Putin sẽ không dừng lại ở Crimea

Xin phép Paris Match và ký giả Michel Peyrard được thoát dịch bài phỏng vấn cựu Tổng Thống Georgia Mikhail Saakachvili đăng trong số PM 3382 ngày 13-3-2014, hầu giúp người Việt tị nạn chính trị thấu hiểu thêm ác mộng của cộng sản mà suy ngẫm.

Cựu TT Georgia: Mikhail Saakashvili

Cựu Tổng Thống xứ Georgia bị Nga xâm chiếm năm 2008, cảnh giác Liên Hiệp Âu châu (LHÂC): nếu lần nầy LHÂC không phản ứng, sẽ tới phiên các xứ Baltiques… và các xứ khác nữa. “Putin sẽ không dừng lại ở Crimea “

Làm sao đối xử với Putin? Làm sao đương đầu với chiến lược của Putin cùng lúc bảo vệ toàn vẹn quyền lợi LHÂC? Từ khi Nga xâm lăng Georgia cách nay 5 năm rưởi, tây phương cố tìm, nhưng chưa được giải đáp. Cựu Tổng Thống xứ Georgia Mikhail Saakachvili, anh hùng của “cuộc Cách Mạng Hoa Hồng”, đã có giải đáp của Ông.

Ông thấu hiểu tánh cộc cằn thô lỗ của chúa tể điện Kremlin vì đã đụng độ trong cuộc tranh chấp năm 2008. Ông cũng thấu hiểu quyết tâm và chiến lược của Putin hầu tái chiếm một phần lãnh thổ của cựu Liên Bang Sô Viết mà sự mất mát đó đối với ông là “một tai họa to tát về mặt địa lý chính trị của thế kỷ 20”.

Thời gian gần đây, ông Saakachvili thường xuyên qua lại Ukraina, nơi mà ông quá quen thuộc vì đã ăn học và thi hành nghĩa vụ quân sự ở đó. Những lãnh đạo hiện nay của Ukraina, phần đông là bạn bè cũ, tìm ông nhờ cố vấn. Sau đây là phỏng vấn mà ông dành cho phóng viên Paris Match.

Paris Match. Qua kinh nghiệm sống khi quân đội Nga xâm chiếm Georgia, ông có lời khuyên bảo gì gởi tới dân Ukraina?

Mikhail Saakachvili. Tôi có hai lời khuyên: Thứ nhứt, phải hết sức thận trọng vì dân Nga không ngưng khiêu khích. Chúng ta sẽ thấy tái diễn kịch bản như ở Georgia. Putin biện minh cuộc xâm lăng Ukraina với lý do là cần thiết phải bảo vệ công dân Nga. Như trường hợp xứ tôi, năm 2008, tiên khởi, Putin đã cấp hộ chiếu dễ dàng cho tất cả những ai làm đơn xin.Tiếp theo, những tay hoạt đầu có nhiệm vụ xúi dục bạo loạn. Và sau cùng, quân đội được gởi tới “cứu trợ” những đồng hương vừa mới được nhập tịch.

Thứ nhì, phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó trước tình hình tồi tệ nhứt. Putin có một kế hoạch cụ thể và sẽ thực hiện như ý, bất kể cái giá phải trả. Trong một ngày họp thượng đỉnh năm 2008, Putin đã quả quyết Ukraina không phải là một quốc gia mà là một lãnh thổ, phải thầm hiểu là sẽ phải chia cắt. Luôn luôn lời nói của Putin đều có ẩn ý. Nếu không chận đứng thì ông ta sẽ tiếp tục. Ông muốn xâm nhập Moldavie (4 triệu dân mà 1/3 nói tiếng Nga) và Transnistrie (phần đất phía đông của Moldavie) mà đa số dân nói tiếng Nga, lại đã ly khai năm 1990 và hiện bị quân đội Nga chiếm đóng. Vì vậy, Putin cố gắng giải tỏa một hành lang khởi điểm là vùng đất Abkhazie (mà Moscou đã cắt đi của Moldavie hồi 2008) băng qua Crimea và vùng ven biển phía nam Ukraina tới trạm chót là Transnistrie. Ngay lúc nầy, Putin phái những tên khiêu khích tới Odessa, hải cảng của Ukraina, gây nguy cơ nổi loạn. Nếu Putin đạt được mục tiêu, hắn sẽ nói với dân Nga: OK, tôi không thu hồi được tất cả lãnh địa của Liên Bang Sô Viết, nhưng tôi đã tái chiếm từ Tây Phương tất cả vùng đất phía nam của nước Nga và vùng ven biển Hắc Hải. Và sau đó ông ta sẽ tấn công các tiểu quốc Baltiques.

Paris Match: Nhưng các quốc gia Baltiques là Hội viên OTAN ?

Mikhail Saakachvili: Putin mưu tính nhiều việc. Phải thấu hiểu tâm lý của ông ta; đó là con người tự cho mình bị Tây phương phản bội khi Liên Bang Sô Viết tan rã. Nay ông ta muốn phục thù. Những động lực của ông giống như của Đức quốc trước đệ nhị Thế Chiến: ông nhắm tới điều chỉnh việc gì mà ông cho là bất công kèm theo sỉ nhục từ phía Tây phương. Ông nghỉ rằng những chiếm đoạt lãnh thổ có thể kéo dài sự nghiệp chánh trị của ông. Thu phục lãnh thổ sẽ giúp ông tạm quên đi rằng ngày nay xứ ông đang đứng trên bờ suy thoái.

Paris Match: Ông có nghỉ rằng Tây phương, một lần nữa, tỏ ra quá ngây thơ ? Người ta vui mừng lạc quan cho dân Ukraina thu hồi được tự do mà không thèm nghỉ tới giai đoạn tiếp theo là phản ứng đương nhiên không tránh khỏi của Nga.

Mikhail Saakachvili: Những người bị giết ở quảng trường Maidan đã hy sinh cho màu cờ Âu châu. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một số dân hy sinh cho lý tưởng Âu châu. Trường hợp đặc biệt nầy tạo ra những ràng buộc. Âu châu và Mỹ có thể nào tiếp tục khuyến khích nguyện vọng các quốc gia trở thành tự do và dân chủ, rồi sau đó bỏ rơi họ khi Putin quyết định trừng phạt họ? Nga luôn đánh giá cao quyền lực của họ trong khi các quốc gia dân chủ Tây phương làm ngược lại là tự đánh giá thấp. Tây phương phải can đảm đứng lên trực diện với Nga hầu bảo vệ những giá trị và nguyên tắc của họ. Putin muốn tái lập Liên Bang cũ đã bị tan rã, đó là một nguy cơ khủng khiếp cho Âu châu. Khi nhìn kỷ những gì đang xảy ra, người ta tự nhủ là Lịch sử đang tái diễn. Nga sáp nhập một phần đất Georgia bị chiếm đóng, nay tới phiên Crimea và nay mai Transnistrie…
Không ai hành động như thế ở Âu châu, từ sau Hitler. Có một sự tương đồng lộ liễu giữa những gì đã xảy ra tại vùng đất Sudètes năm 1938 và những gì Putin đang làm hiện nay. Khi Đức quốc xã Nazis chiếm đóng phần đất Sudètes của Tiệp khắc, họ cũng nhân danh bảo vệ thiểu số kiều dân chánh gốc Đức cũng như Nga đang làm tại Crimea. Và đã có dư luận nói lên ý muốn tìm một thỏa thuận với phe xâm lăng. Hãy nhớ lại thông điệp của Thủ tướng Chamberlain gởi quốc dân Anh, khi đề cập vấn đề Hitler chiếm đoạt vùng đất Sudètes: “một cuộc tranh giành ở một xứ xa xôi giữa những sắc dân mà chúng ta mù tịch”! Vài tiếng nói nổi lên cũng như vậy về vụ Ukraina. “Trao tặng Crimea cho Putin sẽ làm ông ta bình tâm”. Nhưng Hội Nghị Munich (năm 1938 Anh Pháp Ý Đức ép buộc Tiệp khắc phải dâng vùng Sudètes cho Đức Quốc Xã) không làm Đức dừng chân mà lại tiếp tục xâm chiếm Ba Lan. Cũng tương tự như thế, những nhượng bộ với Putin sẽ không chận đứng kế hoạch của ông ta nhắm làm sập đổ trật tự thế giới sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt. Chúng ta phải biết rút ra những bài học của lịch sử hầu tránh đại họa ở Âu châu. Nếu Âu châu chấp nhận vụ cưỡng chiếm đó, chúng ta sẽ đâm đầu thẳng vào một tai họa toàn cầu mà cường độ không thể ngờ nỗi.

Paris Match: Những biện pháp hình phạt của Mỹ hay Âu châu đưa ra, theo ông, dường như không thuyết phục lắm ?

Mikhail Saakachvili: Putin không tin rằng các biện pháp đó sẽ được áp dụng. Ông xem thường phe Tây phương. Phải đương đầu trực diện với chủ nhân điện Kremlin và phe cánh. Thí dụ như không cấp chiếu khán cho những tay tổ tài phiệt Nga và gia đình họ cùng những thành phần chính phủ. Hãy tin tôi đi, khi mà những phần tử tối ưu đãi đó không còn được đi xả hơi, du hí ở vùng ấm áp trong mùa đông giá lạnh tại Moscou, thì họ quay đi tìm thủ phạm chính làm họ mất thú vui, bất bình. Cùng lúc cũng phải dùng tới đóng tài chánh, một trong những bí quyết mà các lãnh chúa thối nát đó thông suốt. Một số đại gia đầy quyền uy đang quản lý tài sản kếch xù của Putin. Nếu tài sản của họ trong các ngân hàng tây phương bị đóng băng, chính ông là người đầu tiên bị nhắm tới. Đây là việc làm cụ thể không gây phương hại đến nền kinh tế tây phương, mà trái lại thay đổi cán cân.

Paris Match: Mấy lúc sau nầy, ông thường xuyên trao đổi với các lãnh đạo Ukraina, ông thấy tính trạng tinh thần họ ra sao ?

Mikhail Saakachvili: Quả thật tôi có gặp những thành phần chánh trong chính phủ,những trưởng sở an ninh và bà Yulia Timochenko hơn 3 giờ liền. Dĩ nhiên tất cả đều bị bất ngờ bởi cuộc tấn công Nga. Và cũng dĩ nhiên, tất cả chính trị gia cũng như các nhà trí thức (đúng nghĩa) đồng thanh tuyên bố sẵn sàng chiến đấu. Họ không bỏ mặc quê hương. Ở các trung tâm tuyển mộ, hằng ngàn thanh niên nam nữ sắp hàng dài chờ tới phiên ghi danh nhập ngũ.
Tinh thần ái quốc đặc biệt cao độ nầy gây nên một cuộc chất vấn lương tâm tận tới bên Nga. Đa số dân Nga không biết là Ukraina là một quốc gia độc lập. Nay họ mới khám phá ra được một xứ có 45 triệu dân không phải là người Nga như họ đã lầm tưởng. Đối với họ đây là một phát hiện to tát có tánh cách địa lý-chính trị.

Paris  ngày 17 tháng 3 năm 2014
Trúc Nam

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt