách nhiệm của người cầm bút. Đây là tài liệu lịch sử quý giá, xin mời qúy vị đọc để thấy tinh thần yêu nước của tiền nhân chúng ta trong sáng đến mực nào! tấm gương yêu nước trong sáng chói rọi đến bao thế hệ mai sau. Sau đây chương XI, XII và XIII

[Bấm vào đây đọc các chương trước]

CHƯƠNG XI

Tổng Bộ Đầu Tiên

Những việc tôi vừa nhắc lại, toàn là những việc xảy ra khi Việt Nam Quốc Dân Đảng chưa ra đời, mà chúng tôi mới chỉ là một nhóm anh em đồng chí.

Trên, tôi đã nói đến cuộc hội đồng cuối năm 1927. Kỳ ấy, nay tôi nhớ lại, tất cả mọi người trong đệ nhất chi bộ chúng tôi đều xuất tịch. Trái lại, ở các nơi, mỗi tỉnh cử về có một người. Một cuộc hội họp ngót bốn chục người mà cơ hồ nghe rõ cả từng con muỗi bay. Chúng tôi nói nhỏ mà anh em cũng đủ nghe. Anh Học làm chủ tịch, còn anh Đạt đứng giữ trật tự. Vẻ im lặng tôn nghiêm làm cho người ta nghĩ đến những việc thiêng liêng, cao cả. Tôi tưởng đâu như hết thảy các vị anh hùng cứu quốc đương đứng ở trên đầu trên cổ mà chứng giám chúng tôi.

Do kỳ hội nghị ấy, bầu nên một Tổng Bộ lâm thời. Tổng Bộ gồm có mười lăm người: Anh Học làm chủ tịch, anh Nghiệp làm phó chủ tịch. Ban Tuyên Truyền thì tôi làm trưởng ban, anh Cử nhân Lê Xuân Hy làm phó. Ngoại Giao: anh Nguyễn Ngọc Sơn, anh Hồ Văn Mịch. Giám Sát: anh Nguyễn Hữu Đạt, anh Hoàng Trác. Tài Chính: anh Đặng Đình Điển, anh Đoàn Mạnh Chế. Ám Sát: anh Hoàng Văn Tùng. Tổ Chức: anh Phó Đức Chính, anh Lê Văn Phúc. Ban Binh Vụ bấy giờ chưa đặt. Còn anh Phạm Tiềm, anh Tưởng Bảo Dân, nay tôi quên không rõ thuộc ban nào.

Anh Phạm Tuấn Tài sở dĩ không ở Tổng Bộ là vì khi anh đã phải đổi đi dạy học ở Tuyên Quang.

Tổng Bộ đầu tiên ấy đã làm việc trong sáu tháng đầu. Dưới đây xin lần lượt kể công việc đã làm trong thời kỳ ấy.

CHƯƠNG XII

Việc Liên Lạc Nhà Binh và Các Nơi Trong Nước

Sau khi anh Tài đổi đi Tuyên Quang, vào khoảng đầu năm 1928, Nam Đồng Thư Xã đã tự đóng cửa, vì không còn xuất bản được cuốn sách nào nữa. Tên chánh mật thám Hà Nội đã bảo tôi:

– Anh đừng ra sách nữa. Ra cuốn nào, chúng tôi sẽ tịch thu cuốn ấy. Anh hẳn những mất công viết, còn mất cả tiền in!

Vậy Thư Xã chỉ còn là chỗ ở của Anh Học, để anh em các nơi về tạm trú hay họp hội đồng.

Ban Binh Vụ khi ấy chưa đặt. Tuy vậy, anh Học, đã bắt đầu chú ý đến anh em võ trang, nhất là các hạ sĩ quan trẻ tuổi. Các chi bộ nhà binh ở Hà Nội, ở chùa Thông, ở Sơn tây, ở Hải Phòng, ở Yên Viên và ở các nơi khác, kế tiếp nhau thành lập. Và nhờ các đồng chí ở trong quân đội, anh đã lấy được những địa đồ quân sự, những phương lược động binh và cấp báo của các bộ Tham Mưu.

Còn các chi bộ khác thì có hồ khắp các tỉnh Bắc Việt, cho đến những nơi xa lánh như Lạng Sơn, Hàng Mỏ, Lao Kay, đâu đâu cũng có anh em đồng chí cả.

Ở Trung Việt, từ Vinh trở vào, không hề có Quốc Dân Đảng, trừ ra có cụ Phan Bội Châu vui lòng nhận chức danh dự chủ tịch. Ngoài ra, người ta vào cả Tân Việt hoặc Thanh Niên.

Việc hợp nhất với hai đảng ấy giao thiệp mãi không thành. Không phải vì chủ trương hay qui tắc khác nhau. Mà chỉ là: Tân Việt thì cho chúng tôi làm việc trống trải quá. Thanh Niên thì khăng khăng đòi đặt Tổng Bộ ở ngoài nước. Ở Nam Việt, sau khi anh Sơn, anh Mịch vào tuyên truyền (Hè 1928) Quốc Dân Đảng thì có thành lập được một tỉnh bộ và mấy chi bộ. Đảng viên ở đấy tuy ít nhưng bền vững. Bởi thế anh em còn kế tục phấn đấu cho mãi đến ngày nay.

Nhân nói đến Ban Binh Vụ, tôi tưởng nên nhắc đến việc binh khí ở đây. Anh Học đi đâu thường mang súng ngắn trong người. Một hôm vào chỗ tôi trú, tôi thấy Anh bỏ cặp nặng quá, mở ra coi thì ba khẩu súng tay! Anh vẫn xách cái cặp ấy đi ngang nhiên ở giữa phố ban ngày! Mà không phải một lần như thế.

CHƯƠNG XIII

Việc Đi Xiêm

Các bạn đã biết chúng tôi có việc điều đình hợp nhất với anh em Thanh Niên, nghĩa là Việt Nam Cách Mạng Đồng Chí Hội.

Các bạn cũng đã biết việc ấy không thành, vì có anh em Thanh Niên nhất định muốn để Tổng Bộ ở ngoài. Cố nhiên như vậy thì có một cái lợi: Tổng Bộ không bao giờ bị đối phương động chạm đến. Dù chúng tìm hết cách đàn áp nữa, lúc nào cũng có một sức trung kiên để chỉ huy công tác của anh em.

Nhưng chúng tôi thì cho rằng như thế có nhiều việc bất tiện lôi thôi!

Việc bất tiện nhất là sống xa dân chúng ở quê hương, các lãnh tụ khó lòng biết cách chỉ huy cho đúng hoàn cảnh.

Vả chăng, sự liên lạc của ngoài với trong chỉ bằng cứ vào một số người giao thông rất ít. Những người ấy có thể lạm quyền, có thể bán anh em, một khi họ là những người xấu. Mà dù họ là những người tốt nữa, nếu họ bị bắt, bị tra tấn, cũng gây cho toàn đảng vô cùng nguy hiểm. Mà việc họ bị bắt là việc lúc nào cũng có thể xảy đến.

Nói rút lại, chúng tôi thì chủ trương phải để Tổng Bộ ở trong nước.

Ý kiến đã xung đột, điều đình đã không xong, mà việc bàn luận có nhiều khi trở nên quá khích. Có lần: anh Lê Văn Phúc, đại biểu cho chúng tôi, trước mặt các anh em Thanh Niên, đã lớn tiếng mà thét:

– Đã chắc gì Nguyễn Ái Quốc cách mệnh hơn Nguyễn Thái Học? Mà nếu không chắc thế, lấy cớ gì mà các anh bảo cái đa số bên trong lại phải nhắm mắt mà theo cái thiểu số bên ngoài?

Trước sự tức giận của anh Phúc, đại biểu bên Thanh Niên đấu dịu ngay. Anh này không dám bênh vực chủ trương của mình nữa, chỉ nói là mình không đủ quyền để bàn đến một vấn đề như rhế. Muốn giải quyết chuyện ấy, anh yêu cầu chúng tôi phái người sang Xiêm, đúng ngày kỷ niệm Phạm Hồng Thái. Tổng Bộ các anh, giữa hôm ấy cũng phái người về U-đôn, để gặp nhau mà bàn việc hợp nhất. Vì thế mà ngày 22 tháng 5 năm 1928, Tổng Bộ họp ở Nam Đồng Thư Xã, đã quyết nghị phái ba đại biểu sang Xiêm: Nguyễn Ngọc Sơn, Hồ Văn Mịch và Phạm Tiềm.

Mồng 2 tháng 6, phái bộ đi xe lửa từ Thanh Hóa vào Đông Hà. Sớm hôm sau, đáp ô-tô qua Sa-van-na-khét rồi xuống tàu thủy lên Viên-chiên. Ở đây, anh Tiềm có quen một người bên Thanh Niên, chủ một cửa hàng thợ may. Ông bạn ấy đã đón tiếp anh em, và thuê thuyền đưa các đồng chí qua Cửu Long Giang vào một buổi trời vừa sẫm tối. Bên kia sông Cửu Long là Nong-khay. Do đưa tin sang trước, phái bộ vừa lên bến đã có được người hướng dẫn. Trong bóng tối dày đặc của một đêm hè về cuối tháng, người ấy đưa anh em lặng lẽ đi trên một con đường vắng. Rồi… lại vào trong một hiệu thợ may! Thật là gặp những may là may! Có ai ngờ là kết quả nó lại không may chút nào!… Sớm hôm sau, nhóm anh Mịch đi U-đôn. Ở đó ba ngày mới đến ngày mồng 2 tháng 5 (19 tháng 6 Dương lịch) là ngày các kiều bào kỷ niệm nhà liệt sĩ của chúng ta ở Sa Điện. Thay mặt cho người trong nước ra, Phạm Tiềm đã làm văn tế và Sơn, Mịch có lên đàn diễn thuyết. Các kiều bào ở Xiêm, những kẻ nhiệt tâm, đều đã vào hội Thanh Niên cả. Phái bộ có ý đợi các đại biểu của Tổng Bộ Quảng Đông cử về, nhưng ngày một, ngày hai, bắt không tin tức. Mấy ngày sau, anh em đành trở lại Viên-chiên, lấy đường về Hà Nội. Do việc “đi không lại về không” ấy, anh Phúc đã cự anh em Thanh Niên một trận rất kịch liệt. Chúng tôi thấy họ không thực lòng muốn hợp nhất! Từ đó, thôi hết thẩy mọi cuộc điều đình.

Ngoài việc liên lạc các đảng, chúng tôi còn gắng sức liên lạc với các nhà ái quốc trong giới trí thức, như Nguyễn An Ninh ở Nam, anh em Nguyễn Thế Truyền ở Bắc. Nhưng không được việc gì cả. Họ văn nhược quá! Họ không biểu đồng tình với lối cách mệnh gậy gạch của chúng tôi!

[Bấm vào đây – đọc chương kế tiếp]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt