Philippines từ chối đóng dấu hộ chiếu Trung Quốc. Bắc Kinh tố cáo láng giềng vạch lá tìm sâu
Đúng như chờ đợi của giới quan sát, Philippines ngày 28/11/2012 đã quyết định không đóng dấu thị thực vào quyển hộ chiếu mới của Trung Quốc, bên trong có in tấm bản đồ lưỡi bò khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông. Bị đả kích về hành động “bá quyền” của mình, Trung Quốc đã lớn tiếng tố cáo ngược lại các nước này là đã cố tình “vạch lá tìm sâu”.
Trong một bản thông cáo, sau khi xác định là kể từ nay sẽ không đóng dấu thị thực vào hộ chiếu mới của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Philippines giải thích : “Hành động này được thực hiện để tránh việc Philippines bị hiểu lầm là đã công nhận tính chính đáng của đường chín đoạn mỗi khi đóng dấu thị thực nhập cảnh trên hộ chiếu điện tử của Trung Quốc“.
Thay vì đóng dấu thị thực, Philippines sẽ làm như Việt Nam, tức là đóng dấu thị thực trên các mẫu đơn xin visa riêng biệt, không dính vào quyển hộ chiếu.
Đối với Bộ Ngoại giao Philippines, việc từ chối đóng dấu thị thực trên hộ chiếu mới của Trung Quốc giúp củng cố lập trường của Manila, theo đó đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là “quá đáng” và “không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
Quyết định phản công bằng hành động cụ thể như nêu trên đã được đưa ra sau khi Philippines chính thức gởi công hàm phản đối việc Trung Quốc cho in vào hộ chiếu điện tử mới của họ tấm bản đồ 9 đường gián đoạn – còn gọi là bản đồ lưỡi bò – khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh trên hơn 80% diện tích Biển Đông, trên cả các khu vực mà các láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei tuyên bố là của mình.
Cùng với Manila, Hà Nội cũng đã lên tiếng chính thức phản đối Bắc Kinh, và ngay từ đầu đã cho áp dụng biện pháp phản công là cấp thị thực rời cho những người Trung Quốc xin visa vào Việt Nam.
Hộ chiếu mới của Trung Quốc không chỉ bị Việt Nam và Philippines phản đối, mà còn bị Đài Loan chỉ trích vì in hình hai danh lam thắng cảnh tại Đài Loan qua đó coi đảo quốc này là lãnh thổ của Trung Quốc.
Bắc Kinh cũng bị New Delhi trả đũa vì in bản đồ ‘sát nhập’ hai vùng đất đang tranh chấp với Ấn Độ vào lãnh thổ của mình.
Mỹ sẽ cảnh báo Trung Quốc về tác hại của hộ chiếu “áp đặt chủ quyền”
Và liên tiếp trong hai ngày 26 và 27/11, đến lượt Washington lên tiếng, cho biết ý định sẽ bày tỏ thái độ quan ngại với Bắc Kinh về hộ chiếu Trung Quốc in hình bản đồ ‘lưỡi bò’, vốn đang gây ra “căng thẳng và lo âu giữa các nước liên quan đến tranh chấp biển Đông.”
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 27/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland xác nhận : “Chúng tôi dự định sẽ nêu điều này với phía Trung Quốc“. Theo bà Nuland, các hộ chiếu mới của Trung Quốc “không có lợi” cho việc tìm kiếm môi trường nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, bà Nuland cho biết là Hoa Kỳ không bác bỏ hộ chiếu mới của Trung Quốc vì lẽ đó là một văn kiện hợp pháp, mà mỗi quốc gia có toàn quyền quyết định về hình thức, miễn là tôn trọng các chuẩn mực quốc tế.
Xin nhắc lại là trong cuộc họp báo hôm 26/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từng cho là việc Hoa Kỳ đóng dấu lên các hộ chiếu của Trung Quốc không có nghĩa là chính phủ Mỹ công nhận “đường lưỡi bò” trên đó.
Trung Quốc : Các nước không nên vạch lá tìm sâu
Bị các nước từ Việt Nam, Philippines, cho đến Đài Loan, Ấn Độ, rồi Mỹ chỉ trích, Bắc Kinh ngày 28/11 đã lên tiếng biện minh cho hành động của mình. Trong cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cho rằng mọi người không nên quá chú mục vào vấn đề các tấm bản đồ trên hộ chiếu, hàm ý rằng các nước phản đối Bắc Kinh đã cố tình vạch lá tìm sâu.
Theo ông Hồng Lỗi : “Mục tiêu của hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc là tăng cường tính chất công nghệ và tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân Trung Quốc“.
Đối với phát ngôn viên Trung Quốc : “Vấn đề của các tấm bản đồ trong hộ chiếu mới của Trung Quốc không nên được chú mục quá đáng. Trung Quốc sẵn sàng duy trì liên lạc với các nước có liên quan và thúc đẩy việc phát triển lành mạnh việc đi lại của cá nhân giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài“.