Phép lạ, Linh Mục Trương Bửu Diệp

Đi đến thăm gia đình theo đạo công giáo Việt Nam, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngoài thờ hình chúa Jusus và đức Mẹ Maria lại còn thấy một hình của một vị linh mục. Hỏi ra mới biết đó là Linh Mục Trương Bửu Diệp, huyền thoại tại nhà thờ Tắc Sậy thuộc tỉnh Bạc Liêu Việt Nam…. trong ngày Lễ Giáng Sinh năm nay xin nói về một Linh Mục thường ban phép lạ cho nhiều người…

Linh Mục Trương Bửu Diệp (1897-1946)

Bạc Liêu là một tỉnh nhỏ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng có nhiều chuyện nổi tiếng, như về lúa gạo, về muối, về nhãn, về… Công tử Bạc Liêu (1900-1973) trong thời Pháp thuộc, về vụ án Đồng Nọc Nạn của những năm 1928-1930, và về ngôi nhà thờ họ Tắc Sậy với sự linh ứng của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, mà gần đây cả trong nước lẫn ngoài nước ai cũng biết.

Tôi không phải là người Công giáo, hơn nữa lại là một giáo viên (ngày trước gọi là giáo sư trung học) có đầu óc khoa học và ưa chuộng thực tế hơn là những sự tin tưởng mang tính siêu hình. Tôi đã từng dạy học tại Bạc Liêu suốt 6 năm trời (1965-1971) và học trò của tôi tại các huyện Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Phước Long, Giá Rai v.v… đông lắm, chúng tôi thường xuống dưới đó chơi. Tôi rất quen thuộc với cái huyện (ngày trước gọi là quận) Giá Rai có ngôi nhà thờ nhỏ tí Tắc Sậy lợp tôn, nằm bên cạnh lộ sau khi đi qua ngôi chợ cũng nhỏ như vậy của thị trấn Hộ Phòng – thị trấn của huyện Giá Rai – khoảng một cây số.

Bây giờ, trong thời buổi CS này, nhà thờ Tắc Sậy tự nhiên nổi tiếng do sự linh thiêng “ai đến khấn nguyện điều gì đều được” của Cha Diệp. Có điều tôi muốn thưa với quý bạn rằng Nhà thờ Tắc Sậy huyện Giá Rai thuộc tình Bạc Liêu chứ không phải thuộc tỉnh Cà Mau. Tất cả các tài liệu đều ghi Bạc Liêu nhưng dân chúng thường nói Cà Mau bởi vì sau năm 1975, khi Cha Trương Bửu Diệp bắt đầu nổi tiếng thì Bạc Liêu thuộc về Cà Mau, kết hợp với tỉnh Cà Mau thành tỉnh Minh Hải, người ta quen gọi là Cà Mau chứ ít khi gọi là Minh Hải. Ngoài ra, Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên đường Bạc Liêu đi Cà Mau, cách Bạc Liêu 37 cây số trong khi chỉ cách Cà Mau có 20 cây số nên mọi người dễ bị lầm.

Quý bạn hỏi vậy thì đối với những chuyện đồn đại, bản thân Đoàn Dự tin hay không tin? Tôi xin trả lời rằng tôi không dám nói tin hay không tin, nhưng theo tôi nghĩ, Nhà thờ Tắc Sậy là một ngôi nhà thờ rất nhỏ – nhỏ không thể nào nhỏ hơn được nữa – lại nằm trong một thị trấn cũng nhỏ, đồng không mông quạnh, ở phần gần như cuối cùng đất nước, cách Sài Gòn tới hơn 300 cây số, vậy mà nay được xây dựng thành một cơ ngơi to lớn, hiện đại, nguyên tiền xây cất đã hơn 59 tỉ đồng, tức gần 3 triệu đô-la, ấy là chưa kể các pho tượng 12 vị thánh tông đồ lớn gấp 2 hay 3 lần người thật, toàn bằng gõ đỏ tức loại gỗ quý hiện nay không còn có ở Việt Nam (nhưng còn có ở Campuchia và Lào) mà theo tôi biết, giá mỗi pho tới vài trăm triệu đồng, vậy thì tiền “nội thất” cũng tới hàng triệu đô-la. Toàn là do khách thập phương, lương cũng như giáo, nhất là Việt Kiều tại các nước gửi tới tạ ơn cả. Phải có cái gì đó thiêng liêng và đầy tin tưởng người ta mới dâng hiến lên Cha như thế!

Mặt khác tôi cũng nghĩ, khi bị bắt cùng với 70 người vừa chức sắc vừa giáo dân trong họ đạo, Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã hy sinh tính mạng của mình để cứu họ. Sau khi qua đời, ngài hiển linh ban ơn cho người này người kia, “ai xin thì cũng đều được”. Rồi bây giờ mọi người dâng lễ tạ ơn ngài, biến ngôi nhà thờ nhỏ xíu của ngài thành nơi khang trang, hiện đại. Tất cả những việc đó đều là tình người. Đối với tôi, bất cứ cái gì thuộc về tình người đều đáng ca ngợi.

Quý bạn cũng hỏi những chuyện về Cha Diệp thì ai cũng biết, tại sao tôi còn thuật lại? Xin thưa, tính tôi vẫn thế, không kể thì thôi, đã kể là rất chi tiết. Tôi sợ quý bạn tuy biết nhưng biết từng mảng, không thành hệ thống. Bây giờ tôi xin tường thuật từ đầu đến cuối thật rõ để quý bạn hiểu, xin mời quý bạn xem xét…

* * *

Tiểu sử Linh mục Trương Bửu Diệp

Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, một tháng sau được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 02-02-1897 tại họ đạo Cồn Phước, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Cha ngài là Micae Trương Văn Đặng. Mẹ ngài là Lucia Lê Thị Thanh. Gia đình sinh sống tại họ đạo Cồn Phước tỉnh An Giang.

Năm 1904, lúc ngài 7 tuổi thì mẹ mất. Cha ngài dời gia đình lên Battambang bên Campuchia, sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây, thân phụ ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn thị Phước, sinh năm 1890, quê gốc tại Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh cho ngài người em gái tên là Trương thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1909, cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền gửi ngài vào Tiểu chủng viện Cù lao Giêng, xã Tấn Mỹ, Chợ Mới tỉnh An Giang. Học xong tại Tiểu chủng viện, ngài lên Đại chủng viện Nam Vang, Campuchia, (lúc đó các họ đạo An Giang, Châu Đốc, Hà Tiên trực thuộc giáo phận Pnom Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang dưới thời Đức Cha Chabalier người Pháp. Lễ vinh quy và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Từ năm 1924-1927, ngài được bề trên bổ nhiệm làm Cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal, Campuchia. Từ năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Tiểu chủng viện Cù lao Giêng tỉnh An Giang.

Tháng 03 năm 1930, ngài về trông nom họ đạo Tắc Sậy, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ, giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, Cha Bề Trên địa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các cha người Pháp cũng khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”.

Ngày 12-03-1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Dừa. Người ta định giết tất cả nhưng ngài nói chính ngài là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên của ngài. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài thì bị đem đi thủ tiêu.

Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy ngài về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chỗ họ ném xác ngài, trong cái ao nhà ông giáo Sự. Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác ngài đã bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chỗ gần mang tai, có ba vết chém khác trên mình. Thân xác ngài không hiểu sao bị lột hết quần áo, trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá, nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện và nét mặt ngài vẫn bình thản, không có vẻ gì sợ hãi.

Các vị chức sắc lén đưa xác ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo (nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo, làm thế kín đáo hơn đưa về Tắc Sậy). Như vậy ngài đã tử vì đạo vào ngày 12 tháng 03 năm 1946, nhằm ngày mồng 09 tháng 02 năm Bính Tuất.

Hăm ba năm sau, tức năm 1949, hài cốt ngài được cải táng, di dời về Nhà thờ Tắc Sậy, nơi ngài đã làm chủ chăn trong 16 năm và là cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy.

Căn nhà có ngôi mộ Linh Mục Trương Bửi Diệp ở Tắc Sậy, Bạc Liêu

Hai mươi năm sau nữa, tức năm 1989, ngôi mộ của ngài được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau Nhà thờ Tắc Sậy cũng nhỏ như vậy và khánh thành vào ngày 04-06-1989.

Đầu năm nay, 2010, một ngôi nhà mộ cực kỳ khang trang và hiện đại đã xây dựng xong, hài cốt ngài được di chuyển vào đó với lễ cải táng rất long trọng do đức Giám Mục địa phận Cần Thơ chứng kiến. Ngày nào cũng có các tín hữu ở khắp mọi nơi trong nước cũng như ngoài nước, bên lương cũng như bên giáo, tới thăm viếng, khấn nguyện và tin tưởng vào sự linh ứng của ngài.

Trong nhà có ngôi mộ của Linh Mục Trương Bửu Diệp

Chuyện một số phép lạ của Cha Bửu Diệp

Hiện nay, tuy Giáo hội Công giáo chưa xét phong Thánh cho Cha Bửu Diệp, nhưng trong lòng nhiều tín hữu Công giáo, kể cả một số người thuộc các tôn giáo khác, đã coi Cha như một vị Thánh, vì rất nhiều người khấn xin với ngài và được ngài ban cho như ý. Tại các nhà thờ Công giáo trong nước, rất nhiều giáo dân xin lễ tạ ơn ngài. Đặc biệt, nhiều người không phải tín đồ Thiên Chúa giáo cũng rất kính mến, tin tưởng ở ngài. Những tấm bảng tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp được gắn trên tường trong căn phòng nguyện tại Nhà thờ Tắc Sậy nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Theo chúng tôi được biết, ở bên Mỹ, cụ Joan Baotixita Võ Hữu Hạnh, một nhà văn lớn tuổi, đã sáng lập “Hội những người con của Cha Trương Bửu Diệp”. Theo cụ, Cha Trương Bửu Diệp đã ban phép lạ cho nhiều người, cả lương cũng như giáo. Sau đây là một số chuyện về các phép lạ đó, bởi vậy tiếng tăm về ngài ngày càng lừng lẫy.

Chuyện gia đình ông Lâm ở Lâm Đồng, Đà Lạt

Ông bà Lâm không phải tín đồ Thiên chúa giáo và chuyện này đã diễn ra năm 1977, do chính ông Lâm kể cho ông Ngọc Quang nghe, ông Ngọc Quang ghi lại trên tập san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, do cụ Võ Hữu Hạnh chủ trương.

“Bà Lâm bị bệnh viêm ruột và đau dạ dày từ lâu, bệnh đã trở thành vô phương cứu chữa. Bác sĩ tại các bệnh viện ở Sài Gòn đều bó tay. Ông Lâm đành đưa vợ từ Sài Gòn về Lâm Đồng để bà sống những ngày cuối cùng của mình.

Giữa lúc gia đình vừa đưa bà Lâm về tới nhà thì có một vị khách đi đường xa, xe bị hư, trong khi chờ tài xế sửa, ghé vào thăm. Khách là một người cao lớn, khỏe mạnh, gương mặt chữ điền, hàm râu cánh én, vẻ người phúc hậu với bộ áo dài đen của linh mục.

Ông Lâm vốn tính tình hiền lành, thường rất tôn trọng các vị tu hành, dù lương hay giáo. Mặc dầu nhà đang bận rộn vì vợ bệnh nặng nhưng ông cũng lịch sự tiếp đón khách. Vị linh mục tinh ý hỏi tại sao nét mặt gia chủ có vẻ buồn rầu. Ông Lâm nói thật là vợ bệnh nặng, mới đưa từ Sài Gòn về nhà chờ chết. Vị linh mục nói rằng lúc trước mình cũng bị bệnh nặng như vậy, nhờ một ông bác sĩ tên Hữu cho uống loại thuốc này khỏi bệnh, bây giờ còn dư lại mấy viên. Cha lấy trong túi áo ra ba viên thuốc trao cho ông Lâm và dặn chiều cho bà uống một viên, tối lúc 10 giờ một viên và sáng hôm sau một viên nữa, thế nào cũng khỏi. Ông Lâm tuy không tin lắm nhưng trong lúc tuyệt vọng, ai bảo sao cũng đành nghe vậy. Giữa lúc ấy người tài xế vào thưa xe đã sửa xong, vị linh mục bèn từ giã chủ nhà ra đi. Chủ nhà cảm ơn Cha và hỏi cho biết Cha ở đâu, vị linh mục nói mình trông coi xứ đạo Tắc Sậy? tỉnh Bạc Liêu.

Sau khi uống viên thuốc thứ nhất vài giờ, bà Lâm cảm thấy bớt đau, trong mình dễ chịu, biết đói và thèm ăn, ngủ ngon. Buổi tối, khoảng chừng 10 giờ, tự nhiên bà thức giấc và nhớ lời Cha dặn, bèn uống thêm viên thuốc thứ hai. Sáng hôm sau thức dậy, bà thấy trong người khỏe khoắn, không còn mệt mỏi và đau đớn như trước. Bà sung sướng báo tin cho chồng hay. Ông Lâm mừng quá bèn đem viên thuốc còn lại đến các tiệm để làm mẫu, mua thêm cho chắc ăn. Nhưng ông đi khắp nơi, kể cả các tiệm thuốc Tây lẫn thuốc Bắc, song chẳng ai biết đó là thuốc gì. Ông đành trở về, cho bà uống nốt viên còn lại và định có dịp sẽ xuống Minh Hải (năm 1977, hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau bị sáp nhập lại với nhau thành tỉnh Minh Hải) thăm Cha và nhờ Cha nói với ông “bác sĩ Hữu” bán thêm giúp.

Muốn đi từ Lâm Đồng xuống Cà Mau thì phải về Sài Gòn, xuống Cần Thơ, qua Sóc Trăng rồi mới tới Bạc Liêu, và Hộ Phòng là thị trấn của huyện Giá Rai tỉnh Bạc Liêu, cách thị xã Bạc Liêu 37 cây số, nơi có Nhà thờ Tắc Sậy. Việc giao thông lúc ấy rất khó khăn, phải xếp hàng từ khuya ở Bến Xe Miền Tây để mua vé xe, có khi xếp hàng cũng không mua được vé, đường đi lại lồi lõm, hết sức cực khổ. Bà Lâm mới khỏi bệnh, khó chịu đựng nổi với những chiếc xe cà rịch cà tàng, cổ lỗ đó. Đang lúc ông Lâm lo âu thì có người cháu làm trong cơ quan nhà nước đến chơi, cho biết anh ta sắp đi công tác tại Minh Hải để giao dịch mua lương thực cho tỉnh. Ông Lâm mừng quá, bèn nói với cháu cho đi nhờ xe xuống Tắc Sậy, tiền xăng ông chịu. Người cháu nhận lời vì Nhà thờ Tắc Sậy nằm ngay trên đường Bạc Liêu đi Cà Mau và cách thị xã Cà Mau khoảng 20 cây số, anh ta chở chú thím tới Tắc Sậy rồi xuống Cà Mau không có gì khó.

Khi qua Bạc Liêu, xuống tới thị trấn Hộ Phòng, Nhà thờ Tắc Sậy nằm cách chợ Hộ Phòng khoảng một cây số, ở phía bên trái. Ông bà Lâm không thể ngờ được nơi ở của vị cha sứ ân nhân lại nhỏ như vậy. Đó là ngôi nhà thờ mái lợp tôn, vách ván, xiêu vẹo trông rất tiêu điều. Đất nhà thờ rộng mênh mông nhưng chung quanh toàn đồng ruộng, dân cư thưa thớt.

Chiếc sân đất của nhà thờ không có cổng. Vợ chồng ông Lâm xuống xe, đi vô. Một ông lão bộc (thường gọi là ông Từ) đang quét trên sân. Trông thấy khách lạ, ông Từ có vẻ ngạc nhiên vì ít khi có khách phương xa đến thăm ngôi nhà thờ này. Ông Lâm nói muốn gặp cha sở, ông Từ mời vào bên trong rồi vào mời cha.

Một lát sau, vị linh mục ra, ngài cho biết ngài là Linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Tỏ, cha sở họ đạo Tắc Sậy. Ông bà Lâm rất ngạc nhiên, vị linh mục này trông không giống vị linh mục đã cho thuốc một chút nào hết mà sao hai vị đều tự nhận mình là cha sở họ đạo Tắc Sậy? Ông Lâm bày tỏ sự tình và kể mình đã gặp một vị linh mục cao lớn, tóc ngắn, gương mặt chữ điền, hàm râu cá chốt. Cha Tỏ mỉm cười, không lấy gì làm lạ, bèn dẫn vợ chồng ông Lâm qua phía bên hông nhà thờ, tới ngôi mộ của Cha Diệp. Vừa nhìn thấy tấm hình trên bia mộ, tự nhiên ông Lâm quỳ phục xuống và quả quyết đây chính là vị ân nhân đã cho thuốc, cứu bà Lâm khỏi bệnh. Bà Lâm cũng quỳ xuống tạ ơn ngài. Ông bà là người bên lương, không biết làm dấu Thánh giá.

Lúc ra về, ông bà Lâm gửi Cha sở một số tiền nho nhỏ để giúp nhà thờ vì lúc ấy ai cũng nghèo, ông bà không có nhiều. Có lẽ ông bà Lâm là những người đầu tiên đã giúp nhà thờ từ năm 1977”.

Chuyện bức ảnh đẫm máu

Sau đây là nguyên văn bức thư của GS Trần Anh Linh gởi cho cụ Võ Hữu Hạnh, nói về bức ảnh đẫm máu. Xin ghi chú thêm rằng chuyện này xảy ra cách đây khoảng chừng 2 năm (2008) và hiện nay Linh mục Gioan Minh vẫn còn ở tại Nhà thờ Hiển Linh đường Ngô Tất Tố (Dương Công Trừng cũ) thuộc giáo phận Thị Nghè. Ngài nổi tiếng về việc khấn nguyện Đức Mẹ giùm những người bệnh tật kết quả rất tốt. Hằng ngày mọi người ở khắp các nơi đến nhờ ngài khấn rất đông nhưng chính quyền địa phương đã ra lệnh cấm vì không muốn có sự tụ tập đông đúc.

Sau đây là bức thư của GS Trần Anh Linh:

“Anh Hạnh thân mến,

Tôi xin gửi tặng anh món quà quí giá mà Cha Diệp đã ban cho tôi qua Cha Gioan Minh: Cha Diệp đã thực hiện một phép lạ nhãn tiền là dùng chính tấm ảnh mà chúng ta đã cho họa sĩ Đại Hàn ở khu Phúc Lộc Thọ vẽ rồi in ra nhiều ấn bản, vừa làm thành sách, vừa in thành ảnh gởi tặng và bán khắp nơi.

Tấm ảnh đó đã đổ máu đào lênh láng từ vết chém bằng đao kiếm đứt cổ, máu Cha đã đổ ra thấm ướt làm mờ hàng chữ Trương Bửu Diệp bên dưới.

Câu chuyện xảy ra như sau:

Cha Gioan Minh (cựu Tuyên Úy), sau 12 năm ở tù “học tập cải tạo”, đã được cho về và sống ở nhà thờ Chúa Hiển Linh tại Thị Nghè nơi xưa kia Cha Dụ đã thành lập. Cha Minh ở lại Việt Nam, không xin ra nước ngoài theo diện HO dù cha có tới 12 năm ở tù.

Một hôm cha vào Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở đường Kỳ Đồng và chọn mua một tấm ảnh của Cha Diệp mà cha đã nghe có nhiều phép lạ. Cô bán hàng dùng giấy báo gói bức ảnh có đóng khung sẵn trao cho cha Minh. Cha Minh về đến nhà, tính mở ra để treo lên tường thì một ơn lạ đã xảy ra, là máu tươi từ cổ bức ảnh tuôn trào ra thấm ướt cả tờ báo gói bức tranh.

Cha Minh kinh ngạc bèn cho đó là một dấu chỉ quan trọng, nên đã gói lại cẩn thận và lặng lẽ đem lên Tòa Tổng Giám Mục Saigon trình với Đức Cha Phạm Minh Mẫn. Theo cha Minh cho biết thì tấm ảnh thấm máu này đã được gởi qua để Tòa Thánh xét nghiệm, hy vọng rằng đã đến lúc Tòa Thánh cho lập Ban Điều Tra, tìm hiểu về các ơn lành Cha Diệp đã làm mà việc lạ lùng làm cho máu đào từ vết cổ đổ ra sẽ là một trong những chứng cớ để Tòa Thánh có thể tôn phong Chân Phước cho Cha.

Tôi là bạn thân của cha Minh, nên cha đã tặng tôi một tấm. Tôi sao lại và gởi tặng anh, đây là tài liệu mới nhất về Cha Diệp, anh nên ghi chú vào tập sách Các Ơn Lành của Cha”.

Trần Anh Linh.

Chuyện ông chủ thầu vật liệu xây dựng

Từ những năm thuộc thập niên 1980 trở về sau, hằng năm cứ vào các ngày 11-12 tháng 03 dương lịch, dòng người lương, giáo từ các nơi lại đổ về Tắc Sậy. Trên những chiếc xe đò chở khách, người ta có thể thấy hình một vị linh mục mặt vuông chữ điền rất dễ mến. Họ xuống để dự lễ giỗ của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp.

Ông Phước, người trông coi phần mộ của Cha Diệp tại Nhà thờ Tắc Sậy, kể lại câu chuyện sau đây vào một buổi trưa tháng 04-2010 như sau:

Vào khoảng những năm đầu thập niên 1980, bờ kinh cạnh khu nhà thờ này còn là một bãi đất trống, làm nơi ghe và xe cộ dừng lại đổ hàng. Nửa đêm, có một ông chủ ghe chở đầy vật liệu xây dựng như gạch, cát, xi-măng… đậu bên bờ kinh. Ông bỗng trông thấy một vị khách mặc áo dài đen theo kiểu nhà dòng từ trên bờ bước xuống. Vị khách tự xưng mình là cha xứ Nhà thờ Tắc Sậy, muốn mua hết các vật liệu trên ghe để xây lại nhà thờ. Giá cả xong xuôi, chủ ghe đồng ý bán và hẹn hôm sau sẽ cho công nhân đem hàng lên xong ông sẽ nhận tiền.

Sáng hôm sau, trước khi giao hàng, chủ ghe lên nhà thờ, định gặp cha xứ để biết chỗ cho công nhân xếp hàng. Đến khi gặp linh mục Phêrô Nguyễn Ngọc Tỏ, ông rất ngạc nhiên, từ giọng nói cho tới gương mặt, thân hình, vị linh mục này trông không giống với vị khách có ria mép hôm trước một chút nào cả. Cha Tỏ nói: “Tôi hiểu, đó chính là linh hồn cha sở Phanxicô Trương Bửu Diệp đấy. Ý ngài muốn xây lại nhà thờ nên hiện ra như vậy”. Cha kể cho ông chủ thầu nghe các chuyện linh ứng của Cha Bửu Diệp rồi nói: “Ý tôi cũng muốn xây lại ngôi nhà thờ cho đàng hoàng nhưng họ đạo nghèo, chưa đủ tiền. Thôi thì đành cáo lỗi với ông và hẹn khi khác”. Ông chủ thầu nói: “Cha Diệp đã linh ứng như vậy thì con không dám lấy tiền. Mặc dầu con là người bên lương nhưng con xin hiến tất cả các vật liệu trên ghe để nhà thờ xây sửa lại, không nhận một đồng nào cả”. Ông chủ thầu lập tức cho người khuân gạch, cát, xi-măng từ dưới ghe lên rồi đi, ngay cả tiền công bốc xếp của các công nhân ông cũng tự trả, không để nhà thờ phải trả.

Không ngờ từ đấy ông chủ ghe buôn bán ngày càng phát đạt. Ông cho rằng mình được Cha Diệp phò hộ nên mỗi lần đi qua Hộ Phòng ông thường quay lại Nhà thờ Tắc Sậy để tạ ơn Cha.

Cũng theo ông Phước, những chuyện linh ứng của Cha Diệp ngày một lan rộng. Từ đó về sau, khách thập phương kéo về nườm nượp để cầu xin Cha ban ơn lành. Nhất là các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, rất nhiều người xuống, họ cầu xin Cha chuyện này chuyện khác, và ai cũng được toại nguyện. Lời nguyện đắc thành, họ đến đền ơn Cha, người thì ghế đá, người thì vật dụng dùng cho nhà thờ, người thì tiền bạc…, nhiều không sao kể xiết. Cứ thế, vào những này cuối tuần hoặc trong dịp lễ giỗ Cha (12 tháng 03 dương lịch), khách thập phương kể cả trong nước lẫn ngoài nước về kính viếng Cha đông như trẩy hội. Có nhiều người đem theo cả những chai nước La Vie đến để bên cạnh mộ, cầu nguyện trước khi mang về cho người trong gia đình.

Nhưng cũng có những người tin tưởng đến độ cầu nguyện trong nhà thờ, trước mộ của Cha chưa đủ, họ còn hỏi thăm, tìm đến chiếc ao nhỏ của gia đình ông giáo Sự ngày xưa để chiêm ngưỡng nơi Cha đã bị sát hại.

Điều lạ lùng hơn nữa là theo như lời của vị cha xứ hiện nay là Linh mục Phaolô Nguyễn Thanh Bình, thì có tới 70% khách thập phương xuống Giá Rai kính ngưỡng Cha Diệp là người ngoại đạo hoặc Việt Kiều từ nước ngoài về. Có những người chưa về nhưng đã “nghe nói” tới sự linh ứng của Cha nên đã gửi tiền về giúp nhà thờ xây dựng được một cơ ngơi lớn lao như ngày nay, khả dĩ có thể đón tiếp bất cứ các nhóm hành hương nào dù đông bao nhiêu, họ đều có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng mà không cần phải đóng góp gì cả.

Để kết luận bài này, tôi xin thưa với quý vị độc giả thân mến rằng tôi không phải là người Công giáo, nhưng tôi biết trong Thánh kinh Công giáo có câu nói của Đức chúa Giêsu: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Vậy nay tôi xin dùng câu nói này để cầu Chúa và Cha Diệp ban ơn cho quý vị. Amen.

Đoàn Dự

………………………………….

Vận động phong chân phước Cha Trương Bửu Diệp

Từ nhiều năm qua, hình ảnh và danh tánh của cố Linh Mục Phanxico Trương Bửu Diệp trở nên khá quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam sống trong nước cũng như ở hải ngoại.

Trên các tờ báo Việt ngữ tại đây, người đọc cũng không còn ngạc nhiên khi thấy những lời “Tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp” được đăng một cách trang trọng, từ những người thấy rằng mình đã nhận được “ơn lạ” hay “phép lạ” của Chúa qua bàn tay của Cha Trương Bửu Diệp.

“Dư luận thuận lợi, kéo dài, công khai và mạnh mẽ về đời sống thánh thiện hay gương anh hùng tử vì đạo” của cha Trương Bửu Diệp chính là một trong những yếu tố căn bản cần thiết đối với một ứng viên tuyên thánh.

“Cha Phanxico Trương Bửu Diệp đã yêu thương như Thầy yêu thương và vẫn tiếp tục yêu thương qua nhiều chuyện lạ xảy ra đó đây. Cha đã yêu thương cả người lương người giáo. Cha tiếp tục xin lộc Trời cho bất cứ ai đến với Cha.”

Ðó là điều Linh Mục Phê-rô Trần Thế Tuyên, hiện sống tại Canada, viết trong lời mời “Hãy đồng hành! Hãy tham tham gia tiến trình tuyên phong chân phước Cha Phanxico Trương Bửu Diệp” được bắt đầu từ ngày 25 tháng 8, 2011 ở Giáo Xứ Cần Thơ.

Tiếp xúc với phóng viên Người Việt, Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng, cho biết: “Tiến trình phong thánh không phải một sớm một chiều mà xong, mà có khi mất cả chục năm không chừng, theo kinh nghiệm những người đi trước.”

Chịu chết thay giáo dân

Từng là cha xứ của họ đạo Công Giáo Tắc Sậy, Cà Mau, Cha Trương Bửu Diệp đã đứng ra chịu chết thay cho giáo dân khi họ bị lực lượng Việt Minh bắt, năm 1946.

Theo lời Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng, “Người chịu trách nhiệm loan báo, đứng tên thực hiện công việc này là Giám Mục Stephano Tri Bửu Thiên, giáo phận Cần Thơ. Ðức Cha Tri Bửu Thiên lập ra một tiểu ban để xin tuyên thánh Cha Trương Bửu Diệp, gồm có Cha Phero Trần Thế Tuyên ở Canada làm Cáo Thỉnh Viên và Cha Nguyễn Thanh Bình là cha sở của nhà thờ Tắc Sậy, nơi chôn cất Cha Diệp, làm chủ tịch ban này. Ngoài ra còn có rất nhiều thành viên khác.”

Linh Mục Trịnh Tuấn Hoàng là người “giúp Cha Phêrô Trần Thế Tuyên phổ biến công việc này đến với mọi người tại Hoa Kỳ.”

“Bắt đầu xin mọi người biết để cầu nguyện cho công việc này. Kế nữa, những người đang ở Hoa Kỳ được ơn lạ, muốn chứng thực cho ghi vào ‘record’ thì thông qua Cha Hoàng để liên lạc với Cha Tuyên, kể cho Cha Tuyên nghe.” Linh Mục Hoàng cho biết.

Sau khi nghe hết những chuyện kể đó, Linh Mục Trần Thế Tuyên sẽ lựa chọn ra một số nhân chứng được ơn lạ về Cần Thơ để thực hiện “thể thức sát hạch nhân chứng.” Tức là “tất cả đều phải thề nói sự thật và chỉ sự thật, chỉ có chánh án, công tố viên, lục sự và nhân chứng hiện diện.”

Ơn phước phải được chứng thực

“Ở hải ngoại này cũng có rất nhiều người được ơn phước qua bàn tay cầu bầu của Cha Trương Bửu Diệp, những người ngoại đạo cũng được rất nhiều. Mỗi năm cứ đến ngày giỗ ngài là nhiều người lên xin làm chứng về những ơn đã nhận được, nhiều lắm, khắp nơi, ngay cả điện thoại Cha Hoàng cũng nhiều người gọi đến để làm chứng.” Linh Mục Hoàng nói thêm.

Tuy nhiên, theo lời Cha Hoàng, “những chuyện đó trước giờ người này người kia kể là chỉ kể để biết với nhau thôi. Nhưng bây giờ một cái ơn mà muốn chứng thực là đúng thì phải được xét duyệt lại, phải được đưa về Tòa Giám Mục ở Cần Thơ để tuyên thệ, để Giáo Hội Vatican tin thì phải có chứng rõ ràng.”

Tiến trình tuyên thánh gồm có 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thiết lập án tuyên thánh cấp địa phận. Giai đoạn 2 là danh hiệu “Ðầy Tớ Chúa” và tiến hành giám sát về nhân đức hay việc tử đạo. Giai đoạn 3 là tiến trình án tuyên thánh ở Roma. Giai đoạn 4 là phép lạ và tuyên phong chân phước.

Cố linh mục Trương Bửu Diệp nổi tiếng với câu nói: “Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng giữa đoàn chiên.”

Sưu tầm và hình ảnh từ nhiều nguồn

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt