Philippines yêu cầu Tòa trọng tài La Haye công nhận quyền khai thác ở biển Đông
Philippines yêu cầu Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye, Hà Lan công nhận quyền khai thác các vùng biển trong biển Đông.Đó là thông tin mới nhất được hãng tin Reuters cho hay liên quan đến vụ Manila kiện Trung quốc ra Tòa này vì những đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh trên 90% diện tích vùng biển quan trọng này. Hãng Reuters còn cho hay là Manila sẽ gửi 15 kháng nghị trong quá trình Tòa Trọng tài thụ lý vụ án.
Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Phi là ông Charles Jose nói rằng nước ông tự tin là sẽ có được những thuận lợi từ phán quyết của tòa, nhưng ông cũng nói là không nên hy vọng tất cả đều thuận lợi.
Nhật bản, Việt nam, Thái Lan, và Malaysia cũng sẽ theo dõi phiên tòa này dự định sẽ có phán quyết vào giữa năm 2016.
Indonesia thì mới đây cũng đã tuyên bố rằng Jakarta có thể sẽ kiện Bắc Kinh ra tòa vì nước này tuyên bố chủ quyền của mình trên quần đảo Natuna giàu có dầu khí và hải sản ở phía Nam biển Đông thuộc chủ quyền của Indonesia.
Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye sẽ phán quyết vụ kiện về tranh chấp lãnh hải dựa trên Công ước Liên hiệp quốc về luật biển. Công ước này không nói về vấn đề chủ quyền, nhưng có đưa ra một hệ thống những qui định về vùng đặc quyền kinh tế.
Ngoài ra công ước cũng qui định là các bãi đá bị ngập nước khi thủy triều lên không thể được lấy làm cơ sở để vạch ra vùng lảnh hải 12 hải lý xung quanh nó.
Các nhà quan sát nói là phán quyết của tòa trọng tài sẽ ảnh hưởng đến các tranh chấp lãnh hải của các quốc gia khác với Trung quốc là Việt Nam, Brunei, Malaysia,…
Quyết định của tòa là bắt buộc đối với các thành viên Liên Hiệp quốc, trong đó có cả Trung quốc, nhưng đồng thời Tòa này lại không có quyền lực bắt buộc các nước thi hành quyết định tòa đưa ra, trong quá khứ đã có những quyết định của tòa không được các nước có liên quan tuân thủ.
Hôm qua, Trung quốc lên tiếng bác bỏ thẩm quyền pháp lý của Tòa trọng tài quốc tế The Hague về tranh chấp chủ quyền lảnh hải trên biển Đông.
Phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Trung quốc Hồng Lỗi nói rằng quan điểm của Bắc kinh rất ràng là Trung quốc không tham gia, cũng như không chấp nhận việc phân xử của tòa trọng tài này.
Trung quốc vốn tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích biển Đông, lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Indonesia.
Manila đã nộp hồ sơ kiện Trung quốc lên toàn trọng tài quốc tế của Liên Hiệp quốc ở The Hague, thủ đô Hà Lan để phân xử.
Trung quốc không những bác bỏ vụ kiện này, mà trong vài tháng qua còn tích cực bồi đắp các bãi đá mà họ chiếm giữ ở quần đảo Trường sa thành các cơ sở hậu cần và quân sự, trong đó có cả đường băng cho máy bay đáp.
Việc xây cất này không những bị các quốc gia Đông Nam Á chỉ trích, mà các cường quốc bên ngoài như Hoa Kỳ cũng phản đối.
Vào thứ bảy tuần rồi, Tổng thống Barrack Obama của Hoa Kỳ có nói tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Kuala Lumpur, Malaysia, rằng việc xây cất các đảo nhân tạo phải được dừng lại để không làm căng thẳng trong khu vực leo thang.
Đáp trả những chỉ trích này, hôm chủ nhật vừa qua, ông Thứ trưởng ngoại giao Trung quốc Lưu Chấn Dân nói rằng Trung quốc sẽ tiếp tục công việc xây cất đảo nhân tạo của họ, và việc đó là cần thiết cho nền quốc phòng của Trung quốc bảo vệ các đảo và bãi đá của quốc gia.
Xin nhắc lại là hồi tháng vừa rồi Hoa Kỳ đã cho tàu chiến chạy sát các đảo nhân tạo do Bắc Kinh xây cất trong một chiến dịch mà Washington gọi là tự do hàng hải. Sau đó hồi đầu tháng này Mỹ tiếp tục cho máy bay ném bom chiến lược B52 bay trên vùng trời biển Đông gần các đảo đó.
Bắc Kinh gọi những hành động của hải quân và không quân Mỹ là những hành vi khiêu khích về chính trị.
Bản tin RFA