Obama sẽ thăm Châu Á để củng cố vai trò của Mỹ ở khu vực
Tổng thống Barack Obama sẽ công du Châu Á vào tháng 4/2014 để thắt chặt hơn nữa quan hệ với các nước trong khu vực, sau khi vào tháng 10 vừa qua, ông đã phải hủy chuyến đi đến vùng này, khiến mọi người đặt nghi vấn về chiến lược “xoay trục” của Washington.
Khi thông báo chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama, trong bài phát biểu tại Đại học Georgetown hôm qua, 20/11/2013, bà Susan Rice, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nhìn nhận là dư luận Châu Á đã rất thất vọng, sau khi nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ hủy chuyến đi đến khu vực này vào tháng 10 vừa qua, do khủng hoảng về ngân sách trong nước. Nhưng bà Rice khẳng định, các nước bạn ở Châu Á sẽ tiếp tục được Mỹ quan tâm “ở mức cao nhất“.
Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ tuyên bố : “Cho dù có nhiều điểm nóng đang nổi lên ở khắp nơi, chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố sự hiện diện lâu dài của Hoa Kỳ ở khu vực trọng yếu này“. Theo lời bà Rice, sự trợ giúp của Hoa Kỳ cho Philippines sau cơn bão Haiyan, trong đó có việc triển khai hơn 1000 thủy quân lục chiến, thể hiện một cam kết rộng hơn đối toàn Châu Á.
Tuy nhiên, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ không nói rõ lộ trình chuyến công du Châu Á của Tổng thống Obama. Theo hãng tin Kyodo, trong số các nước mà ông Obama sẽ viếng thăm có Nhật Bản. Đây sẽ là chuyến thăm Nhật đầu tiên của Tổng thống Mỹ kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên cầm quyền.
Vào tháng trước, ông Obama đã dự trù công du các nước Philippines, Malaysia và dự hai Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Đông Á ở Indonesia và Brunei, nhưng cuối cùng đã phải hủy bỏ kế hoạch này, do chưa giải quyết được khủng hoảng về ngân sách, khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa nhiều ngày.
Các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Á lúc đó đã rất lo ngại khi thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lợi dụng sự vắng mặt của ông Obama để gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh lên các nước trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama đã cam kết thi hành chiến lược “xoay trục” sang Châu Á, nơi mà trật tự khu vực đang thay đổi với thế lực quân sự và kinh tế ngày càng mạnh của Trung Quốc. Thế nhưng, sang nhiệm kỳ hai, ông Obama lại quá chú tâm vào cuộc nội chiến tại Syria và lo đối phó với Iran. Về mặt nội bộ, ông cũng đặt ưu tiên cho việc cắt giảm mức nợ công của Hoa Kỳ, đã gia tăng rất nhiều do những chi phí cho hai cuộc chiến tranh Irak và Afghanistan, cũng như do hậu quả của suy thoái kinh tế.
Để chứng tỏ là Washington vẫn quan tâm đến khu vực Châu Á, trước mắt, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công du Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vào tháng tới. Theo lời bà Susan Rice, Ngoại trưởng John Kerry, mà kể từ khi nhậm chức chủ yếu tập trung vào hồ sơ Trung Đông, cũng sẽ đi thăm Châu Á vào tháng 12.
Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ còn tuyên bố là Washington sẽ thực hiện đúng cam kết điều động số lượng các chiến hạm của nước này sang Châu Á từ đây đến năm 2020 và sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định tự do mậu dịch mà Tổng thống Obama hy vọng sẽ giúp thiết lập một trật tự mới ở Châu Á.
Hôm qua, bà Susan Rice cũng đã bày tỏ mối quan ngại về tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có hai đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Philippines. Đối với Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama, những căng thẳng đó đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực, cũng như đến các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Bà Susan lập lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ là các bên có liên quan nên thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, để ngăn ngừa xung đột vũ trang ở vùng này.