Obama cần một sức bật mới cho hai năm cuối nhiệm kỳ

Điểm tín nhiệm tuột dốc theo các cuộc thăm dò dư luận, bị suy yếu sau thắng lợi rõ nét của đảng Cộng Hòa tại Thượng viện trong cuộc bầu cử nghị viện giữa nhiệm kỳ, hôm qua, 04/11/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cố gắng tìm kiếm một sức bật mới cho hai năm còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Khẩu hiệu “Yes We Can“, với đầy hứa hẹn mà ông Obama đưa ra, trong chiến dịch tranh cử ở nhiệm kỳ một, cách nay 6 năm, giờ đây người dân Mỹ cảm thấy rất xa vời, như đã thuộc về quá khứ.

Vào lúc chính trường Mỹ dường như bắt đầu hướng về cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, ông Obama ở vào tình thế không thuận lợi : Đảng Cộng Hòa chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện. Tất nhiên, ông Obama không phải là vị Tổng thống duy nhất phải “chung sống” với đối thủ của mình.

Trước đây, Tổng thống Dwight Eisenhower, Ronald Reagan, Bill Clinton, George W. Bush đã từng rơi vào hoàn cảnh này trong những năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Mitch McConnell, người sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Thượng viện, tối qua, đã trấn an : « Chúng ta có nghĩa vụ phải cùng nhau làm việc khi chúng ta còn có thể đồng thuận được với nhau » và nói thêm rằng ông không muốn lao vào một cuộc « xung đột triền miên » với đảng Dân Chủ.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện, dân biểu đảng Cộng Hòa John Boehmer, nhắc nhở Tổng thống Obama là trong hai năm cuối cùng của nhiệm kỳ, nên đưa ra các quyết định phản ánh quan điểm của cả hai đảng.

Thế nhưng, theo giới phân tích, có rất ít các hồ sơ đạt được sự đồng thuận của cả hai đảng. Sử gia Douglas Brinkley, thuộc Rice University (Houston, Texas), nhận định rằng trong hai năm còn lại, Nhà Trắng và Nghị viện sẽ hầu như không thể đạt được đồng thuận trong những vấn đề quan trọng.

Mặt khác, tương quan lực lượng mới này không thể ngăn cản ông Obama hành động. Chuyên gia Brinkley giải thích : Tổng thống có thể mở rộng quyền hành pháp, điều hành qua các nghị định. « Các Tổng thống thông thường dè dặt sử dụng quyền này trong nhiệm kỳ đầu, kể cả trong sáu năm đầu tiên, bởi vì họ luôn luôn hy vọng đạt được đồng thuận với Nghị viện ».

Hồ sơ nhập cư – một vấn đề nhậy cảm và mang tính biểu tượng – sẽ nhanh chóng cho thấy rõ quan hệ căng thẳng giữa Nhà Trắng và các nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ. Sau khi trì hoãn một lần, ông Obama đã tuyên bố là từ nay đến cuối năm sẽ có quyết định về hồ sơ này, vì không thể tiếp tục ngồi chờ đợi ý kiến Quốc hội.

Nghị định của Tổng thống sẽ cho phép hợp lệ hóa quy chế định cư cho một bộ phận trong số 11 triệu dân nhập cư, vốn sinh sống và làm ăn từ lâu nay tại Hoa Kỳ, nhưng luôn bị đe dọa trục xuất.

Trong lĩnh vực đối ngoại, cho đến hết nhiệm kỳ Tổng thống, ông Obama sẽ phải bận tâm với hai hồ sơ lớn : Đó là cuộc khủng hoảng Ukraina và sự phát triển của lực lượng thánh chiến thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tại Irak và Syria.

Tuy nhiên, ông vẫn có hy vọng đạt được kết quả cụ thể trên ba hồ sơ quan trọng khác, trước khi rời Nhà Trắng : Thỏa thuận về hạt nhân với Iran, ký kết hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, bao gồm 12 nước (không có Trung Quốc) và một thỏa thuận trên phạm vi thế giới đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, vào cuối năm 2015, nhân Hội nghị tại Paris.

Trên mỗi hồ sơ này, Tổng thống Obama sẽ phải vất vả tìm kiếm sự đồng thuận của Nghị viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát và điều này có thể thúc đẩy nguyên thủ Mỹ bỏ qua Nghị viện và ban bố nghị định. Ví dụ, việc phê chuẩn thỏa thuận về khí hậu đòi hỏi phải có sự chấp thuận của hai phần ba số Thượng nghị sĩ. Đây là điều bất khả trong hoàn cảnh hiện nay và chính quyền Obama có thể sẽ sử dụng một thủ tục pháp lý khác để vượt qua rào cản này.

Chính vì thế, sử gia Brinkley cho rằng, trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại, không nên vội vã sớm tổng kết nhiệm kỳ của ông Obama, vì “ông còn hai năm để thể hiện dấu ấn của mình”.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt