Putin không phải là đồng minh để chống ISIS?

Putin

Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đang mắc một sai lầm nghiêm trọng khi nghĩ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một đồng minh tiềm năng trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Mục đích hiện nay của Putin là đẩy mạnh chia rẽ EU, và cách tốt nhất để đạt được mục tiêu là khiến EU bị “tràn ngập” người tị nạn Syria.
Nhiều máy bay của Nga vẫn đang dội bom vào các khu dân cư tại miền nam Syria, buộc người dân phải chạy qua Jordan và Lebanon để lánh nạn. Hiện có 20.000 người tị nạn Syria phải dựng lều trên sa mạc để chờ được nhập cảnh vào Jordan. Một nhóm nhỏ khác đang chờ được vào Lebanon. Con số của hai nhóm người này vẫn đang gia tăng.

Nga cũng vừa phát động cuộc không kích rộng lớn đe dọa dân thường ở miền bắc Syria. Theo sau đó là các cuộc tấn công trên bộ do quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện nhắm vào Aleppo, một thành phố từng có hai triệu người dân sinh sống. Những quả bom thùng khiến 70.000 dân thường phải chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ; và sẽ còn có nhiều người nữa phải rời bỏ nhà cửa bởi các vụ tấn công trên bộ này.

Các gia đình trốn chạy có thể sẽ không dừng lại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào ngày 09/02/2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có chuyến thăm tới Ankara [thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ] để đưa ra các thỏa thuận vào phút chót với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục những người tị nạn tại nước này tiếp tục nán lại một thời gian nữa. Phương án bà đưa ra đó là, hằng năm, 200.000 đến 300.000 người tị nạn Syria sẽ được chuyển thẳng tới châu Âu với điều kiện, Thổ Nhĩ Kỳ ngăn họ tới Hy Lạp và vẫn sẽ tiếp nhận họ trở lại nếu họ làm vậy.

Putin là một chiến thuật gia có tài, song không phải là một nhà tư tưởng chiến lược. Không có lý do gì để tin rằng ông can thiệp vào Syria để làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu. Thật vậy, hành động này là một sai lầm trong chiến lược, bởi nó đã đẩy ông vào một cuộc xung đột với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan mà ở đó lợi ích của hai bên đều bị tổn hại.

Nhưng một khi Putin thấy được cơ hội để đẩy nhanh sự tan rã của EU, ông sẽ nắm bắt nó. Ông đánh lạc hướng những hành động của mình bằng cách đề cập tới việc hợp tác chống lại kẻ thù chung ISIS. Ông vẫn đi theo nước cờ ông từng áp dụng ở Ukraine, ký Hiệp định Minsk nhưng không thực hiện các điều khoản của hiệp định.

Thật khó để hiểu được tại sao các nhà lãnh đạo Mỹ và Liên minh châu Âu lại tin lời ông Putin thay vì đánh giá qua hành vi của ông. Lý giải duy nhất tôi có thể tìm ra đó là, các chính trị gia dân chủ tìm cách “làm yên lòng” dân chúng bằng việc vẽ ra một bức tranh sáng sủa hơn hoàn cảnh thực tế đang diễn ra. Thực tế là nước Nga của Putin và Liên minh châu Âu đang tham gia vào một cuộc chạy đua thời gian: câu hỏi là bên nào sẽ sụp đổ trước.

Chế độ Putin sẽ đối mặt với khả năng phá sản vào năm 2017, khi một phần lớn món nợ nước ngoài đáo hạn, và bất ổn chính trị có thể nổ ra còn sớm hơn nữa. Việc Putin vẫn được nhiều người dân yêu mến dựa trên một khế ước xã hội mà trong đó, chính phủ phải mang lại sự ổn định về tài chính và một mức sống tăng lên tuy chậm nhưng vững chắc. Các lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với giá dầu giảm mạnh, sẽ khiến chế độ không thể hiện thực hóa được cả hai mục tiêu trên.

Thâm hụt ngân sách ở Nga hiện chiếm 7% GDP, và chính phủ sẽ phải cắt giảm xuống còn 3% nhằm ngăn không cho lạm phát tăng vượt ngoài tầm kiểm soát. Quỹ an sinh xã hội đang dần cạn tiền và phải hợp nhất với quỹ cơ sở hạ tầng của chính phủ để bổ sung thêm tiền. Những thay đổi này cùng với các diễn biến khác sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới mức sống cũng như quan điểm của cử tri trước thềm cuộc bầu cử nghị viện sẽ diễn ra vào mùa thu năm nay.

Cách hiệu quả nhất để chế độ của ông Putin có thể tránh khỏi sự đổ vỡ là khiến EU sụp đổ sớm hơn. Một EU lụi tàn sẽ không còn khả năng duy trì các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này xâm nhập vào Ukraine. Thêm vào đó, Putin sẽ có thể đạt được những lợi ích kinh tế to lớn từ việc chia rẽ châu Âu và khai thác mối quan hệ với các nhóm lợi ích thương mại cùng các bên phản đối hội nhập châu Âu mà ông đã chu đáo “chăm bón”.

Theo tình hình hiện tại, EU đang hướng tới sự xuống dốc. Liên tục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và những gói cứu trợ tiếp sau đó cho Hy Lạp, EU đang học cách xoay sở qua hết cuộc khủng hoảng này đến hết cuộc khủng hoảng khác. Nhưng ngày nay, tổ chức này đang phải đối mặt đồng thời với 5 hay 6 cuộc khủng hoảng, con số này có lẽ là quá nhiều. Đúng như dự đoán của bà Merkel, cuộc khủng hoảng di cư có nguy cơ tiềm ẩn phá hủy EU.

Khi một nhà nước hay một liên minh các nhà nước đang bị đe dọa sụp đổ, thì giới chức lãnh đạo của những nước này tốt hơn là đối mặt với thực tế “phũ phàng” thay vì lờ nó đi. Cuộc tranh đua để tồn tại khiến EU phải đối đầu với nước Nga của Putin. ISIS đe dọa cả hai bên, song không nên đánh giá nó quá cao. Các vụ tấn công do những tên khủng bố thánh chiến thực hiện, dẫu có đáng sợ, cũng vẫn không thể so sánh được với mối nguy hiểm đến từ Nga.

ISIS (và trước đó là al-Qaeda) đã nhận ra điểm yếu của nền văn minh phương Tây – đó là nỗi sợ trước cái chết – và tìm cách khai thác nó. Bằng việc khơi dậy làn sóng chống Hồi giáo tiềm ẩn tại phương Tây khiến dân chúng lẫn các chính quyền nghi kỵ người Hồi giáo, tổ chức này hi vọng thuyết phục được thế hệ người Hồi giáo trẻ tuổi rằng, ngoài chủ nghĩa khủng bố thì chẳng còn lựa chọn nào khác. Một khi chiến lược này bị “bắt bài”, sẽ có một thứ thuốc giải rất đơn giản: từ chối làm theo cách mà kẻ địch muốn bạn thực hiện.

Mối đe dọa đến từ nước Nga của Putin không dễ gì để chống lại. Nếu không nhận ra mối đe dọa đó thì việc chống lại nó thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.

Source George Soros:
http://www.project-syndicate.org/commentary/putin-no-ally-against-isis-by-george-soros-2016-02
Biên dịch: Đậu Thế Hoàng, Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

George Soros là chủ tịch của công ty Quản Trị quỹ Soros (Soros Fund Management) và là chủ tịch của Quỹ Xã Hội (Open Society Foundations). Là một người đi đầu trong lĩnh vực quỹ phòng hộ (hedge-fund), ông là tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm The Alchemy of Finance, The New Paradigm for Financial Market: The Credit Crisis of 2008 and What it Means, và The Tragedy of the European Union. 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt