Phụng sự Nhân Dân
Nhân dân là cội nguồn của mọi quyền lực, là nền tảng để hình thành nên nhà nước. Xã hội dân chủ, nhà nước không có mục tiêu nào khác ngoài phụng sự tổ quốc và nhân dân. Do đó mà chính phủ phải bảo vệ và phục vụ lợi ích của con người. Các đảng phái đại diện cho nhà nước để cầm quyền, suy ra cũng có trách nhiệm như vậy.
Khi một đảng nào đó được tín nhiệm mà giao cho quyền quản lý đất nước (thắng cử), có nghĩa là họ đã đặt bút ký vào một bản hợp đồng với nhân dân mình. Trong đó có những điều khoản quy định quyền hạn và nghĩa vụ, họ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp và người dân về những việc mình làm, phải hoàn thành công việc được giao, bị xử phạt khi vi phạm hợp đồng. Người giám sát và chế tài mọi hoạt động nhà nước cũng chính là nhân dân, điều đó được thực hiện thông qua hệ thống cơ quan quyền lực đại diện. Hệ thống đó bao gồm: Quốc Hội, Tòa án, các tổ chức xã hội dân sự, cơ quan truyền thông độc lập…; có thể nói, mọi quyền lực nhà nước đều nằm trong tay nhân dân, các đảng phái chỉ có nghĩa vụ thực hiện công việc do người dân giao phó mà thôi.
Bộ máy nhà nước dân chủ hoạt động một cách đồng bộ, với tinh thần thượng tôn pháp luật và đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Cái bộ máy đó sẽ ngày một tiến bộ trong mục tiêu phục vụ con người, nhờ hoạt động dựa trên nguyên tắc dân chủ bền vững. Xã hội vì thế mà văn minh, các giá trị tự do dân chủ cũng phát triển không ngừng. Để duy trì những thành tựu tốt đẹp đó, xã hội dân chủ luôn phải tự hoàn thiện mình, với một tư duy sáng tạo thường trực. Sở dĩ được như vậy, là vì người ta luôn đề cao các giá trị cá nhân, coi con người là trung tâm của mọi mục đích hành động.
Nhân dân là chủ thể của mọi quyền lực, và nhà nước có nghĩa vụ phải phục vụ con người. Đó là nguyên tắc nền tảng của một xã hội dân chủ, mà bất cứ đảng phái nào khi được nhân dân giao phó trọng trách lãnh đạo đất nước đều phải tuân thủ một cách nghiêm túc và vô điều kiện.
Với tư tưởng đó, có thể thấy rằng, chỉ có nhân dân là vĩ đại, là đối tượng duy nhất được tôn thờ mà thôi. Không một đảng phái hay cá nhân nào có quyền tự nhận mình là vĩ đại và bắt người ta phải tôn thờ. Nên nhớ là, mọi quyền lực đều nằm trong tay nhân dân, và tất cả đều từ nhân dân mà ra.
Chế độ dân chủ đề cao nhân dân, coi con người là mục tiêu tối thượng của mọi hoạt động nhà nước. Chế độ độc tài đề cao lãnh tụ và đảng phái của họ, coi con người chỉ là công cụ để phục vụ cho guồng máy đàn áp và bóc lột. Đó chính là sự khác biệt cơ bản về mục tiêu giữa hai thể chế dân chủ và độc tài.
Thật là nghịch lý và bất công khi người ta đem tiền của và công sức người dân để đi phục vụ cho lợi ích của một đảng phái nào đó. Điều này chỉ có thể được coi là một sự bóc lột và cai trị tàn bạo. Trong trường hợp này, con người đã thực sự bị lừa dối và ép buộc phải làm việc để nuôi dưỡng một guồng máy độc tài, tham nhũng và bất công. Một chế độ như vậy là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân cũng như các giá trị dân chủ, nó hoàn toàn đi ngược lại tư tưởng chủ quyền nhân dân.
Chúng ta nên nhớ rằng, sự tồn tại của nhà nước nói chung, đảng phái nói riêng, không có mục tiêu nào khác ngoài phụng sự tổ quốc và nhân dân.
Không có một đảng phái nào được phép cướp đi quyền lực của nhân dân để phục vụ cho lợi ích riêng. Người Việt Nam có một ví von rất ý nghĩa, nhân dân chính là dòng sông, là biển cả, còn nhà nước hay đảng phái chỉ là con thuyền bé nhỏ trên đó mà thôi. Vì vậy mới có câu “Đẩy thuyền cũng là nước, lật thuyền cũng là nước”. Khi mà một nhà nước hoạt động trên tinh thần phụng sự con người thì thuận với lòng dân, vì vậy mà như con thuyền lướt sóng băng băng, một khi họ đi ngược lại với ý nguyện của nhân dân thì sẽ bị những con sóng nổi lên nhấn chìm.
Nếu có tôn thờ và ca ngợi một ai đó, thì người đó chính là nhân dân, chứ không phải là một đảng phái hay cá nhân nào. Mọi chính phủ đều phải tuân thủ nguyên tắc phục vụ nhân dân của mình.
Viết từ quốc nội – Minh Van