Nửa thế kỷ phủ nhận hiện tượng trái đất bị hâm nóng

Hiệu ứng nhà kình là một thực tế liên tục bị phủ nhận trong nhiều thập niên

Thượng đỉnh khí hậu sẽ khai mạc ngày mai, thứ Hai 30/11/2015 tại Paris. Đe dọa khủng bố đè nặng lên sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nhân loại là quan tâm xuyên suốt các báo ra cuối tuần, 28/11/2015. “Paris được bảo vệ cao độ vì COP 21” là tựa lớn trang nhất Le Figaro. Libération chạy tựa chính: “Thượng đỉnh bị siêu bao bọc”. Chủ đề chính của Phụ trương Văn hóa & Tư tưởng của Le Monde: “An ninh và các quyền tự do: thế nào là cân bằng ?”. Hiểm họa khủng bố cao độ không ngăn cản báo chí dành chú ý đặc biệt cho khí hậu. “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” là tựa đề hồ sơ chính của phụ trương Le Monde.

Đại diện gần 200 quốc gia hội tụ tại Paris để tìm một đồng thuận toàn cầu nhằm giảm khí thải carbon (Co2), ngăn chặn tốc độ Trái đất bị hâm nóng, với mục tiêu chung không để nhiệt độ tăng quá 2°C. Việc chính quyền các nước cuối cùng chấp nhận ngồi vào bàn thương lượng về mục tiêu chung nói trên là kết quả của những nỗ lực vô cùng bền bỉ. Bài “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” của Le Monde thuật lại một vài nét lớn của quá trình vô cùng gian nan này.

Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” mở đầu với một thời điểm lịch sử: năm 1988, khi nước Mỹ phải đối mặt với đợt nắng hạn chưa từng có. Đại diện của NASA chuyên về khí hậu thừa nhận: khả năng 99% Trái đất đang bắt đầu bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, phát ra từ các hoạt động của con người. 1988 cũng là năm đầu tiên khối G7, các cường quốc công nghiệp đứng đầu thế giới, yêu cầu Liên Hiệp Quốc lập ra GIEC, Nhóm liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề Trái đất bị nóng lên do các hoạt động của con người được cảnh báo. Thực tế này đã được nhiều nhà khoa học báo động với giới chính trị ngay từ những năm 1950-1960, với nhiều bằng chứng. Người được coi là đã thông báo hiểm họa này đầu tiên trước Quốc Hội Hoa Kỳ là nhà đại dương học Roger Revelle, vào năm 1956. Theo nhà xã hội học Stefan Aykut, đồng tác giả cuốn sách quan trọng “Liệu có thể quản trị được khí hậu ?”, một loạt cảnh báo trong những năm 1960-1970, với các bằng chứng khoa học được tập hợp ngày càng nhiều hơn.

Tính chất nước đôi của các cường quốc

Việc thành lập nhóm GIEC năm 1988 cho thấy các cường quốc muốn quốc tế hóa vấn đề này, tuy nhiên, cùng lúc đó là nỗ lực kiểm duyệt các kết luận khoa học ngay trong chính GIEC. Bản báo cáo đầu tiên của GIEC ra đời hai năm sau đó khẳng định một quan điểm nước đôi: “Việc Trái đất bị hâm nóng là điều có thể dự kiến được, nhưng chưa được xác định một cách chắc chắn”.

Bài “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” cho thấy nỗ lực đạt dến nhận thức chung về hiện tượng Trái đất bị hâm nóng đã liên tục bị ngăn chặn như thế nào. Phải đến năm 1995, cộng đồng quốc tế mới tổ chức được một thượng đỉnh đầu tiên (COP). Và phải đến ba năm sau nữa, thế giới mới đạt được một hiệp ước đầu tiên về khí hậu mang tính cưỡng chế tại Kyoto, năm 1997. Hiệp ước Kyoto được đánh giá là đầu voi, đuôi chuột, bởi chưa bao giờ thể thức cưỡng chế này được cụ thể hóa. Hoa Kỳ – nước phát thải lớn nhất lúc đó – đã không phê chuẩn Kyoto, và một loạt các quốc gia công nghiệp khác cũng từ bỏ.

Trong thời gian đó, lượng khí thải do các nước đang trỗi dậy phát ra tăng lên với tốc độ chóng mặt: năm 2012 tăng gấp ba so với năm 1990, vượt xa khối các nước công nghiệp phát triển (20 tỷ tấn CO2 – trong đó riêng Trung Quốc chiếm khoảng gần ½ – so với 13 tỷ của khối các nước công nghiệp).

Bài “Khí hậu: 50 năm bị phủ nhận” cũng điểm lại những nỗ lực kể từ thất bại của Thượng đỉnh COP 15 tại Đan Mạch, để cộng đồng quốc tế một lần nữa tụ hội trước một cơ hội lịch sử tại Paris, 60 năm sau lời báo động khẩn thiết của Roger Revelle trước Quốc hội Mỹ.

Điểm báo Pháp về Hội Nghị các nước giảm sự hâm nóng của trái đất tại Paris ngày mai.

Trọng Thành (RFI)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt