Quê hương….

Cầu Tràng Tiền bắt qua sông Hương thành phố Huế

Tôi cầm tinh con Cọp, sinh năm Mậu Dần, tại Huế, trong một ngôi làng tên Xuân Hòa thuộc huyện Hương Thủy. Dù sống ở vùng xôi đậu, tôi có một thời thơ ấu khá êm đềm, thế hệ trẻ chúng tôi được cắp sách đến trường, ngoài kiến thức khoa học, chúng tôi còn được giảng dạy về Công Dân Giáo Dục, về nguồn cội Rồng Tiên, về Lịch Sử vua Hùng dựng nước; để thành một người biết yêu thương đất nước, giống nòi.

Huế, trong ký ức tôi, vùng đất an bình với dòng Hương êm đềm, con sông chỉ hung dữ mỗi năm vào ngày mưa lũ, còn lại, thật thơ mộng với dòng nước chảy thật chậm, thật lặng lờ sâu lắng, như những tiếng “dạ thưa” ngọt lịm mê say.

Làng quê tôi, nằm ven dòng sông Như Ý, một nhánh của Hương Giang. Những ngày từ quê lên học tại Quốc Học, tôi thường đạp xe theo mấy O bên Đồng Khánh, thuở ấy, dù thương cách mấy, cũng không dám đi song đôi, mà chỉ lẽo đẽo theo sau. Tuổi thơ tôi lọt lưới tình yêu lúc nào không rõ, chỉ biết mỗi lần gặp ánh mắt nhau, tôi bỗng gần như quên thở vì:

Mắt em là một dòng sông,
Thuyền anh chết ngộp trong lòng mắt em.
(không biết thơ ai, thấy hay cuỗm đại)

Trước khi tình nguyện vào Võ Bị Đà Lạt khóa 16, tôi vào thăm người bạn thân, Nguyễn Văn Lộc, sau này anh gia nhập vào Khóa Bảo Bình Trường Hải Quân Nha Trang. Lộc sai cô em gái, tên Quyến, mà tôi thường lẽo đẽo đạp xe theo trên đường đi học, hái mấy trái đu đủ sau vườn đãi tôi, lợi dụng lúc chỉ có hai đứa, tôi thu hết can đảm, hỏi: Mai anh đi rồi, hi vọng còn dịp gặp nhau không?

Quyến cúi đầu nói nhỏ “Em không biết”.

Vậy mà năm sau, được tin cô ta vào học tại Võ Tánh, Nha Trang. Tôi xin phép gia đình được viết thư thăm hỏi. Và trong dịp du hành trước ngày mãn khóa, tôi và Lê Thanh Quang, nó cũng có người yêu ở đây, và cũng sau này thành chị Quang; hai đứa trốn trại, cùng người yêu đi dạo phố. Dịp đầu tiên, tôi có một bức hình chung với người yêu, để thay lời thề non hẹn biển. Tình yêu chúng tôi thuở đó, chân chất và chung thủy như vậy đó.

Ra trường, tôi chọn Sư Đoàn I Bộ Binh ở Huế. Lúc này chiến sự bắt đầu sôi động, hai gia đình quen thân lâu nay, dự tính ngày cưới, và bảo tôi đang ở A-Lưới, xin phép về. Vị Tiểu Đoàn Trưởng vui vẻ chấp thuận và can thiệp ngày đó sẽ xin chuyến máy bay Cesna chở thư, đưa tôi về sân bay Tây Lộc Huế. Không ngờ vì sương mù, gần trưa Cesna mới lên được, nên tôi về đến nhà thì đám rước dâu đã đi, vội thay bộ đồ trận, khoác chiếc áo đen chú rể vào, ba chân bốn cẳng chạy. May quá, nhà gái vừa chấp thuận cho cưới vắng mặt rể, thì chú rể ập vào. Sau ngày hợp hôn đúng bảy hôm, tôi lại lên A-Lưới gánh chịu những trận pháo kích, chia sẻ những hiểm nguy với đồng đội. Tôi tạm ngưng chuyện riêng tư ở đây, để chúng ta cùng quay lại tìm nguyên nhân cuộc chiến đấu mất còn, mà tôi cùng đồng đội đang gánh chịu.

Lãnh hai trái bom nguyên tử, Nhật phải đầu hàng Mỹ, dẫn đến bại trận của phe Trục (Nhật-Đức-Ý). Lợi dụng cơ hội, với sự hỗ trợ của Khối Cộng, Việt Minh đã dùng bạo lực cướp chính quyền. Vì Việt Nam, sau khi Nhật đảo chánh Pháp, ngày 11-3-1945, vua Bảo Đại đã tuyên bố độc lập, hủy bỏ mọi hiệp ước ký với Pháp. Ngày 17-4-1945, chính phủ Trần Trọng Kim trình danh sách nội các, Bảo Đại ký và ra mắt quốc dân 2 ngày sau đó.

Tướng Cộng Sản Hoàng Cầm cho biết, cuộc mít tinh 17-8-1945 do Tổng Hội Sinh Viên thân Nhật tổ chức, bị ủy ban Khởi Nghĩa thân Cộng biến thành khởi nghĩa cướp chính quyền. Họ len vào kỳ đài, kéo cờ “quẻ ly” xuống, kéo cờ đỏ sao vàng lên. Qua ngày 19-8, họ kéo đến cướp Phủ Khâm Sai. Họ không có chính danh, chỉ dùng bạo lực cướp. Trong khi, với chính phủ Trần Trọng Kim, ta đã được quốc tế thừa nhận độc lập từ thuộc địa Pháp. Ta đã có dự thảo Cải Tổ Hành Chánh do luật gia Đinh Xuân Quảng viết, biết đâu ta cũng vươn lên như nước Nhật. Nhưng khối Cộng đã hậu thuẫn cho Việt Minh, cướp chính quyền, đưa nước ta đi vào một khúc quành lịch sử đầy hận thù giữa hai phe Quốc Cộng.

Lúc này, chế độ thực dân tới thời cáo chung, Anh trao trả độc lập cho các thuộc địa, Pháp còn cố bám víu một số quyền lợi, nên mở chiến dịch tại Điện Biên, dụ đại quân Việt Minh vào đó, sẽ bất ngờ cho nhảy dù để tiêu diệt. Không ngờ Cộng Sản tương kế tựu kế, được Tàu trang bị hàng ngàn pháo binh cỡ lớn, phục quanh trên lòng chảo. Pháp nhảy dù xuống, xem như vào rọ.

Sau trận Điện Biên Phủ, để tiến đến hòa bình. Hội Nghị Quốc Tế, thực chất hai phe Việt Minh và Pháp, vì Ngoại Trưởng Trần Văn Đổ, theo lệnh Thủ Tướng Ngô Đình Diệm, không tán thành chuyện chia đôi đất nước, đã không ký. Hội Nghị nhóm họp tại Genève 1954, cắt đôi nước ta ở Vỹ Tuyến 17. Quốc Tế giám sát đình chiến buộc Việt Minh rút hết quân ra Bắc, mang theo những người tập kết. Mỹ giúp di tản hơn một triệu người di cư vào Nam. Dân miền Nam, những con người nhân hậu, có dịp chia cơm xẻ với đồng bào mình. Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Trao trả quyền tự trị cho chính phủ Bảo Đại, để đến tháng 7 năm 1956, hai Miền tổ chức tuyển cử.

Cựu hoàng Bảo Đại đang ở Pháp, giao quyền cho Ngô Đình Diệm. Ông Diệm ra lệnh toàn quốc treo cờ rũ để phản đối Hiệp Định Chia Đôi Đất Nước, đồng thời cải tổ guồng máy hành chính, chính thức dành quyền tự trị từ tay thực dân Pháp.

Nhờ đình chiến, phe Cộng, lúc này mang tên Việt Minh, đã chôn dấu vũ khí và gài lại người nằm vùng, họ tin với dân số vượt trội ở miền Bắc, nhất là hệ thống tuyên truyền, sẽ dễ dàng thắng phiếu miền Nam nếu có bầu cử.

Dự đoán sẽ không có bầu cử, Miền Bắc quyết chiếm miền Nam bằng võ lực, họ bắt đầu xây dựng một xã hội chuyên chế bằng đấu tố, cải cách ruộng đất và xây dựng quân đội hùng mạnh. Miền Nam, sau cuộc Trưng Cầu Dân Ý, đã bỏ phiếu truất phế Bảo Đại, bầu Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống. Được Mỹ Viện Trợ, ông Diệm chú tâm vào cải tổ kinh tế, lập khu trù mật, xây dựng ấp Chiến Lược, nên dân được sống yên vui một thời gian. Mãi năm 1963, Việt Cộng xuất đầu lộ diện với danh xưng “Mặt Trận Giải Phóng”, đưa quân từ Bắc vào, phối hợp với số nằm vùng, quậy phá khắp nơi.

Cuộc nội chiến giữa hai phe Quốc Cộng lại tiếp diễn, miền Bắc với chi viện của Khối Cộng, quyết nuốt chửng Miền Nam. Để ngăn chặn làn sóng đỏ, Mỹ giúp Miền Nam cải tổ kinh tế, xây dựng một xã hội phồn vinh, tự do, dân chủ. Tuy nhiên thấy Miền Nam khó đương đầu với cuồng vọng của Khối Cộng, Mỹ tìm cách đưa quân tham chiến. Ban đầu họ đưa cố vấn vào giúp, cho xây dựng ngôi Trường Võ Bị Quốc Gia, lớn nhất Đông Nam Á tại Đà Lạt, chương trình văn hóa và quân sự với thời gian đào luyện là 4 năm. Tôi may mắn được thu nhận vào Khóa 16, Khóa đầu tiên theo chương trình mới khai giảng năm 1959. Tiếc là đến năm 1963, Việt Minh thành lập Mặt Trận Giải Phóng, bắt đầu quậy phá khắp nơi. Khóa 16 chúng tôi cấp tốc được tung ra chiến trường để kịp đối phó. Một số Khóa kế cũng đành ra trường trước thời gian để đáp ứng nhu cầu chiến sự.

Mậu Thân 1968, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, và tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị đã gây thương vong lớn cho Bắc quân. Nhờ hậu phương Nga và Trung Quốc chi viện tối đa, Việt Cộng tiếp tục dùng chiến thuật biển người, như những thiêu thân xông vào lửa đạn, gây tổn thất đáng kể cho Quân Lực Cộng Hòa và Đồng Minh.

Mỹ là quốc gia tôn trọng mạng sống con người, khi thấy lính mình chết quá nhiều, phong trào phản chiến bùng nổ dữ dội khắp nơi. Không thể để sa lầy tại Đông Dương, dưới áp lực của Lưỡng Viện Quốc Hội, Mỹ tìm cách rút chân ra khỏi Việt Nam.

Lúc này, quân đội miền Bắc, được Nga Tàu yểm trợ dồi dào cả lương thực lẫn vũ khí, xẻ dọc Trường Sơn thành đường mòn Hồ Chí Minh, trùng trùng điệp điệp kéo vào, nhưng họ chối bay chối biến việc xâm nhập. Mặt chai mày đá tuyên bố đó là nhân dân miền Nam nổi dậy. Thương vong hai phe càng ngày càng tăng vọt khốc liệt.

Pháp và Mỹ, hai quốc gia tuy bằng mặt, nhưng không bằng lòng, Pháp còn hận chuyện bị Mỹ hất chân ra khỏi Đông Dương, nên tình nguyện đứng ra tổ chức việc thương thảo đình chiến. Sau những chuyến đi đêm, từ tháng 5 năm 1968, đến tháng giêng 1973. Hai tên đầu sỏ chung lãnh Nobel Hòa Bình năm đó, là Lê Đức Thọ và Kissinger, đã qua tận Bắc Kinh, đi đêm mật ước với nhau để bán đứng miền Nam. Chuyện bốn bên cùng thương thảo, chỉ là đóng kịch. Có lẻ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cảm nhận được điều đó, nên phản đối, nhưng cuối cùng đành bó tay. Quả nhiên Hiệp Định Paris chưa kịp khô mực, trong lúc Mỹ rút hết quân, cắt đứt mọi viện trợ, thì Cộng Quân mang xe tăng đại pháo, rần rộ xâm nhập đánh chiếm Miền Nam.

Dân miền Nam vốn hiền hòa, đã căm hận khi thấy Sài Gòn yêu quý đổi tên quê một cục là: Thành Phố Hồ Chí Minh. Tên nước lại lòng thòng kỳ cục hơn:Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. VC lật lọng, quịt đàn anh Trung Quốc để chào đón Liên Xô, bị Đặng Tiểu Bình cho một bài học, phá nát 6 tỉnh biên giới, hết núi liền núi, sông liền sông. Vì cùng tổn thất nặng, Tàu còn sợ người bạn Liên Sô sau lưng, nên rút về, nhưng rạn nứt Nga Tàu cũng manh nha từ đó.

Mỹ rút khỏi miền Nam, nhưng dấu ấn tự do dân chủ còn ở lại đậm nét, có người còn cho chính miền Nam đã giải phóng miền Bắc, khi họ nhận thức được, là miền Nam có cuộc sống nhân bản, tiên tiến hơn hẳn miền Bắc. Dương Thu Hương đã ngồi bệt xuống lề đường Sài Gòn để khóc khi thấy mọi người bị Cộng Sản dối gạt để cướp đi bao xương máu dân Việt một cách đau đớn. Một chế độ tàn bạo, gian trá, đã chiến thắng một chế độ nhân bản, văn minh tiến bộ.

Sau 1975, có người thấy Nhạc Sĩ Văn Vỹ, bỏ đàn cò, hành nghề xe ôm. Vì lúc này,mọi người đều sáng mắt chứ không riêng gì Văn Vỹ. Dân Miền Nam tìm dân Bắc để nhận Họ. Còn dân Bắc vào Nam để tìm “Hàng”.

Sau khi hàng triệu Quân Cán Chính miền Nam bị đày ải trong các Nhà Tù mệnh danh là Trại Cải Tạo. Nhất là vì không thể chịu nổi hà khắc của Cộng Sản, người dân làm một cuộc trốn chạy vỹ đại, có người cho là nếu các cột đèn có chân, chắc cũng bỏ đi. Hàng triệu người bỏ thây trên biển cả, đã đánh động lương tâm nhân loại. Các nước trong Thế Giới Tự Do phải can thiệp để cứu. Phước đức, Mỹ nhận ra được trách nhiệm, đã tình nguyện nhận lãnh gia đình những người một thời là chiến hữu của họ.

Người Miền Nam trước đây, sống trong xã hội khai phóng, nhân bản. Với con tim nhân ái, đã dang tay đón nhận người anh em phương Bắc, trong cuộc di cư vỹ đại năm 1954. Nay họ được Nước Mỹ cưu mang lại, họ “gieo nhân lành, nay gặt quả ngọt”. Nhưng cũng phải nói, chúng ta đã vui vẻ hòa nhập với xã hội mới, để xây dựng chốn tạm dung thành một xã hội đa văn hóa, giàu mạnh.

Đất nước Mỹ lại không phải của riêng ai, đây là một quốc gia đa chủng, đất hứa của những người có lý tưởng, yêu chuộng tự do, công bằng, bác ái. Xưa kia, các con tôi từng bị chính quyền Cách Mạng phân biệt đối xử, đã có thời cảm thấy lưu vong, phải sống tha phương ngay trên quê hương mình. Chúng từng thấy cha mẹ chúng chịu những “đòn thù” của kẻ tự cho là đỉnh cao trí tuệ, nhưng cư xử với đồng bào mình bằng “lòng hờn căm cao ngút trời” (lời ca trong bản Giải Phóng Miền Nam).

Bộ máy tuyên truyền Việt Cộng còn trưng bày Viện Bảo Tàng tội ác Mỹ Ngụy. Họ kể và trưng bày những đày ải của Thực Dân Pháp ở nhà tù Lao Bảo, ở đảo Phú Quốc v…v…, Họ quên rờ lên gáy mình, vì những nơi đang giam giữ đồng bào họ, còn kinh khủng hơn Thực Dân Pháp hay đế quốc Mỹ đã làm. Họ hèn nhát bắn chết Đại Tá Đặng Phương Thành Khóa 16, rồi vu tội trốn chạy. Họ lưu dung chị Đặng Thiên Thuần (dung không có dấu nặng), một từ cách mạng dùng bày tỏ lòng dung thứ các nhà giáo miền Nam, lúc chưa có người thay thế), vì muốn có sổ lương thực nuôi các con, chị Thuần đã nhận lưu dung, tiếp tục đứng lớp tại Trần Hưng Đạo Đà lạt. Đau đớn thay, sổ lương thực chưa kịp nhận, chị đã chết vì mệt và đói.

Họ khoe việc chiếm Miền Nam là “chiến thắng thần thánh”, Tổng Bí Thư đảng CSVN Lê Duẩn cho khắc chữ vàng bảng đỏ thật “hoành tráng” treo trước Đền Thờ:

Ta đánh Mỹ, là đánh cho Trung Quốc, cho Liên Xô.


Tố Hữu, đại công thần của Đảng, còn tự hào:

Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu.
Người vươn lên như một thiên thần.

Ông nịnh Liên Xô mà không cảm thấy thẹn với con cháu:

Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng, con gọi Sta-lin!
Hay tỏ lòng kính yêu Mao hơn cả tình dành cho cha mẹ hay vợ chồng:
Thương cha thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười.
Nhà thơ tình lãng mạn Xuân Diệu, sợ ghép tiểu tư sản, cũng sắt máu:

Thắp đuốc lên cho sáng khắp đường,
Thắp đuốc cho sáng đình làng hôm nay,
Lôi cổ bọn chúng ra đây
Bắt quỳ gục xuống, đọa đầy chết thôi!

Nhà văn Trần Đĩnh, trong Đèn Cù, đã kể:
Chu Văn Biên, bí thư đoàn ủy cải cách ruộng đất ở Nghệ Tỉnh, đã bắc ghế ngồi trên thềm cao, chỉ mặt mẹ đẻ đứng dưới sân, gằn giọng:
“Tao với mi không mẹ không con, mà chỉ là kẻ thù giai cấp của nhau. Tao có phận sự tiêu diệt mi mà mi thì sẽ nhất định chống lại.”
Bà mẹ cắn lưỡi không chết, ít lâu sau nhảy giếng tự tử. Nhờ thành tích giết mẹ đó, Chu Văn Biên được Đảng ban chức Thứ Trưởng Bộ nông nghiệp.!
Tài nịnh bợ và lời dối trá, chỉ có những kẻ da mặt dày như da trâu, mới nói mà không đỏ mặt. Cũng như sự tàn ác với chính đồng bào mình. Vượt xa bọn Phát Xít Nhật.
Tuy nhiên, dưới chế độ sắt máu man rợ đó, vẫn có những người liêm chính, đáng trọng như Phan Khôi, vẫn có những viên ngọc lẫn trong bùn nhơ, như Phùng Quán, Hữu Loan.
Phùng Quán trong Lời Mẹ dặn, đã ghi khắc:

Yêu ai cứ bảo là yêu.
Ghét ai cứ bảo là ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu.
….
Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời,
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi.
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Còn Hữu Loan. Một nhà thơ nổi tiếng, đã tốt nghiệp tú tài Pháp thời đó. Trong cải cách ruộng đất, họ chôn sống, tiêu diệt hết địa chủ, mọi người tránh xa con cái họ nếu không muốn liên lụy, thế mà Hữu Loan, đã tìm cô Phạm Thị Nhu, con gái một gia đình địa chủ. Gia đình và cha mẹ cô đã bị chôn sống, cho trâu bừa qua cho chết. Cô Nhu 17 tuổi bị đuổi khỏi nhà, ngày mót khoai sống ăn, tối chui vào miếu hoang ngủ. Hữu Loan tìm mang cô về cưới làm vợ.

Ngày nay, mạng lưới tuyên truyền cùng bưng bít sự thật, đã mất tác dụng trong thế giới chúng ta. Trận Hải Chiến hào hùng với Tàu Cộng năm 1974 để giữ đảo Trường Sa của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không còn dấu giếm được ai. Những người chung chăn với họ, như Vũ Thư Hiện, Bùi Tín, Dương Thu Hương, và sau này là Trần Đĩnh, đã cho thế giới thấy bộ mặt thật nham nhở của chế độ Cộng Sản.

Hôm nay, ngồi hồi tưởng để viết lại những chuyện xưa, với lòng thanh thản, buồn cười nhiều hơn là vướng mắc hận thù. Tôi muốn con cháu mình biết rõ tại sao chúng bỏ nước qua đây? Cha mẹ chúng có phải là kẻ từng có tội ác với dân nhân mình, như Cộng Sản nhồi nhét vào đầu óc thế hệ chúng hay không? Hay chỉ là những nạn nhân của một chủ nghĩa Cộng Sản ngoại lai, và guồng máy tuyên truyền láo khoét?

Vì không thể sống chung với chế độ phi nhân, phải đành đứt ruột rời bỏ Quê Hương bản quán sang đây. Hi vọng một ngày nào đó đất nước không còn Cộng Sản. Có thể tôi sẽ tìm về. Vì tình yêu quê hương, tình cảm dành cho nơi chôn nhau cắt rún, nơi có mồ mả cha ông, nơi có bà con quyến thuộc, đã trở thành dòng máu chảy trong huyết quản.

Nhưng các con tôi có trở về xây dựng Quê Hương hay không, thì tùy chúng. Tôi chỉ mong chúng, sau khi đọc những dòng này, có thêm hiểu biết và nhận thức, để kề vai với người bản xứ, xây dựng một xã hội đa văn hóa. Một xã hội có công bằng, có tự do, dân chủ. Chúng sẽ ngẩng cao đầu để sống trong niềm tự hào của những con người có phẩm giá, biết trọng nhân cách, biết thương yêu mọi người.

Tục ngữ ta có câu: “đất lành thì chim đậu”. Chúng sẽ có cuộc sống hạnh phúc trong quê hương mới.

Nguyễn Cửu Nhồng

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt