Phillipines: “song đàm hay song đấu” với Bắc Kinh?
Như chúng ta đã biết, Phillipines là chuỗi đảo quốc cộng lại rộng chừng 300,000 km2, dân số 102 triệu rưởi, dưới thời Tổng Thống Benigno Aquino III, ông đối đầu với Trung Cộng, đưa sự kiện Trung Cộng đòi chủ quyền đường “lưỡi bò” ra toà án quốc tế La Haye. Nhưng đến cuối tháng 06 này, Tổng Thống mới đắc cử lên thay ông, đó là luật sư Rodrigo Duterte. Ông này trong lúc tranh cử có những lơi tuyên bố bạc mạng “khi nắng khi mưa” như ứng cử viên Trump tại Hoa Kỳ. Bài phân tích dưới đây: “Ông Duterte: song đàm hay song đấu với Bắc Kinh ?” cho ta một suy nghĩ về tình hình của Biển Đông.
Ngày 30/06/2016, một vị tổng thống mới sẽ nhậm chức ở Philippines. Trong cuộc bầu cử ngày 09/05, luật sư Rodrigo Duterte, thị trưởng Davao, thành phố lớn nhất ở Mindanao đắc cử với tỉ lệ tương đối cao, gần 40% nhờ khai thác tình hình (bất) an ninh quốc nội. Nhưng giờ đây, nhân vật hay tuyến bố bốc đồng này phải chăm lo bảo về chủ quyền lãnh thổ đang bị Trung Cộng lấn chiếm. Với sách lược nào?
Trong bài phân tích dài với phần đóng góp của một số chuyên gia quốc tế tại Manila, phóng viên Igor Gauquelin của RFI đặt ra hai câu hỏi then chốt: một là trong nhiệm kỳ 6 năm tới đây, ông Rodrigo Duterte muốn quan hệ với Trung Cộng như thế nào, và liệu tổng thống Philippines có bao nhiêu lá chủ bài?
Để trả lời hai câu hỏi này, thiết tưởng phải xem rõ thế và lực của Philippines hiện nay như thế nào?
Trung Cộng áp sát
Về mặt quân sự, Philippines liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ qua Hiệp định phòng thủ hỗ tương từ năm 1951. Hiệp định quân sự song phương này còn được củng cố nhiều lần trong thời gian qua, nhất là hồi tháng 01/2016 với thỏa thuận “hợp tác quốc phòng mở rộng”. Thỏa thuận mới này cho phép quân đội Mỹ luân lưu trú đóng và sử dụng năm căn cứ quân sự ở Philippines, trong đó có quân cảng chiến lược ở vịnh Subic và căn cứ không quân Clark, đều nhìn ra Biển Đông mà Manila đặt tên là Biển Tây. Cũng trong khuôn khổ phòng thủ hỗ tương, cuộc tập trận thường niên “Balikatan” (Vai Kề Vai) năm nay đã được tổ chức rầm rộ với sự tham gia của nhiều cường quốc khu vực như Nhật, Úc, Hàn Quốc, cùng một số quốc gia Đông Nam Á với tư cách quan sát viên.
Tuy không nói ra nhưng “đối tượng” của các cuộc tập trận chung Mỹ-Philippines không ai khác hơn là Trung Cộng. Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích biển Đông. Năm 1995, Trung Cộng bất thần chiếm bãi đá ngầm Mischief (Vành Khăn) nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách đảo Palawan của Philippines có 200 hải lý. Hiện nay, Trung Cộng đã biến bãi đá này cũng như sáu bãi đá khác thành đảo nhân tạo, xây dựng phi đạo.
Trung Cộng cũng chiếm luôn bãi đá Scarborough, cách đảo Luçon của Philippines 123 hải lý vào năm 2012. Từ đó, quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh trở nên tồi tệ. Tổng thống Benigno Aquino thẳng thừng tố cáo chính sách bành trướng, bá quyền của Trung Cộng đe dọa hòa bình thế giới không khác gì chế độ Đức Quốc xã của Hitler. Lời tuyên bố này làm Bắc Kinh điên tiết.
Trước thái độ càng ngày càng lộng hành của Trung Cộng trên biển Đông, chính phủ Philippines đã dứt khoát hành động. Năm 2013, Manila kiện Bắc Kinh ra Toà án Trọng tài Thường trực ở La Haye. Nhân danh Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Philippines nhờ Tòa án quốc tế phân xử, xác định quy chế của các “thực thể” đang hoặc sẽ tranh chấp trong tương lai, trong đó có Scarborough và Mischief và vùng biển chung quanh. Tòa án Trọng tài La Haye sẽ công bố phán quyết trong những tuần lễ tới, nhưng ngay từ đầu Bắc Kinh tuyên bố phủ nhận thủ tục pháp lý lẫn kết quả.
Theo nhiều nhà quan sát, Trung Cộng phản ứng theo lối trả đòn. Có lẽ vì Philippines đưa hồ sơ biển đảo ra tòa án quốc tế mà Bắc Kinh quyết định khẩn cấp gia tằng đáp bồi bãi đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Tuy nhiên, Trung Cộng cũng chơi trò lấy mạnh hiếp yếu. Trong khi mọi người chờ phán quyết của toà trọng tài và một liên minh bảo vệ chủ quyền đối đầu với tham vọng của Bắc Kinh bắt đầu được hình thành do Hoa Kỳ lãnh đạo, thì Trung Cộng gián tiếp cho biết đã có kế hoạch gia cố Scarborough, chỉ cách tỉnh Luçon của Philippines có 130 hải lý, thành tiền đồn.
Đối thoại với kẻ điếc
Quan hệ Trung Cộng-Philippines thực ra không phải là dòng sông phẳng lặng. Tổng thống Benigno Aquino và tiền nhiệm là bà Gloria Macapagal Arroyo biết rõ hơn ai hết mặt trái trong quan hệ với Bắc Kinh.
Nữ tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, trong 9 năm cầm quyền 2001-2010 (thay thế tổng thống Estrada bị truất phế vì tham nhũng vào năm 2001 và sau đó bà đắc cử tổng thống nhiệm kỳ sáu năm) đã tìm cách cải thiện bang giao với Trung Cộng. Manila tìm được một thỏa hiệp với Hà Nội và Bắc Kinh để cùng thăm dò dầu khí ở biển Đông. Trung Cộng đổ vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ sở ở Philippines. Thế nhưng, công luận Philippines phát hiện phần lớn các dự án do Trung Cộng đầu tư “đều mang tai tiếng tham ô và không tôn trọng cam kết”, theo nhận định của giáo sư chính trị học Richard Javad Heydarian, đại học La Salla-Manille.
Sau một chiến dịch tranh cử với cương lĩnh bài trừ tham ô, ứng cử viên Benigno Aquino đắc cử tổng thống, “chấm dứt thời kỳ vàng son hảo hảo” trong quan hệ Bắc Kinh-Manila.
Thực ra, trong hai năm đầu từ 2010 đến 2011, tổng thống Benigno Aquino cố gắng giữ mối giao hảo với Trung Cộng. Điển hình là ông không nhận lời mời sang Thụy Điển dự lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhà dân chủ Trung Cộng Lưu Hiểu Ba. Tổng thống Benigno Aquino còn thực hiện chuyến công du cấp quốc gia tại Bắc Kinh năm 2011. Thế nhưng, sự kiện Trung Cộng chiếm bãi đá ngầm Scarborough vào năm sau 2012 và năm sau nữa, Manila kiện Bắc Kinh ra trước Tòa án Trọng tài LaHaye đã làm cho bang giao hai nước bị suy thoái nghiêm trọng. Khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, tổng thống Benigno Aquino cố gắng mở lại các tuyến đối thoại với Trung Cộng nhưng chẳng có kết quả gì cho đến ngày nay. Lãnh đạo hai nước không có một hành động “xây dựng” nào để giải quyết xung khắc trên biển. Trong khi đó thì đầu tư Trung Cộng vào Philippines giảm dần.
Cân bằng quan hệ với Washington?
Trong tình hình này, tổng thống tương lai Philippines Rodrigo Duterte có tiếng “phổi bò” sẽ lên thay tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino III vào cuối tháng Sáu. Trong thời gian tranh cử, những lời tuyên bố “bốc lửa” (bốc đồng ?) của chính trị gia kịch sĩ thiên tài rất được báo chí quốc tế loan tải. Chẳng hạn như nếu chiến tranh biển đảo xảy ra, ông nói “tôi sẽ leo lên xe lướt sóng, chạy ra biển chiếm lại Trường Sa cho dù có lãnh một quả tên lửa của Trung Cộng” . Biết cách gây sốc, nhà chính trị lõi đời 71 tuổi này cũng biết biến hóa từ sư tử đến hồ ly: Philippines không tham chiến vì đánh sẽ không thắng.
Trong sáu năm tới đây, nhân vật lãnh đạo mà báo chí quốc tế gọi là “nặng phần trình diễn” này sẽ đại diện quốc đảo Philippines trong tình hình Biển Đông dậy sóng. Thật ra, Rodrigo Duterte không phải là người chống Bắc Kinh. Ông có vẻ như nghiêng về giải pháp Manila nên đối thoại với Bắc Kinh kể cả “mặt đối mặt” cho dù công thức “song phương” làm lo ngại. Ngay lập tức, truyền thông nhà nước Trung Cộng chụp ngay cơ hội để khẳng định: đối với ông Duterte, đa phương hay song phương cũng là một thứ. Đài truyền hình Trung Cộng tập trung vào câu tuyên bố “Điều tôi cần không phải là cơn thịnh nộ của Trung Cộng . Điều tôi cần là Trung Cộng giúp Philippines phát triển”.
Bình luận về sự kiện này, chuyên gia Pháp Francois-Xavier Bonnet, thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Hiện Đại (IRASEC) ở Manila, cho rằng: “Thoạt đầu, Duterte không có lập trường về vấn đề hàng hải. Ông ấy nghĩ rằng các hòn đá không đáng để chiến tranh. Ông không thấy lợi hại về kinh tế. Nhưng bây giờ ông đổi ý kiến vì nhiều nhà chính trị Philippines hăm he là nếu khi làm tổng thống mà bỏ Trường Sa thì phạm tội phản quốc và sẽ bị đảo chính”. Trong giai đoạn chuyển tiếp, đương kim Ngoại trưởng Jose Almendras, có liên hệ gia đình với ông Duterte, lãnh nhiệm vụ phân tích cho tổng thống tương lai hiểu tại sao không nên từ bỏ chủ quyền ở Trường Sa. Ngoại trưởng Jose Almendras sẽ tiếp tục điều hành bộ Ngoại Giao Philippines trong vòng một năm trước khi bàn giao lại cho luật sư Perfecto Yasay, giáo sư đại học Hawai, một nhân vật thân Mỹ.
Lá bài úp Rodrigo Duterte: Mãnh sư hay cáo chính trị?
Từ khi đắc cử, Rodrigo Duterte mời một số bộ trưởng của cựu tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo, những nhân vật tương đối hoà dịu với Trung Cộng. Thế nhưng, tiến trình pháp lý tại La Haye, được dự kiến sẽ thuận lợi cho Philippines và sẽ gây tức tối cho Trung Cộng, tân tổng thống sẽ xử trí ra sao?
Lúc đầu, Rodrigo Duterte cũng muốn “xem nhẹ” phán quyết của tòa án trọng tài để đừng làm mất lòng Bắc Kinh. Nhưng những lời tuyên bố của ông đã gây ra một làn sóng phản đối trong công luận có tinh thần quốc gia dân tộc. Tổng thống tân cử buộc phải thay đổi lập trường và sẽ sử dụng phán quyết của toàn án trọng tài như một lá chủ bài để…đàm phán với Trung Cộng ở thế mạnh, theo phân tích của chuyên gia Francois-Xavier Bonnet .
Theo một số nhà quan sát, tổng thống tương lai của Philippines sẽ áp dụng chiến thuật đi dây. Khi thì dựa vào Mỹ, lúc thì xoa Trung Cộng, khai thác thế tương tranh giữa hai đại cường này hầu phục vụ quyền lợi của Philippines.
Cụ thể, Philippines của Rodrigo Duterte, bắt buộc phải dựa vào Mỹ, sẽ đòi hỏi Washington cung cấp vũ khí và yểm trợ nhiều hơn. Trước mặt tùy viên quân sự của Trung Cộng và Hoa Kỳ, ông Rodrigo Duterte công khai chỉ trích Mỹ “không bao giờ chết để bảo vệ Trường Sa”. Theo ông, lẽ ra Washington phải đưa hàng không mẫu hạm và khu trục hạm vào thời điểm Trung Cộng bắt đầu bồi đảo. Mỹ đã đề nghị đặt một căn cứ máy bay trinh sát không người lái ở Davao nhưng với tư cách là thị trưởng, ông từ chối.
Nhưng liệu có gì bảo đảm là Trung Cộng hưởng lợi với Philippines của tổng thống Duterte?
Cho dù có muốn thân thiện với Bắc Kinh, tổng thống mới của Philippines đã rút tỉa được nhiều bài học đắng cay trong quan hệ hợp tác với Trung Cộng của các vị tiền nhiệm. Ngay thời “hảo hảo” của nữ tổng thống Gloria Macapagal Arroyo, phía Trung Cộng luôn viện đủ mọi lý do để không tôn trọng lời hứa chia sẻ thông tin. Cụ thể là khi Manila đòi Bắc Kinh cung cấp kết quả thăm dò địa chấn tìm dầu khí và khảo sát đáy biển cho việc lưu thông của tàu ngầm thì Trung Cộng viện lý do “hỏng máy vi tính” để không đưa dữ kiện và sau đó mang hết kết quả khảo sát về Trung Cộng.
Ông Duterto cũng biết rõ trong chiến lược xây dựng các đảo nhân tạo để lấn chiếm Biển Đông có bãi đá Scaborough của Philippines. Kế hoạch bí mật của Trung Cộng đã bị tình báo Mỹ phát hiện. Đến tháng Năm vừa qua, một trang web dành cho giới ủng hộ viên quân đội Trung Cộng đã công bố chi tiết dự án gồm phi đạo, đồn binh, hệ thống điện nước và quân cảng có thể tiếp đón chiến thuyền Trung Cộng chỉ cách quân cảng Subic có 123 hải lý.
Người nắm vận mệnh Philippines trong sáu năm tới đây, tuy chủ trương đối thoại với Bắc Kinh, sẽ quyết định như thế nào nếu một ngày nào đó ông hay tin hàng loạt tàu công binh của Trung Cộng tập trung về bãi đá Scaborough nằm trong vùng duyên hải Philippines – nơi mà hải quân Mỹ và Phillippines hàng năm biểu dương lực lượng qua chiến dịch “Vai Kề Vai”?
Tú Anh tổng hợp