PHỤ NỮ ĐÃ LÃNH ĐẠO MỘT THUỶ ĐỘI HOÀ BÌNH NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐÒI LẠI HÒN ĐẢO CỦA MÌNH TỪ TAY HẢI QUÂN SRI LANKA

Thành viên của cộng đồng Iranaitheevu trên đường đến đảo (NWV/Riku Fernando)

Khi một thuỷ đội 44 chiếc ghe máy chở 300 người Tamils thuộc Sri Lanka – cùng với một nhóm nhỏ bao gồm những nhà hoạt động, phóng viên báo chí và các giáo sĩ – đã tảng lờ những mệnh lệnh rõ ràng của Hải quân và dong thuyền đi thẳng về những ngôi nhà của họ trước đây trên đảo Iranaitheevu đã bị Hải quân chiếm đóng, họ thực sự không nghĩ là họ sẽ đến nơi được nguyên vẹn.

“Chúng tôi hết sức, hết sức sợ hãi,” Elizabeth, một trong số những người đàn bà tổ chức sáng kiến này, nói.

Họ chờ đợi hải quân ít nhất sẽ ngăn cản không cho họ cập bến vào đảo. Tệ hơn, nhưng cũng có thể xảy ra, là việc hải quân xả súng bắn vào họ và giết chết một số người. Dù sao thì suốt 26 năm qua hải quân đã cản trở không cho họ trở về đảo của họ.

Điều mà họ không dự trù trước được là vào buổi sáng xuất hành vào ngày 23 tháng Tư – khi mà các sỹ quan hải quân và sỹ quan tình báo tràn ngập hải cảng lục địa và chụp

hình những chuẩn bị của họ — là họ không gặp một sự phản kháng nào cả khi những người này đến.

Gần ba tháng sau, 100 thành viên của cộng đồng đã vĩnh viễn trở về đảo. Sau một phần tư thế kỷ xa cách, nay họ bắt đầu xây dựng lại thành phố đã bị chiến tranh tàn phá và bỏ phế lâu năm. 

Sự thành công của họ không phải là do may mắn, cũng không phải là do hải quân đột nhiên thay đổi lòng dạ. Nhưng là vì một nhóm phụ nữ đã khai triển và ứng dụng một chiến lược bất bạo động gần giống như những kỹ thuật mà những nhà bảo vệ hoà bình dân sự chuyên môn đã từng ứng dụng tại những vùng xung đột trên thế giới.

Chính sách Tiêu Thổ

Cuộc nội chiến Sri Lanka – xảy ra giữa chính quyền của nhóm đa số Sinhala và nhóm thiểu số ly khai, nhóm Hổ Giải Phóng của Tamil Eelam (Liberation Tigers of Tamil Eelam, hay là LTTL) – đã nuốt trửng đảo Iranaitheevu, ép buộc toàn bộ 650 cư dân phải di tản vào vùng lục địa. Họ đã trải qua 17 năm sau đó liên tục di tản, tái định cư ở nhiều vùng khác nhau tại miền Bắc của Sri Lanka để tránh chiến tranh.

Chiến tranh chấm dứt vào năm 2009 sau khi chính quyền áp dụng chính sách tiêu thổ. Chính quyền đã thả bom các bệnh viện, những bộ phận phân phối trợ cấp, những vùng phi hoả lực thuộc lãnh địa của LTTE nhằm thủ đắc cho kỳ được một chiến thắng quân sự. Trong lúc đó thì LTTE  không cho phép dân chúng tháo chạy, trong nỗ lực vô vọng dùng họ như là những tấm bia người đỡ đạn. Cộng đồng Iranaitheevu nằm trong số 350,000 người dân bị kẹt ở giữa.

Sau khi chiến tranh chấm dứt – trong một nỗ lực rõ ràng là để tiêu diệt những thành phần tiềm năng còn sót lại của LTTE – chính quyền đã bắt nhốt cộng đồng Iranaitheevu và phần dân chúng còn sống sót trong những trại di tản đông nghẹt, đầy dẫy những vi phạm nhân quyền, gồm có cả bạo lực và tra tấn về tình dục. Khi chính quyền thả những thành viên của cộng đồng Iranaitheevu ra khỏi trại sáu tháng sau đó thì họ nghĩ là họ sẽ được trở về quê quán. Ngược lại, họ thấy hải quân vẫn còn chiếm đóng hòn đảo của họ và không có kế hoạch di dời.

Cộng đồng dấn thân vào tranh đấu chính trị trong suốt 7 năm kế tiếp, nhưng không đạt được tiến bộ nào trong việc thuyết phục chính quyền cho phép họ trở về. Vào tháng 5 năm 2017, họ bắt đầu biểu tình chống đối liên tục phía bên ngoài ngôi thánh đường tại Iranaimaatha Nagar, một thành phố hải cảng và là một trong những cứ điểm ở lục địa gần đảo Iranaitheevu nhất. Những thành viên của cộng đồng thay phiên nhau biểu tình chống đối, bảo đảm có ít nhất là một vài người chống đối luôn luôn đóng trụ tại ngôi thánh đường, cầm biểu ngữ nói rằng: “Hãy trả lại đất tổ của chúng tôi” đồng thời cũng cho biết là họ đã biểu tình chống đối bao nhiêu ngày rồi.

Tuy nhiên, một nhóm phụ nữ — được biết như là Hội Phát Triển Phụ Nữ Iranaitheevu (the Iranaitheevu Women’s Development Society, hay là WDS – chẳng mấy chốc đã ý

hội được là chống đối cũng chẳng đem lại hiệu quả. Trong tư thế của một nhóm thiểu số bất mãn tại một cùng hẻo lánh ở phía bắc Sri Lanka, họ không nghĩ là chống đối bình thường có thể tạo đủ áp lực để chính quyền thoả mãn những yêu sách của họ. Những cộng đồng di tản khác cũng đã thực hiện những chống đối tương tự, và hầu hết mang lại rất ít thành công. Hơn nữa, vì Iranaitheevu nằm trong một vị trí chiến lược quân sự dọc theo Eo biển Palk, nên hải quân tỏ ra nhất quyết phải giữ quyền kiểm soát đảo.

Trong lúc cộng đồng chưa bao giờ ngưng biểu tình chống đối, Hội Phát Triển Phụ Nữ (WDS) đồng thời thiết kế một chiến lược khác nhằm bảo đảm sự trở về của họ – một chiến lược không lệ thuộc vào sự cho phép của chính quyền hay vào sự thoả thuận của hải quân. Họ tốn gần một năm trời để chuẩn bị cho chiến lược này và để lấy đủ can đảm để thực thi kế hoạch.

Làm thế nào để đánh bại quân đội bằng bất bạo động

Những phụ nữ này tin tưởng là họ tổ chức được các dịch vụ hậu cần cho sự trở về của họ — bởi vì hầu hết những người đàn ông trong cộng đồng đều là ngư phủ và có ghe máy có thể đi 13 hải lý từ lục địa đến đảo Iranaitheevu. Điều khó khăn hơn là phải tính toán thế nào để bảo đảm là hải quân sẽ không tấn công họ trong tiến trình này.

Nếu chỉ mình họ trở về thì họ sợ là hải quân sẽ trả thù. Dù sao thì họ sẽ ở một vị trí xa xôi hẻo lánh không có người làm chứng. Hải quân rất dễ sử dụng vũ lực đối với những người dân lành không vũ trang mà không bị kết án.

Ghi nhận điều này, WDS đi tìm những nhân chứng có thể đi theo họ đến đảo. Hơn nữa những nhân chứng này không phải là bất cứ ai. Họ là những người có ảnh hưởng và được kính trọng – có như thế thì những hậu quả của sự trả thù sẽ gia tăng một cách đáng kể và có cơ may thuyết phục hải quân không sử dụng vũ lực.

Trong việc tìm kiếm những nhân chứng chiến lược, WDS tuyển mộ những nhà hoạt động nhân quyền (những người này có thể phúc trình về cách hành sử của hải quân), các giáo sĩ (mang theo một mức độ nào đó về uy quyền đạo đức) và phóng viên báo chí, bao gồm cả một đội thu hình (có thể thu thập toàn bộ dữ kiện của biến cố để chia sẻ với thế giới bên ngoài).

Thực hiện điều này xong, họ lại lo thiết kế phần trình diễn cho diễn biến. Trước tiên, để bảo đảm là hải quân không thể biện minh được cho một cuộc tấn công lấy cớ là tự vệ, họ đã buộc cờ trắng vào mỗi ghe máy, báo hiệu là họ không được vũ trang. Rồi họ làm những biểu ngữ với những khẩu hiệu như là “ hãy trả lại đất của dân Iranaitheevu và hãy để cho họ tái định cư” với những hàng chữ thật lớn bằng vả ba ngôn ngữ của Sri Lanka. Và khi cho ghe chạy, họ bảo đảm là cờ trắng cũng như các biểu ngữ có thể thấy được một cách rõ ràng để hải quân không thể lầm lẫn gì về dự tính của họ cả.

Cộng đồng Iranaitheevu chuẩn bị rời lục địa (NWV/Riku Fernando)

Khi cộng đồng xuống thuyền cập bến Iranaitheevu, họ chạm trán với ba sỹ quan hải quân tỏ ra kinh ngạc hỏi họ về những dự định của họ. Một trong những linh mục, được chỉ định trước trong vai trò thương thuyết vì sự liên hệ có trước với hải quân, phát biểu ý kiến. Lễ phép, nhưng cứng rắn – và với máy thu hình đang quay – ngài thông báo cho các vị sỹ quan biết là người dân Iranaitheevu đang trở về nhà của họ, và họ sẽ không dùn bước.

Không được chuẩn bị để phản ứng, các sỹ quan rút lui, nói rằng họ sẽ tham khảo ý kiến của các sỹ quan thượng cấp.

Lúc bấy giờ cộng đồng ý thức rằng họ đã thành công.

“Họ đã khóc vì vui mừng, và họ chạy vào ngôi nhà thờ để hát thánh ca, “ một nữ tu đi theo họ đã nói lên với điều kiện dấu tên.

Hải quân từ đó không bao giờ có ý muốn đuổi người dân Iranaitheevu ra khỏi đảo nữa.

Ngược lại, ba tuần sau đó,chính quyền đã chính thức cho phép cộng đồng ở lại, bãi bỏ chiến dịch kéo dài một phần tư thế kỷ không cho họ trở về quê cũ.

Khoa học “đi kèm để bảo vệ”

Trong lúc mà một thành công như thế tỏ ra là khó xẩy ra hay ngay cả chỉ là một sự may mắn – dựa trên những yếu tố rủi ro của hoàn cảnh – thì thực ra WDS đã sử dụng một phương pháp đã từng được những nhà bảo vệ hoà bình dân sự sử dụng và làm cho sắc bén. Được biết như là kỹ thuật “đi kèm để bảo vệ” (protective accompaniement),

thực hành điều này bao gồm việc đặt để một thành phần thứ ba được quý trọng vào vị thế dễ trông thấy rõ ràng, kề cận với những người dân cô thế  để ngăn chặn những phạm nhân tiềm năng sử dụng bạo lực.

Chiến lược này có hiệu quả bởi vì nó tạo nên những hậu quả không thể chấp nhận được khi sử dụng bạo lực – trên quan điểm những hậu quả không dự tính trong thực tế cũng như sự phản bác của xã hội. Một tỷ dụ là bạo hành gia đình xảy ra thường xuyên ở trong nhà hơn là ở những thương xá, không phải vì những phạm nhân tiềm năng muốn tránh những hậu quả pháp lý, mà vì họ không muốn khách hàng nghĩ họ là những kẻ xấu xa. “Đi kèm để bảo vệ”, tự bản chất, làm cho người dân bất lực được an toàn hơn bằng cách biến đổi môi trường của một tư gia thành môi trường của một thương xá.

Nghiên cứu về tâm lý xã hội và về thần kinh học cũng giúp cắt nghĩa được tại sao “đi kèm để bảo vệ” có hiệu quả trong việc ngăn chặn bạo lực: thần kinh não bộ của con người được nối kết với mục đích thay đổi cách thức hành sử nhằm tránh sự phản bác của xã hội khi cảm nhận được là đang bị quan sát bởi một thành phần thứ ba. Một vài nhà sinh học đã kết luận là khuynh hướng này thực ra là sản phẩm của sự tiến hoá, cũng như cha ông chúng ta đã lệ thuộc vào hợp tác xã hội để sống còn.

Kết quà là phản ứng này đã ăn sâu vào trí não đến mức mà ảo tưởng là đang bị quan sát cũng làm cho người ta hợp tác hơn. Nhiều cuộc nghiên cứu khác nhau đã cho thấy là dán hình con mắt vào những địa điểm then chốt sẽ ngăn chặn được các vụ trộm xe đạp, khuyến khích khách bàng quang nhặt rác, và kích động người ta bác ái đóng góp tiền của.

Những tổ chức dân sự chuyên biệt bảo vệ hoà bình như Lực Lượng Hoà Bình Phi Vũ Lực (Nonviolent Peaceforce), Các Lữ Đoàn Hoà Bình Quốc Tế (Peace Brigades International), thường cung ứng dịch vụ “đi kèm” cho các nhóm dân sự bị quân đội trực tiếp chỉa mũi dùi vào, cho những phụ nữ tại những vùng tranh chấp dễ bị tấn công tình dục và cho những nhà đấu tranh nhân quyền bị đe doạ vì kết quả việc làm của họ.

Iranaitheevu tỏ ra là một trường hợp cá biệt về “kỹ thuật đi kèm để bảo vệ”, vì WDS đã tuyển mộ những nhà bảo vệ hoà bình của chính họ, đồng thời còn tự thiết kế và điều hành toan bộ chiến dịch. Dù câu chuyện thật là đặc sắc, tuy nhiên, học giả chính trị như Casey Barrs và Oliver Kaplan đã từng khám phá ra là những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột thường khai triển được những chiến lược tự vệ tân kỳ, rất nhiều trong số những chiến lược này có những liên hệ đến việc bảo vệ hoà bình cho dân sự.

Mặc dù vậy, những sáng kiến như thế thường không được chú ý. Khi mà những chiến lược tự vệ như thế thành công, người không bị tổn thương, thì hiệu quả tỏ ra là ít gây xúc động hơn là bạo lực.

Chúng tôi thuật lại những câu chuyện về bạo lực và tàn ác ngõ hầu ngăn chặn những điều này xảy ra trong tương lai, thường theo chiều hướng nguyện cầu là “không bao giờ nữa”. Nhưng để ngăn chặn bạo lực một cách hiệu quả thì chúng ta còn cần phải kể những câu chuyện mà trong đó bạo lực rốt cuộc đã không xảy ra – bởi vì chính những câu chuyện này mới điều hướng chúng ta biến lời nguyện cầu “không bao giờ nữa” thành hiện thực.

Câu chuyện này có thể thực hiện được là nhờ những thành viên của chúng tôi. Hãy trở nên một ngay ngày hôm nay.

Lisa Fuller, ngày 31 tháng 7, 2018 Báo Waging NonViolence

Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt