Quan hệ chiến lược Mỹ-Việt tiếp tục gặp cản lực nhân quyền

Phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel trong một cuộc họp báo, Hà Nội, 10/05/2016.

Trong vài tuần lễ gần đây, nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam đòi chính quyền trả lời về thảm họa môi trường vừa bị phát hiện ở vùng biển miền Trung, đã bị lực lượng an ninh dùng biện pháp mạnh dập tắt. Theo các nhà quan sát, các diễn biến kể trên quả là không thuận lợi chút nào cho tổng thống Mỹ Barack Obama, vốn mong muốn tranh thủ chuyến công du Việt Nam, bắt đầu từ ngày 23/05/2016, để đẩy mạnh quan hệ với một đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách châu Á mới của Mỹ.

Biểu tượng rõ nhất của bước tiến trong quan hệ chiến lược Mỹ-Việt là việc Washington giải tỏa hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, một lệnh cấm tồn tại từ hàng chục năm nay, và luôn được được Hà Nội kêu gọi dỡ bỏ.

Vấn đề là trong thời gian gần đây, chính quyền Mỹ lúc nào cũng nói rõ là việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam chỉ có thể được thực hiện nếu Hà Nội cho thấy có tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền.

Trong một bài phân tích công bố vào hôm nay, 20/05, hãng tin Anh Reuters nhận định là Việt Nam rất muốn được quyền tiếp cận công nghệ quốc phòng và thắt chặt thêm quan hệ quân sự với Mỹ để có đối trọng chống lại các hành vi bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, trực tiếp đe dọa chủ quyền Việt Nam.

Mong muốn của Việt Nam cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, được cho là muốn tìm thêm đồng minh và đối tác trong khu vực để ngăn không cho Trung Quốc áp đặt quy luật của họ trong toàn vùng. 

Trả lời hãng tin Mỹ AP, ông Marvin Ott, nguyên giảng viên tại trường Hải Chiến Mỹ, đã nêu bật tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á, đặc biệt là về mặt quân sự tại khu vực Biển Đông.

Đối với chuyên gia này, trong số các quốc gia ven Biển Đông có thể trở thành đối tác quân sự của Mỹ và không chạy theo Trung Cộng, Việt Nam là nước có năng lực nhất. Indonesia tuy lớn nhưng không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Cộng, cho dù hai bên có yêu sách biển chồng chéo trên biển; Philippines là một đồng minh của Mỹ, nhưng quân đội lại rất yếu kém; Malaysia và Brunei thì lại không sẵn sàng đối đầu với Trung Cộng.

Chuyên gia này kết luận : “Nhìn từ Lầu Năm Góc thì chỉ có một đất nước thực sự có thể là một đối tác quân sự và một nhân tố (có trọng lượng) tại vùng Biển Đông, và đó là Việt Nam“.

Thế nhưng việc Việt Nam còn thiếu tôn trọng nhân quyền, vẫn đe dọa và giam giữ những người bất đồng chính kiến, tiếp tục gây trở ngại cho việc thúc đẩy quan hệ quốc phòng và chiến lược Mỹ-Việt.

Theo hãng Reuters, ông Daniel Kritenbrink, một cố vấn hàng đầu về châu Á của tổng thống Obama, hôm 18/05 vừa qua đã tuyên bố công khai với báo chí rằng “nhân quyền sẽ là một yếu tố quan trọng trong bất cứ quyết định nào liên quan đến việc bán hay không bán vũ khí”.

Quan chức Mỹ này xác nhận là nhân chuyến thăm Việt Nam, tổng thống Mỹ sẽ không né tránh vấn đề và sẽ tiếp xúc với một số nhà ly khai, cũng như nêu bật hồ sơ nhân quyền, cả một cách công khai lẫn trong những cuộc tiếp xúc riêng.

Theo RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt