Phương tiện đàn áp tôn giáo của cộng sản Hungari: CÁC VỤ ÁN ĐƯỢC DÀN DỰNG

(Theo Nhip cầu thế giới) “Thời nay, khái niệm “vụ án được dàn dựng” đã được biết đến một cách rộng rãi. Nhưng cụm từ này có nghĩa chính xác là gì? Làm sao có thể tiến hành một “phiên tòa” – mà ai cũng biết là dối trá – để bề ngoài nó vẫn có vẻ hợp thức?” – bài viết của tác giả Tomka Ferenc rọi sáng một số nét nhục nhã của nền tư pháp Hungary trong những năm cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 thế kỷ trước.

Phương tiện đàn áp tôn giáo: CÁC VỤ ÁN ĐƯỢC DÀN DỰNG

Phiên tòa đựoc dàn dựng để xử Đức Hồng y Mindszenty József, một nhân vật tầm cỡ của lịch sử và Giáo hội Hungary thế kỷ XX

Trong một vụ án ngụy tạo, điều quan trọng nhất là mục tiêu được đặt ra. Đảng Cộng sản có nhiều mục tiêu, trong đó, có mục tiêu hủy diệt Giáo hội Công giáo. Đảng chia mục tiêu tối thượng ra thành nhiều bước, như: đình chỉ các tổ chức, các trường sở Công giáo, các dòng tu, cũng như, khống chế ban lãnh đạo Giáo hội.

Làm sao có thể đạt được các mục tiêu đó? Để tấn công và hủy diệt các cơ sở, trường sở Công giáo, chẳng hạn, cần lựa ra các thanh niên theo học trường Công giáo, hoặc các lãnh đạo của tổ chức Công giáo, và chứng tỏ rằng họ là những tên sát nhân, vô đạo đức, dối trá, có âm mưu lật đổ chính quyền nhà nước, v.v…

Chúng ta đã thấy, trước phiên tòa xử Đức Hồng y Mindszenty (1), đã diễn ra nhiều phiên tòa khác mà mục tiêu là để xóa bỏ các tổ chức và trường sở Công giáo. Về căn bản, với những phương pháp của các phiên tòa ngụy tạo, những lời buộc tội “được đề xuất” nhắc đến ở trên đều được “chứng tỏ”.

“Cơ sở pháp luật” và “phương thức chứng minh”

Có thể thiết lập cơ sở pháp luật như thế nào để căn cứ vào đó, người ta đã khởi động những vụ án được dàn dựng?

1. Ai chống cộng, kẻ đó là “phản động”.

Cơ sở pháp luật đầu tiên cho những vụ án sắp đặt được thiết lập bởi cái gọi là Đạo luật Đao phủ, ra ngày 23-3-1946. Theo đó, một tuyên bố chống lại thể chế nhà nước cộng sản – trong thực tế, có thể là chống lại CNCS hoặc các lãnh tụ cộng sản -, hoặc giả, ngay cả một trao đổi riêng cũng đồng nhất với việc kích động chống thể chế nhà nước và sẽ bị án tù nặng nề. Nghĩa là, nếu ai đó bị chứng tỏ là không đồng tình với CNCS thì đã có thể đưa người ấy ra tòa.

Lenin và những kẻ nối nghiệp cho rằng những gì phục vụ lợi ích của đảng thì đều là đạo đức. Và trong các trường hợp cụ thể thì từng nhà độc tài sẽ xác định xem, điều gì được coi là phục vụ lợi ích của đảng.

2. Áp dụng một cách phi pháp những lời khai thú nhận tội trạng.

Các vụ án sắp đặt được dựa trên cơ sở những lời buộc tội hoàn toàn dối trá. Chẳng hạn, Đức Hồng y Mindszenty bị kết tội phản quốc, âm mưu chống thể chế nhà nước, buôn lậu ngoại tệ, còn trong vụ án xét xử các tổ chức, trường sở Công giáo hoặc các nhà tu hành, người ta buộc tội các tu sĩ – trong các cuộc xưng tội – đã khích lệ giới trẻ đi giết người, hoặc đã tổ chức các âm mưu chống thể chế nhà nước, v.v…

Làm sao có thể chứng tỏ những lời tội danh này?

Trong các vụ án ngụy tạo, những lời khai thú nhận tội trạng là các bằng cứ chính yếu nhất của lời buộc tội. A. Visinsky – Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao Liên Xô một thời – là người đi đầu trong việc đề xuất thứ lý thuyết giết người, coi điều có thể xảy ra là một thực tế tất yếu, và xác định tội trạng dựa trên những lời khai nhận tội.

Cho dù, trong thực tế luật pháp của các nước văn minh, lời khai thú nhận tội trạng cùng lắm chỉ được tính như một yếu tố giảm tội, không được coi là yếu tố buộc tội và càng không bao giờ là bằng cứ. Việc chứng tỏ hành vi phạm tội là nhiệm vụ của đại diện bên nguyên, chứ không phải của bị can. Cũng như các nước XHCN khác, cách áp dụng luật kiểu Xô-viết – thực tế là dẫm lên luật pháp – đã được chế độ độc tài Hungary nhập khẩu.

Rõ ràng là nếu lời khai nhận tội đủ để được coi là bằng cứ thì khi đó, đối với chính quyền, chỉ còn duy nhất một vấn đề: có thể dùng nhục hình hay biện pháp vũ lực nào khác để buộc bị can phải khai ra những gì mà những người tổ chức vụ án muốn nghe ở đương sự. Sau đó, cũng có thể đưa ra trước thế giới lời khai này. Và ở đây, có thể hiểu được những sự hành hạ khủng khiếp về thể xác và tinh thần mà các bị can của những vụ án ngụy tạo đã phải trải qua.

3. Sự độc lập của cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp.

Hẳn nhiên, đây là điều đã hoàn toàn bị thủ tiêu! Các thẩm phán và trạng sư đều chịu sự chỉ đạo và tuân thủ mệnh lệnh trực tiếp của đảng, của ÁVO (Phòng An ninh Quốc gia, cơ quan mật vụ chính trị Hungary thời đó – ND).

Sự tiến hành các phiên tòa

Thoạt tiên, Ban lãnh đạo đảng cũng lên kế hoạch cần bắt những người như thế nào để phù hợp với các mục tiêu mà nhất thời đảng coi là quan trọng. Và tất nhiên, đảng cũng chuẩn bị để trước và sau vụ án – bằng truyền thông và với những khả năng mà đảng có thể tác động đến các giai tầng khác nhau – làm sao có thể gây ảnh hưởng tới công luận, khiến phiên tòa được hiện diện phù hợp với mục tiêu được đề ra.

Sau đó, đến tiết mục bắt bớ, rồi “chuẩn bị” cho các bị can, nhân chứng, thảo ra những “lời khai” để các bị can phải “thú nhận”.

Nhiều khi, người ta hứa với bị can rằng nếu khai nhận những gì mà họ muốn nghe từ đương sự, đương sự sẽ nhận được phán quyết nhẹ hơn, hoặc thậm chí có thể được trả tự do. Rồi, căn cứ những lời khai thú tội, bị can đã bị án tử hình! Nhiều bị can và nhân chứng đã chịu số phận như thế, trong đó có cả lãnh tụ cộng sản Rajk László (2).

Một ví dụ “chết người”

Nhắc lại một ví dụ đặc thù sau đây để thấy tính phi lý trong cái “quy trình” của các vụ án được dàn dựng.

Trong vụ án xử tổng giám mục Grösz (3), một tu sĩ Công giáo tên là Vezér Ferenc bị quàng vào và kết án tử hình. Người ta buộc tội ông đã thành lập một nhóm có vũ trang để sát hại các quân nhân Liên Xô và nhóm này đã giết hại nhiều lính Nga. Để chứng tỏ lời cáo buộc dối trá này, 15 người đàn ông sinh sống tại vùng mà Vezér Ferenc tu hành đã bị bắt để sau đó đóng vai trò các thành viên “nhóm giết người” và các nhân chứng.

Péter Gábor, người đứng đầu ÁVO bảo những người bị lựa chọn để trở thành các “nhân chứng” giả mạo: “Chúng tôi biết các anh vô tội và không muốn bỏ tù các anh đâu – đối tượng của chúng tôi là lũ thày tu phản động bóc lột nông dân thuộc Giáo hội Công giáo kia. Chỉ cần khai những gì chúng tôi bảo, thì sẽ không ai hành hạ các anh cả. Ở đây, các anh cũng sẽ được ăn uống đầy đủ, có cả thuốc lá nữa. Sau vụ án thì sẽ được về nhà”.

Trong số các “nhân chứng”, đã có 2 người do ÁVO cài cắm vào từ trước: họ “khai” trơn tru tất cả những gì cần nói, và còn “khai” ra “tội trạng” của các “đồng phạm”. Cái trớ trêu trong thứ logic của vụ án ngụy tạo này là những nông dân “bất trị” – và những người từ đầu đến cuối vẫn khẳng định mình và vị tu sĩ vô tội – thì “chỉ” bị án tù chung thân (rồi được tự do năm 1956).

Còn tất cả những người khai rằng mình có tội – kể cả các “tay trong” của cơ quan mật vụ chính trị, được cài vào từ đầu, cùng các “nhân chứng” và 8 “thành viên” của “nhóm giết người” – thì đều bị án tử hình. Tu sĩ Vezér Ferenc cũng bị tử hình: những ngón đòn tra tấn kinh hoàng nhất cũng không khiến ông khuất phục và đến giây phút cuối cùng, ông vẫn khẳng định mình hoàn toàn vô tội! (4)

Ghi chú:

(1) Mindszenty József (1892-1975): Hồng y Giáo chủ Hungary, Tổng giám mục địa phận Esztergom. Năm 1949, dựa trên những lời buộc tội bịa đặt, ông bị chính quyền kết án chung thân trong một vụ án được sắp đặt. Được tự do năm 1956 khi cuộc cách mạng diễn ra. Khi quân đội Liên Xô tràn vào Hungary, ông bị truy đuổi, phải trốn chạy vào tòa đại sứ Mỹ ngày 4-11-1956 và ở đó đến năm 1971. Sau đó ông qua Rome và sống lưu vong đến khi mất.

(2) Rajk László (1909-1949): lãnh tụ cộng sản, Bộ trưởng Nội vụ (1946), Ngoại trưởng Hungary (1948-49). Sáng lập cơ quan mật vụ chính trị ÁVO, chủ trương cấm đoán và đình chỉ hoạt động rất nhiều tổ chức theo xu hướng tôn giáo, dân tộc và tự do.

Là người tổ chức những vụ án ngụy tạo đầu tiên tại Hungary, nhưng đến năm 1949, do những mâu thuẫn nội bộ trong Đảng Cộng sản Hungary, chính ông lại bị kết án tử hình trong “vụ án Rajk” khét tiếng do đích thân Tổng bí thư Rákosi Mátyás dàn dựng và theo chỉ thị của Moscow. Được phục hồi năm 1955.

(3) Grősz József (1887-1961): Là người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hungary trong thập niên 40 thế kỷ trước. Vì những nỗ lực độc lập của các lãnh tụ Giáo hội, hè năm 1951, ông bị bắt giam và buộc tội tổ chức lật đổ chính quyền nhà nước dân chủ, rồi bị án tù giam 15 năm trong một phiên tòa ngụy tạo. Được tự do năm 1955.

(4) Bài viết đăng trên tuần báo Công giáo “Con người mới” (Új ember) của Hungary.

Trần Lê chuyển ngữ và chú giải


Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt