Quan điểm của các ứng cử viên TT Hoa Kỳ về châu Á…
Lời bạt: Có lẽ, mỗi một ai trong người Việt tị nạn chúng ta khi nhìn về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ sắp tới đều mong có một tổng thống Hoa Kỳ đủ khả năng, mưu lược và can đảm để chống lại Trung Cộng (TC) xâm lược tại Biển Đông, nhất là giúp cho Việt Nam sớm giải thể chế độc độc tài Cộng Sản, thiết lập một thể chế tự do dân chủ.
Nhìn chung, tám năm qua, chính sách của đảng Dân Chủ chủ trương “Xoay Trục Châu Á” nhưng TT Barack Obama còn “rụt rè” chưa đủ cương quyết và mưu lược để đối phó với âm mưu thâm độc xâm chiếm Biển Đông của TC, đến nay TC đã dựng “Vạn Lý Trường Thành trên Biển Đông” đặt quốc tế trước “sự việc đã rồi.” Nếu bãi cạn Scarborough rơi vào tay TC, thì toàn bộ Biển Đông do TC kiểm soát, cả đường biển lẫn đường hàng không, sự việc TC đặt vùng “nhận dạng phòng không” chỉ là thời gian.
Bà Hillary Clinton lên làm Tổng Thống sẽ tiếp tục đường lối ngoại giao của TT Barack Obama…Mặc dù cách ứng xử nhu cương như thế nào thì còn tùy ở mức độ gan dạ và cương quyết của mỗi cá thể, chuyện tương lai chúng ta khó đoán trước được…Nhưng nhiều người lo ngại rằng, The Clinton Foundation mà người đứng ra thành lập là cựu TT Bill Clinton, con gái Chelsea Clinton và Ben Afflect có nguồn tài chánh từ China? điều này do dư luận trước đây đồn thổi, nhưng không nghe ông Tump nhắc đến trong cuộc tranh luận hôm 26/09 vừa rồi. Nếu quả tin đồn đúng, thì liệu những nguồn tài chánh đó sẽ ảnh hưởng đến vấn đề chống TC của bà TT đắc cử Hillary Clinton hay không?
Hơn thế nữa, đảng Dân Chủ nắm quyền với ngoại trưởng John Kerry trước đây thiên tả, phản chiến tranh Việt Nam, nên đã không làm cho tình hình tự do, nhân quyền Việt Nam khá hơn, trái lại càng ngày càng thắt chặt sự thân thiện với Cộng Sản Hà Nội, mà cao điểm nhất là chuyến đi của Nguyễn Phú Trọng đến Washington DC tháng 7/2016, TT Barack Obama đã tuyên bố sẽ “tôn trọng thể chế chính trị [độc tài] CSVN”. Nếu bà Clinton thắng cử thì John Kerry còn giữ chức Ngoại Trưởng Mỹ hay sẽ thay thề người khác, và người đó có lập trường khác John Kerry hay không ?
Nhiều người luận rằng, Hoa Kỳ không thể nặng tay với CSVN hiện nay, như thế sẽ đẩy CSVN thành chư hầu TC thắm thiết hơn, khó gỡ. Như thế thì căn cứ Cam Ranh và sân sau của TC hoàn toàn rơi vào tay quân Tàu. Buộc Mỹ phải dùng thủ thuật mắt nhắm, mắt mở, bỏ cấm vận vũ khí sát thương, tăng tốc giao thương để ảnh hưởng kinh tế v.v…. từng bước biến thù thành bạn, từ bạn thành “đối tác” rồi đi đến “đối tác toàn diện chiến lược”, từng bước đưa CSVN vào quỷ đạo của Mỹ.
Về phía ông Trump, không nhắc gì tới tình hình Biển Đông mà chỉ nói đến đối đầu với TC như đánh thuế nhập khẩu cao 45%, chận đứng TC thao túng tiền tệ, ông hô hào sẽ đánh bại TC, nhưng không nói rõ đánh bằng cách nào. Với ông Trump, một người tuyên bố lung tung, nhưng gần đây ông đã phần nào chịu nép mình vào kỷ luật tranh cử của đảng Cộng Hòa, ít ăn nói bậy bạ. Nhiều người coi Trump không có kinh nghiệm chính trị, là một “bussiness man” nên luôn ghĩ đến lợi nhuận gia đình, tiền hậu bất nhất.
Cả hai bà Hillary Clinton và Donald Trump đều là những người có thành tích và khả năng “tuyên truyền kiếm phiếu” – nói nôn na là lời nói không đi đôi với việc làm, hay cho là thiếu thành thật….Nhưng lịch sử có mấy tổng thống Mỹ, kể cả nhiều nước Tây Phương khác, khi đắc cử sẽ thực hiện trọn vẹn những điều hứa hẹn của mình, thậm chí có người còn làm trái lại…. Phải chăng lời hứa hẹn khi tranh cử chỉ là một khái niệm định hướng để mua phiếu, muốn tiến đến mục đích còn nhiều chông gai thử thách, mà 4 năm không cho phép họ thực hiện ?!
Lợi điểm của ông Trump kỳ này là người Mỹ đã chán ngán với đảng Dân Chủ đã kéo dài 8 năm, thông thường tâm lý của người Mỹ là muốn thay đổi, đó chính là khẩu hiệu mà TT Barack Obama đã đánh bại TNS John McCain trong nhiệm kỳ 2008-2012 là “Yes, We can change (Vâng, Chúng ta có thể thay đổi)” vì đảng Cộng Hòa đã nắm quyền 8 năm rồi. Nay bà Clinton không dám lập lại vì sẽ có lợi cho ứng cử viên đảng Cộng Hòa Trump, chắc chắn ông sẽ hô lên “We need change” vì chính sách của đảng Dân Chủ 8 năm qua làm cho nước Mỹ trì trệ.
Là người Việt tị nạn Cộng Sản, mong sự giúp đỡ của thế giới, nhất là siêu cường Hoa kỳ làm sao cho dân tộc Việt Nam sớm giải thể chế độ độc tài CSVN, thực hiện thể chế tự do dân chủ và chống TC xâm lược. Chúng tôi không vận động cho một ứng cử viên nào mà chỉ đưa ra những sự kiện để người Mỹ gốc Việt chọn lựa lá phiếu của mình phù hợp với nguyện vọng cá nhân trong ngày 08 tháng 11 tới đây.
Dưới đây là những sự kiện, những tuyên bố, những việc đã làm, những hứa hẹn của hai ứng cử viên Tổng Thống Hillary Clinton và Donald Trump về châu Á, (phần này trích từ VOA). Phần tranh luận (debate) về chính sách ngoại giao sẽ là ngày 09/10 hoặc ngày 19/10 tới.
“Trích VOA
I) Quan điểm của ông Donald Trump về châu Á:
Khi đánh giá thời kỳ còn làm Ngoại trưởng Mỹ cũng như các tuyên bố lúc vận động tranh cử, bà Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi phần lớn chính sách của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, ông Donald Trump đã đưa ra một loạt các bình luận cho thấy ông sẽ thay đổi đáng kể chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực. Dưới đây là quan điểm của ông đối với châu Á, nều ông được đắc cử:
Bắc Hàn
Ông Trump từng gọi lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un là “kẻ điên”, “gã khùng” hay “kẻ điên rồ”, nhưng nói rằng ông Kim có “một lợi thế gì đó” và “xứng đáng được công nhận” vì đã bảo vệ quyền lực, sau khi cha qua đời.
- Để ngỏ khả năng đàm phán trực tiếp với ông Kim, và thậm chí còn đề nghị tổ chức đối thoại tại Hoa Kỳ. Ông Trump nói hồi tháng Sáu về khả năng gặp ông Kim.
- Gợi ý rằng ông sẽ dùng Trung Cộng ám sát ông Kim. “Tôi sẽ dùng Trung Cộng để làm cho gã đó nhanh chóng biến mất,” ông Trump nói với đài truyền hình CBS.
- Sẽ gây áp lực lớn hơn đối với Trung Cộng để buộc Bắc Hàn phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân của nước này.
- Truyền thông nhà nước Bắc Hàn ca ngợi ông Trump là một “chính trị gia khôn ngoan”, và đưa tin một cách tích cực về việc ông đe dọa đưa các binh sĩ Mỹ khỏi bán đảo Nam Triều Tiên.
Nam Hàn
Ông Trump dọa sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Nam Hàn, trừ phi chính quyền Seoul “trả cho chúng ta [Mỹ] một khoản rất lớn”.
“Nam Hàn trả cho Hoa Kỳ bao nhiêu để bảo vệ nước này trước Bắc Hàn???? Không một xu!” (Donal Trump’s Twitter)
- Liên tiếp phát biểu thiếu chính xác rằng Seoul không trả cho Mỹ một xu nào để bảo vệ nước này trước Bắc Hàn
- Nói rằng Hoa Kỳ “không nhận được gì” từ việc khai triển 28 nghìn binh sĩ ở Hàn Quốc
- Gợi ý rằng Hàn Quốc sẽ thịnh vượng hơn với vũ khí hạt nhân.
- Phản đối thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ với Hàn Quốc ký năm 2012, coi đó là hiệp định “tước đoạt công ăn việc làm” [của người Mỹ] và “đáng hổ thẹn”.
Nhật Bản
- Gợi ý rằng Mỹ sẽ lưỡng lự can dự vào một cuộc chiến giữa Nhật và Bắc Hàn.
- Ông Trump nói hồi tháng Ba rằng Nhật Bản “có thể thịnh vượng hơn” nếu nước này có vũ khí hạt nhân để tự vệ.
- Từng đe dọa sẽ rút binh sĩ Mỹ khỏi Nhật Bản, trừ phi Tokyo trả thêm cho triển khai quân đội Hoa kỳ ở đó.
- Gọi hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Nhật là một chiều. Ông Trump nói hồi tháng Tám: “Nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không phải làm gì cả. Họ có thể ngồi nhà và xem TV của hãng Sony”.
Trung Cộng
“Khái niệm hâm nóng toàn cầu được tạo ra bởi và cho người Trung Hoa nhằm khiến việc sản xuất ở Hoa Kỳ không thể cạnh tranh được”. (https://twitter.com/realDonaldTrump)
- Ông Trump cam kết sẽ áp thuế 45% đối với hàng xuất khẩu của Trung Cộng sang Mỹ
- Sẽ coi Trung Cộng là quốc gia thao túng tiền tệ
- Phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, được coi là nhằm cô lập Trung Cộng
- Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần lặp lại rằng Hoa Kỳ sẽ “đánh bại Trung Cộng”.
Philippines
Liệt Philippines vào danh sách “các quốc gia khủng bố” mà người tị nạn và dân nhập cư không thể được cho phép vào Mỹ. Điều đó đã khiến một số nhà lập pháp Philippines đề xuất cấm ông Trump nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này.
II) Quan điểm của bà Hillary Clinton về Châu Á:
Trung Cộng
Khi còn là đệ nhất phu nhân năm 1995, tôi đã có bài phát biểu mạnh mẽ về nhân quyền, với tuyên bố: “Các quyền của phụ nữ cũng là nhân quyền.” – Hillary Clinton
- Nhất quán nêu quan điểm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
- Từng ủng hộ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng sau đó thay đổi quan điểm, nói rằng nó không đáp ứng các tiêu chuẩn của bà.
- Từng là khuôn mặt đại diện cho chính sách “Xoay Trục Quân Sự và Kinh Tế sang châu Á”, vốn được coi để đáp lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Nhật Bản
“Năm 2009, bà Clinton chọn thăm Nhật Bản trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ” – Hillary Clinton
- Trong chuyến thăm 2013, gọi liên minh giữa Mỹ và Nhật Bản là “nền tảng của mối quan hệ với khu vực.”
Bắc Hàn
Bà Clinton từng nỗ lực để Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Bắc Hàn sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân thứ hai năm 2009.
- Giúp hoạch định chính sách buộc Bình Nhưỡng phải cam kết phi hạt nhân hóa trước khi trở lại bàn đàm phán hạt nhân sáu bên.
- Trong thời kỳ bà Clinton làm Ngoại trưởng Mỹ, Bắc Hàn đã đạt các tiến bộ đáng kể về hạt nhân và hỏa tiễn.
Nam Hàn:
Trong chiến dịch vận động để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 2008, bà Clinton phản đối hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Mỹ, nói rằng nó “bất công”. Nhưng khi trở thành Ngoại trưởng Mỹ, bà lại ủng hộ thỏa thuận này, coi nó “hết sức có lợi cho Hoa Kỳ.”
Miến Điện
Bà Clinton thường đề cập tới việc Miến Điện cởi mở hơn là một trong những thành công ngoại giao chính của bà.
- Năm 2011, bà Clinton trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Miến Điện kể từ khi chính quyền độc tài quân sự lên nắm quyền năm 1962.
Phillipines:
Trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ, bà Clinton giúp hoạch định việc phát triển đáng kể mối quan hệ quân sự giữa Washington và quốc gia từng là thuộc địa của mình.
- Năm 2011, bà từng gọi biển Đông là “Biển Tây Philippines” theo cách Manila thường sử dụng khi nói về vùng biển tranh chấp.
- Ủng hộ quyết định của Philippines, đưa tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế.
Việt Nam
Bà Clinton đã nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, dù từng giúp củng cố mối quan hệ quân sự và kinh tế giữa Mỹ và chính quyền cộng sản ở Hà Nội.
- Tại một diễn đàn khu vực ASEAN ở Việt Nam năm 2010, bà Clinton công khai thách thức Trung Quốc, cảnh báo việc “cưỡng ép” để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông.
- Phu quân của bà Clinton, cựu Tổng thống Bill Clinton, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, giúp ông thu phục được nhiều người bạn ở quốc gia Đông Nam Á này.
hết trích VOA”
Đối với Việt Nam, người Việt có nhiều thắc mắc, từ chính quyền Bill Clinton, đến George Bush, đến Barack Obama đều chủ trương tiếp cận với CSVN, từ chổ bỏ cấm vận kinh tế đến cấm vận bán vũ khí sát thương nhằm biến thù thành bạn, từ bạn đến “đối tác” và hôm nay là “Đối Tác Toàn Diện” (chưa phải Đối Tác Toàn Diện Chiến Lược – những danh từ ngoại giao này CSVN đặt ra sau này rất mập mờ khó hiểu, tuy nhiên muốn theo dõi vấn đề chính trị quốc tế liên quan đến Việt Nam, chúng ta cũng nên tìm hiểu những thuật ngữ ngoại giao đó nghĩa gì?) Sự tiếp cận của các chính quyền Hoa Kỳ với nhà nước độc tài CSVN với mục đích gì tương lai sẽ trả lời. Ngay trước mắt họ rất cần nhà cầm quyền CSVN nằm trong quỷ đạo của họ nhằm sử dụng vị thế chiến lược tại Đông Nam Á, nhất là cảng Cam Ranh nhằm bảo vệ Biển Đông cũng là để bảo vệ quyền lợi của Mỹ tại Châu Á Thái Bình Dương trong thề kỷ thứ 21.
Lê Hoành Sơn
Theo tài liệu báo chí quốc tế và VOA