Quân đội Mỹ dự định cất trữ thiết bị ở Việt Nam, Campuchia
Lục quân Mỹ có kế hoạch cất trữ thiết bị ở Việt Nam, Campuchia và một số nước khác không được nêu tên ở vùng Thái Bình Dương, nhằm giúp các lực lượng Mỹ khai triển nhanh chóng hơn vì các thiết bị và tiếp liệu đã có sẵn tại chỗ. Động thái mới này sẽ nằm ngay trong những nơi mà Trung Cộng cho khu vực họ có ảnh hưởng.
Một số trang tin Mỹ hôm 16/3 trích lời Chỉ huy Bộ tư lệnh Hậu cần Lục quân, Tướng Dennis Via, nói tại một hội nghị của Hiệp hội Lục quân Mỹ ở Hunsville, bang Alabama, rằng các thiết bị được cất trữ sẽ để phục vụ các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
“Trên toàn vùng vành đai Thái Bình Dương, đó sẽ là các thiết bị thuộc loại phục vụ trợ giúp nhân đạo-cứu trợ thiên tai, để khi có bão hoặc các thiên tai, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Lục quân có thể ứng phó nhanh chóng”, Tướng Via cho hay. Ông nói Mỹ đang cân nhắc đặt một bệnh viện hỗ trợ dã chiến tại Campuchia.
Tuy không phải là các thiết bị phục vụ chiến đấu, song động thái khai triển hàng tiếp liệu và thiết bị kể trên trong khu vực – nhất là ở một nước như Việt Nam – sẽ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ về mối quan tâm và cam kết của Mỹ với vùng Biển Đông, nơi có tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Việt Nam với Trung Cộng, bên cạnh các bên khác như Philippines, Brunei và Đài Loan.
Quyết định của Mỹ về khai triển thiết bị ở khu vực được đưa ra vào lúc Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh sự lấn át của họ ở Biển Đông. Trung Cộng đã tôn tạo đảo, xây đường băng và lắp đặt radar, hỏa tiễn ở vùng biển, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng.
Việc khai triển sẽ báo hiệu với Trung Cộng rằng việc họ tiếp tục quân sự hóa ở Biển Đông, nơi nhiều tuyến hàng hải quốc tế quan trọng đi qua, sẽ gặp phải sự chống đối ngày càng tăng của cả Mỹ lẫn các nước láng giềng. Khi các nước lân cận với Trung Cộng lo lắng về hành xử hung hăng của nước này, việc họ chấp nhận Mỹ cất trữ thiết bị là một cách gửi đi tín hiệu chính trị.
Sự hiện diện các thiết bị của lục quân Mỹ ở Việt Nam sẽ có ý nghĩa đặc biệt. Mỹ đã thất bại và rút khỏi Việt Nam cách đây 42 năm, nhưng Việt Nam sau đó đã có chiến tranh trên bộ và một số đụng độ trên biển với Trung Cộng.
Tướng Via cho hay các thiết bị sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương, có thể bao gồm cả các tàu thuyền để ứng phó với đặc điểm hậu cần của vùng Thái Bình Dương. Đó phần lớn sẽ là thiết bị “nhẹ”, ông Via nói.
Việc khai triển các thiết bị như vậy sẽ hình thành cơ sơ cho các đợt khai triển luân phiên binh sỹ tạm thời trên toàn khu vực.
Theo Business Insider, Breaking Defense.