“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó sợ gì!”
Các chế độ độc tài toàn trị ở Trung Cộng, Nga và Việt Nam được cấu trúc dựa trên sự đàn áp người dân và lừa dối họ. Các quan chức chế độ càng cao thì càng nói láo giỏi. Chúng nói láo nhỏ để che đậy nói láo to.
Gần đây, Thủ tướng nhà nước Cộng sản Việt nam Phạm Minh Chính bi bô với đồng bọn của hắn ở phòng họp Washington trong khi chờ đợi để gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken, đoạn đối thoại ngắn được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thâu vào video, rằng hắn ta nói chuyện với Tổng Thống Mỹ một cách “Rõ ràng, sòng phẳng. Mẹ nó, sợ gì…” [1]
Khi Phạm Minh Chính nói không sợ, chúng ta có thể đoán là hắn ta chưa chắc là không sợ. Bài nầy rọi đèn vào các mối quan hệ gần đây giữa Mỹ, phương Tây, Nga và Trung Cộng để hiểu tại sao Phạm Minh Chính có thể phải lo lắng khi phải đi dây ngoại giao ở Washington.
Mỹ
Gần đây, Tổng thống Joe Biden Biden đã mời các nhà lãnh đạo từ Hiệp Hội các quốc gia Đông Nam Á đến Toà Bạch Ốc cho hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày. [2]
Ông Biden muốn khuyến khích các nhà lãnh đạo Đông Nam Á thẳng thắn hơn về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng vấn đề này tiếp tục trở thành vấn đề tế nhị đối với nhiều thành viên của liên minh 10 nước ASEAN vì các thành viên nầy có quan hệ sâu sắc với Nga, đặc biệt như Việt Nam.
Ông Biden cũng đang cố gắng chứng minh rằng chính phủ của ông đang đẩy mạnh hoạt động ở Thái Bình Dương ngay cả khi chính quyền đang tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Hoa Kỳ đã cam kết đầu tư hơn 150 triệu đô la cho các dự án mới để tăng cường cơ sở hạ tầng về chuyển đổi khí hậu, hàng hải và y tế công cộng ở các nước Đông Nam Á. [3]
Ông Biden đang có chuyến công du đầu tiên tới châu Á với tư cách là tổng thống Hoa Kỳ, đến Nam Hàn vào thứ Sáu trước khi đến Nhật Bản trong nỗ lực củng cố quan hệ đối tác trong khu vực. Ý nghĩa chính của chuyến đi là để bàn về Trung Cộng. [3]
Tại Tokyo, ông sẽ gặp các nguyên thủ quốc gia của Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Trong các cuộc họp, chính quyền Biden đang tìm cách tăng cường các mối quan hệ và tập hợp các liên minh trong khu vực để chống lại Trung Cộng, giống như những gì họ đã làm để chống lại Nga ở châu Âu.
Phương Tây
Đối với Nga, phương Tây và Mỹ hiện đang muốn “đánh bại Nga về mặt chiến lược” ở Ukraine, Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết. “Chúng tôi muốn thấy một thất bại chiến lược về phía Nga. Chúng tôi muốn Nga rời Ukraine, chúng tôi muốn Nga ngừng bạo lực, ngăn chặn những cuộc tấn công tàn bạo bừa bãi nhằm vào dân thường ở Ukraine”, bà Smith nói trong hội nghị Chiến lược Ark ở Warsaw, Ba Lan. [4]
Ngoại trưởng Anh bà Liz Truss cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải thua ở Ukraine”. Bà nói thêm: “Chúng tôi không tìm kiếm sự thay đổi chế độ ở Nga, nhưng chúng tôi phải đảm bảo rằng Nga không còn khả năng thực hiện những hành động xâm lược này với bất cứ nước nào khác”.
Các nước phương Tây cũng đang củng cố mối quan hệ của họ với các quốc gia Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong bối cảnh quan hệ của Bắc Kinh với Moscow ngày càng sâu sắc. Gần đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có chuyến thăm tới Nhật Bản và miêu tả đất nước này là một đối tác cùng chí hướng trong khu vực.[4]
Theo lời của thủ tướng Thụy Điển, Magdalena Andersson, Thụy Điển và Phần Lan đã “cùng nhau” nộp đơn đăng ký thành viên Nato của họ trong tuần này. Năm ngoái, một cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với tư cách thành viên Nato ở Phần Lan là 34%. Gần đây, nó đứng ở mức 76%. Ở Thụy Điển, 57% người dân sẵn sàng gia nhập NATO. Tỷ lệ phần trăm cao hơn nhiều so với trước khi Nga xâm lược Ukraine. [5]
Cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine – rõ ràng là nhằm mục đích ngăn chặn sự mở rộng của NATO – cuối cùng đã đạt được điều ngược lại, vì các nước láng giềng Bắc Âu đã từ bỏ chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ trước sự thay đổi địa chấn trong trật tự an ninh của châu Âu. [5]
Nga
Nga đang phải gánh chịu một loạt thất bại về quân sự, kinh tế, ngoại giao. Nga đang mất quân với tốc độ không bền vững; nước này buộc phải chấp nhận quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển; và họ đang cắt giảm doanh số bán khí đốt của mình cho châu Âu, vốn giúp họ tài trợ cho cuộc chiến với Ukraine. [6]
Việc Nga rút lui khỏi Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, hiện đã đẩy lực lượng của Nga trở lại một chiến tuyến chỉ cách biên giới Nga có 40 km.
Nga dường như đang làm suy yếu nguồn thu của chính mình trong các lệnh trừng phạt ăn miếng trả miếng đối với châu Âu. Các biện pháp trừng phạt trả đũa có khả năng làm suy yếu nguồn thu chính của Nga, nhưng cũng có thể gây thiệt hại cho châu Âu, vẫn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga. [6]
Sự mở rộng của NATO, một lý do được Putin đưa ra cho cuộc chiến xâm lăng vào Ukraine, thực sự đang xảy ra cũng chỉ bởi cuộc xâm lược vào Ukraine. Putin buộc phải rút lui ngoại giao về vấn đề Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Hắn đành chấp nhận “Về việc mở rộng của khối NATO, Nga không có vấn đề gì với những quốc gia này – không có vấn đề gì,” hắn nói vào ngày 16 tháng 5. [6]
Trung Cộng
Qua chiến tranh ở Ukraine, Trung Cộng và phương Tây có quan niệm xung đột về cách giữ gìn hòa bình thế giới. Hầu hết các chính phủ dân chủ pháp quyền đều muốn Putin thua ở Ukraine và Nga phải trả một cái giá đắt cho hành động gây hấn của hắn. Những người cai trị Trung Cộng muốn điều ngược lại. [7]
Vào tháng 2/2022, Tập Cận Bình và Putin đã tuyên bố quan hệ đối tác “không có giới hạn” giữa hai nước. Tập Cận Bình gọi Putin là người bạn thân nhất của mình.
Tập Cận Bình đã đứng về phía Nga bởi vì theo quan điểm của Tập và Putin, thì Mỹ và phương Tây đang suy tàn. Tuy nhiên, lập trường này của Trung Cộng có cái giá cần phải trả. Nó sẽ làm tổn hại thêm quan hệ giữa Trung Cộng với Mỹ và châu Âu, những thị trường mà Trung Cộng dựa vào cho hàng hóa xuất cảng.
Trung Cộng hy vọng châu Âu có thể tách biệt khỏi Mỹ, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã hồi sinh NATO và hợp tác xuyên Đại Tây Dương trong nhiều lĩnh vực nhất là năng lượng lại gia tăng.
Chính sách ngoại giao hống hách của Trung Cộng gần đây đang phản tác dụng, khi nhiều nước bị đe dọa từ Bắc Kinh. Ở khắp các quốc gia giàu có, nhận thức của công chúng về Trung Cộng đang ở mức tồi tệ nhất trong hai thập kỷ. [8]
Việt Nam
Trong khi Tập Cận Bình và Putin đang làm ăn không tốt, Mỹ và phương Tây không hoàn toàn chia rẽ và suy yếu như hai ông nầy mong muốn. Với tình hình căng thẳng toàn cầu này, Phạm Minh Chính phải đi dây ngoại giao giữa hai bên để bảo tồn ảnh hưởng và quyền lợi của VN trong cán cân tranh chấp giữa hai phía, nhất là vị trị của VN trong việc tranh giành ảnh hưởng của hai bên trên biển Đông.
Việc Việt Nam đáp ứng lời mời của ông Biden cùng với các quốc gia Đông Nam Á cho hội nghị thượng đỉnh ở Washington có thể đã bị để ý bởi Trung Cộng. Giữ một vị thế ngoại giao cân bằng cho Việt Nam khi cả hai phía đang xung đột quyết liệt là một thử thách lớn, cần thiết phải có thông hiểu sâu về lịch sử, địa chính trị và bang giao giữa các nước liên hệ. Kỷ năng cũng như kinh nghiệm ngoại giao tài tình cũng rất là chủ chốt để thực hiện chính sách ngoại giao đi dây nầy.
Phạm Minh Chính có vẻ không có đủ sự linh hoạt, nền tảng và năng lực để thực hiện chính sách ngoại giao đi dây giữa các nước liên hệ trong cuộc chiến ở Ukraine. Kết quả là một màn trình diễn vụng về của một đám hề rẻ tiền ở Washington. Lời phát biểu “Mẹ nó! sợ gì” có thể chỉ là nói láo một cách vụng về.
Tiến sĩ Phạm Đình Bá Toronto, Canada
Nguồn:
- VNTB, Video Thủ tướng Chính “chửi thề” không còn trên YouTube của Bộ Ngoại giao Mỹ. 16/05/2022.
- Trinidad & Tobago Guardian. Biden looks to nudge ASEAN leaders to speak out on Russia. 13/05/2022; Available from: https://www.guardian.co.tt/news/biden-looks-to-nudge-asean-leaders-to-speak-out-on-russia-6.2.1492198.c78df8707a.
- Vox. What Biden’s approach to Asia misses. 20/05/2022; Available from: https://www.vox.com/23130583/biden-asia-china-foreign-policy.
- Politico.eu. Western allies ramp up rhetoric against Russia, want ‘defeat’ of Moscow. 21/05/2022; Available from: https://www.politico.eu/article/western-allies-nato-us-uk-eu-against-russia-want-to-see-defeat-moscow/.
- The Guardian. ‘A historic change’: how Sweden and Finland trod separate paths to Nato. 20/05/2022; Available from: https://www.theguardian.com/world/2022/may/20/sweden-finland-separate-paths-to-nato.
- John Psaropoulos – Aljazeera. Russia suffers series of military, economic, diplomatic defeats. 19 May 2022; Available from: https://www.aljazeera.com/news/2022/5/19/russia-suffers-a-series-of-military-economic-diplomatic-defeats.
- Anonymous, Chaguan: China’s vision for global security, in The Economist. 2022, The Economist Intelligence Unit N.A., Incorporated: London. p. 56.
- Anonymous, What China gets wrong, in The Economist. 2022, The Economist Intelligence Unit N.A., Incorporated: London. p. 11.