Phải chăng Hoa Kỳ đang mất vị trí “thủ lĩnh thế giới” ?
Dưới hai nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama, hình ảnh nước Mỹ được cải thiện một cách rõ rệt trên toàn thế giới so với thời dưới sự lãnh đạo của người tiền nhiệm George W. Bush. Thế nhưng, điều nghịch lý là vị trí thống trị của cường quốc Mỹ lại đang bị lu mờ trong một thế giới đa cực ngày nay. “Phải chăng Hoa Kỳ đang bị suy yếu ?”. Tuần báo Courrier International (25-31/08/2016) tổng hợp nhiều bài viết quốc tế phân tích chủ đề này trong chuyên mục “Hồ sơ”.
Tạp chí Nga Rossia Globalnoï Politiké (15/08) nhận định chính sách ngoại giao của Mỹ chuẩn bị có bước ngoặt quan trọng kể từ 70 năm nay. Washington không còn giữ được vị trí “thủ lĩnh” toàn cầu trong bối cảnh thế giới đa cực.
Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, Hoa Kỳ tự nhận là bên thắng cuộc, đã ra sức kiến tạo một thế giới theo mô hình và giá trị của nước Mỹ. Tuy nhiên, thế giới ngày càng có nhiều xung đột hơn, mất kiểm soát hơn và nghi kị phương Tây hơn.
Hoa Kỳ, tự xưng là “thủ lĩnh thế giới”, đang tỏ ra bất lực trước những nguy cơ xung đột mới xuất phát từ sự cạnh tranh với các cường quốc khác. Ý định đóng vai trò “cảnh sát thế giới” của Washington chỉ làm mọi việc thêm rối ren, mà tình hình tại Irak, Afghanistan, Libya, khu vực Trung Đông và Ukraina là những bằng chứng cụ thể.
Ngay trong nội bộ nước Mỹ, một bộ phận lớn dân chúng cũng phản đối vị trí số 1 của Hoa Kỳ trước sức ép khó kiểm soát của tiến trình toàn cầu hóa và một thế giới ngày càng thù địch hơn. Họ không chấp nhận làn sóng nhập cư, cho rằng hiện tượng này sẽ trở thành một thách thức xã hội, bản ngã của Mỹ cũng như phương Tây nói chung. Lo sợ nguy cơ khủng bố trong làn sóng nhập cư cũng giải thích một phần sự thiếu khoan dung của họ.
Cũng nhận định như trên, tờ Global Times (Trung Quốc) đánh giá Mỹ là “một thủ lĩnh quốc tế đang bị lu mờ” và khó lòng bảo vệ được danh hiệu này. Tờ báo nhấn mạnh chính người Mỹ đã gieo rắc vào cộng đồng thế giới ý tưởng “Hoa Kỳ là người điều hành thế giới”. Thế nhưng, Mỹ lại sử dụng quyền lực để sinh lợi và bảo vệ lợi ích của mình. Chính điều này đã khiến Hoa Kỳ nhiều lần phạm sai lầm trong cách đánh giá tình hình thế giới và về chính năng lực của cường quốc này.
Theo Global Times, mỗi lần Mỹ can thiệp vào một cuộc chiến, như chiến tranh vùng Vịnh, quyết định của họ không được đền đáp lại. Việc mở rộng khối NATO do Mỹ khởi xướng hay việc xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương lại dẫn đến những căng thẳng mới mang tầm quốc tế mà Washington không làm chủ được hướng phát triển.
Không thể phủ nhận Hoa Kỳ là trung tâm của mọi đổi mới công nghệ và là nhà cung cấp văn hóa và vật chất tiêu thụ lớn nhất thế giới, nhưng cần phải nhìn nhận là thế giới đang thay đổi. “Thế giới đa cực”, thậm chí là không có cực nào hết, bắt đầu trở thành một cụm từ vô nghĩa. Các nước đang phát triển và các quốc gia có thu nhập tầm trung ngày càng muốn khẳng định tiếng nói của mình.
Tờ Global Times khẳng định từ lâu Washington luôn tính toán với các đồng minh. Không những không muốn chi một đồng nào hết để xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ còn nghĩ cách nhét chặt túi nhờ vào các nước trong vùng thông qua hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP). Còn tại Biển Đông và bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ luôn tìm cách khiêu khích và xung đột với người dân địa phương. Vậy làm thế nào một thủ lĩnh thế giới có thể thoát khỏi tình cảnh đó mà vẫn vững mạnh ?
Phải chăng vị thế của Mỹ cũng bị suy yếu ở Trung Đông ? Trang mạng Al Monitor (Washington) chuyên về Trung Đông, được Courrier International lược dịch, nhận định : “Iran thất vọng sau khi làm lành với Mỹ”. Thỏa thuận về vấn đề hạt nhân với Teheran không làm thay đổi điều kiện sống của người dân Iran. Thậm chí, 66,1% người dân được trang IranPoll.com thăm dò, cho rằng Hoa Kỳ tìm cách duy trì tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt mà Washington đã dỡ bỏ. Tuy nhiên, phần lớn người dân Iran tiếp tục ủng hộ các chương trình trao đổi thương mại, đại học, văn hóa, thể thao và du lịch với Hoa Kỳ.
Washington cũng chưa tìm ra được giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestin. Trái với cuộc chiến vùng Vịnh năm 2003, dưới thời tổng thống Obama, Hoa Kỳ không còn can thiệp sâu vào thế giới Ả Rập, từ Libya đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Syria đến Irak. Chính tổng thống Barack Obama đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược xoay trục này. Còn nhật báo Al-Hayat (Luân Đôn) lại cho rằng Mỹ rút khỏi thế giới Ả Rập do khu vực này không chấp nhận những giá trị của phương Tây.
Riêng châu Phi vẫn không phải là một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra. “Khuynh hướng hiện thực sẽ tiếp tục dẫn đường cho Hoa Kỳ” là nhận định của hai nhà phân tích được nhật báo Daily National, phát hành tại Nairobi, trích dẫn.
Còn tại châu Âu, sự kiện Anh rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu là một cú giáng đau cho Washington. Hoa Kỳ mất đi đồng minh thân cận nhất trong khối này và buộc phải xích lại gần Đức và Pháp hơn, theo phân tích trên nhật báo Tây Ban Nha El País.
Nếu làm tổng thống Mỹ, “Hillary sẽ làm gì với Bill ?”
Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016, ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton sẽ phải “sống chung” với cựu tổng thống Mỹ Clinton. Phu quân của bà là một người nổi tiếng “khó kiểm soát”. Tuần báo Le Point đặt câu hỏi : “Hillary sẽ làm gì với Bill ?”
Trong trường hợp chiến thắng, bà Hillary Clinton là phụ nữ đầu tiên trở thành tổng thống Mỹ và Bill Clinton, từ một cựu tổng thống, sẽ trở thành “Đệ Nhất Phu Quân”. Cả hai sẽ cùng sống tại số nhà 1600 Pennsylvania Avenue.
Thế nhưng, Bill sẽ làm gì trong suốt bốn năm nhiệm kỳ của vợ ? Ông không thể tiếp tục các buổi diễn thuyết được trả thù lao đến 500.000 đô la hay điều hành quỹ từ thiện nhờ tiền quyên góp từ các chính phủ nước ngoài và các nhà đầu tư đôi khi có tiếng tăm đáng ngại.
Liệu cựu tổng thống Bill Clinton có đảm nhận vai trò mà các “Đệ Nhất Phu Nhân” thường đảm nhiệm, như tổ chức các buổi tiếp khách, trang trí Nhà Trắng và tiếp chuyện phu nhân/phu quân của lãnh đạo các nước ?
Theo tuần báo Le Point, có thể Bill Clinton sẽ ẩn mình như trường hợp của phu quân thủ tướng Đức hay chỉ giữ vai trò tô điểm như Melania Trump, vợ của tỉ phú địa ốc – ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa. Thế nhưng, cựu tổng thống Mỹ rất thích tham gia chính trị. Dù không còn phong độ như trước (do vấn đề sức khỏe hay do chế độ ăn chay ?), Bill Clinton vẫn là một trong những gương mặt chính trị sáng giá nhất thế hệ của ông và luôn đóng vai trò cố vấn cho vợ. Le Point cho rằng ứng viên đảng Dân Chủ sẽ sai lầm nếu không tận dụng phu quân của mình, vì ông là một nhà đàm phán phi thường, thêm vào đó là kinh nghiệm tổng thống mà ông từng kinh qua.
Bà Hillary vẫn nói : Nếu được bầu làm tổng thống, bà sẽ “bắt ông làm việc”. Trước hết, để ông không làm vướng chân bà và cũng để ông không có thời gian rảnh rỗi, vì “nhàn cư vi bất thiện”. Sau khi rời Nhà Trắng năm 2000, ông đã “đàn đúm” với một nhóm “playboy” tỉ phú và thường rong ruổi trên chiếc du thuyền Lolita Express.
Bà Hillary đánh tiếng là sẽ để ông phụ trách “phục hồi nền kinh tế” nhờ những kinh nghiệm của chồng và thời kỳ hưng thịnh dưới thời tổng thống Bill Clinton. Cũng có thể bà sẽ giao cho ông những sứ mệnh ngoại giao ở nước ngoài, vừa để ông tránh xa Nhà Trắng, vừa để không xảy ra tranh chấp chức năng với phó tổng thống.
Thế nhưng, tuyển vợ hoặc chồng vào bộ máy hành chính không hẳn là một ý kiến hay. Bill Clinton đã phải trả giá cho việc này khi dự án cải cách y tế do bà Hillary điều phối gặp thất bại khiến tổng thống Clinton lúc đó không tìm được lối thoát. Hơn nữa, vai trò của một “Đệ Nhất Phu Nhân” thường bị “soi mói” và đánh giá, trong khi đó Bill Clinton lại được coi là một “thành phần tự do”, không ai kiểm soát được, kể cả người vợ. Người ta đồn rằng vai trò chủ Nhà Trắng có thể sẽ được giao cho Chelsea, cô con gái nhà Clinton.
Thu Hằng