Rồng-Phượng tranh hùng?

Hình minh họa

Thuở hồng hoang, nhân loại vốn không có trật tự, trật tự ở đây được hiểu là ngôi thứ, là luật lệ, con người tranh giành, cưỡng đoạt, sát phạt nhau. Theo thời gian, con người dần có tổ chức, tập trung thành những tộc người, bộ lạc, quốc gia, dân tộc… rồi hướng đến một thứ trật tự, ai cũng biết rằng đó là trật tự được đặt để dưới sức mạnh, dưới sự cưỡng bách với hình thức “mạnh được yếu thua” nhưng không phải ai cũng chấp nhận. Giống như biển, tưởng phẳng lặng nhưng bên dưới bao giờ cũng có sóng ngầm, từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, trật tự nào trên quả đất này cũng có phản đối ngầm, phản đối nổi, kẻ yếu, kẻ dưới bao giờ cũng muốn xóa đi cái trật tự đang có để thay thế bằng một trật tự khác theo ý mình. 

Trải qua hàng ngàn năm, phương Đông và phương Tây dần hình thành nên các trung tâm quyền lực. 

Mô hình đầu tiên của trật tự thế giới, đó là “Trật tự Thiên Hạ” với Trung Quốc làm trung tâm và nền “Hòa bình Roma” với một đế chế có quyền lực rộng khắp Địa Trung Hải, Tây Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á. Tuy nhiên, trật tự này chủ yếu vận hành theo quy tắc bất thành văn.

 

Dấu mốc cho sự hình thành trật tự thế giới là Hòa ước Westphalia năm 1648, phần lớn là ở Châu Âu, trong đó xác định bằng văn bản về khái niệm quốc gia – dân tộc, coi quốc gia – dân tộc là một chủ thể chính trong quan hệ quốc tế. Nhưng tương quan về sức mạnh và tham vọng địa chính trị của các nước có sự thay đổi, làm thay đổi cuộc diện châu Âu. 

 

Cuộc chiến do Hoàng đế Napoleon phát động đã làm cho Hệ thống Westphalia sụp đổ. Đến khi Pháp bị đại bại trong trận chiến Waterloo năm 1815, các nước thắng trận như Anh, Nga, Đức, Pháp, Áo và nhiều quốc gia khác gặp nhau tại Vienna để cố gắng khôi phục trật tự. Đại hội Vienna, gồm hầu hết các nước Châu Âu tham dự đã hình thành nên khuôn khổ cho trật tự chính trị châu lục này, với thỏa thuận phi tập trung hóa quyền lực, đề cao sự bình đẳng về chủ quyền và tôn trọng quyền tự quyết quốc gia – dân tộc. Trật tự này được duy trì cho đến khi Chiến thế giới thứ I nổ ra năm 1914.

 

Chiến tranh 1 kết thúc, với sự phân định và các giải pháp không rõ ràng, giai đoạn này được xem như một cuộc tạm ngừng chiến để rồi bùng nổ thế chiến 2. 

Thế chiến 2 kết thúc, thế giới chia làm hai phe, đối kháng ý thức hệ. Một do Mỹ, một do Liên Bang Xô Viết lãnh đạo. Tạo ra thế giới lưỡng cực.


Năm 1991, Liên Bang Xô Viết tan rã, thế lưỡng cực kết thúc, hầu như toàn bộ chư hầu Đông Âu đều quy thuận Mỹ.

 

Mỹ trở thành độc tôn. Hình thành một Trật Tự Mới mà Mỹ là Bá Chủ. Trái đất chỉ có một Mặt Trời.


Thực tế, thế đơn cực với vị trí độc tôn, vai trò Bá Chủ Thế Giới tạo cho Mỹ nhiều khó khăn hơn lúc thế giới còn lưỡng cực. 

Sức mạnh quân sự của Mỹ là vô địch, vượt trội so với các nước còn lại của thế giới, tương quan về sức mạnh giữa Mỹ với Nga, cường quốc quân sự được xem là hạng nhì của thế giới có khoảng cách quá lớn. Khó cạnh tranh quân sự, các cường quốc xoay qua hình thức cạnh tranh mới – cạnh tranh về kinh tế – cạnh tranh công nghệ, cạnh tranh không gian… Điển hình như Trung Cộng, như Liên Hiệp Châu Âu. Thế nên vị trí Bá Chủ Thế Giới của Mỹ chỉ còn hiện rõ trong sức mạnh quân sự. Các sức mạnh cần có khác ngày càng bị thu hẹp.

 

Đồng Dollar Mỹ, mặc dù vẫn đang ở vị trí thống trị thông qua Ngân Hàng Thế Giới (WB) nhưng cũng đang bị đe dọa bởi đồng Euro thông qua Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đồng Nhân Dân Tệ với khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), thông qua New Development Bank (NDB) có trụ sở tại Thượng Hải. 

 

Thời cổ đại, “địa chính trị” là đất là lãnh thổ, đến thời thế chiến 1, “địa chính trị” là đất + biển. Ngày nay, “địa chính trị” là đất + biển + không gian. Cuộc chạy đua về máy bay, vệ tinh, WiFi, điện tử, không gian, Chip điện tử, công nghệ AI…sẽ quyết định vai trò vị trí trong Trật Tự Thế Giới.

 

Xét mọi mặt, Hoa Kỳ từng dẫn đầu và vẫn dẫn đầu các lĩnh vực này. Một thí dụ, không gian không còn là bí mật quốc phòng do quân đội Mỹ kiểm soát nữa mà lĩnh vực này đã được tư nhân hóa với nhiều công ty khác nhau như Space X của Elon Musk, công ty hàng không vũ trụ Blue Origin của Jeff Bezos, công ty Virgin Galactic của  Richard Branson…

 

Hoa Kỳ vẫn đang dẫn đầu về công nghệ Chip Điện Tử vì làm chủ hầu hết các phát minh trong lĩnh vực này.

Hoa Kỳ đang đi tiên phong trong lĩnh vực “trí thông minh nhân tạo” hay còn gọi là công nghệ AI vì lĩnh vực này đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ, công nghệ này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm, phát triển và hoàn thiện, vẫn còn phải tiếp tục đầu tư những khoản tài chánh lên đến vài chục tỉ Dollar mà vẫn chưa thu hồi được vốn. Chỉ có những công ty có vốn trăm tỉ, ngàn tỉ như của Hoa Kỳ mới đủ sức để đầu tư dài hơi cho công nghệ sẽ thống trị tương lai thế giới này.

 

Để đối phó với Trật Tự Thế Giới mà Mỹ ở vị trí độc tôn, các cường quốc còn lại, muốn thiết lập một “trât tự vùng”, mỗi vùng có một “trật tự” riêng. Hình thức như “nước có phép Vua, Làng có lệ làng”. Phép Vua đôi lúc cũng phải thua lệ làng hoặc đòi hỏi Mỹ công nhận những vùng mà họ gọi là “vùng ảnh hưởng” riêng.

Thí dụ ở Châu Âu, Nga muốn thoát khỏi vòng vây, mỗi ngày mỗi siết chặt của NATO nên khởi binh xâm lăng Ukraine, nơi mà Nga cho là “vùng ảnh hưởng”, “vùng đệm an ninh” của họ. Ở Đông Á, Trung Cộng trổi dậy là một cường quốc kinh tế, nay muốn trở thành một cường quốc quân sự, bành trướng và bắt nạt các nước nhỏ quanh biển Đông, vẽ “đường lưỡi bò”, lấn chiếm các đảo các bãi cạn trong vùng. Ở Trung Đông, Iran nuôi dưỡng các tổ chức cực đoan như Hamas, Hezbollah, Houthis…để khuấy động và nhằm khẳng định vai trò “ông lớn” của mình trong khu vực, cụ thể như cuộc tấn công vừa bất ngờ vừa tàn bạo của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. 

 

Quan hệ quốc tế không chỉ là quan hệ giữa các quốc gia mà còn phụ thuộc vào yếu tố cá nhân tính của lãnh đạo các nước, các tổ chức phi quốc gia như Putin, Tập Cận Bình, các Giáo Chủ Iran, các thủ lĩnh các tổ chức khủng bố và ngay cả lãnh đạo của một nước vừa nhỏ vừa nghèo nhưng lại trang bị vũ khí hạt nhân như Kim Young Un của Bắc Hàn.

 

Để đối đầu với Mỹ, các cường quốc hạng hai giương cao ngọn cờ “an ninh vùng”, không có sự can thiệp từ bên ngoài vào nội bộ quốc gia và vùng gọi là “vùng ảnh hưởng” của họ. Để đối phó, Mỹ xây dựng các “Liên Minh”, “Đồng Minh” như NATO (Mỹ + Canada + 29 quốc gia Châu Âu), AUKUS (Úc-Anh-Mỹ), Nhật-Hàn-Mỹ, Ấn Độ-Mỹ… những nước cùng hệ tư tưởng, cùng mối lo an ninh lãnh thổ, bề ngoài là “phòng thủ chung” nhưng không sai nếu hiểu các “liên minh” này cũng hình thành thế “bao vây” những nước thách thức vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

 

Không thể đoán chuyện gì sẽ xảy ra cho thế giới ngày mai. Tuy nhiên, nhìn những chuyện đã và đang xảy ra, có thể nhận định:

– Với mục tiêu Phi Quân Sự Hóa, Phi Phát Xít Hoá… của Nga khi xâm lược Ukraine thì Nga đã thất bại. Ukraine đã không bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Đánh bại tham vọng này, ngoài sự anh hùng của dân tộc Ukraine còn là sự hỗ trợ của NATO mà phần lớn là công của Mỹ. Tuy nhiên sau gần hai năm xâm lược, Nga vẫn còn chiếm đóng gần 1/5 lãnh thổ Ukraine. Bất cứ thoả hiệp nào dẫn đến kết thúc cuộc chiến mà Ukraine không thu hồi được những phần lãnh thổ đang bị chiếm đóng, đây sẽ là: BƯỚC LÙI ĐẦU TIÊN CỦA MỸ, trong tư cách bá chủ thế giới.

– Nếu không ngăn chặn được sự mở rộng cuộc chiến ở Trung Đông, nhiều rắc rối hơn sẽ chờ đợi Mỹ, chắc chắn hiểm họa này cũng sẽ đe dọa vai trò bá chủ của Mỹ.

– Thế bao vây Trung Cộng ở biển đông của Mỹ đã hình thành, Phi Luật Tân đang có tranh chấp bãi cạn Scarborough với Trung Cộng, kết cuộc sẽ đánh giá “sức mạnh” của Mỹ. Nếu Trung Cộng đổ bộ chiếm lĩnh thành công đảo Đài Loan, sẽ không còn “Đơn Cực”, sẽ không còn “Độc Tôn” sẽ không còn “Bá Chủ Thế Giới”. Thế giới sẽ trở lại “lưỡng cực”, Mỹ – Trung trở thành “Lưỡng Hổ Tranh Hùng”. Không có “Tam Phân Thiên Hạ” Mỹ-Nga-Trung vì Nga đã và sẽ chẳng bao giờ còn là một “CỰC” nữa. Nhưng chúng tôi tin, nước nào đó có thể soán ngôi bá chủ thế giới của Mỹ sẽ là điều không bao giờ xảy ra.

 

Hoa Thịnh Đốn ngày 19 tháng 11 năm 2023
Nhất Hùng

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt