Nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới nhờ phát minh kỳ diệu: Xét Nghiệm Máu Đơn Giản

Cô Elizabeth Homes

Câu chuyện về quyết tâm của cô Elizabeth Holmes, một thiếu nữ làm thay đổi hẳn kỹ nghệ thủ nghiệm máu. Cô trở thành nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới nhờ phát minh kỳ diệu này
Vào một ngày đẹp trời của tháng Chín, tại phòng hội của Cung Mỹ Thuật San Francisco -Palace of the Fine Arts, San Francisco, cô Elizabeth Holmes đăng đàn đứng diễn thuyết nói chuyện về MÁU.  Cô là đại diện của công ty Theranos trong nhóm TEDMED. Công ty Theranos đóng góp một phần trong chương trình triển lãm về Y Tế, Kỹ Thuật và Hoạ Kiểu. 

Năm nay, cô Holmes được 30 tuổi, hiện là CEO, Chủ tịch của công ty Theranos, một công ty ở Silicon Valley đang làm đảo lộn kỷ nghệ thử nghiệm máu, ngành công nghiệp sinh lợi rất nhiều. Phân tích máu là một phần trong toàn bộ ngành y khoa. Khi một y sĩ muốn kiểm tra vài khía cạnh về tình trạng sức khoẻ của bạn, họ cần phải làm xét nghiệm máu. Nhờ thử máu, y sĩ có thể biết mức cholesterol, mức đường có trong máu, hay tìm ra những chỉ dấu cho thấy thận và gan có vấn đề.  Thông thường khi thử nghiệm máu, người ta phải đâm cây kim dài vào mạch máu, rút máu đầy hai ba ống nghiệm, sau đó gửi đi phòng thí nghiệm phân tích. Tựu chung qúa trình xét nghiệm máu như phân tích, định  bệnh đều do hai công ty thử máu chủ yếu là công ty Quest và Laboratory Corporation of America. Họ kiếm được lợi nhuận khoảng 75 tỉ đô la mỗi năm.

Cô Holmes nói với khán giả dự hội nghị rằng xét nghiệm máu có thể được làm nhanh chóng hơn, dễ dàng hơn, và ít tốn kém hơn. Do đó, nó sẽ giúp cứu thêm nhiều sinh mạng. Đứng trên sân khấu, trước một số đông khán giả, cô Holmes vẫn mặc bộ đồ đồng phục hàng ngày: một chiếc áo cao cổ mầu đen, tương tự như ông Steve Jobs trước đây thường mặc. Tóc của cô chỉ vấn sơ sài thành một nùi tóc để phía sau. Trong lúc thuyết trình, cô có thói quen đi tới đi lui, chậm rãi, trên sân khấu, mắt cô nhìn thẳng, ít khi chớp mắt, hai tay chống nạnh bên hông. Cô Holmes thành lập công ty Theranos vào năm 2003, khi cô mới được 19 tuổi. Năm sau, cô quyết định bỏ học, không học tiếp ở trường đại học Stanford nữa. Cô nói với khán giả rằng từ ngày đó đến nay công ty của cô đã phát minh phương pháp làm thử nghiệm máu mới chỉ cần hai giọt máu chích từ đầu ngón tay là có thể khám phá ra hàng chục căn bệnh, từ mức mỡ cao trong máu đến bệnh ung thư. Hiện nay, công ty Theranos đang  giúp đem phương pháp thử nghiệm máu đơn giản này vào trong bệnh viện. Công ty thảo luận chi tiết với Y Viện Cleveland Clinic. Công ty Theranos đã mở ra 41 trung tâm thử nghiệm máu tại các tiệm bán thuốc của hệ thống Walgreens, và dự trù sẽ mở ra hàng ngàn trung tâm mới nữa. Nếu bạn xuất trình thẻ căn cước, thẻ bảo hiểm y tế, hay giấy giới thiêu của bác sĩ là bạn có thể được thử nghiệm máu ngay tức khắc. (Máu được trích ra từ ngón tay, và gửi đến phòng Lab của công ty Theranos.). Từ mẫu máu xét nghiệm, công ty của cô sẽ phân tích, thực hiện những cuộc xét nghiệm theo tiêu chuẩn Medicare đặt ra với độ chính xác 90%, và ít tốn kém. Thông thường thử nghiệm máu để biết mức cholesterol trong máu phải tốn $50 hay hơn. Công ty Theranos chỉ lấy $2.99 (Hai đô la, 99 xu).

Khi nói chuyện, cô Holmes nói nhỏ nhẹ, gần như là thì thầm. Khi đăng đàn diễn thuyết, cô nói với một cao độ lớn hơn một chút, và giữ nhịp điệu đều đều của người đứng thuyết giảng. Khán giả dự hội nghị TEDMED lắng nghe một cách chăm chú khi cô phân tích sự thiếu xót trong kỹ nghệ xét nghiệm máu. Dịch vụ xét nghiệm máu quá tốn tiền, được thực hiện ở thời điểm, và điạ điểm bất tiện, phải lấy máu bằng ống chích. Cô Holmes kể lại câu chuyện về mẹ cô và bà ngoại cô bị ngất xỉu khi trông thấy  máu được rút ra, cho vào ống nghiệm.

Cô Holmes nghĩ rằng phải làm cách nào để biến việc thử máu trở thành một kinh nghiệm “tuyệt vời”, thoải mái, và công ty Theranos của cô nhắm biến việc thử máu trở thành chuyện bình thường. Cô cho hay có đến 40% hay 60% số người được bác sĩ yêu cầu xét nghiệm máu đã tìm cách thoái thác không đi thử nghiệm vì sợ lấy máu. Nhiều căn bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh phong tình vì giao hợp, và nhiều bệnh thông thường khác có thể chẩn đoán ra ngay nếu việc xét nghiệm máu được làm dễ dàng. Biết bao lần chúng ta nghe bệnh nhân than: “Phải chi tôi biết được mình mắc bệnh từ trước, thì đâu đến nỗi như thế này…”.

Công ty Theranos vừa là một công ty chế tạo máy móc, và làm công việc ngành y khoa. Đây là một công ty tư nhân, mới được sáng lập tại Silicon Valley trong ít năm gần đây. Giáo sư Channing Robertson dạy môn kỷ sư hoá học ở trường Stanford là thành viên trong ban quản trị của công ty nói với chúng tôi: “Trong một thời gian dài, tôi không biết phải mô tả cho vợ tôi ra sao, để bà ấy hiểu công ty của tôi làm cái gì.”. Trong ít tháng gần đây, cô Holmes đi thuyết trình tại nhiều nơi về công ty Theranos, giống như tại hội nghị TEDMED . Các nhà đầu tư ước tính giá trị của công ty Theranos vào khoảng hơn 9 tỉ đô la. Cô Holmes làm chủ hơn 50% cổ phần của công ty. Cả hai tạp chí tài chánh Fortune và Forbes  đều liệt kê cô là nữ tỉ phú trẻ tuổi nhất thế giới, khởi đầu sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Trong hội đồng quản trị của công ty Theranos, người ta thấy có mặt những nhân vật nổi tiếng trong chính phủ trước đây: ông George P. Shultz, Henry Kissinger, Sam Nunn, và ông William H. Foege, cựu giám đốc trung tâm kiểm soát, phòng ngừa bệnh dịch. Bác sĩ Delos M. Cosgrove, Chủ tịch, kiêm Tổng Giám Đốc Y viện Cleveland Clinic. Ông này hết lòng ủng hộ công ty Theranos. Ông nói: “Tôi cho rằng công ty là một thành công bộc phá trong y tế. Nó thể hiện một thay đổi quan trọng trong việc chăm lo sức khoẻ cho người dân.”.

Sự thăng tiến của công ty xảy ra đúng vào lúc đa số người tiêu thụ hăm hở muốn biết tài liệu thông tin riêng tư của mình. Những công ty như 23andme giúp người ta tìm hiểu về DNA của mình, các loại smartphone giúp người dùng đo được nhịp đập của tim. Trong buổi thuyết trình, cô Holmes giải thích: “Tất cả công việc tôi muốn thực hiện khi lập ra công ty Theranos nhằm đưa ra định nghĩa lại về cơ cấu của thủ tục định bệnh. Tôi muốn mọi người đều có thể tìm hiểu về căn bệnh mình có trong người, không bắt buộc họ phải có tiền hay không. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể tìm hiểu về bệnh trạng của mình.”. Bác sĩ Grove tiên đoán rằng rồi đây việc thử nghiệm máu để tìm biết về những căn bệnh thông thường sẽ do cả bệnh nhân lẫn bác sĩ yêu cầu thực hiện. Những triệu chứng như mức cholesterol, mức đường có trong máu là những vấn đề rất thông thường, người có bệnh cứ việc ghé qua cửa hàng dược phẩm của CVC, Walgreens, hay Walmart là làm được. Dễ dàng như vậy, nên sẽ tạo ảnh hưởng rất lớn trong ngành y khoa.

Nhưng việc thu thập, và tiết lộ tài liệu y khoa của mỗi cá nhân là điều cơ quan US Food and Drug Administration muốn đặt ra giới hạn. Năm ngoái cơ quan FDA đã cấm công ty 23andme phổ biến tin tức cá nhân, sợ rằng tin tức đó bị lạm dụng, dùng sai với mục đích của nó. Ông Lakshman Ramamurthy, một nhà sinh vật học, trước đây từng làm phó giám đốc cơ quan  FDA cho rằng tư liệu y khoa không phải là một mặt hàng tiêu dùng, phải dùng thông tin đó cho mục đích y khoa, dùng để chữa trị căn bệnh, không thể phổ biến bừa bãi được.”.

Cô Holmes phản biện lại lập luận trên, cô cho rằng công ty Theranos chỉ muốn bảo vệ công ty của mình, trong lúc thực một công tác duy nhất chỉ công ty Theranos làm được. Cô nói: “Chưa có một công ty nào làm được việc làm như chúng tôi. Chúng tôi tạo ra một thị trường mở rộng cho những ai không muốn bị kim chích vào người để lấy máu xét nghiệm.”.

MỘT NGÀY SAU BUỔI THUYẾT TRÌNH TẠI HỘI NGHỊTEDMED, tôi gặp cô Holmes trong phòng hội của công ty Theranos, một bin dinh nhỏ, một tầng, cách khuôn viên trường đại học Stanford hai dẫy phố. (Từ tháng 11, công ty sẽ dọn đến một khu lớn hơn, cách đó vài dậm). Cô Holmes sống trong một căn condo hai phòng ngủ trong tỉnh Palo Alto, với một cuộc sống hết sức thanh đạm. Mặc dù cô là người đọc sách rất nhiều từ khi còn nhỏ, nhưng bây giờ vì bận rộn quá, cô không còn dành thì giờ để đọc tiểu thuyết, và gặp gỡ bạn bè. Cô cũng chẳng có thì giờ để hò hẹn với ai,.Cô không có truyền hình trong nhà, và từ 10 năm nay cô chưa hề đi nghỉ mát ngày nào. Trong tủ lạnh ở nhà, hầu như trống trơn, cô thường ăn ngay tại văn phòng làm việc. Cô ăn uống rất kỹ, theo lối vegan, tức là chỉ ăn rau qủa, và cá, không ăn thịt. Mỗi ngày cô uống nước cốt xay rau quả gồm dưa leo, pasrsley, rau kale, xà lách, spinach, và celery.

Khi còn thiếu thời, cô Holmes sống với gia đình, và thường xuyên phải dời chỗ ở. Cha của cô, ông Chris làm việc cho chính phủ, phần lớn là cho cơ quan Phát Triển Quốc Tế -US AID, trực thuộc Bộ Ngoại Giao. Ông phải đi công tác nhiều nơi trên thế giới, với nhiệm vụ giúp cứu trợ, xoá bỏ bệnh tật ở nhiều nước khác, và ông phụ trách việc phối hợp nguồn cung cấp nước trên toàn cầu, một bộ phận của cơ quan AID. Mẹ của cô, bà Noel, từng làm việc hàng chục năm cho chương trình ngoại viện và quốc phòng của Quốc Hội Hoa Kỳ, cho đến khi cô Elizabeth và em trai của cô là Christian ra đời. Gia đình dời chuyển chỗ ở vài lần, điều này khieén cho cô Holmes không có một nơi nào để gắn bó lâu dài. Cô thường tự mô tả mình là một lữ hành cô đơn, nhưng rất hạnh phúc. Cái thú du nhất của cô là sưu tầm côn trùng và đi câu với bố.

Nói về con người mình, cô mô tả như sau: “Có lẽ tôi là một người không bình thường. Tôi đọc hết cuốn sách “Moby Dick” từ năm chín tuổi. Tôi đọc hàng trăm cuốn sách, và tôi vẫn tiếp tục ghi chép tất cả những gì mình từng đọc. Điều thích thú nhất trong việc giáo dục con người tôi là cha mẹ tôi, không ai nói với tôi cụm từ “con không thể làm được điều đó”. Cha mẹ tôi tin rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn làm.

Ông nội của cô Holmes là cụ Chris Holmes, một người di dân từ nước Đan Mạch sang Hoa Kỳ. Ông cụ học ngành kỹ sư, sống ở Cincinnati, và sau đó trở thành y sĩ. Khi cô Elizabeth được tám tuổi, ông nội dẫn cháu vào bệnh viện địa phương nơi cụ làm, và cho cháu đi xem khắp nơi. Sau đó, tên của cụ được dùng để đặt tên cho bệnh viện này để tưởng nhớ đến công đức của cụ. Ông bác sĩ kết hôn với con gái của một bệnh nhân, ông Charles Fleischmann. Ông cụ Fleischman  là người đầu tiên sản xuất loại kem sữa đóng hộp, và trở thành giầu có. (Một người cháu của cụ là Raoul Fleischmann từng làm chủ tờ báo lớn hồi năm 1925, chung với ông Harold Ross). Cô Holmes tâm sự rằng tôi lớn lên trong bối cảnh nhiều người trong gia đình làm được những việc vĩ đại, những quyết định đáng kể đem lại nhiều thay đổi cho người khác.”.

Năm 1993, khi Elizabeth được chín tuổi, cha của cô làm phụ tá Tổng Giám Đốc công ty dầu hoả Tenneco ở Houston. Đây là một công ty sản xuất năng lượng rất lớn. Cô biết cha cô cảm thấy áy náy, cắn rứt lương tâm, khi đem gia đình dời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn về Texas. Cô viết cho cha một lá thư để an ủi ông: “Bố đừng lo, điều con muốn làm là phải khám phá ra một cái gì mới, có ích cho đời. Con thấy ở Texas hợp với con lắm. Nơi đây mọi thứ đều to lớn, vĩ đại.”.

Trong vài năm của thập niên 1980, ông Chris Holmes thường phải đi sang Trung Hoa công tác, mỗi chuyến hai tuần, để giúp công ty Mỹ đầu tư vào những dự án lớn ở Trung Hoa. Sau khi gia đình dọn đến Houston một thời gian ngắn, Elizabeth bắt đầu đi học tiếng Quan Thoại. Từ năm lớp 10 ở trung học, cứ hè đến là cô đi học tiếng Tầu. Cô đến trường Stanford, xin lớp Quan Thoại học vào muà hè. Cô gọi điện thoại rất nhiều lần cho văn phòng nhà trường để xin vào học. Nhưng nhân viên nói rằng họ không nhận học sinh trung học.Một hôm chính cha cô gọi điện thoại để hỏi cho ra lẽ. Người đứng đầu chương trình bực mình vì bị quấy rầy nhiều qua, ông trực tiếp trả lời cha con ông Holmes. Ông nói:”Mấy người gọi điện thoại nhiều quá, tôi chịu không nổi nữa. Đâu để tôi trắc nghiệm ngay, thử xem có học nổi hay không.”. Ông ta xoay qua nói chuyẹn với Elizabeth bằng tiếng Quan Thoại, và cô bé trả lời trôi chảy. Thế là ông ta nhận cô bé học sinh trung học vào trường Stanford  học tiến Tầu trong mùa hè. Elizabeth hoàn tất chương trình của sinh viên đại học về môn Quan Thoại khi còn là học sinh trung học.

Năm 2001, khi đang học lớp 12 cô làm đơn xin vào học trường Stanford, và đưoộc chấp nhận ngay. Cô được chọn vào chương trình President’s Scholar, tức là có thêm ít tiền khi làm dự án nghiên cứu. Cha mẹ cô gửi con gái vào học ở trường Stanford, gói theo trong hành trang cuốn “Thiền Học” của Marcus Aurelius, nhắn nhủ cô con gái hãy sống một cuộc đời có mục đích, và có ý nghĩa. Khi vào trường, cô chọn học ngành Kỹ sư Hoá Học. Cô được mời tham gia dự án nghiên cứu của Giáo sư Channing Robertson. Lúc đó ông là khoa trưởng phân khoa kỹ sư hoá học. Năm nay, GS Robertson  được 71 tuổi, dáng cao, gầy, khoẻ mạnh, lúc nào cũng thoải mái, cười tươi. Tôi có dịp ghé thăm ông tại nhà của ông trong khuôn viên trường đại học. Lớp học đầu tiên cô Holms theo học với giáo sư là buổi hội thảo về những loại dụng cụ làm ra để kiểm soát lượng thuốc đưa vào cơ thể con người. Một hôm, GS Robertson kể lại là cô Elizabeth xin ông cho được làm việc trong phòng lab chung với các sinh viên Tiến sĩ. Lúc đầu Giáo sư từ chối, nhưng cô sinh viên năn nỉ quá, ông bèn cho cô vào học. Vào cuối khoá muà Xuân, cô nói với giáo sư cô có ý định đi làm việc mùa Hè ở Gerome Institute bên Singapore. Ông cảnh báo với cô trước rằng muốn học ở viện nghiên cứu này cô phải biết nói tiếng Quan Thoại.

Cô trả lời: “Tôi nói thông thạo tiếng Quan Thoại.”.

Vị giáo sư này nghĩ trong đầu: “Không biết con nhỏ sinh viên này sẽ còn đòi hỏi làm chuyện gì nữa đây?”. Mới là sinh viên năm thứ nhất mà đã vào làm việc trong phòng Lab với sinh viên học Ph.D. Ông cảm thấy hình như ông cứ phải nghe theo đòi hỏi, ý kiến của cô sinh viên trẻ tuổi này, hơn là giảng dạy, hay ra chỉ thị cho cô ta. Rõ rệt cô sinh viên này là một con người khác lạ với đám đông sinh viên.

MÙA HÈ NĂM ĐÓ,  tại Gerome Institute, cô Holmes làm việc trong những xét nghiệm về bệnh SARS, một căn bệnh gây nhiều tử vong ở Trung quốc. Các xét nghiệm được làm theo lối cổ điển, nghĩa là rút máu vào xi ranh, và lấy nước mũi của người bệnh để xét nghiệm. Những phương pháp này giúp tìm ra ai bị vướng bệnh, nhưng cần một phiả có một hệ thống khác để đưa thuốc vào người bệnh, và sau đó là theo dõi kết quả của việc dùng thuốc. Cô Holmes đặt câu hỏi về hệ thống làm việc. Hồi còn học trong trường Stanford, cô đã được học về một phương pháp gịi là lab-on-a chip technology. Kỹ thuật này giúp đo lường một lượng máu rất nhỏ, một chút nước mũi, và số lượng thuốc cần bỏ vào người bệnh, tất cả cho vào một microchip. Do đó, với hệ thống chemical engineering cô đã học cho thấy người ta có thể làm nhiều việc khác nhau trong một phương pháp thật đơn giản.

Trước khi quanh trở về trường Stanford để tiếp tục học, cô Holmes ứng dụng thử phương pháp này bằng cách làm nhiều xét nghiệm khác nhau với cùng một giọt máu mẫu. Sau đó, gửi kết quả thử nghiệm về cho bác sĩ biết. Muà hè năm đó, cô hoàn tất thử nghiệm của mình, và làm đơn xin “patent” bằng sáng chế về việc làm của mình. Cuối cùng bằng sáng chế này được chấp thuận vào tháng 11 năm 2007. Khi trở lại trường, cô đi gặp giáo sư Robertson và nói với ông rằng cô muốn thành lập một công ty riêng. GS Robertson rất thích thú khi nghe cô trình bầy ý kiến này, song ông muốn cô hảy học cho xong văn bằng cử nhân rồi hãy ra lập công ty.

Cô trả lời: “Tại sao phải chờ? Tôi biết rõ tôi muốn làm gì.”.

Cô Holmes giữ ý định thành lập công ty, và quyết chí theo đưởi đến cùng ý kiến này. Cô suy nghĩ: “Mình đã biết mình sẽ làm gì khi ghi danh học những lớp mình chọn. Cha mẹ đã bỏ tiền cho mình học, tại sao mình không làm gì để kiếm ra tiền đền đáp lại công lao của cha mẹ. Mình sẽ dành toàn thời gian để làm việc này.”. Cha mẹ cô cho phép cô dùng toàn bộ số tiền còn lại trong ngân qũi để dành riêng cho cô theo học. Tháng Ba năm 2004, cô xin rút tên ra khỏi trường Stanford. Một tháng sau, cô thành lập công ty Theranos (danh xưng này kết hợp hai chữ “therapy” và “diagnosis” nghĩa là trị liệu và chẩn đoán). Cô thuyết phục giáo sư Robertson dành ra mỗi tuần một ngày làm cố vấn kỹ thuật cho công ty của cô, và trở thành hội viên đầu tiên trong Hội Đồng Quản Trị của công ty. Cuối cùng thì chính ông cũng xin nghỉ dạy học, làm việc toàn thời gian cho công ty Theranos.

Giáo sư Robertson giới thiệu vài nhà đầu tư tư bản, venture capitalist, những người có khả năng thành lập, và phát triển công ty một cách qui mô. Cô đòi hỏi chỉ dùng những tay venture capitalist nào làm đúng theo điều kiện của cô. Trước hết, cô phải làm chủ, nắm giữ quyền kiểm soát công ty. Điều kiện thứ hai là đem hết tiền lời của công ty trở lại cho công ty để phát triển công ty. Đến tháng 12 năm 2004, cô đã gây dựng được vốn tư bản cho công ty khoảng $6 triệu đô la. Cô làm việc với các nhà hoá học, và các kỹ sư đưa đến năm kết quả như sau:1.) Họ có thể lấy máu không cần ống xi ranh. 2.) Làm chẩn đoán từ vài giọt máu. 3.) Các xét nghiệm được làm bằng máy, tự động để tránh những lầm lẫn do con người gây ra. 4.) Làm xét nghiệm nhanh, rút ra kết quả rất nhanh. Và 5.) Làm việc xét nghiệm tốn kém rất ít.

Chìa khoá chính đem lại sự thành công cho công ty Theranos là việc tuyển dụng Sunny Balwani, một kỹ sư nhu liệu điện toán, năm nay được 49 tuổi. Cô Holmes gặp kỹ sư Balwani lần đầu tiên tại Bắc Kinh khi cô còn đang học lớp 12 bậc trung học. Khi đó, Balwani đang học chương trình MBA của trường Berkeley. Ông từng làm việc cho các công ty điện toán lớn như công ty Lotus, và Microsolf. Ông cũng là mợt doanh nhân rất thành công. Từ năm 2004, ông theo học chương trình cao học về điện toán ở trường Stanford. Balwani và Holmes thường hay thảo luận với nhau, học có chung một niềm tin cho rằng ngành nhu liệu điện toán mới giữ vai trò chủ yếu, không phải ngành hoá học hay ngành sinh vật. Nếu công ty Theranos có thể phân tích vài giọt máu được, thì kỹ sư điện toán phải làm ra được nhu liệu để giúp thực hiện việc này. Từ năm 2009, ông Balwani gai nhập với công ty Theranos, giữ vai trò Tổng Giám Đốc. Ông chủ trương: “Điạ bàn hoạt động của chúng tôi bây giờ là phải tự động hoá chu trình xét  nghiệm máu, tự động hoá từ đầu cho đến cuối.”.

CÔNG TY THERANOS TÌM CÁCH GIỮ BÍ MẬT kỹ thuật của mình trong suốt gần mưới năm, kể từ ngày khai sinh, bởi vì công ty này rất ngại vướng vào những trói buộc rắc rối của luật lệ. Phần lớn các phòng thí nghiệm của hai đại công ty chuyên về xét nghiệm máu, công ty Quest và công ty Laboratory Corporation of America đều được trang bị bằng máy móc do các công ty ở ngoài cung cấp, chẳng hạn như công ty Siemens và Roche Diagnostics. Trước khi những trang thiết bị này đưoợc bán cho phòng thí nghiệm họ đều phải được sự chấp thuận của cơ quan FDA, tức là Cơ quan kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm. Đòi hỏi này của luật lệ khiến cho các kỹ thuật xét nghiệm do công ty làm đều dễ dàng lộ cho công chúng biết. Nhưng trường hợp công ty Theranos thì khác, vì họ làm bằng máy móc riêng của họ, nên họ không cần sự chấp thuận của FDA cho đến khi nào họ bán phòng thí nghiệm  cho công ty khác, hay dọn đi nơi khác. Cô Holmes cho biết công ty Theranos tránh không muốn thảo luận về kỹ thuật riêng của công ty, vì cô sợ sẽ bị lộ bí mật nghề nghiệp cho đối thủ biết.

Công ty hiện nay có 700 nhân viên, chưa kể một trụ sở trung ương ở thành phố Newark, California, mộ cơ sở rộng hơn hai tra7m ngàn thước vuông, chuyên sàn xuất máy móc thử máu. Theo cô Holmes, hiện công ty Theranos đang có dư giả tiền mặt luân chuyển, vì thế chắc chắn công ty sẽ bành trướng lớn hơn. Trong nhiều năm, công ty kiếm lời nhờ làm việc chung với các hãng dược phẩm lớn như Pfizer, GlaxoSmithKline. Họ dùng kết qủa thử nghiệm của Theranos để thực hiện trên các loại dược phẩm còn trong vòng thử nghiệm. Công ty Theranos cũng kiếm khá nhiều tiền nhờ việc ra những trung tâm bảo vệ sức khoẻ “wellness centers” trong các cửa tiệm thuốc Walgreens, những nơi làm việc liên quan đến bệnh viện, và các cơ sở quân đội Hoa Kỳ. Cô Holmes không muốn bàn vào chi tiết những cộng tác với phía quân đội.

Năm 2013, Theranos công bố việc cộng tác lâu dài với hệ thống cửa hàng Walgreens, đưa đến việc thành lập các “wellness centers” tại hầu hết 8200 cửa hàng Walgreens. Cửa hàng Walgreens ở Palo Alto có một trung tâm, và cửa hàng ở Phoenix, Arizona cũng có một trung tâm.. Cô Holmes hy vọng sẽ thiết lập tại mỗi cửa hàng Walgreens hay cửa hàng Duane Reade một trung tâm. Như vậy mọi người Mỹ đều có thể đến Theranos ở gần nhà, trong phạm vi năm dậm đường. Theranos dự tính sẽ ký hợp đồng với hệ thống dược phòng CVS, đối thủ cạnh tranh của Walgreens. CVS có khoảng 7800 cửa hàng.

Một hôm, tôi đi đến tiệm Walgreens ở palo Alto để thử máu. Một nhân viên chuyên môn thoa ngón tay tôi, và cánh tay tôi để giúp máu chạy đều, và chùi ngón tay tôi bằng miếng khăn tẩm alcohol để sát trùng. Sau đó, cô lấy ra một họp dụng cụ nhỏ, gồm một kim chích, và một bình chứa nhỏ bằng đồng 10 xu. Cô lấy hai giọt máu từ đầu ngón tay của toi, bỏ vào bình chứa nhỏ xiú, trên đó có ghi mã số. Bình chứa này được bỏ vào trong mộ họp lớn đông lạnh, chờ người khác đến đem về phòng thí nghiệm của Theranos, cách đó vài dậm. Công ty cử người đi nhận hàng đem về phòng thí nghiệm của Theranos ba lần mỗi ngày.

Phòng thí nghiệm của công ty là một nơi làm việc khá lớn, sặc mùi thuốc sát trùng, nơi đó có nhiều nhân viên cán sự hoá học làm việc bận rộn suốt ngày với hàng trăm dẫy máy móc. Các bình chứa mẩu máu cần thử nghiện được đem về đây. Những công tác của máy làm việc đây là một bí mật chuyên môn mà công ty Theranos giữ kín. Cô Holmes chỉ mô tả một cách chung chung là: “Một loạt các thử nghiệm hoá học được sử dụng để tìm ra những phản ứng, tín hiệu, do hai giọt máu mẫu đem lại. Chúng tôi có thể làm được rất nhiều thử nghiệm với hai giọt máu nhờ kỹ thuật của ngành khoa học tự động, và kỷ nghệ vi tiểu phân tích máu từ đơn vị rất nhỏ.”.

Công ty Theranos thành công cũng một phần nhờ vào uy tín của một hội đồng quản trị gồm nhiều nhân vật nổi danh trong chính quyền. Cựu Ngoại trưởng George Schultz, một cư dân ở Palo Alto, từng phục vụ trong bốn nội các với nhiều chức vụ khác nhau, như  Bộ trưởng Tài Chánh, và Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Shultz năm nay được 93 tuổi, và là một học giả của Viện Hoover Institution. Lần đầu tiên cô Holmes gặp ông Shultz vào năm 2011. Cô kể lại là cuộc hẹn dự trù kéo dài chừng 10 phút, rút cuộc trở thành buổi họp kéo dài hai tiếng đồng hồ.

Ông Shultz đồng ý ngồi vào Hội Đồng Quản trị và họp với cô Holmes mỗi tuần môt lần. Ông giới thiệu cô Holmes với một số nhân vật quan trọng khác như bác sĩ Bill Frist một chuyên gia gỉai phẫu tim, và trước đây cũng là một Thượng Nghị Sĩ chủ tịch nhóm thiểu số Cộng Hoà. Cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger, Thượng Nghị Sĩ Sam Nunn, một TNS Dân chủ từng làm Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng trong Thượng Viện. Ông William J Perry, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng, và ông Richard Kovacevich, cựu Chủ tịch ngân hàng Wells Fargo. Tất cả đều được hưởng thù lao bằng cổ phiếu của công ty Theranos. Ông Henry Kissinger năm nay 91 tuổi, nói với chúng tôi về cô Holmes: “Cô ấy có tinh thần đạo đức làm việc đáng khen, và rất thực tế. Tuy mới chỉ có 19 tuổi, nhưng cô ta hiểu rất rõ công việc của công ty.”.

Hầu hết các vị trong HĐQT đều hài lòng, và thích làm việc với cô Holmes nhờ sự nhiệt tình và duyên dáng của cô. Cô là người chịu khó lắng nghe, và cô sẵn sàng đưa ra những ý kiến táo bạo. Nhân viên dưới quyền rất sợ về phản ứng của cô, không biết lúc nào cô sẽ nổi cơn giận, lớn tiếng. Ông Perry so sánh cô với ông Steve Jobs, chủ nhân công ty Apple như sau: “Nhiều người nói rằng cô là một chủ nhân kiểu ông Steve Jobs, nhưng tôi không đồng ý. Steve Jobs là thiên tài, song ông ta thiếu thái độ nhân ái của cô Holmes. Cô cũng là một thiên tài, song có tấm lòng tốt bao la.”

Cô Holmes cho biết trong số 12 thành viên HĐQT, cô cố gắng tìm người thuộc nhiều điạ hạt khác nhau. Khi tôi hỏi cô vì sao không có phụ nữ trong HĐQT, cô mỉm cười nói: “Thì có tôi, đại diện cho phụ nữ rồi.”. Thành phần HĐQ được phân chia đồng đều giữa các nhân vật dân cử, công chức liên bang, và viên chức cao cấp trong quân đội. Ngoài TNS Bill Frist là một y sĩ, còn có Bác sĩ William Foege, cựu giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch toàn quốc.Cô Holmes còn lập ra một ủy ban đặc nhiệm chuyên phụ trách những vấn đề y khoa, do Bác sĩ David Helfet, Giám đốc trung tâm phục hồi ở bệnh viện New York lãnh đạo. Ông là  y sĩ chuyên chữa trị những trường hợp chấn thương, hôn mê. Tôi hỏi cô Holmes phải chăng HĐQT thành hình như vậy là để tìm kiếm nhiều hợp đồng với chính phủ hay chăng? Cô trả lời: “Chúng tôi không có hợp đồng với chính phủ. Tôi chưa bao giờ xin hợp đồng với chính phủ, và tôi không dự tính làm chuyện đó.”

Công ty Theranos thú nhận họ thu hoạch nhiều lợi nhuận nhờ vào quân đội, nhưng cô khẳng định công ty cộng tác với quân đội nhiều chỉ vì công ty Theranos muốn cưú sống nhiều nhân mạng, những chiến sĩ trong  quân đội, chỉ có thế thôi. Cô nói thêm rằng cho đến nay công ty của cô tính tiền rất hạ, thấp hơn mức ấn định của chính phủ rất nhiều. Cô cho rằng người nào nói công ty của cô vận động hành làng để có hợp đồng với chính phủ, đó là một sự lăng nhục, nói xấu không căn cứ. Cô coi những nhân vật trong HĐQT là người cộng tác giúp cô hoạch định sách lược cho công ty. Ông Kovacevich cho biết ông đem lại nhiều mối kinh doanh cho công ty vì ông biết nhiều về hệ thống bán lẻ. Ông nói với tôi: “Tôi quen với hầu hết các CEO của hệ thống bán lẻ.”. Chẳng hạn như các ông Gregory D. Wasson, CEO của hệ thống Walgreens. Tiến sĩ Kissinger khuyên cô Holmes nên tập trung vào việc xây dựng nền móng của công ty ở trong nước Mỹ, sau đó mới đưa sang những nước đang phát triển. Theo ông, làm như vậy để không bị hiểu lầm là chúng ta đem thân xác các nước kém phát triển ra làm vật thí nghiệm.

CÔ HOLMES VÀ HĐQT NHẤN MẠNH ƯU THẾ KỸ THUẬT TỐI TÂN CỦA CÔNG TY, cô so sánh công ty Theranos với các công ty xét nghiệm máu lớn như công ty Quest Diagnostics. Theo cô, kỹ nghệ xét nghiệm máu từ trước đến nay có xu hướng: “độc đoán, ra lệnh cho bá tánh phải làm cái gì, chỉ vì họ có những dàn máy móc vĩ đại.”. Bác sĩ Frist nhận xét: “rõ ràng kỹ nghệ xét nghiệm máu hiện vẫn cố tình muốn duy trì lề lối làm việc cũ. Đó là kỹ thuật cổ lỗ hũ, có từ thời 1940.”

Ông Nigel Clarke, Giám đốc Nghiên Cứu Khoa Học của công ty Quest không đồng ý với lời chỉ trích của công ty Theranos. Hồi cuối tháng Chín, chúng tôi ghé thăm ông tại trung tâm thí nghiệm của hãng Quest ở gần phi trường Teterboro, New Jersey. Ông cho tôi biết hãng Quest điều hành khoảng 30 phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ, ở rải rác trên toàn quốc, thực hiện khoảng 6 triệu cuộc xét nghiệm mỗi năm. Công ty Theranos chỉ đặt mục tiêu thực hiện khoảng 1 triệu xét nghiệm trong năm 2015, và họ có bốn ngàn chiếc xe đi nhận và giao hàng mẫu máu để đem về xét nghiệm. Dàn máy xét nghiệm của Theranos gọn nhẹ, kích thước chỉ bằng một chiếc xe SUV. Ông Clarke thú nhận dàn máy của hãng Quest vào hàng cổ điển của thời 1940, nhưng theo ông dàn máy này rất tốt và quí như những chiếc xe cổ đắt tiền Lamborghini. Ngày nay, công ty chỉ lấy đầy hai ống nghiệm máu là đủ để làm thí nghiệm.

Bác sĩ Frist và cô Holmes khoe rằng việc làm của công ty Theranos được tự động hoá tinh vi, từ giai đoạn lấy máu, đóng dấu mã số, và xét nghiệm, đều được làm bằng máy, tự động, và ở những điạ điểm thuận tiện. Do đó, công chúng không còn e ngại khi cần làm xét nghiệm máu. Hiện nay tỉ lệ người bỏ không làm xét nghiệm máu lên đến 30% hay 40% vì lấy bị lấy nhiều máu bằng kim chích, và phải đến bệnh viện, hay phải đến trung tâm xét nghiệm ở xa nhà. Ông Clarke phản biện rằng thực ra chỉ có khoảng 30% công chúng từ chối không làm xét nghiệm máu. Ông tin rằng lấy máu qua mạch máu chính xác hơn là lấy máu từ đầu ngón tay.

Khi được hỏi về hồ sơ hậu kiểm việc làm xét nghiệm của công ty Theranos, cô Holmes cho biết việc làm của công ty được rất nhiều cơ quan, bệnh viện kiểm tra lại. Họ chấp nhận phương pháp lấy máu ở đầu ngón tay. Hiện nay, Công ty Theranos được 48 tiểu bang cấp giấy phép cho hoạt động, hai tiểu bang còn lại đang chờ cứu xét.

Việc  công ty Theranos từ chối chia sẻ kết quả xét nghiệm, và trình bầy kỹ thuật làm việc của máy xét nghiệm khiến cho cơ quan FDA hoài nghi. Thông thường FDA đòi áp đặt những nguyên tắc cứng rắn nếu một ty xin chấp thuận để bán một loại sản phẩm. Nhưng trong vấn đề xét nghiệm máu việc lấy máu từ ngón tay không bị áp đặt những tiên chuẩn cứng rắn.

Cô Holmes cho biết công ty Theranos sẵn sàng hoan nghênh việc kiểm tra, giám sát của chính phủ. Theo cô việc FDA đóng dấu chấp thuận việc làm của công ty Theranos cho thấy chất luợng tốt của sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Eric Topol, Giám đốc viện khoa học Scripps Translationl Science Institute ở La Jolla, California: nếu như công ty Theranos công khai nói rõ kỹ thuật xét nghiệm của mình hẳn là đồng nghiệp trong ngành cảm thấy thoải mái hơn, và không coi công ty Theranos như một đe doạ.

CÔNG TY THERANOS GÂY QŨI ĐƯỢC HƠN 400 TRIỆU từ nhiều nhà đầu tư khác nhau, trong đó có cả chủ nhân công ty Oracle, ông Larry Ellison. Cô Holmes tin rằng thị trường xét nghiệm máu hiện đang ở mức 75 tỉ đô la, có thể tăng lên đến mức 200 tỉ đô la nếu công chúng được tự ý đi thẳng đến cửa hàng dược phẩm, yêu cầu thử nghiệm máu để biết mức cholesterol có trong máu, biết xem mình có mang thai hay không, và nhiều vấn đề y khoa thông thường khác. Cho đến nay, hầu hết các yêu cầu xét nghiệm máu phải do bác sĩ giới thiệu. Cô Holmes cho rằng điều này sẽ phải thay đổi. Cô cho biết  ở Hoa Kỳ có những tiểu bang  cho phép người dân tự ý đi làm xét nghiệm máu. Song cũng có nhiều tiểu bang cho rằng bất hợp pháp khi có người đòi hỏi tài liệu căn bản về thân thể của họ.

Trong bài thuyết trình của cô Holmes, khi nói về ky thuật làm xét nghiệm, cô Holmes gặp khó khăn khi trình bầy, cô tỏ ra thiếu rõ ràng khi nói rằng công ty Theranos cố gắng đạt nhiều kết quả trong lãnh vực y tế phòng ngừa. Trong lần hội thào của TEDMED, cô nói cho mọi người biết bệnh tiểu đường là một căn bệnh gây tốn tiền y tế rất nhiều, mọi người có thể tránh được bệnh này nếu biết thay đổi lối sống. Tuy nhiên theo cô, hiện đang có khoảng 80 triệu người Mỹ đang ở giai đoạn “pre-diabetic”, sắp bị b5ênh tiểu đường, và có đến 90% số người này không hay biết mình đang ở giai đọan “tiền tiểu đường.”. Họ không biết vì họ không đi khám bác sĩ, hay vì họ không đi làm xét nghiệm máu, hay cả hai. Chính vì vậy, công ty Theranos muốn biên việc xét nghiệm máu trở thành một việc đơn giản, không đau đớn, thành một tài liệu dễ làm để bác sĩ và bệnh nhân dùng nó làm tài liệu để thảo luận, chữa trị.

Cô Holmes khẳng định, công ty Theranos chỉ xin đóng vai trò phụ giúp bác sĩ, không hề có tham vọng thay thế bác sĩ. Cô nói với tôi: “Khi kết quả xét nghiệm cho thấy có điều bất thường, đa số công chúng đều muốn đi chữa bệnh trong người.”. Nhiều người đặt câu hỏi công ty Theranos muốn làm gì?. Chúng tôi chỉ muốn thực hiện một nửa đầu của phương trình, tức là phần khám phá – detection- ra những gì trông thấy trong xét nghiệm máu, phần còn lại là phương pháp trị liệu – therapy- , chúng tôi để cho bác sĩ và bệnh viện.

Thử nghiệm máu không cần toa, hay giấy giới thiệu của bác sĩ, sẽ đưa đến một loạt những câu hỏi như: “Liệu công ty bảo hiểm có chịu trả cho chi phí xét nghiệm máu do bệnh nhân yêu cầu hay không?”. Bác sĩ Bruce Deitchman, một chuyên gia trong Hiệp Hội Y Khoa Mỹ cho rằng công ty bảo hiểm cần phải tra tiền theo tiêu chuẩn của Medicare ấn định. Câu hỏi kế tiếp là liệu công ty Theranos có nhất định đòi bác sĩ phải theo dõi, và cấp cho người bệnh một bản riêng để làm tài liệu hay không? Bác sĩ Deitchman cho rằng bác sĩ là người có trách nhiệm phải theo dõi kết quả thử máu, để chữa trị cho bệnh nhân, và người bệnh cũng nên tham dự, thảo luận việc chữa bệnh của bác sĩ để đem lại kết quả tốt.

Mọt số chuyên gia tin rằng rồi đây sẽ có những thay đổi trong ngành y tế, những gì công ty Theranos tiên đoán là điều không thể tránh được.  Bác sĩ Andy Ellner Giám đốc Primary Care của trường Y Khoa Havard nói: “Bất kể bác sĩ, chuyên viên y tế nghĩ thế nào, song sẽ nhiều thay đổi tương tự xảy ra trong ngành y tế.”. Riêng vấn đề xét nghiệm máu cho bệnh tiểu đường, quả thực đây là điều tốt, song nó không mang tính chất quyết liệt, thiết yếu như mổ tả ở trên. Giá trị đích thực của xét nghiệm máu trong thời kỳ pre-diabetic chẳng qua chỉ để nói với người bệnh rằng ông hay bà đang có vấn đề về mức đường trong máu. Vì vậy, ông bà nên tập thể dục nhiều hơn, và thay đổi cách ăn uống hàng ngày.

Trong lúc theo đuổi thực hiện kế hoạch lâu dài trong tương lai của công ty Theanos, cô Holmes sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Trước hết là vấn đề hệ thống cung ứng tiếp liệu. Em trai của cô Holmes, cậu Christian, tốt nghiệp ngành quản trị ở đại học Duke, vào làm cho công ty được ba năm, hiện đang giữ chức giám đốc quản trị bộ phận sản xuất, nói rằng công ty Theranos cần phải làm nhẹ, cắt giảm hệ thống cung ứng tiếp tiệu, nếu không sẽ bị khai tử. Một điểm khác nữa là kỹ thuật “miniaturization” (thử nghiệm vật thể rất nhỏ) hiện đang bị những phát minh mới cạnh tranh gay gắt. Nhiều công ty đang tìm cách làm những xét nghiệm không cần dùng kim chích. Họ sẽ dùng tia lasers, oximetry, biosensor, và medical image ví dụ như máy MRI’s.

Cô Holmes nói rằng cô ý thức rất rõ những khó khăn này, kỹ thuật mới có thể đánh gục công ty Theranos bất cứ lúc nào. Cô nói: “Chúng tôi tập trung rất nhiều vào vấn đề khi nào việc làm của chúng tôi sẽ bị gián đoạn. Thực tế cho thấy ở Silicone Valley này có rất nhiều khám phá mới làm thay đổi cả thế giới. Và chính những khám phá đó một ngày nào đó sẽ bị đào thải.”

VÀO MỘT BUỔI XẾ CHIỀU  tháng Chín, cô Holmes lái xe từ Palo Alto lên phi trường San Francisco. Ở đây cô có sẵn một máy bay bảy chỗ ngồi hiệu Gulfstream 150, đưa cô đi Chicago. Đến Chicago, cô sẽ thuyết trình trước một ủy ban, sau đó, cô sẽ bay đi Cleveland để dự phiên họp tại Y viện Cleveland Clinic. Cô Holmes thường đi công tác một mình. Thành viên trong Hội Đồng Quản Trị lo ngại cho cô. Ông Geroge Schultz có lần nói với tôi: “Nhà tôi và tôi nghĩ rằng chúng tôi có trách nhiệm phải mang cô bé này ra khỏi công ty để cô ấy nghỉ ngơi một chút.”. Họ mời cô Holmes đi xem hát, coi phim xi nê, tổ chức sinh nhật 30 tuổi cho cô tại nhà của họ. Hôm đó có cha mẹ cô, cậu em trai, ông Balwani, Giáo sư Roberson và vài thành viên khác trong HĐQT, mang theo các bà vợ đến dự tiệc. Ông Henry Kissinger và bà Nancy vợ ông tìm cách giới thiệu một bạn trai cho cô, nhưng chưa có kết quả. Thân mẫu của cô có ý hơi lo. Bà nói: “Là mẹ của Liz, tôi mong có ngày nào đó cháu sẽ dành ít thì giờ cho riêng mình.”

Mối lo của bà mẹ bay theo gió khi cô con gái yêu đang bay trên trời cao trên chiếc máy bay riêng. Trên đó, cô ngồi uống nước rau quả màu xanh. Cô nói với tôi: “Tôi đã làm một số việc, đang làm một vài việc, và sẽ làm những việc đem lại ích lợi cho người, cho đời. Tôi thà là sống một cuộc đời có mục đích, hơn là có đủ thứ mà không có mục đích.”. Rồi cô mỉm cười nói với tôi: “Tôi nghĩ tôi vẫn còn trẻ lắm.”

Bài tường thuật của Ken Auletta trên THE NEW YORKER  ngày 12/2014

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt