Quốc Hội Hoa Kỳ vinh danh Đức Dat Lai Lat Ma
Hoa Thịnh Đốn (17-10-07):
Cho dù có sự phản đối dữ dội từ phía Trung Cộng, Quốc Hội Hoa Kỳ ngày hôm nay đã trao huy chương dân sự cao quý nhất của mình cho Đức Đạt Lai Lạt Ma- vị lãnh tụ tinh thần phải sống lưu vong của Tây Tạng mà Bắc Kinh đã coi đây như là một tiếng nói gây rối đòi chia cắt lãnh thổ.
Trong bộ y màu rượu chát lẫn màu vàng, Tenzin Gyatso – thế danh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã tươi cười và chắp tay cúi mình khi TT. Bush và các vị Dân Biểu, TNS Quốc Hội cùng đứng dậy vỗ tay khi ngài nhận tấm huy chương vàng. Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã ca ngợi ngài như là vị anh hùng của nhân dân Tây Tạng. Còn TT. Bush gọi ngài là “con người của chân thật và hòa bình”.
Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma lại cảm thấy “hơi tiếc” trước sự chỉ trích gay gắt của Trung Cộng trước chuyến viếng thăm và trao tặng huy chương cho ngài.
Bằng giọng nói dịu dàng và hòa giải, ngài ca ngợi Trung Cộng về sự phát triển kinh tế năng động, ghi nhận vai trò nổi bật của Trung Cộng trên chính trường quốc tế, nhưng ngài cũng nhẹ nhàng yêu cầu họ phải tôn trọng “sự trong sáng, thượng tôn luật pháp và tự do thông tin.”
Vị lãnh tụ tinh thần 72 tuổi này thỉnh thỏang gặp phải khó khăn khi đọc bài diễn văn viết bằng tiếng Tây Tạng và được dịch qua Anh Ngữ. Ngài minh định “ Tôi không đòi hỏi độc lập” tức là sự chia cắt lãnh thổ mà Trung Cộng cực lực phản đối. Ngài nhấn mạnh thêm, ngài không dùng những thỏa thuận trong tương lai với Trung Cộng như là “ phương tiện đề đòi độc lập cho Tây Tạng”. Điều mà Đức Đạt Lai Lạt Ma mong mỏi là “ một sự tự trị có ý nghĩa cho Tây Tạng”.
Sau diễn văn của TT. Bush và của những vị lãnh đạo quốc hội thuộc lưỡng đảng cũng như của Ô. Elie Wiesel – người sống sót trong cuộc thảm sát Do Thái (Holocaust)- là người được giải thưởng Nobel Hòa Bình cũng như đã từng nhận Huy Chương Vàng của Quốc Hội Hoa Kỳ, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiến lên nhận tấm Huy Chương Vàng giữa sự vỗ tay vang dội của mọi người trong đó có những cảm tình viên người Tây Tạng, đạo diễn điện ảnh Martin Scorsese và tài tử Richard Gere.
Nhưng trứơc đó, các viên chức Trung Cộng đã đưa những lời chỉ trích cay độc. Người đứng đầu tôn giáo vụ của Trung Cộng đã gọi đây là một vở “hài kịch” mà Hoa Kỳ dàn dựng để vinh danh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Theo hãng thông tấn Reuter, Ye Xiaowen – Giám Đốc Tôn Giáo Vụ của Trung Cộng đã gọi Đức Đạt Lai Lạt Ma là “ nhân vật chính trong vở hài kịch”. Còn những viên chức khác thì cảnh cáo rằng việc trao huy chương vàng cho Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ gây tác động nghiêm trọng trong quan hệ ngoai giao Hoa-Mỹ.
Nhưng khi được hỏi về hậu quả của việc vinh danh này, TT. Bush trong buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc sáng nay lại tỏ ra không lo lắng. Ô. Bush nói rằng “Tôi không nghĩ rằng sẽ có thiệt hại trong mối bang giao khi vị tổng thống Hoa Kỳ nói về sự khoan dung tôn giáo và tự do tôn giáo là điều tốt lành cho một quốc gia. Mỗi lần gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tôi thường nói như vậy.”
TT. Bush và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp nhau ba lần trước đây. Nhưng trước sự phẫn nộ của Trung Cộng, cuộc gặp gỡ vào ngày Thứ Ba đã được tổ chức khiêm tốn, sự tiếp kiến không tại Văn Phòng Bầu Dục (nơi làm việc của tổng thống Hoa Kỳ) mà là nơi cư ngụ của tổng thống, không có nghi thức chụp hình. Các viên chức Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng đây là cuộc gặp gỡ với vị lãnh tụ tôn giáo, không phải với vị lãnh tụ chính trị. TT. Buh nhắc nhở các phóng viên là ông đã thông báo cho Hồ Cẩm Đào khi ông gặp Hồ Cẩm Đào tại Sydney trước đây. Và hôm nay, tại trụ sở quốc hội, TT. Bush đã thúc giục Trung Cộng cũng gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma như ông đã làm. TT. Bush nói tiếp “Họ (Trung Cộng) sẽ thấy đây là một người rất tốt cho hòa bình và cho tiến trình hòa giải.”
Sự phản đối thấy rõ của Trung Cộng là sự rút lui của Hoa Lục ra khỏi cuộc họp trong tháng này, nơi các cường quốc bàn thảo về vấn đề Iran. Hoa Lục cũng hủy bỏ cuộc đối thọai về nhân quyền với Đức do bất bình về chuyện Nữ Thủ Tướng Angela Merkel tiếp kiến Đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng trước.
Trong số các vị phát biểu ngày hôm nay, Bà Ilena Ros-Lehtinen, dân biểu vai vế trong Đảng Cộng Hòa của Tiểu Bang Florida, thành viên của Ủy Ban Ngọai Giao Hạ Viện, đã cực lực đả kích nhà cầm quyền Trung Cộng. Bà nói rằng “ nhân dân Tây Tạng tiếp tục bị thống khổ dưới bàn tay sắt của các nhà cai trị Bắc Kinh. Và nhân dân Tây Tạng biết rằng sự thật và công lý sẽ thắng sự quỷ quyệt và đàn áp.”
Còn Dân Biểu Tom Lantos của Tiểu Bang California – Chủ Tịch Ủy Ban Ngọai Giao Hạ Viện phủ nhận cáo buộc của Trung Cộng cho rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma là một người đòi chia cắt lãnh thổ. Ông đưa ra lời thách đố Trung Cộng “ Hãy để cho vị sứ giả của hòa bình này viếng thăm Bắc Kinh”
Cuộc viếng thăm 30 phút của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Tòa Bạch Ốc hòan tòan đựơc giữ kín. Bà Dana Perino – phát ngôn viên Tòan Bạch Ốc nói với các phóng viên rằng “ Chúng tôi không có ý lấy que quậy vào nước và làm cho họ có cảm tưởng là chúng tôi lấy gậy chọc vào mắt họ. Chúng tôi hiểu họ có cảm xúc mạnh trước vấn đề như thế này.”
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc nói rằng hai vị đã thảo luận về tình hình Tây Tạng, Miến Điện là nơi mà chính quyền có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với Hoa Lục và mới vừa đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Hoa Kỳ đã yêu cầu Hoa Lục thúc giục tập đòan quân phiệt Miến Điện phải nới tay.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phải sống lưu vong tại Ấn Độ sau khi Hồng Quân Trung Hoa đàn áp cuộc nổi dậy tại quê hương ngài năm 1959. Nhân dân Tây Tạng đã coi ngài như vị lãnh tụ tinh thần. Ngài đã liên tục nỗ lực nhưng không thành công để được đi Trung Cộng hầu mưu tìm thêm tự do tôn giáo, tự do phát triển văn hóa cho dân tộc ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma đọat giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1989.