Quy định 41 của Bộ Chính Trị giúp cán bộ cấp cao “hạ cánh an toàn”?

 

Bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 bị miễn nhiệm

Chụp lại hình ảnh, Các ủy viên Bộ Chính Trị “thôi chức” trong thời gian gần đây (từ trái qua): Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng

Lời người post: Điều đáng nói là Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lấy quyền gì để cho phép “những kẻ tham nhũng” cả triệu USD được “hạ cánh an toàn” nếu từ chức, trong khi tòa án Việt Nam kết tội một người dân “ăn cắp một con gà” chừng $10 USD phải ở tù ba năm? Điều này đồng nghĩa là ăn cướp một đống tiền rồi bỏ chạy khỏi bị bắt – đó là Quy Định 41 của đảng CSVN. Pháp luật nào cho phép một điều quái dị như vậy?

Nhiều lãnh đạo cao cấp, kể cả ủy viên Bộ Chính Trị, dường như được Đảng CSVN Việt Nam cho phép “hạ cánh an toàn” bằng cách chủ động xin “thôi chức” khi mắc sai phạm.

Từ khi có Quy định số 41-QĐ/TƯ của Bộ Chính Trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có những thay đổi trong việc thi hành kỷ luật cán bộ cao cấp.

Quy định 41 do Thường Trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính Trị ký ban hành ngày 3/11/2021.

Có một chi tiết đáng lưu ý: Ông Thưởng là người đã ký Quy định 41 (thay mặt Bộ Chính Trị) vào ngày 3/11/2021, thì 2 năm 5 tháng sau (ngày 20/3/2024), chính ông đã mất chức bởi quy định này. Ngoài ông Thưởng, ba ủy viên Bộ Chính Trị khóa 13 cùng một số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng 13 đã phải kết thúc sự nghiệp chính trị bởi Quy định 41.

Quy trình “xin thôi” [từ chức].

Từ khi có Quy định 41, không ít Đảng viên cao cấp khi mắc sai phạm đã có đơn “xin thôi” [từ chúc] và được “Đảng đồng ý”. Đây là điểm thay đổi quan trọng trong cách thức xử lý các cán bộ, quan chức bị coi là đã “nhúng chàm”.

Quy trình “xin thôi” hay còn gọi là “hạ cánh an toàn” này giúp Đảng giữ hình ảnh trong mắt công chúng và giúp các đảng viên cao cấp mắc sai phạm thoát khỏi khả năng bị truy tố hình sự.

Tháng 1/2023, Nguyễn Xuân Phúc đã phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”. [đây là điều đưa lên mặt báo CSVN – sự thực thì do tham nhũng]

Hai phó thủ tướng nói trên là Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.

Phúc, ông Minh và ông Đam có lẽ là những lãnh đạo cao cấp đầu tiên được áp dụng quy trình “xin thôi”.

Từ trái qua: Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được coi là những lãnh đạo đầu tiên được Đảng cho "hạ cánh an toàn"

Chụp lại hình ảnh, Từ trái qua: Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được coi là những lãnh đạo đầu tiên được Đảng cho “hạ cánh an toàn”

Đầu năm nay, một ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh cũng phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công Thương, nhiều cán bộ, đảng viên CSVN vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính”.

Theo thông báo chính thức của Đảng Cộng Sản Việt Nam, “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi”. Trường hợp mới nhất gây nên một trận “địa chấn chính trị” là việc Võ Văn Thưởng “xin thôi” các chức vụ trong Đảng và Nhà nước.

Như vậy, hiện Bộ Chính trị khóa 13 chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người. Bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 được áp dụng quy trình “xin thôi” là Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh.

Tiến trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là “một điểm mới”, với việc Đảng khuyến khích cán bộ, kể cả cao cấp, xin thôi chức. “Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi”.

“Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem”,  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

“Rút lui trong danh dự” ở đây có thể hiểu rằng các quan chức này vẫn được hưởng các quyền lợi theo cấp bậc của một cựu cán bộ lãnh đạo và quan trọng là không bị xử lý hình sự.

Với trường hợp của ông Võ Văn Thưởng và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, cả hai ông đều được cho là có liên quan đến các đại án tham nhũng, nhưng thông cáo về việc miễn nhiệm của hai ông đều không nêu chi tiết sai phạm.

Thời điểm ông Thưởng “xin thôi”, Tiến sĩ khoa học chính trị Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu viên khách mời thuộc Viện ASEAN (Singapore), lý giải với BBC rằng, tất cả những ngôn ngữ nói về sai phạm của ông Thưởng, hay trước đó là ông Phúc, đều chung chung, mơ hồ.

“Việc không đưa ra sai phạm ở đâu, vị trí nào là để tránh việc khi đưa ra thông tin ấy, thì người gắn liền với thông tin ấy không chỉ chịu xử lý về mặt Đảng mà còn về hình sự. Nó sẽ khiến cho Đảng rơi vào tình thế rất lưỡng nan về câu chuyện: đã là lãnh đạo cao cấp, tới cấp ‘Tứ Trụ’, mà bị xử lý thì ảnh hưởng rất nhiều uy tín của Đảng,” ông Giang nhận xét.

Cũng có một logic nữa, đó là nếu phơi bày sai phạm của ông Võ Văn Thưởng thì theo Quy định 41, “chịu trách nhiệm người đứng đầu” sẽ là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

  1. Trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ có ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu’?
  2. Bắt Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, trợ lý của ông Vương Đình Huệ
  3. Tập đoàn Thuận An đã làm gì và tại sao ‘vào lò’?

‘Hạ cánh an toàn’

Dù thông báo của Trung ương Đảng không nêu cụ thể sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng nhiều nhà quan sát độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.

Trong số các lãnh đạo Quảng Ngãi bị bắt với tội danh “nhận hối lộ” trong vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, có ông Cao Khoa là chủ tịch UBND tỉnh này từ năm 2011 đến năm 2014, trùng với thời gian ông Thưởng làm bí thư tỉnh ủy tại đây.

Một số đài truyền thông chính thức của cấp địa phương tại Việt Nam đã nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân”.

Đối với trường hợp Nguyễn Xuân Phúc, đã có nhiều đồn đoán chính vợ và gia đình ông có dính líu đến vụ án Việt Á nên sự nghiệp chính trị của ông phải chấm dứt.

Trong buổi lễ bàn giao công tác trước khi rời nhiệm sở ngày 4/2/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á.”

Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị báo chí Việt Nam đục bỏ.

Đây được coi là lần hiếm hoi một trong “Tứ Trụ” lên tiếng về tin đồn xung quanh việc thôi chức vụ của mình.

Báo Quảng Nam đăng phát ngôn của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhưng sau đó đã gỡ bỏ đoạn này

Chụp lại hình ảnh, Báo Quảng Nam đăng phát ngôn của cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhưng sau đó đã gỡ bỏ đoạn này

Đối với trường hợp “xin thôi” của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi:

“Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?”

Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định đều dựa trên quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.

Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.

Bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 bị miễn nhiệm

Có một điều đáng lưu ý là Nguyễn Quang Linh – cựu phụ tá ông Phạm Bình Minh – bị cơ quan an ninh điều tra xác định đã nhận hối lộ hơn 4.2 tỉ đồng trong đại án “chuyến bay giải cứu”.

Ông Nguyễn Quang Linh được bổ nhiệm làm phụ tá cho Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh từ ngày 31/12/2013 cho đến khi bị bắt vào tháng 9/2022. Ông Linh đã bị tuyên 7 năm tù.

Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41 nêu rõ: “Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.”

Khoản 2 Điều 76 Nghị định 59/2019 nêu rõ: “việc tham nhũng nghiêm trọng là sự việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử phạt bằng hình thức phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm.”

Thời điểm truy tố và tuyên án ông Nguyễn Quang Linh xảy ra sau thời điểm ông Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm (1/2023). Tuy nhiên, ngay sau khi ông Linh bị khởi tố, bắt tạm giam (9/2022) với tội danh “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, tội danh vốn có khung hình phạt đến tử hình, thì về mặt Đảng, đã có thể đưa vấn đề trách nhiệm người đứng đầu ra xem xét rồi.

Do đó, lãnh đạo trực tiếp của ông là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có thể đã bị xem xét kỷ luật theo Khoản 3 Điều 7 của Quy định 41, dù Đảng Cộng Sản Việt Nam chưa từng công bố rõ ràng điều này.

Như vậy, khi xâu chuỗi những thông tin trên, có thể thấy có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh được “xin thôi” theo Quy định 41.

Trước khi có Quy định 41 thì ba ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 đã chịu kỷ luật Đảng.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Bình và ông Hoàng Trung Hải bị Đảng kỷ luật với hình thức cảnh cáo.

Nặng nhất là ông Đinh La Thăng, bị khai trừ khỏi Đảng.

Ông Thăng sau đó trở thành đương kim ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam bị truy tố hình sự và lãnh án 30 năm tù.

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt