Quốc Hận: Chuyện thật Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái ngày 30-04-1975

Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái và bảy người lính Nhảy Dù dưới quyền đã chọn cái chết để đền nợ nước ngày 30 Tháng 4, 1975!

Tốt nghiệp từ trường Bộ Binh Thủ Ðức (khóa 5/69), Huỳnh Văn Thái đã chọn binh chủng Nhảy Dù. Ai không sợ chết, nhưng nếu phải hy sinh tính mạng mình cho tổ quốc thì đó lại là một vinh dự không phải người nào cũng làm được như Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái và bảy chiến sĩ Nhảy Dù thuộc quyền anh đã chứng minh.

Tôi không biết nhiều về các anh, nhưng sự lựa chọn của các anh đã tạo nên một thiên anh hùng ca bất tử bởi vì dứt khoát không dễ dàng chấp nhận đi vào cái chết một cách bình thản. Vậy mà các anh đã làm được điều đó. Tôi buồn rầu thú nhận rằng tôi đã không có được dũng khí như các anh để rồi giờ đây, ngày qua ngày sống trong hổ thẹn tầm thường.

Tất cả nhân vật trong câu chuyện của tôi chỉ là hư cấu. Ngoại trừ Thiếu Úy Thái, những anh hùng còn lại không lưu một dấu tích nào. Các anh tên gì, bao nhiêu tuổi, sinh quán ở đâu, cha mẹ vợ còn anh em ra sao?

Ðội chiếc nón với hàng chữ Tổ Quốc-Danh Dự-Trách Nhiệm, các anh đã thực thi đúng từng nét và hành động của các anh đã chứng minh quân đội Việt Nam Cộng Hòa là một Quân Ðội Anh Hùng.

Phúc cho đất nước đã nuôi dưỡng các anh, phúc cho cha mẹ đã sinh ra các anh, phúc cho quân đội, trường học đã đào luyện các anh, phúc cho anh chị em cùng máu mủ với các anh, và trên hết phúc cho dân tộc Việt Nam đã có những người con như các anh.

Tôi viết những dòng chữ này để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với hành động anh hùng của các anh Thiếu Úy Huỳnh Văn Thái và bảy người lính Nhảy Dù anh hùng và biết bao tử sĩ đã chọn sự tuẫn tiết “Thà Chết Không Ðầu Hàng Giặc” ngày 30 Tháng Tư 1975.

***

Thái ngồi xuống vệ đường. Anh bâng khuâng nhìn chung quanh những người đồng đội. Họ đã theo anh tới tận giờ phút này. Những người lính Nhảy Dù mặt mày hốc hác, nhưng chưa nghe ai mở miệng thở than điều gì.

Tăng Thiện Minh, chín tháng làm Nhảy Dù mà mắt vẫn còn ngơ ngáo non choẹt. Học hết lớp chín tình nguyện ghi danh đi lính chỉ để được “đội Bê Rê Ðỏ.” Nó xin làm đệ tử anh bởi vì “em khoái cái mặt ngầu của thiếu úy.” Thằng nhỏ mới mười chín tuổi, người Hoa, còn có bà mẹ ở Chợ Lớn và mấy anh chị em làm ăn khấm khá, sẵn sàng chi tiền để nó được ở hậu phương làm lính kiểng. Má nó khóc hết nước mắt khi nó cứ nhất định đăng lính. “Má à, tui đi lính rồi chừng nào hết diệc cộng tui dề giới má mà. Má khóc hoài dậy?” Nó nhăn mặt, cố giấu mấy giọt nước mắt khi nói.

Thái đốt một điếu thuốc. Anh lắc đầu từ chối chén cơm Minh mới nấu. Thằng nhỏ cứ năn nỉ “thiếu úy ăn chút gì đi, từ sáng giờ…” Thật ra cả hai thầy trò chưa có gì trong bụng, nhưng Thái không thấy đói. Anh chỉ thấy mệt!

Thượng Sĩ Nguyễn Năm ngồi bệt xuống bên cạnh Thái. Ba mươi hai tuổi, là người già nhất trong trung đội. Quê anh ở tận ngoài Trung, Phú Yên. Mười hai năm đội mũ đỏ, trải qua biết bao chiến trường đẫm máu vẫn sống sót. Một vợ ba con giờ không biết lưu lạc nơi đâu từ lúc cuộc di tản mở màn. Năm hỏi nhỏ, “Tính sao thiếu úy?” Thái trả lời, “Từ từ ông ơi, biểu tụi nó nghỉ ngơi chút đi.” Anh kính trọng người thượng sĩ mà lính trong trung đội thường gọi đùa danh xưng Bố Già. Kính trọng tuổi tác và kinh nghiệm chiến trường, mấy lần đổ máu.

Thái đứng dậy, anh bước tới chỗ một người lính đang nằm ngủ thoải mái ngay dưới một tàng cây. Anh đá vào đùi người lính:

– Ê Hưng, đưa tao điếu thuốc.

Người lính ú ớ:

–  Để ngủ chút coi!

– Ngủ chàng hảng như mày Việt Cộng nó thiến …

Hưng dụi mắt, nó ngồi nhỏm dậy khi nhận ra Thái:

– Xin lỗi ông thầy, tại em mệt quá!

– Lỗi phải gì, cho tao điếu thuốc coi.

Thằng nhỏ nhoẻn cười, móc gói Quân Tiếp Vụ nhàu nát trao cho Thái. Cũng như Tăng Thiện Minh, Trần Ngọc Hưng chỉ mới vừa mười chín tuổi. Quê Hưng ở đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bạc Liêu. Không nhậu nhẹt, nhưng khi có độ thì nốc rượu đế như uống nước lã. Hưng học đến lớp mười một, thi rớt Tú Tài nhưng từ chối đi học Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế làm Trung Sĩ. Thằng Minh vẫn thường chọc “mày ngu, mang lon trung sĩ không đã hơn làm lính trơn sao?” Hưng chỉ cười hềnh hệch, “Tao khoái đội mũ đỏ hơn đeo cánh gà Bộ Binh.”

Thằng Cậy xốc lại sợi dây ba chạc, túm lấy cục đá nhỏ chọi về phía Hưng. Tụi nó vẫn còn rất con nít, dù đứa nào đụng với Việt Cộng ít nhất cũng một vài lần. Nguyễn Cậy, Bắc Kỳ di cư 1954, con ông Nguyễn An và bà Trần thị Mùi. Cậy nhỏ người, nhưng rất chắc thịt. Nó đã từng vác một thằng bạn bị thương chạy mấy cây số đường rừng để trở về đơn vị. Công Giáo chính tông, hễ ở hậu cứ thì nó chẳng bỏ ngày Lễ Chúa Nhật nào. Có lần Thái thấy nó lần chuỗi bằng ngón tay, miệng thì lâm râm đọc kinh. Ðợi cho nó cầu nguyện xong, Thái hỏi đùa, “Mày bắn Việt Cộng mà đọc kinh cái gì?” Cậy bẽn lẽn, “Thầy mạ em bảo thế, mà em không bắn chúng thì chúng cũng chẳng để em sống.” Hai mươi hai tuổi đời, chưa từng một lần yêu, lính Nhảy Dù mà cứ gặp em gái hậu phương thì mặt đỏ như gấc. Chưa bao giờ Thái thấy Cậy đánh lộn trong đơn vị, trong khi hễ về thành phố thằng Minh và thằng Hưng lại đi kiếm chuyện với tụi sắc lính khác hoặc Cảnh Sát Dã Chiến. Cậy luôn sẵn sàng bênh bạn, cứ nghe rủ là đi. Mà nó đánh lộn ra gì, một mình nó có lần đã nện hai thằng CSDC nhừ tử. Bị Quân Cảnh Nhảy Dù bắt nhốt, Thái đã đi lãnh nó ra. Lúc gặp Thái nó lí nhí, “Xin lỗi Thiếu úy.” Thái chửi, “mày, tao đá chết mày cho chừa thói ba gai” (anh muốn chính anh “dạy” lính của mình hơn là để người khác làm nhục tụi nó.) Một lần Cậy xách hai trái lựu đạn đi tìm bọn du đãng chỉ vì nghe thằng Hưng nói bị tụi nó chặn đường chém bằng mã tấu. Nó tâm sự suýt chút nữa thì nó đã nghe lời mẹ đi tu, cái thằng Bắc Kỳ Nguyễn Cậy hai mươi hai tuổi đời, ba tuổi lính tới giờ phút đó vẫn chưa biết bạn gái như thế nào. Tội nghiệp nó và những thằng như nó, chưa biết yêu đã biết cách giết người.

Thạch Sơn đang lúi húi gây lò lửa nấu cà phê. Thái nhìn những người lính chung quanh mình. Họ đã chia với anh từng điếu thuốc, từng ngụm nước. Họ là máu, là mủ, là phần da thịt của anh. Thái biết họ sẵn sàng nhảy lên đỡ đạn cho anh từ phát súng bắn tỉa của địch. Anh thương họ, và họ cũng thương anh. Anh nhớ mẹ, nhớ thằng em mười bốn tuổi ở nhà, chỉ hăm hở cho mau lớn để được đi lính Nhảy Dù. Anh nhớ lần anh đã nói với nó, “lính Nhảy Dù khổ lắm em ơi, lúc nào cũng chỉ Cố Gắng” mà thôi. Nhảy Dù Cố Gắng, tâm niệm của binh chủng đè nặng trên vai người lính Việt Nam Cộng Hòa bốn mươi chín kí-lô-gam thịt cộng thêm gần ba chục kí-lô-gam trang bị. Anh có hối tiếc khi chọn binh chủng này chăng? Không! Thái biết rõ điều đó.

Thạch Sơn mang ly cà phê bốc khói tới trước mặt anh, “Ông thầy húp một chút cho tỉnh.” “Mày điệu nghệ quá Thạch Sơn” Thái mỉm cười thầm cảm ơn người lính. Thạch Sơn, Miên thứ thiệt, đeo sợi thẻ bài có kèm cái răng nanh heo rừng bự chảng. Quê Châu Ðốc, Thạch Sơn không được đi học ngày nào, không biết chữ, mỗi lần lãnh lương phải điểm chỉ tay. Sơn là người ít nói nhất trong trung đội. Lầm lì, gan dạ, đánh nhau chỉ thích xung phong tuyến đầu. Cha bị việt cộng chặt đầu vì có chân trong hội đồng người Việt gốc Miên lúc Sơn chỉ mới mười ba tuổi. Mẹ Việt Nam bán cá khô ở chợ quận, mỗi lần lãnh lương lại nhờ Thái gửi tiền về cho mẹ. Chưa bao giờ nghe Sơn nói căm thù việt cộng, nhưng hề có đánh nhau mới thấy sự căm thù căng tràn trên đôi mắt Sơn. Thạch Sơn như một con trâu cui nổi điên chẳng biết sợ chết là gì. Nhiều khi xung phong Sơn chạy trước, bỏ xa trung đội gần cả trăm thước. Nó chẳng bao giờ tâm sự bạn bè chỉ trừ có Thái. Nó nói. “Tui coi ông thầy như anh tui.” “Vậy mày đưa tiền lương của mày cho tao xài đi,” Sơn bẽn lẽn. “Tui không gởi tiền cho bà già thì tui đưa hết cho ông thầy rồi.” Người nó lực lưỡng, mình xâm đầy bùa chú chữ Miên. Vậy mà có lần Thái thấy nó khóc, “Tui nhớ má tui quá ông thầy ơi…”

Thằng Cường la lên:

– Ê Thạch Sơn, pha nhiều nhiều cà phê cho tao ké với.

– Mày muốn uống thì pha lấy mà uống, thằng làm biếng! – thằng Hưng lên tiếng.

– Ông nội mày nghe Hưng, Việt Cộng nó xả AK vô đầu mày nghe Hưng.

Hưng trả lời.:

– Nó có tới được đây thì tao cũng bắn chết mẹ nó rồi.

Mấy thằng nhỏ như chó với mèo, chửi nhau hàng ngày. Chửi đó, nhưng đứa nầy sẵn sàng sống chết cho đứa kia, giữa chúng nó như có một sợi dây vô hình buộc chặt lại với nhau. Cường người Saigon, quận Tư, tính tình hệch hạc, cười nhiều nói nhiều, nó thường chọc thằng Cậy “mấy thằng Bắc kỳ rau muống ăn cá rô cây.” Rồi nó ngân nga “Bắc Kỳ ăn cá rô cây, Ăn nhằm cứt chuột chết cha Bắc kỳ.” Thằng Cậy trả đũa, “mày thằng Nam Kỳ giá sống, sẽ có ngày ông đổ mắm tôm vào cái mồm thối của mày.”

Trước đây Cường ra bùng binh Saigon đăng TQLC. Ở quân trường vài tuần rồi trốn về nhà. Lần sau nó lại mò ra bùng binh Sài Gòn lần nữa. Lần này nó chấm Thiên Thần Mũ Ðỏ. Lý do nó bỏ TQLC vì nó sợ nước, sợ phải học bơi lội.

Nguyễn Văn Cường, cái tên rất bình thường, có thể trùng hợp hàng triệu người Việt Nam trẻ khác. Nhưng Cường không bình thường – theo cái nghĩa bình thường – nó thích chiến trận, thích đánh nhau. Chỉ vì nó ham sôi động chứ không phải nó thích giết người. Nó có hàng trăm biệt tài mà một trong số đó là gài mìn bẫy. Mỗi lần đóng quân trong rừng thế nào cũng có vài con “nhạn là đà” vướng vào bẫy của nó. Cùng tuổi với thằng Cậy, nhưng Cậy nghiêm trang bao nhiêu thì Cường lại chọc phá đùa giỡn bấy nhiêu. Cường có người yêu tên Nguyễn Thị Ðoan Trang, nữ sinh Gia Long, lớp mười một. Mỗi lần nhận được thư nàng nó khoe với cả trung đội. Trắng, nhỏ nhắn, có mái tóc dài và đôi mắt đẹp. Nó tâm sự với Thái, “Kỳ này chắc em lấy nó quá thiếu úy, dự đám cưới của em nghe thiếu úy.” Binh nhất Nguyễn Văn Cường cũng có những giây phút không đùa giỡn chút nào.

Y Kron, đen như khúc than Nông Sơn. Ðể nó đứng cạnh Thạch Sơn không biết thằng nào chiếm giải nhất về màu da lọ nghẹ. Xạ thủ M60 của trung đội, sức nặng khẩu súng và mấy dây đạn đeo chung quanh người, chẳng thấm tháp gì với tướng tá dềnh dàng, cao lớn. Y Kron không hút Quân Tiếp Vụ, nó có loại thuốc lá riêng, mùi ngay ngáy như cỏ khô. Dân tộc Thượng Ra Ðê, nhưng nói tiếng Việt rành rọt, dù vẫn còn âm điệu của người miền núi. Hai mươi bảy tuổi, một vợ hai con, đứa lớn nhất vừa tròn năm tuổi.

Y Kron thường ngồi một mình, hút thuốc nhìn về phía xa vời nào. Ðôi lúc Y kron cất lên vài câu hát của người dân tộc buồn tha thiết. Thằng Hùng vẫn thường chọc, “Y Kron mày hát cái đách gì vậy, ông nội tao cũng không hiểu nổi,” hắn chỉ cười vu vơ. Có lần Thái hỏi dò:

– Mày có muốn đào ngũ về nhà với vợ con không Y Kron?

Hắn nhìn thẳng vào mặt Thái:

Ớ ông thây, tui thương cái lính này a, tui ghét cái việt cộng a, tui thương mấy thăng này, tui thương ông thây. Cái vơ cái con tụi tui cũng thương mà tui không đao ngu đâu..

Thái biết Y Kron nói thật. Anh cố gắng hết sức để xin cho Y Kron được về phép. Nhưng tình hình chiến sự kiểu này chắc cũng còn lâu. Lần cuối cùng Y Kron cầm giấy phép về thăm gia đình vợ con chính hắn không nhớ nổi.

Có tiếng súng xa xa vọng lại. Thái nhổm dậy, bảy người lính trong trung đội cũng hành động như anh. Họ chụp lấy súng vào thế tác chiến. Huỳnh Văn Thái, hai mươi bốn tuổi, thiếu úy Nhảy Dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sĩ quan trung đội trưởng tốt nghiệp khóa 5/69 trường Bộ Binh Thủ Ðức với thứ hạng trung bình. Tình nguyện về Nhảy Dù sau khi ra trường. Má đã không giấu được nỗi lo âu khi thấy con mặc đồ rằn ri, đội bê rê đỏ về thăm má. Trước đây khi Thái chưa vào quân trường, bà vẫn tụng kinh gõ mõ trước bàn thờ Phật ngày ba lần. Số lần tụng niệm tăng lên khi Thái chính thức gia nhập quân đội. Bây giờ, nhìn con trong bộ quân phục thì bà chẳng còn thì giờ để làm gì nữa ngoài việc ngồi suốt trước bàn thờ khấn xin cho con được bình an. Thái thương mẹ, nhưng biết làm sao? Anh yêu điều anh đã lựa chọn. Ba anh, bình tĩnh hơn, chỉ khuyên anh nên cẩn thận. “Thưa ba, con biết, nhưng đạn tránh mình chứ mình làm sao tránh được đạn?” Thái nhớ má, nhớ những lần về phép nhìn thấy mặt má vui lên, má cứ tíu tít quanh anh hỏi han dồn dập, “Có mệt không con, có đói không con, con về bao lâu?” Má không muốn anh trả lời, má chỉ muốn anh cảm nhận tình mẹ thương trào ra từ trái tim của má.

Thế nào rồi má cũng nấu cho anh nồi canh chua thật nhiều ớt như anh vẫn thích. Má ơi, con nhớ má quá.

Thái không thể quên được gương mặt buồn rầu lo âu của má ngày anh phải trở về đơn vị. Anh ôm má thật chặt, anh không muốn nhìn thấy má khóc, bởi vì anh biết mình cũng sẽ khóc theo. Thiếu úy Nhảy Dù không thể mềm như con gái. Thằng em anh cứ quấn lấy anh, nó không nói gì hết, nhưng anh nhìn thấy ánh mắt đầy ngưỡng mộ của nó. Nó thích đội bê rê đỏ trên đầu. Rồi đây nếu chiến tranh còn kéo dài, má sẽ còn phải khóc để đưa thêm một đứa con vào trận chiến.

Cả trung đội căng mắt nhìn trước mặt. Bảy người lính Nhảy Dù cùng với trung đội trưởng của họ sẽ giữ vững phòng tuyến cho tới viên đạn cuối cùng. Nhảy dù cố gắng, họ đã cố gắng tới tận cùng từ ngày đội lên đầu chiếc mũ đỏ. Cố gắng nằm chịu dưới mưa đạn pháo kích của việt cộng, cố gắng lấy một chống mười trên những trận tuyến máu tràn mặt đất. Cố gắng cõng bạn bị thương chạy về đơn vị khi bị tràn ngập. Còn một hơi thở, lính Nhảy Dù còn phải cố gắng. Việt cộng biết điều này, họ vẫn cố tránh nếu có thể để khỏi đụng với Nhảy Dù. Ðường xâm nhập từ Bắc vào Nam có ba điều làm họ sợ hãi: B52, Biệt Cách Nhảy Dù và Nhảy Dù. Sinh Bắc Tử Nam là điều chắc chắn nếu lính Cộng Sản gặp một trong những hung thần trên.

Một gương mặt thoáng hiện lên trong đầu óc Thái. Hồ Thị Cẩm Vân, sinh viên Chính Trị Kinh Doanh năm thứ hai Viện Ðại Học Ðà Lạt. Họ gặp nhau tình cờ, yêu nhau tình cờ và nay thì xa nhau cũng rất tình cờ. Thái không biết bây giờ Vân và gia đình đang ở đâu kể từ ngay cả miền Nam phải di tản chiến thuật. Lúc trước phương tiện liên lạc giữa họ là thư từ, nay thì không còn nữa. Vân mảnh mai như một dải lụa, giọng nói miền Trung xứ Huế ngọt ngào. Có lần Thái hỏi đùa: “Anh Nam Kỳ giá sống, em Trung Kỳ mắm ruốc, vậy mai mốt con mình nó sẽ là cái gì… kỳ? chắc nó sẽ kỳ cục quá!!” “Ơi anh này, ốt dột quá,” Vân giẫy nẩy.

– Coi lại cây M72 của mày đi Thạch Sơn, tụi nó có tăng đó.

Thạch Sơn cười, tay lắc lắc chiếc nanh heo:

– Ông thầy khỏi lo, tui nhắm không có trật mà

–  Thằng nào ngon dô đây! – tiếng thằng Hưng phụ họa.

Cả trung đội mấy chục người nay chỉ còn có tám thầy trò với nhau. Thái nhớ thằng Hòa, tình nguyện ở lại cản đường, chỉ kịp quẳng hai trái lựu đạn nổ được một băng M16 thì chết. AK cày nát ngực nó. Hòa chết, mặt nhăn nhó thảm hại, nằm chàng hảng giữa đường. Bạn bè cố gắng đào một lỗ cạn chôn tạm. Trung đội mất liên lạc, tự tìm lấy cho mình phương thể ứng xử. Giờ thì chỉ có một con đường – Việt Cộng mày có ngon mầy dô đây – Thái nghiến răng. Anh kiểm tra lại vũ khí. Mỗi người lính Nhảy Dù còn lại bốn băng, hơn chục trái lựu đạn, hai M72, một M60 với hai dây đạn. Vậy là có đủ vốn để chơi rồi. Kỳ này thế nào anh cũng có lời.

“Mở liên lạc coi,…” Thái hy vọng sẽ còn một cấp trên nào, một đơn vị nào có thể liên lạc được. Ít nhất lúc đó anh sẽ dễ tính toán hơn. Tiếng se sẻ từ máy PRC25 của thằng Minh vẳng ra khi nó đang cố dò tần số.

Bỗng nhiên từ máy phát ra tiếng nói, “Tôi Dương Văn Minh. Yêu cầu anh em bỏ súng chờ bàn giao…” Cái gì?.. Thái la lên, “Vặn lớn lên coi Minh… Chờ bàn giao….” Thằng Cậy mếu máo:

– Mình thua rồi thiếu úy ơi,

Thằng Hưng hét lên:

– Thua cái con C. – nước mắt nó chạy dài trên gò má.

Thạch Sơn quăng ca cà-phê mặt tái mét. Thái cảm thấy lùng bùng lỗ tai. Cái gì? Thua à? thua Việt Cộng à? Ðã đánh đâu mà thua? Anh nhớ tới những người lính trong trung đội đã chết, anh nhớ tới Hòa, tới Bằng, tới Tốt. Máu anh căng tràn trong cơ thể. Anh ước anh có thể nổ một phát súng vào đầu Dương Văn Minh.

Thái hít một hơi dài cố lấy lại bình tĩnh. Tính mạng của bảy người lính còn lại ở trong tay anh. Thượng Sĩ Năm lo lắng hỏi, “Tính sao thiếu úy?” “Còn tính sao nữa, buông súng đầu hàng thôi,” Thái gắt gỏng. Thật ra anh đã có một lối thoát cho chính mình. Anh thở dài, nhìn mấy người lính “Tụi bay lại đây.” Họ quây quần chung quanh anh. Thái bình tĩnh nói:

– Tụi bây nghe rồi đó, mình là lính, lệnh trên sao thì mình phải theo. Giờ phút này mình thua rồi, tụi bây bỏ súng xuống, rồi thằng nào muốn về nhà thì cứ đi. Không ai chỉ huy ai nữa. Tụi bây hiểu chưa?

– Ơ tui không biết cái đầu hàng a, tui ghét Việt Cộng, tui đánh chết Việt Cộng, tui không đầu hàng. – Y Kron lên tiếng.

– Giờ phút này tao hết trách nhiệm, tụi bây cứ về nhà.

– Vậy còn thiếu úy tính sao? Thằng Minh mếu máo.

– Tao ở lại,  bắn hết đạn tao tự xử tao.

– Em theo ông thầy, – thằng Minh la lên.

Thằng Hưng cười toe toét:

– Ông thầy, cho em bắt tay cái, mình Nhảy Dù mà ông thầy.

Thằng Cường rút trái lựu đạn ngắm nghía:

– Thua Việt Cộng nhục lắm ông thầy, còn mày, mày tính sao Sơn?”

Thạch Sơn lẩm bẩm:

– Ai sao tui vậy

– Rồi ai làm bậy mày cũng làm theo hả Sơn? Cường cười toe toét. Ðến nước này mà nó vẫn còn giỡn được.

Thái nghiêm nghị:

– Anh em hãy suy nghĩ cho kỹ, phần tôi thì xong rồi, nhưng anh em còn có gia đình để lo. Tôi không muốn vì tôi mà anh em suy nghĩ ẩu tả. Lần đầu tiên Thái gọi họ là anh em và xưng tôi.

– Tôi chọn màu áo này để chiến đấu, tôi cũng sẽ chết với màu áo này. Tôi không thể đầu hàng, không chịu thua.

– Lính Nhảy Dù đâu có chịu đầu hàng, ông thầy. Thằng Minh nói.

Thái quay sang Thượng Sĩ Năm:

– Còn phần anh, về với vợ con anh đi anh Năm, và bỏ qua cho những gì mà tôi đã làm anh buồn.

– Thiếu úy, thật sự tôi khuyên thiếu úy và anh em suy nghĩ cho kỹ. Còn đánh đấm gì được khi lãnh tụ tối cao đã đầu hàng. Nhưng thật tình mà nói, tôi không thể bỏ anh em. Cả trung đội như huyết nhục của tôi, nay chỉ còn lại mấy mạng, làm sao tôi bỏ đi được. Tùy thiếu úy, nếu ông ở lại, tôi cũng ở lại.

Cả đám nhao nhao sau lời nói của Nguyễn Năm, Thượng Sĩ Nhảy Dù bị thương tích, nhưng vẫn sống sót qua bao trận đánh, “Chơi tới luôn đi thiếu úy.”

Thái đưa mắt nhìn, giọng anh đầy xúc động:

– Cảm ơn anh em, Nhảy Dù Cố Gắng

– Nhảy Dù Cố Gắng, cả nhóm hét lên.

Thái vạch kế hoạch:

– Sức mình có thể chơi dài dài được, mình nằm đây chờ nó. Hễ xe tăng nó vô thổi cho hai trái M72. Cứ dùng lựu đạn khử mấy thằng tùng thiết. Tập trung hỏa lực M60 với M16, nhưng đừng phí đạn dược. Làm được không tụi bây?

– Nhảy Dù Cố Gắng mà ông thầy.

Thái căng mắt nhìn về phía trước. Anh đã quyết định và tự nhiên anh cảm thấy thanh thản. Anh chưa từng tâm sự với ai về lý do anh đã chọn Nhảy Dù. Anh đã nhìn thấy những người lính Mũ Ðỏ chiến đấu như thế nào trong trận Tết Mậu Thân. Anh cũng đã nhìn thấy hình ảnh những người lính Dù miền Nam, binh chủng mà bọn Việt Cộng vẫn tuyên truyền thích ăn gan uống máu tù binh… nhưng đã từng đút từng miếng bánh cho VC bị bắt, đốt cho họ từng điếu thuốc. Tính chiến đấu dũng mãnh làm địch khiếp sợ nhưng lại rất nhân đạo khi đối phương đầu hàng đã làm Thái cảm phục và ngưỡng mộ. Anh chọn chiếc nón đội trên đầu, anh phải bảo về danh dự cho chiếc nón đó.

Tám người lính chờ đợi. Họ không nhìn thấy quân thù tiến về hướng họ. Anh không thể chờ đợi mãi, anh cũng không thể buông súng. Anh chỉ còn một cách:

– Anh em sẵn sáng chưa?

– Sẵn sàng rồi thiếu úy.

– Lời cuối tôi muốn nói với anh em: Tôi cảm ơn anh em đã theo tôi đến tận giờ phút này. Nước mình đã mất, tôi đã không làm tròn bổn phận với Tổ Quốc Dân Tộc. Tính khí tôi cũng không cho phép tôi đầu hàng chịu nhục với kẻ thù. Nay tôi chọn cho riêng tôi cái chết để đền nợ nước. Thái ngắt lời, giọng anh run run vì xúc động, “Tôi biết anh cũng có cùng ý nghĩ, nhưng giờ phút chót anh em vẫn có quyền quyết định, và bất cứ quyết định nào của anh em tôi cũng tôn trọng. Tôi không oán trách anh em gì hết.”

– Em theo ông thầy. – Thằng Hưng mếu máo

– Em cũng vậy,

Thằng Cậy, thằng Cường tiếp lời.

– Còn tao, tụi bây bỏ đi đâu?

Tới phiên Tăng Thiên Minh, người Việt gốc Hoa, nhà có của ăn của để, nhưng khoái làm “Nhảy Dù” hơn lính kiểng.

– Ơ, tui thương cái ông thầy, cái ông thầy đi đâu tui theo đó,

Y Kron quả quyết.

– Chết thì thôi, sợ gì.

Thạch Sơn mân mê chiếc nanh:

– Ðây là lần đầu tiên tôi thua mấy thằng Việt Cộng, thiếu úy. – Thượng Sĩ Nhảy Dù Nguyễn Năm uể oải.

– Ðược rồi, vậy anh em quây quần lại đây, Thái nói, giọng anh tỉnh táo đến đáng sợ:

– Tôi sẽ đếm một hai ba rồi tôi sẽ rút chốt hai trái lựu đạn. Ðó là cách cuối cùng anh em mình sẽ đi với nhau. Anh em đồng ý không?

Bảy người lính gật gù, họ tự động làm thành một vòng tròn, người nầy sát với người kia. Ðến phút cuối họ vẫn còn muốn ôm được nhau trong vòng tay.

Thái nhớ đến má, nhớ đến ba, nhớ đến đứa em trai. Hết rồi nhóc ơi, hết còn cơ hội đăng lính Nhảy Dù, hết còn cơ hội đội nón bê-rê đỏ. Chăm sóc ba má giùm anh nha nhóc. Ba ơi má ơi, con sẽ về thăm ba má trong mơ. Vân ơi, anh yêu em.

Thượng Sĩ Nguyễn Năm chợt nhớ kỳ lương tháng này ông đã kịp gởi về cho bà xã. Vậy là mẹ con nó cũng ấm cúng. Ông không buồn, ông chỉ hận vì bao nhiêu năm đánh nhau đây là lần đầu tiên ông thua trận.

Binh nhất Tăng Thiên Minh mỉm cười. Ít nhất cũng được chết trong quân phục Nhảy Dù. Minh nói thầm với má, “Má à, con dề dồi nè, má đừng khóc nữa.”

Binh nhất Trần Ngọc Hưng cười toe toét, “Giỡn chơi sao em, anh đâu có đào ngũ, bỏ bạn bè với ông thầy của anh được. Không sao, anh sẽ về thăm em luôn, nhớ chăm sóc ba má giùm anh”

Hạ Sĩ Nguyễn Cậy đọc một kinh Lạy Cha, ba kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh để Vinh Danh Thiên Chúa, “Lạy Chúa con, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa. Xin Chúa gìn giữ thầy mẹ con. Ave Maria con yêu kính mẹ.”

Binh nhì Nguyễn Văn Cường. chợt nhớ mình còn thiếu tiền hai ly cà phê đá chưa trả lần dưỡng quân kỳ trước. Bé Ba ạ, thông cảm cho lính đi em.

Hạ Sĩ Nhất Y Kron mắt bâng quơ nhìn xa xa, miệng thì thầm lời hát quê hương rừng núi. Trong đầu người lính Thượng chất phác chỉ hiện lên ý nghĩ, “Ơ tui ghét việt cộng.”

Trung Sĩ Thạch Sơn mân mê chiếc nanh heo rừng, “Tao sẽ đầu thai trở lại để chơi tiếp với tụi bay.”

Tiếng đếm của Thiếu Úy Nhảy Dù Huỳnh Văn Thái, hai mươi bốn tuổi đời, ba tuổi lính, hãnh diện đã chiến đấu tới cùng cho Tổ Quốc bằng Danh Dự và Trách Nhiệm nghe rõ mồn một “Một, hai, ba….”  Và đến tiếng thứ ba, anh rút chốt lựu đạn…!

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt