Quan hệ Việt – Trung nổi lên tại Quốc hội Mỹ
Ông Kritenbrink sẽ thay ông Ted Osius trong chức vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong cuộc điều trần trước thượng viện Hoa Kỳ để chuẩn nhận ông đã nêu lên những điều quan ngại liên hệ phức tạp giữa Việt-Trung.
Đề cử đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói rằng Hà Nội “duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc”, và đã phát “tín hiệu mạnh” tới Mỹ về vai trò của Washington trong vấn đề lãnh hải và Biển Đông.
Ông Kritenbrink đã ra điều trần để được chuẩn thuận trở thành đại diện ngoại giao của Hoa Kỳ ở Hà Nội trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 27/9, trong đó ông vạch ra những ưu tiên hàng đầu trong mối bang giao Việt – Mỹ.
Nhà ngoại giao kỳ cựu, từng làm Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Barack Obama, nói rằng “có rất ít quốc gia châu Á mà ở đó chúng ta thấy rõ tác động của mối liên hệ lâu dài và sáng tạo của Hoa Kỳ như tại Việt Nam”.
“Đó là điều tôi đã chứng kiến trực tiếp trong quá trình làm việc trước đây của tôi với người Việt Nam, bao gồm ba chuyến công tác chính thức tới Việt Nam, và khi tôi giám sát hoạt động đàm phán hai Bản tuyên bố chung với Việt Nam vào năm 2015 và 2016”, ông nói thêm.
Thượng nghị sĩ Edward J. Markey, một trong những người đặt câu hỏi tại buổi điều trần, nói rằng Việt Nam đã nhiều lần thách thức Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông), đồng thời đề cập tới chuyện công ty Repsol của Tây Ban Nha phải ngưng dự án thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp sau khi vấp phải phản đối của Bắc Kinh.
Ông Markey cho rằng việc Mỹ vẫn “còn do dự trong chính sách liên quan tới Biển Đông đã khiến Việt Nam cảm thấy đơn độc”, và đặt câu hỏi cho ông Kritenbrink rằng “dù Việt Nam và Hoa Kỳ không phải là đồng minh ràng buộc bởi hiệp ước, chúng ta có thể làm gì hơn nữa để trấn an Việt Nam rằng chúng ta sẽ hậu thuẫn về mặt ngoại giao trong khi Việt Nam dùng luật pháp để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.
Đề cử đại sứ Mỹ tại Việt Nam nói: “Tôi nghĩ rằng vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông cũng như hành vi của nhiều nước liên quan là quyền lợi quốc gia mang tính sống còn của Mỹ, bao gồm duy trì tự do hàng hải, quyền bay ngang qua [Biển Đông]; giải quyết hòa bình tranh chấp theo luật quốc tế; dòng chảy thương mại không bị cản trở”.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng một cách tiếp cận hiệu quả nhất của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, đó là tiếp tục giao tiếp ngoại giao với Việt Nam nhằm thúc đẩy các quyền lợi chung. Việt Nam cũng chia sẻ mối quan tâm của chúng ta để bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì các nguyên tắc mà tôi mới đề cập. Phía Việt Nam đã nhiều lần lặp lại các tuyên bố công khai cũng như một cách riêng tư. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tiếp tục củng cố khả năng của lực lượng tuần duyên của Việt Nam cũng như các lực lượng khác để Việt Nam có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của mình. Chúng ta cũng cần phải duy trì sự hiện diện và thực hiện quyền tự do hàng hải thường xuyên [ở Biển Đông] chúng ta có thể hậu thuẫn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ”.
Thượng nghị sĩ Markey hỏi ông Kritenbrink thêm về mức độ Việt Nam coi Hoa Kỳ là một đối tác có thể đối trọng với Trung Quốc, và nhà ngoại giao kỳ cựu này trả lời: “Việt Nam duy trì mối quan hệ phức tạp nhưng khá quan trọng với Trung Quốc. Cũng giống như hầu hết các nước khác trong khu vực, Việt Nam muốn đa dạng hóa và cân bằng quan hệ trong chính sách ngoại giao. Tôi nghĩ Việt Nam cùng các nước khác hướng tới vai trò lãnh đạo của Mỹ về các vấn đề lãnh hải mang tính sống còn và về đóng góp vào hòa bình và ổn định hay thúc đẩy thịnh vượng của khu vực. Tín hiệu từ những người bạn Việt Nam cũng như các đối tác có chung suy nghĩ rất mạnh”.
Đây không phải là lần đầu tiên Biển Đông được nêu lên trong cuộc điều trần chuẩn thuận chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, cũng nhắc tới tranh chấp lãnh hải này.
“Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta thấy một chuỗi các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Osius nói 3 năm trước. Nhưng năm nay, vấn đề Biển Đông dường như đã được mang ra thảo luận nhiều hơn trước.
Ngoài Biển Đông, các vấn đề khác liên quan tới Việt Nam cũng đã được đề cập như nhân quyền, thương mại, đầu tư, hậu quả của Chiến tranh Việt Nam, mối quan hệ giữa nhân dân hai nước và cả đe dọa từ Bắc Hàn trong tương quan bang giao với Việt Nam.
Ông Kritenbrink nói rằng dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Trump, phía Mỹ đã nhấn mạnh rõ ràng rằng chúng ta sẽ không đứng yên trước mối đe dọa từ Bắc Hàn, và sẽ phối hợp với các đồng minh cũng như đối tượng trong khu vực để ngăn chặn.
Nhà ngoại giao này nói tiếp: “Đặc biệt liên quan tới Việt Nam, nước này là một phần của chiến dịch gây áp lực toàn cầu của chúng ta nhằm cô lập và chặn các nguồn ngân quỹ của Bắc Hàn. Chúng ta đã có các cuộc đối thoại hết sức hiệu quả và mang tính xây dựng. Đôi bên cùng quan tâm ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Hàn. Và nếu được chuẩn thuận, tôi sẽ thúc đẩy cuộc đối thoại đó và biến nó là một trong các ưu tiên hàng đầu của tôi”.
Phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông Kritenbrink nhấn mạnh: “Với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh và dân số trẻ và năng động có quan điểm rất tích cực về Hoa Kỳ, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những đối tác mạnh nhất của chúng ta ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.