Putin và Nga sang năm 2015

Một giờ sáng ngày 18 tháng 12/2014 ngân hàng trung ương Nga thông báo quyết định tăng lãi xuất từ 10.5% lên 17%. Quyết định này xẩy ra sau khi đồng tiền Nga rouble mất giá hơn 10% trong một ngày, xuống tới mức 64 đồng ăn một đô la, tức là mất giá một nửa so với hồi đầu năm 2014.  Người ta biết rằng sự mất giá này là hậu quả của vụ Nga can thiệp vào Ukraine, vì Nga ủng hộ quân ly khai chống chính phủ Kiev được sự hỗ trợ của Mỹ và khối NATO.  Sự trả đũa trừng phạt của Mỹ và Âu châu, bắt đầu là các biện pháp chế tài kinh tế tài chính đã không có bao nhiêu hiệu lực, vừa vì sự phản đối của các đại công ty tài phiệt đa quốc Âu Mỹ liên hệ làm ăn lớn với Nga, vừa vì sự không thống nhất chính trị giữa Mỹ và các nước Âu châu . Mới đây, một trả đũa thứ hai có hiệu quả nhanh chóng hơn, là sự đánh sụt giá dầu hỏa. Giải thích chính thức thì là vì số dầu hoả sản xuất quá nhiều, do số dầu mới lấy được từ đất và đá bằng phương pháp fracking của Mỹ. Thực sự là phương pháp fracking này rất tốn kém so với phương pháp hút dầu từ các mỏ dầu và khí đốt đang khai thác, và vì thế chưa được sử dụng rộng rãi đến mức độ làm cho dầu sản xuất thặng dư to lớn.  Sự giảm giá dầu này là đánh vào một phần quan trọng của tổng sản lượng quốc gia của Nga, mà 1/3 hay hơn là từ lợi tức bán dầu và khí đốt. 

Tính cách chính trị quyết liệt được thấy trong sự giảm giá dầu với hai sự kiện: một là giá dầu xuống thấp nhanh chóng một cách vô lý, giá chỉ còn một nửa (nghĩa là 60 đô la một thùng, so với giá trước đây là khoảng 120 đô la), hai là quyết định của các nước sản xuất dầu hoả OPEC bác bỏ đề nghị của Nga giảm mức độ hút đầu, để giữ giá dầu.  Nhân tiện thì nhắc lại ở đây rằng là người ta biết đa số các nước sản xuất dầu hoả nói chung là nằm trong vòng điều khiển của Mỹ với Âu châu. 

Sự sút giảm quan trọng và nhanh chóng tổng sản lượng quốc gia vì sụt giá dầu này đã đặt Nga trước những khó khăn kinh tế tài chính to lớn, có tác dụng lên đời sống quần chúng, và dĩ nhiên là gây những phản ứng quần chúng đối với lãnh đạo Nga nói chung, và Putin nói riêng.

Việc tăng lãi xuất ngân hàng đột ngột và to lớn có hệ quả trước mắt là giảm vay nợ để tiêu sài và đầu tư. Nghĩa là làm giảm tốc độ vận hành kinh tế. Nói nôm na là hết tiền thì ngừng ăn ngừng tiêu.  Biện pháp này không đến nỗi gây nhiều phản ứng đối với những người dân chưa bị biến hoàn toàn thành cái máy tiêu thụ ở các xã hội tư bản lâu đời Âu Mỹ.  Nó khác với tình hình ở Mỹ, mà lãi xuất ngân hàng trung ương là ở số không, để khuyến khích vay mượn để ăn tiêu và buôn bán, tránh cho tốc độ vòng xoay kinh tế tiêu thụ chậm đến mức độ sụp đổ.  Ở Nga thì chưa biết ra sao. Putin đã tìm cách chặn các hệ quả tiêu cực của chiến lược tấn công kinh tế tài chánh này bằng cách động viên tinh thần ái quốc và tự hào dân tộc của dân Nga, trong một buổi trình bầy tình hình đất nước cuối năm, kéo dài 3 tiếng đồng hồ. 

Trong buổi này, Putin đã nói rằng Mỹ và Tây phương muốn tìm cách biến Nga thành ra bị chia cắt như Nam tư, muốn bẻ răng bẻ móng con gấu Nga,  và nhận rằng Nga lâm vào trong tình trạng kinh tế tài chính khó khăn vì đã không chú trọng  đến tính chất kinh tế đa phương đa diện. (Hiểu ngầm rằng Nga đã chỉ chủ yếu dựa vào nguồn dầu hoả và khí đốt to lớn của mình). Khó khăn này sẽ được giải quyết trong vòng hai năm, và kinh tế tài chính Nga sẽ phát triển đa diện để đối phó với các khó khăn xẩy ra trong từng lãnh vực trong tương lai. 

Dân Nga có tin lời hứa hẹn này của Putin hay không, các nhà bình luận Âu Mỹ đã không dám quyết đoán. Điều này không những tùy thuộc ở tình trạng đời sống khó khăn do kinh tế suy thoái mà còn do dân Nga nghĩ sao về những điều Putin kết tội Mỹ với Tây phương, là tìm cách bành trướng sang địa bàn của Nga và giữ cho Nga ở thế yếu. Dân Nga, cho tới khi Putin trình bầy tình hình cuối năm vừa rồi, vẫn ủng hộ Putin ở tỷ số 80%, theo như các bản tin thế giới.  Buổi họp cuối năm với 1,000 người đủ các thành phần thân hào nhân sĩ đã nhiệt liệt hoan nghênh những luận cứ yêu nước của Putin. Tuy vậy, nhưng các bình luận gia Âu Mỹ, có lẽ dựa trên tâm lý quần chúng tiêu thụ Âu Mỹ, đã cho rằng Putin về lâu về dài, sẽ bị dân chúng phản đối khi mà đời sống khó khăn vì kinh tế suy thoái. Trước mắt, là Gazprom, hãng dầu hoả và khí đốt lớn nhất của Nga với trên nửa triệu công nhân đã cho biết sẽ phải cho nghĩ việc một phần tư nhân viên. Putin sẽ phải đối đầu với khó khăn này. 

Có một điều cần để ý là trong vụ giải quyết kinh tế tài chính do giá dầu sụt thấp gây ra, thì không phải chi có những yếu tố nội tại của Nga, như vừa phác đưa ra,  mà còn có những yếu tố từ ngoài. Là Mỹ, Âu châu và các nước sản xuất dầu hoả có thể giữ giá dầu hoả tiếp tục thấp như vậy trong bao lâu.  Bởi vì giá dầu thấp thì những đại công ty dầu Âu Mỹ và các nước sản xuất dầu hoả ngoài Nga cũng bị giảm lợi tức. Cho nên giá dầu sẽ không thấp kéo dài vô hạn định. Nói khác đi thì cuộc chiến tranh dầu hoả này, là một cuộc đo tiền và vốn giữa hai khối đại gia xem bên nào có sức chịu đựng lâu. Cũng phải nói thêm rằng trong cuộc đọ sức này thì TC đứng ngoài quan sát. Và Tập Cận Bình đã giúp cho Putin một chiêu đầu bằng hiệp ước dầu hoả và khí đốt với Nga 400 tỉ đô la. Thế chân vạc ngày nay giữa Nga, Mỹ và Tầu thì như đã nói, Tập Cận Bình đóng vai trung tâm, vì Mỹ không còn ở tư thế chủ động như thời Nixon, tuy vẫn là  đại cường nguyên tử và là nước tiêu thụ chính, nghĩã là vẫn còn khả năng tạo áp lực đáng kể vào các trung tâm kinh tế phục vụ nền kinh tế tiêu thụ toàn cầu hiện tại, mà Tầu là một tác nhân quan trọng. 

Ngoài ra thì còn có bình luận cho rằng năm 2015 là năm sẽ reo hồi chuông báo tử chế độ Putin vì sự chống đối của người Hồi giáo, với những phản ứng từ các nước cộng hoà Hồi giáo, tương tự như Chechen thập niên 90 mà Putin đã trấn áp.  Tiên đoán này còn nói rằng sẽ thành lập một nhà nước Hồi giáo vùng núi Caucase, tương tự như nhà nước Hồi giáo ISIS ở Iraq và Syria.  Có thể là có những toan tính như thế. Nhưng điều chắc chắn là Nga không phải là Iraq hay Syria. 

BS Trần Xuân Ninh

Ngày 20 tháng 12/2014

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt